Khuyến mãi là tên một chuyến du lịch được gọi bằng cái kiểu ngôn ngữ rất chợ búa của con dâu ông Quyền. Ông nhái con dâu nhưng vẫn phải nói để con trai ông hiểu. Đây là chuyến du lịch mà hội cựu chiến binh cả huyện hằng mơ ước. Doanh nghiệp Phi Xuân đài thọ hoàn toàn. Dùng từ “đài thọ” con nhé. Mày có ăn có học đến nơi đến chốn thì phải khác chứ. Đùa đâu thì đùa. Chứ chuyến du lịch “dối già” này vô cùng ý nghĩa. Thăm lại chiến trường xưa, thăm nghĩa trang liệt sỹ, kết hợp viếng mộ Đại tướng. Hiểu chưa con? Đừng làm bố buồn.

 Đoàn cựu chiến binh huyện chuyến này đăng ký bốn hai người. Đi hẳn con xe giường nằm bốn lăm chỗ. Rộng rãi thoải mái. Từ trước tết, bà Quyền đã chuẩn bị cho chồng thêm bộ cánh mới. Khăn ấm, tất chân. Giấy ướt. Lọ ruốc thịt. Lọ lạc rang và cả lọ măng ớt. Nết ăn của ông, bà rõ hơn ai cả. Sơn hào hải vị bằng giời ông cũng chả thiết. Ăn cơm thì chỉ cần tí mắm ớt, tí ruốc rắc vào cơm, trộn lên như cơm trẻ con, lấy thìa xúc. Thế là xong. Uống rượu thì dăm hạt lạc rang cũng xong. Ông thấy bà chu đáo thì ấm lòng lắm nhưng vẫn ra bộ không cần bà chỉn chu quá mức. Bà cứ thế, ông thấy mình chả khác thằng Thuận với cả con thằng Thuận. Ông xuê xoa. Tôi chỉ cần lọ măng ớt thôi. Nhưng bà không cắt giảm tiêu chuẩn, lại còn tăng thêm một hộp lương khô với mấy cốc mỳ ăn liền. Chứ mình ông ăn chắc. Còn những anh em ở cùng phòng nữa chứ. Xa nhà là phải chu đáo. Họ đài thọ hết rồi, mình không đói khát gì nhưng nhỡ lúc mải chén chú chén anh, không ăn được, đêm về, kiến bò bụng, ngủ làm sao? Giời ạ. Tôi đi có ba đêm bốn ngày thôi. Đường sá bây giờ đẹp như lụa. Mà bà cứ tưởng như tôi đi đánh trận không bằng.

Minh họa: Hoàng Hải Thọ

Suốt cả cái tết ông cứ nhấp nha nhấp nhổm. Vì lịch là mùng tám tết lên đường. Riêng xóm này đã đóng góp cho đoàn bốn thành viên mà ông  “tươm” nhất vì chỉ phải giỗ có một bên cánh tay. Còn mấy ông kia, thương ít, tật nhiều, dặt dẹo lắm. Nhưng đến là “máu”. Khí thế phừng phừng cứ như tân binh lên đường nhập ngũ ngày nào. Ông Quyền lận lưng trọn cái tháng lương chế độ loại hai là hơn ba triệu. Cộng với bà dấm dúi đài thọ thêm một triệu. Cộng với các con mừng tuổi. Sơ sơ, ông có hơn bảy triệu. Lâu lắm, ví ông mới căng thế. Đầu Xuân mà lại. Sảy nhà ra thất nghiệp. Cứ dự phòng vào đấy, không chi dùng hết thì đem về. Chúng nó, bọn thanh niên ý, đầu năm, công du, tư du thắng cảnh danh lam. Các bà thì đền chùa miếu mạo. Còn cánh tớ. Đi thăm chiến trường cũ, mảnh đất thấm máu đồng đội. Chả ý nghĩa gấp vạn lần ấy à!

Thế rồi, cái ngày mong chờ đã đến. Tất cả, đúng năm giờ sáng có mặt ở nhà văn hóa từng thôn. Xe đến tận nơi đón. Ông khỏe chân thì leo lên tầng trên, ông yếu chân thì nằm tầng dưới. Phụ nữ với mấy bà thanh niên xung phong nằm phía trước cho đỡ say. Cả hành trình đầy ắp tiếng cười. Chuyện trò rôm rả. Xem ra, còn tán khỏe thế thì chả lo chuyến này là chót đâu. Tay phụ xe nói nếu các cụ đồng ý, sang năm cháu tổ chức một chuyến đi Lào.

