Sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc hiện đang sinh sống và viết báo tại TP.HCM. Năm 1977, anh nhập ngũ và phục vụ tại chiến trường Campuchia. Năm 1983, anh ra quân và học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Năm 1988 anh về công tác tại Báo Phụ nữ TP.HCM. Anh hiện là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn TP.HCM. Hành trình ruổi rong với con chữ đi trọn thanh xuân mãi cho đến năm 2018 làng báo, làng văn mới rộn ràng với tin mừng anh tìm được cho mình tình yêu thắm duyên. 59 tuổi mới làm bố, niềm hạnh phúc của nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc bây giờ giản đơn là cô con gái thiên thần bé nhỏ và tổ ấm luôn ngập tràn sự yêu thương.

Tạp chí Sông Lam số tháng 6 xin trân trọng gửi tới bạn đọc cuộc trò chuyện của nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc cùng nhà văn Tống Phước Bảo về những vấn đề xoay quanh gia đình – tình yêu – hạnh phúc – sáng tạo. Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc đã nói chuyện ở vai của một người chồng, một người cha và một người viết, đặc biệt là một người viết đầy tâm huyết với trẻ em.

Chân dung nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc

PV: Văn đàn gần đây chứng kiến một nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc dường như yêu đời và bừng bừng nhựa sống hơn, phải chăng chính từ niềm hạnh phúc với thiên thần bé nhỏ của mình?

Lê Minh Quốc: Khi có con, tôi nghĩ rằng bất kỳ ai cũng được sống trong cảm giác kỳ diệu ấy. Họ đã được tìm thấy/ nhìn thấy chính mình qua đứa con. Một cảm giác mà trước đây, họ không hề có. Với tôi, từ khi có con, những khái niệm về cô đơn, ngao ngán, mỏi mệt với những sắc màu u ám đã tan biến, thay vào đó là những gì mới lạ, lạ lẫm mà mình được cảm nhận từng ngày.

Nắng mưa nay đã kết trầm
Con giờ nằm chỗ ba nằm xưa xa
Một hình một bóng chan hòa
Từ con, ba lại bước ra cõi đời.

Khi ẵm bồng bé nhóc măng tơ, thơm ngon mùi sữa, oe oe tiếng khóc, chậm chững bước đi, bi bô nói cười thì đó cũng là lúc tôi bắt đầu trưởng thành, chính thức trở thành “người lớn”. Người lớn ở đây hiểu theo nghĩa, mình không còn sống cho mình mà tự ý thức biết sống cho người khác, vì người khác, cụ thể là con mình. Con mình còn bé bỏng quá, thiên thần quá, thơ dại quá, vì thế mình phải chững chạc hơn, và, có trách nhiệm hơn. Một trong những trách nhiệm lớn nhất, thay đổi tôi nhiều nhất vẫn là chọn lấy niềm vui, niềm vui sống, nhìn lấy sự vật/ sự việc theo chiều hướng tích cực hơn, lạc quan hơn. Với tôi, chính từ con đã đến cho tôi ý nghĩa của hạnh phúc như bạn đã nhận xét.

Nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc trong buổi giao lưu và ra mắt sách “Từng ngày ba mẹ thở theo con”, tháng 2/2023 tại đường sách TP Hồ Chí Minh.

PV: Như anh đã từng viết trong tập tùy bút mới phát hành “Từng ngày ba mẹ thở theo con”, đây là lần đầu tiên một chàng lãng tử được làm cha. Cảm xúc anh thế nào khi đón nhận niềm vui sẽ có một sinh linh bé nhỏ hiện hữu trong mái ấm của mình?

Lê Minh Quốc: Khi hay tin sắp có con, nhìn vợ mang bầu, trên cuộc đời này, dù ở nơi nào, dù thời đại nào đi nữa, tôi tin chắc rằng đó còn là lúc người đàn ông “nhìn lại đời mình” một cách nghiêm túc nhất. Bao nhiêu kỷ niệm cũ, ngày tháng cũ, người tình cũ… đột ngột ùa về trong tâm tưởng. Như một cơn gió lốc với biết bao buồn vui lẫn lộn. Tưởng rằng không thể quên. Nhớ mãi. Thế rồi, nay, họ lại có cách “giải quyết” khác hẳn. Nếu trước đó là những dằn vặt, những khổ đau, những ngậm ngùi ngao ngán thì nay họ nghiến răng quên đi như một sự tự giác. Không vướng víu gì nữa. Thế đấy. Một đứa trẻ đang nằm trong bụng mẹ lại có “uy quyền” rất lớn mà nếu không có con, người ta không thể cảm nhận được. Lúc ấy, niềm vui của tôi không gì khác các “bỉm sữa”. Rất đỗi nhẹ nhàng. Rất đỗi bình dị:

từng vạn dặm trên đường nhiều ngả rẽ
bây giờ anh mới thật sự quay về
cày cuốc những câu thơ
từ lòng anh đã sum suê hoa trái
anh đã cũ, bây giờ đang tươi mới
là chính anh bé bỏng nằm nôi
hình hài của ngày mai
anh lắng nghe anh ầu ơ ru con trẻ
với mỗi ngày niềm vui giặt tã

PV: Anh phải chuẩn bị những gì để đón đứa con này bước vào cuộc đời mình?

Lê Minh Quốc: Thêm một thành viên ra đời, trong mỗi nhà đều có những lo toan cần thiết, rất cụ thể, chứ không lơ tơ mơ. Vợ chồng tôi cũng như bao người khác. Và, có một điều quan trọng nhất trong sự chuẩn bị ấy, tôi thích dùng từ “dọn lòng”. Dọn đi những xưa cũ, những hoen ố, những tơ tưởng, tưởng tơ để bắt đầu bước vào hành trình mới – một hành trình mà lúc ấy con người ta xác định sẽ đi lâu dài đến tận trời cuối đất trong sự hiệp nhất “hai người một bóng”. Tất cả điều này, chính lúc đón nhận đứa con đến trong đời mình, ấy là điều có tính chất quyết định.

Nghĩ cho cùng, chính đứa bé mới lọt lòng ấy đã đóng vai trò thay đổi tính cách, tâm tính, sở thích thói quen của những người làm cha mẹ.

PV: Công việc của nhà báo, nhà thơ đôi khi bận rộn và xa nhà, anh phụ vợ trong việc chăm sóc và dạy dỗ con như thế nào?

Lê Minh Quốc: May mắn thay, vợ tôi hầu như không có yêu cầu gì nhiều về chia sẻ công việc chăm sóc con. Không phải nịnh vợ, chứ tất tần tật mọi việc “phục vụ” con thì mẹ bé Mì đều gánh vác bất kể thời gian. Những đàn ông trong trường hợp như tôi, chắc rằng họ cũng có suy nghĩ này: Qua những gì đã chứng kiến, tôi kinh ngạc, bàng hoàng nhận ra ở người phụ nữ khi đảm nhận thiên chức làm mẹ, làm vợ thì họ lại có sức khỏe, tính nhẫn nại và lòng yêu thương con vô biên, khó gì có thể sánh nổi.

Thì đấy, nuôi một đứa trẻ từ lúc oa oa chào đời cho đến lúc chập chững bước đi, bi bô nói cười đã “xiết bao công trình” nhưng rồi đối với họ, mọi việc cứ nhẹ như không khiến ta tự hỏi, có phải đó là “mình đồng da sắt”? Không đâu, chỉ bình dị như bao phái yếu khác nhưng tình yêu dành cho con đã tạo ra trong con người họ một sức mạnh bền bĩ đến thế. Và nhờ thế, công việc nhà báo, nhà thơ của tôi hầu như không thay đổi.

Bù lại, tôi giúp vợ bằng cách đóng vai trò của “thằng mõ”, tức là những gì diễn ra từng ngày trong quá trình nuôi dạy, chăm sóc con tôi đều viết lại như một cách “thông báo” đến mọi người niềm vui của mình. Nhờ vợ gánh vác lo liệu mọi việc, tôi mới có tập thơ “Chào thế giới bây giờ con đã đến”, tập tùy bút “Từng ngày ba mẹ thở theo con” được bạn đọc đã đón nhận với nhiều tình cảm.

PV: Anh cho ra đời rất nhiều tác phẩm từ thơ, văn xuôi, tùy bút, bài báo viết về câu chuyện nuôi dạy con trẻ, về tình cảm gia đình. Điều gì khiến anh tỉ mẩn ghi chép lại những câu chuyện về con trẻ chi tiết từng khoảnh khắc như thế?

