Tháng 7 vừa qua, tại J Art Space (Tp. Hồ Chí Minh) vừa diễn ra triển lãm tranh đầu tay của nữ họa sĩ Hồng Ngọc (sinh năm 1993) mang tên “Những nỗi buồn đẹp”. Triển lãm thu hút sự chú ý bởi vẻ đẹp và cảm xúc chất chứa trong từng tác phẩm như chạm thẳng đến trái tim người xem. Đặc biệt, tất cả những bức tranh này đều được tác giả vẽ bằng ngón tay của mình, điều vốn không hề dễ dàng. Tạp chí Sông Lam đã có dịp trò chuyện với nữ họa sĩ trẻ tài năng để hiểu rõ hơn về lựa chọn này của cô và những thông điệp cô gửi gắm trong các tác phẩm của mình.

Họa sĩ Hồng Ngọc bên tác phẩm của mình

– Cũng là một người thuộc thế hệ 9X, nên có lẽ xin phép được xưng hô tôi và bạn để cuộc trò chuyện của chúng ta thân mật và trẻ trung hơn. Phải thú nhận rằng, ngay từ giây phút đầu tiên, tranh của bạn đã chạm thẳng đến cảm xúc của tôi, như một câu hỏi xoáy vào những tâm sự không giãi bày bấy lâu của tôi. Điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu và khi biết những tác phẩm này hoàn toàn được vẽ bằng ngón tay, tôi thật sự bất ngờ. Từ đâu bạn có ý tưởng này? Vẽ bằng tay có những điểm gì thuận lợi hơn và khó khăn hơn so với cọ vẽ, thưa bạn?

Họa sĩ Hồng Ngọc: Cảm ơn những chia sẻ từ bạn. Sau khi trải nghiệm nhiều kỹ thuật vẽ khác nhau, cuối cùng tôi đã lựa chọn vẽ bằng ngón tay. Vì khi được trực tiếp chạm vào màu và cảm nhận từng sớ vải, tôi thấy bản thân mình như hòa vào làm một với tác phẩm, để từ đó truyền tải cảm xúc của mình một cách chân thực nhất. Với tôi, điều khó nhất khi vẽ bằng ngón tay là làm sao để diễn tả được thần thái trên khuôn mặt người thiếu nữ. Trong suốt 10 năm luyện vẽ, tôi đã dành nhiều thời gian nhất cho việc đó.

Tại sao bạn lại lựa chọn tên triển lãm đầu tay của mình là “Những nỗi buồn đẹp”?

Họa sĩ Hồng Ngọc: Nép mình trong góc nhỏ của hội họa, căn phòng với vải toan và màu, đó chính là lúc tôi được tự do thể hiện cảm xúc của mình nhất và biến nỗi buồn thành những tác phẩm đẹp. Có thể nói rằng đó là một cách để biến sự tiêu cực thành tích cực, và nỗi buồn hóa ra cũng có thể đẹp đến vậy! Đó là tâm trạng của tôi khi vẽ những tác phẩm này, nên tôi đã lựa chọn tên triển lãm là “Những nỗi buồn đẹp”.

Tác phẩm “Thanh Thuần”

– Là một người từng đi qua nhiều nỗi buồn, những thời khắc chông chênh của tuổi trẻ, tôi hiểu phần nào những điều bạn chia sẻ nhưng với nhiều người vẻ đẹp của nỗi buồn vẫn là một điều gì đó khá mơ hồ và lý thuyết. Là một người trẻ tuổi, bạn có tự tin những tác phẩm của mình sẽ thuyết phục được người xem nỗi buồn có vẻ đẹp của riêng nó hay không? Và những bức tranh của bạn có thể giúp người xem đối diện với nỗi buồn để chữa lành tâm hồn mình hay không?

Họa sĩ Hồng Ngọc: Tôi không dám chắc điều gì nhưng tôi tin những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Và tôi vui khi đến nay nhiều người đã tìm thấy được sự đồng cảm khi xem tranh của mình.

– Những bức tranh của bạn luôn toát lên vẻ đẹp mong manh, thánh thiện và điều đặc biệt cuốn hút tôi là ánh mắt của thiếu nữ trong tranh. Những ánh mắt long lanh chất chứa bao nỗi niềm mà có lẽ mỗi người khi nhìn vào sẽ tự soi thấy một cảm xúc nào đó của mình. Tôi cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của chính bạn trong hình ảnh những cô gái. Liệu đây có phải là những bức chân dung tự họa hay không? Với bạn, điều quan trọng nhất làm nên cái hồn của một tác phẩm là gì?

Họa sĩ Hồng Ngọc: Vì đôi mắt là cửa sổ tâm hồn nên tôi muốn thông qua đó để truyền tải những tâm tư mà tôi muốn giãi bày đến người xem. Tôi vẽ người thiếu nữ có hình ảnh gần giống mình và mỗi tác phẩm đều chất chứa những cảm xúc thật mà bản thân đã từng trải qua.

Tác phẩm “Last farewell”.

– Thiếu nữ trong tranh Hồng Ngọc thường khoác lên mình những bộ đồ truyền thống nhưng cũng mang nét đẹp đầy hiện đại và luôn giữ cho mình sự tĩnh lặng, an nhiên giữa những xao động xung quanh. Liệu đó có phải cũng là một Hồng Ngọc ngoài đời?

Họa sĩ Hồng Ngọc: Tôi yêu nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam và muốn tôn vinh giá trị truyền thống của dân tộc nên tôi thường vẽ thiếu nữ trong các trang phục áo dài, áo tứ thân,… Như bạn thấy, tranh thể hiện tính cách của tôi, vừa truyền thống vừa hiện đại, cả hai yếu tố đó luôn hỗ trợ cho nhau.

– Trong tranh Hồng Ngọc, hình ảnh những đóa hoa, chú chim xuất hiện lặp đi lặp lại nhiều lần bên cạnh cô gái với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Bạn có gửi gắm thông điệp gì qua những hình ảnh này?

Họa sĩ Hồng Ngọc: Những loài hoa thường xuất hiện nhiều nhất trong tranh của tôi là hoa sen và hoa huệ, tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh sạch. Còn hình ảnh chú chim là tượng trưng cho hòa bình và tự do. Đó là điều tôi mong muốn chúng ta có thể tìm thấy và luôn gìn giữ trong tâm hồn mình.

Tác phẩm “Thiếu nữ và hoa sen”.

– Tôi nghĩ có lẽ đó cũng chính là chìa khóa để chúng ta đối diện, vượt qua những nỗi buồn, bất an trong lòng mình giữa cuộc sống bộn bề này. Trong tương lai, bạn sẽ tiếp tục với cách vẽ này chứ? Và liệu bạn có tiếp tục khai thác đề tài về nỗi buồn không?

Họa sĩ Hồng Ngọc: Tôi sẽ không ngừng phát triển bản thân. Sắp tới, tôi sẽ có những thay đổi mới lạ và đa dạng hơn trong cách vẽ và đề tài. Hy vọng các tác phẩm của tôi sẽ tiếp tục được công chúng yêu mến và đón nhận.

– Tôi tin với tình yêu dành cho hội họa, với thái độ làm việc nghiêm túc, với tài năng và trái tim đầy cảm xúc của mình, bạn sẽ luôn thành công và được đón nhận dù ở bất cứ hình thức, đề tài nào. Vì, như bạn nói, điều gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm tới trái tim! Cảm ơn bạn đã có một cuộc trao đổi cởi mở, thú vị với tạp chí Sông Lam. Chúc cho những dự định trong tương lai của bạn sẽ thành công!

Trang Đoan (thực hiện)
(Hình ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)