Đêm đầu tiên, đoàn dừng một tỉnh miền Trung, ngay tại thành phố biển xinh đẹp sầm uất. Phòng rộng, hai giường, giường nào cũng to. Bốn ông lăn lộn thoải mái, truyện trò thâu đêm. Dư âm về buổi thăm viếng mười cô thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc khiến những tiếng cười ít đi nhưng những câu chuyện về quá khứ cứ dài mãi ra và trở nên sâu lắng hơn bao giờ hết. Ở phòng nữ thanh niên xung phong. Một bà mở cái bài hát “Cúc ơi” do cô hướng dẫn chỉ cách cho trên điện thoại được con gái cho mượn, cả đoàn mười ba thành viên nữ chụm vào nghe. Ai nấy nước mắt nước mũi đầm đìa thương cảm. Sáng hôm sau lại lên đường. Cứ như thế. Đến mộ Đại tướng rồi thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn, tượng đài Buôn Mê Thuột. Cả hành trình đầy những tiếng nức nở, ngậm ngùi, cả những đớn đau, tiếc nuối không kết thành lệ. Ăn uống thì chả đáng bao nhiêu vì già hết cả rồi. Mâm cơm dọn ra rau nhiều thịt ít, mát hết cả ruột, đúng với mong muốn của mọi người. Ông Quyền cũng chia sẻ với đồng đội của mình những thứ bà chuẩn bị cho. Người đại diện doanh nghiệp dẫn đoàn đi là một cô gái còn trẻ, trạc tuổi con dâu ông. Cô ăn nói hết sức ý nhị và vui vẻ. Sáng nào cũng đi gọi từng phòng hỏi các bác ngủ có ngon không? Bữa nào cũng hỏi các bác có ngon miệng không? Các bác có mệt không? Hay chúng ta đi chậm lại, về muộn một ngày cũng không sao ạ. Các ông xua tay. Thôi, từng này con người ăn ở một ngày, tốn kém lắm. Các bác mãn nguyện lắm rồi. Chết cũng nhắm mắt được rồi. Lên những bậc đá, cô thường dìu ông Vận, thương binh cụt chân lộc cộc cái nạng gỗ. Thi thoảng cô rút khăn tay lau mồ hôi trên trán một bác già. Ai cũng cảm động. Không ít người ao ước. Giá mình có đứa con ngoan ngoãn nết na và tốt bụng thế. Ngày trở về là ngày có rất nhiều kỷ niệm. Sau bữa ăn trưa, cô hướng dẫn nói. Vì sợ ảnh hưởng đến lịch trình của cả đoàn nên chúng cháu không dám đưa các bác đến chợ mua sắm được. Chúng cháu rất áy náy. Tuy nhiên, giờ đã về đến thành phố rồi, nội nhật hôm nay sẽ tới nhà. Cháu mời tất cả các bác đến thăm gian hàng của doanh nghiệp cháu. Tại đây, các bác có thể tham quan, trải nghiệm, tham khảo các sản phẩm hữu ích cho sức khỏe cá nhân cũng như người thân. Nếu các bác thấy hài lòng, thì chúng cháu sẽ bán cho các bác với giá ưu đãi…Cả đoàn hưởng ứng. Tốt quá, đằng nào chúng tôi cũng cần mua quà. Cô hãy để chúng tôi ủng hộ doanh nghiệp. Vì những gì doanh nghiệp làm cho chúng tôi, trước giờ, hiếm có đoàn thể nào làm được. Xe đi ra ven đô rồi dừng trước cửa một khu mua sắm lớn. Các thành viên đoàn dìu nhau vào hết phía trong. Tại đây, một không gian rộng lớn, khang trang, có bày sẵn nước ngọt, trái cây. Nền nhà trải thảm êm mượt. Ông Quyền và cả đoàn bị choáng ngợp bởi tiện nghi, sự sang trọng, thái độ phục vụ ân cần, niềm nở. Gian hàng đầu tiên đoàn được tham quan là những thiết bị phục phụ sức khỏe người già như máy mát xa, ghế mát xa, máy đạp…Cô hướng dẫn thao tác thuần thục khởi động một cái ghế mát xa rồi mời một cô được cho là khó tính nhất đoàn ngồi lên. Rung, lắc, xoa dịu…Khách lim dim như chìm vào giấc ngủ. Thật là sung sướng. Cái ghế có nhiều nhặn gì. Có ba triệu bạc và sẽ được chở về tận nhà. Tổng cộng có mười bốn cái ghế được bán và cơ man các dụng cụ khác. Tiếp đến là gian hàng bán thuốc. Toàn thảo dược quý. Không độc hại gì cả. Hỏi bệnh nào cũng có thuốc. Cô hướng dẫn lấy ngay lọ rỏ mũi tinh dầu bạc hà, rỏ cho một bác đang có biểu hiện cảm cúm. Chỉ vài phút sau, ôi chao là sảng khoái. Riêng ông Quyền, số tiền thuốc cũng đến hai triệu. Có ông còn cẩn thận ghi ra giấy để mua quà đủ cho mọi người trong nhà. Tặng thuốc là thiết thực nhất đấy. Rồi đến gian hàng đồ nhà bếp. Từ nồi niêu, xoong chảo đến bếp từ, bếp ga, nồi lẩu, máy xay sinh tố, máy pha cà phê, máy ép nước, ấm siêu tốc, nồi cơm điện ngoại…Cô hướng dẫn giới thiệu chi tiết. Lại ào lên đăng ký mua. Rồi đến hàng điện tử, điện gia dụng, quần áo, giày dép, bánh kẹo đặc sản…Nhiều bà hết tiền còn tiếc rẻ. Cô hướng dẫn vui vẻ, các bác cứ lấy rồi về nhà trả cháu cũng được. Những người khác thì không biết, chứ ông Quyền, bảy triệu dư là mua hết. Đã ủng hộ nó ra ủng hộ. Hàng chục nhân viên bán hàng được điều đến để đóng gói sản phẩm các loại. Mỗi thành viên một thùng to, ghi tên kẹp chì tử tế.