Lê Minh Quốc: Bạn thử tưởng tượng nếu bây giờ, khi sắp xếp lại nhà cửa, tình cờ bạn tìm thấy tấm ảnh của mình đã chụp từ thời bé xíu thì sao? Cầm bức ảnh ấy, bạn sẽ nghĩ gì, có thể là tự nhủ: A, hồi đó trông gương mặt mình cũng xinh nhỉ? Mái tóc cắt kiểu đó trông ngộ quá ta; chà, nụ cười của mình trông duyên ghê; ủa, không biết tấm ảnh này hồi đó mình mấy tuổi? v.v… Hàng loạt câu hỏi thú vị ấy đã khiến bạn xốn xang sung sướng biết bao nhiêu.

Và, hơn cả thế, nếu bạn tình cờ tìm thấy dăm trang viết hoặc quyển nhật ký mà ba mẹ bạn đã viết về bạn từ ngày tháng ấy. Một niềm vui không gì sánh nổi đấy chứ? Chính vì suy nghĩ ấy, tôi quyết định “tỉ mẩn ghi chép lại những câu chuyện về con trẻ chi tiết từng khoảnh khắc”, đúng như bạn đã nhận xét.

Bạn biết rồi đó, anh em viết lách bọn mình không giàu có, không giàu đến độ “nứt đố đổ vách”, làm gì có “của ăn của để” dành dụm cho con sau này một khối tài sản lớn? Thôi thì, tôi tự an ủi, bây giờ mình cố gắng làm hết sức cho con trong khả năng có thể như mọi phụ huynh khác. Và hơn cả thế, tôi còn để lại cho con một tài sản khác, đó là giá trị tinh thần qua ghi chép của từng ngày vui sống với con. Biết đủ là đủ. Hài lòng với mình là được. Với tâm niệm này, tôi lại lặng lẽ ghi chép về ngày tháng dấu yêu này. Ngay cả những bài báo (như bài báo này), tôi đều gìn giữ lại cẩn thận, gìn giữ dài lâu cho con mình sau này.

PV: Văn hóa đọc ngày nay bị tác động nhiều bởi các phương tiện giải trí khác, liệu các câu chuyện về con cái có thu hút người đọc?

Lê Minh Quốc: Chắc chắn vẫn còn. Mãi mãi vẫn còn. Câu chuyện và bài học về nghệ thuật làm cha mẹ luôn luôn cần thiết trong mọi thời đại. Thời đại thay đổi, dẫn tới cách nuôi dạy con cũng thay đổi, duy có một điều bất biến, không bao giờ thay đổi: lòng yêu thương ba mẹ dành cho con và ngược lại. Vậy nên, câu chuyện về con cái bao giờ cũng có ý nghĩa “thời sự”, không lạc hậu theo năm tháng. Xin đơn cử một thí dụ như những bài đồng dao, ca dao, chuyện cổ tích về đề tài cha mẹ – con cái đã có từ ngày xửa ngày xưa, nay vẫn còn phổ biến trong nhịp sống hiện đại đấy chứ?

Nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc hạnh phúc bên vợ và con gái bé bỏng

PV: Anh cũng là người đi nhiều, viết nhiều và gần đây trở thành diễn giả cho rất nhiều sự kiện liên quan đến chuyện gia đình, nuôi dạy con cái. Theo anh người trẻ hiện nay không còn giữ quan điểm nuôi dạy con như ông bà ngày xưa có đúng hay không?

Lê Minh Quốc: Điều đó là một lẽ tất nhiên. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, đã khác thời ông bà mình từ tâm thế đến phương tiện mưu cầu hạnh phúc. Đã khác lắm. Khác từ suy nghĩ đến góc nhìn. Do đó, những người trẻ “không còn giữ quan điểm nuôi dạy con như ông bà ngày xưa” là một lẽ tất nhiên. Thí dụ, “thương cho roi cho vọt”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”… đã hình thành trong nếp suy nghĩ cũ, liệu chừng có nên làm theo? Thí dụ, cha mẹ sinh con thường giáo dục con, buộc con phải “có đôi có đũa”, phải sinh con đẻ cái, phải có con nối dõi tông đường, điều này là đúng nhưng chắc gì đã đúng với đứa con vì lý do gì đó lại không tuân theo?

Về chuyện này, đây là một trong những vấn đề mà các nhà tâm lý, tư vấn tình yêu hôn nhân phải suy nghĩ nhiều nhất khi đưa ra một lời khuyên nào đó. Mà dù các “bỉm sữa” đã không giữ quan điểm như ông bà ngày trước, thì có một điều không bao giờ khác trước vẫn là lòng yêu thương, luôn nỗ lực hết sức mình để lo cho con một cách tốt nhất. Ý nghĩa thiêng liêng của việc nuôi dạy con vẫn còn đó.