Đi một về hai, ai ai cũng phấn khởi. Xe chở người chạy trước, xe chở hàng chạy sau, rời xa thành phố, tiến về nông thôn. Người xuống là hàng xuống, con cháu còng lưng bê vào nhà, ai thiếu tiền thì mau mắn giục con cháu ra thanh toán để các cô còn về chả muộn. Vợ con ông Quyền mắt tròn mắt dẹt nhìn cái đống hàng khổng lồ bố khuân về mà hoảng. Cô con dâu hỏi. Doanh nghiệp Phi Xuân là doanh nghiệp ở đâu hả bố? Sao lại liên hệ được với cựu chiến binh huyện ta? Ông Quyền cáu. Doanh nghiệp nổi tiếng của tỉnh nhá, liên hệ với ông chủ tịch hội cựu chiến binh huyện chứ ai? Thế ông ấy có mua hàng không bố? Có chứ! Ông ấy mua mười mấy triệu cả thảy. Đến lượt bà Quyền há hốc mồm. Bà mau mắn cởi dỡ đồ ra. Đây là cái ghế mát xa thần kỳ bà ạ. Từ giờ chả cần ai phải đấm phải xoa cho mỗi khi giở giời cả. Bà ngồi lên đây đi, tôi xin phục vụ bà. Ông lôi cái ổ ra, cắm phích, bấm nút y như hướng dẫn. Cái giường rung lên bần bật và phát ra tiếng kêu như cái xe bò xuống dốc. Bà Quyền hốt quá hô thôi, cho tôi xuống. Nhát chết. Để tôi ngồi. Đến lượt ông chóng mày chóng mặt và ù tai. Lạ nhỉ, sao ở đấy nó êm thế, về đây lại rống lên ầm ầm. Hay mình bấm sai nút? Ông nhổm dậy, hết bấm lại vặn. Được chục phút thì cái công tắc thìa lìa…