PV: Trong một lần giao lưu ra mắt sách, cô gái bé nhỏ của anh đã hát và đọc thơ trên sân khấu. Anh đã dạy con bằng cách nào để bé có được sự dạn dĩ này?

Lê Minh Quốc: A, bạn đã đặt một câu hỏi mà bản thân tôi cũng ngạc nhiên. Tại sao bé nhà mình lại dạn dĩ đến thế nhỉ? Không những đọc một mà còn đến hai bài thơ. Ngạc nhiên quá, vì tôi biết con mình thường nhút nhát khi đến chốn đông người, dù quen hay lạ. Nhiều người bảo nên cho con vào nhà trẻ sớm, vì nơi ấy có nhiều bạn bè, có cô giáo sẽ giúp bé dạn dĩ hơn là chỉ ở nhà với ba mẹ. Nhưng bạn biết đấy, thành phố chúng ta có những hai năm giãn cách, phong tỏa vì Covid nên ý định đó không diễn ra với con mình.

Bù lại, tận dụng những ngày tháng ấy, vợ chồng tôi thường chơi chung, trò chuyện với con. Tất nhiên, những lúc ấy vợ chồng tôi đều đọc thơ cho con nghe và tập cho bé đọc theo. Sinh hoạt ấy trở thành cái nếp thường xuyên, nhờ thế, bé nhớ khá nhiều thơ mà tôi viết từng ngày, dù nói chưa sõi, phát âm chưa tròn vành rõ chữ. Sau đó, lúc bé đọc lại thơ thì chúng tôi làm khán giả, vỗ tay động viên con. Tưởng là khi đến những nơi khác, bé sẽ đọc như đã đọc ở nhà, không hề, bé vẫn rụt rè.

Vậy mà hôm ra mắt tập sách “Từng ngày ba mẹ thở theo con”, bé lại xung phong, chủ động bước ra sân khấu “trình diễn” thơ. Tại sao? Tôi nghĩ rằng ở mỗi đứa trẻ đều có khả năng thích ứng với những gì đã diễn ra xung quanh, khi ấy, thấy khung cảnh vui tươi nhộn nhịp, có người nói/ hát rôm rả thì bé cũng muốn được tham dự vào cuộc vui chung. Điều này lý giải vì sao trẻ con thường làm bạn với nhau rất nhanh, nhanh hơn người lớn. Trong khi người lớn còn suy nghĩ đắn do, cân nhắc nọ kia, có nên hay không nên làm quen với người mới gặp hay không, lại còn cảnh giác nữa thì trẻ em lại hồn nhiên, vô tư, đã thấy bạn cũng như mình là kết thân và chơi chung ngay. Trường hợp của bé gái nhà mình cũng vậy.

Vấn đề đặt ra, tôi hoàn toàn đồng ý với bạn phải lưu ý và hạn chế thói quen của “Phần lớn trẻ con ngày nay rất thích chơi game, xem các chương trình trên điện thoại, dần dà các em ít tham gia các hoạt động bên ngoài và thiếu sự dạn dĩ”. Có như thế, các em mới trở nên mở lòng và dạn dĩ hơn.

PV: Hành trình cùng con theo anh viết, là hành trình kì diệu, vậy cho đến bây giờ, điều kì diệu mà con đem đến cho anh là gì?

Lê Minh Quốc: 

Năm tháng này, con là mầm đang lớn
Tôi như cây thêm vững chãi trong đời
Khi có con để làm điểm tựa
Mở lòng ra, yêu hết thảy mọi người…

PV: Nếu con gái sau này cũng có định hướng làm nhà báo, nhà thơ như cha mình, thì anh sẽ dạy con điều gì để có những bước chân thật vững vàng trong nghề như anh?

Lê Minh Quốc: Khi tôi 80, con gái mới 20, do đó, mọi dặn dò, tôi đều gửi gắm trong tập sách “Từng ngày ba mẹ thở theo con”. Một trong những điều cần thiết, trong đó, tôi còn nhấn mạnh đến suy nghĩ “mình trở thành chính mình”, không là phiên bản của ai khác, hễ mình hài lòng với mình là được; phải luôn biết ơn những ai đã giúp đỡ mình. Mình không trả ơn lại được cho họ (mà họ có bao giờ nghĩ tới đâu) thì mình hãy làm ơn cho người khác, dù quen biết hay không. Có như thế, lòng tốt ở đời mới lan truyền mãi mãi…

PV: Xin cám ơn nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc.

Tống Phước Bảo (thực hiện)