Lần lượt, tất cả những thứ đồ có hơi hướng điện tử, máy móc còn lại đều thế. Tuổi thọ rất ngắn hoặc lay lắt, chỉ dùng đến lần thứ ba đã hỏng. Thuốc thì cái giả cái thật, nhưng giá đắt gấp giá trị thật cả chục lần. Con trai ông lẩm bẩm. Bố và cái hội cựu chiến binh của bố bị lừa rồi. Toàn hàng giả, hàng kém chất lượng thôi. Hóa ra, cái chuyến đi được khuyến mãi của bố quá đắt đỏ. Mấy trăm triệu đồng, bọn lưu manh đây mà. Chả thế, nó lợi dụng lúc tết ra, ông nào cũng đầy ví, để hốt một mẻ. Ông Quyền vằn mắt. Mày đừng nói cái kiểu ấy. Bố mày nếm mật nằm gai, bạc đầu hết rồi, đứa nào lừa được? Chưa kể, con người ta, bất nhân thất đức mấy thì cũng không có lừa những đồng tiền xương máu của cựu chiến binh nghe chưa? Bốn ngày đêm cơm bưng nước rót hầu hạ chúng tao. Chúng mày đã chu đáo được thế chưa? Bọn tao tự nguyện mua ủng hộ doanh nghiệp đấy. Không ai ép buộc cả. Cũng là cái sự có đi có lại ở đời thôi. Bà nhà ông khôi hài. Thôi, đi một ngày đàng, học một sàng khôn ông ạ. Ông giơ tay đập bàn. Mấy cái chén nhảy tưng tưng. Bà bảo ai học khôn hả? Trứng đòi khôn hơn vịt, bà thì đã đi được đến đâu? Không thích nhìn thấy thì mai tôi gọi đồng nát đến cân ráo. Bà Quyền tròn mắt ngạc nhiên. Rồi từ khóe mắt chân chim của người đàn bà cả đời lam lũ tần tảo cáng đáng việc nhà ứa ra hai dòng nước mắt. Ông thấy mình có phần quá đáng, nóng nảy nên dừng lại.

Ông đang ngồi như tượng trên ghế thì có chuông điện thoại. Là ông chủ tịch hội cựu chiến binh huyện. Từ đầu bên kia, giọng nói chậm rãi, khàn khàn, xa xót. Tôi ân hận quá ông ạ. Tất cả là do tôi cả tin. Chúng ta bị lừa. Con tôi về tận cái gian hàng kia rồi. Họ bảo, họ chỉ cho đơn vị ấy thuê để bán hàng trong một ngày thôi. Rồi sau khi hỏi bên tỉnh thì tỉnh nói, tỉnh ta chỉ có doanh nghiệp Nghi Xuân, do một anh quê Nghi Xuân làm giám đốc. Chứ Phi Xuân là giả mạo, ăn theo. Tôi có lỗi với anh chị em. Cho tôi thời gian để tôi khắc phục dần hậu quả. Tôi xấu hổ lắm. Ông Quyền chủ động gạt đi. Thôi bác đừng nghĩ quá. Lỗi lầm gì ở đây. Bỏ qua cái chuyện hàng họ thật giả, chúng ta đã có một hành trình quá ý nghĩa mà sau này không dễ gì làm lại được. Người yếu kẻ khỏe, người còn kẻ mất…Tiếng ông hội trưởng vớt vát. Nhưng chúng ta phải dũng cảm nhìn vào sự thật, đừng có mắng át vợ con đi ông ạ. Ở nông thôn, với các bà, chục triệu đồng là cả một món lớn đấy. Và chúng ta phải nói để mọi người xung quanh còn tỉnh táo trước những trò lừa nhân danh khuyến mãi đài thọ này…

Ông Quyền vội vàng thay quần áo để đi vào làng. Vừa ra đến, cổng thấy cái xe con rất đẹp đỗ đấy. Một đôi nam thanh nữ tú xách cặp da bước xuống. Ông tiến lại. Cô cậu hỏi ai. Cậu kia lễ phép. Dạ, chúng cháu tìm trưởng khu ạ! Tôi đây. Cô gái nhanh nhảu. Dạ, thưa bác, chúng cháu là đại diện của tập đoàn phân bón Tâm Thao…Ông Quyền tủm tỉm. Thôi thôi, chúng tôi vừa mới Phi Xuân về, các anh các chị thông cảm. Chờ chúng tôi bới đất lật cỏ kiếm tiền đã. Nói rồi ông đi thẳng. Được chục bước, ông ngoái lại, thấy cái xe đã rời đi. Trong lòng ông áy náy. Năm mới năm me, mình nói thế có gay gắt quá không?

Tống Ngọc Hân

(Truyện đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 9/2021)