Hơn bốn mươi năm trước, ngày anh Lân từ chiến trường về, Mai đang là cô gái xinh xắn nổi tiếng của làng. Anh Lân chỉ về tranh thủ được 7 ngày. Một ngày làm quen, một ngày tìm hiểu, thế là yêu. Thông cảm với đời lính, Mai đồng ý cưới. Đám cưới đời sống mới chỉ trầu cau, chè xanh, thuốc lá mà vui. Nổi bật nhất là câu khẩu hiệu đỏ chót: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Cưới xong, chưa kịp bén hơi nhau, anh đã lại ba lô con cóc lên đường. Tiễn anh đi rồi, về lại căn nhà vắng chồng Mai bỗng thấy trống huơ, trống hoác. Đêm ấy vừa đặt lưng xuống giường, Mai chợt thấy cái gì cồm cộm dưới gối. Cô bật lửa thắp sáng ngọn đèn dầu và nhận ra vật gì đó được gói cẩn thận bằng vải dù đỏ. Bên trong lớp vải dù là chiếc khăn mùi soa trắng. Mở lớp khăn ra, Mai thấy một chiếc cặp tóc phụ nữ hình cánh bướm, màu tím. Thứ cặp tóc này chỉ trong vùng địch phía Nam mới có, sao anh Lân lại có nó? Chỉ cái cặp tóc bằng nhựa mà được gói gém cẩn thận đến thế hẳn đối với anh là quý giá lắm! Phía sau cặp tóc có gắn cái gì như một thỏi sắt hình chữ nhật, dài hơn ngón tay. Lạ thật! Đã là cặp tóc ắt của đàn bà, con gái. Đàn bà, con gái đã đến mức tháo cái cặp tóc trên đầu trao cho nhau thì nặng tình, nặng nghĩa lắm! Chồng mình là lính đặc công, nghe anh kể nhiều lúc hoạt động trong vùng địch phải nằm hầm bí mật. Hay đây là mối tình đầu của chồng ở Quảng Trị, khi trong hầm bí mật chỉ có hai người? Thời ấy, tình yêu của lính thường vội vã, nồng nàn, chóng vánh. Tình yêu của Mai và anh cũng không ngoại lệ. Chưa tìm hiểu kỹ nhau, cô đã đồng ý cưới, nên cô không biết, hay là Lân đã có vợ ở trong Nam? Đã đành nhiệm vụ người lính thời chiến gấp gáp, nhưng vì nhiệm vụ hay có vợ trong ấy mà mới cưới nhau được 4 ngày, anh đã vội vã xa vợ ra đi? Mai cứ đoán già, đoán non. Bố mẹ Lân thấy con dâu phờ phạc, nghĩ vì nhớ chồng chứ đâu biết trong lòng cô đang bão nổi, sóng cồn!

Ghen tuông dằn vặt làm Mai càng tò mò. Trước khi chia tay vợ về đơn vị, Lân còn trao cho cô chiếc túi vải nghe nói loại túi này để đựng mìn Claymore của quân Mỹ. Anh bảo trong túi chỉ có cuốn nhật ký bị bom Napalm làm cháy sém, mấy lá thư cha mẹ, bạn bè gửi và một ít giấy tờ. Lần này đơn vị lại đi chiến trường, anh để lại những gì không cần thiết cho ba lô nhẹ bớt. Đã nhật ký thì cái gì chẳng viết trong đó. Mai chắc mẩm thế, lấy chiếc túi xuống. Vừa mở nắp túi ra, Mai thấy ngay cuốn sổ bìa màu đen bạc phếch, gáy đã sờn, bốn góc rách tua rua. Mai cầm cuốn nhật ký lên. Nhất định cô sẽ tìm ra lai lịch cái cặp tóc. Mai đọc lướt qua từng trang. Chợt cô dừng lại ở gần cuối cuốn sổ…

Ngày 11 – 2 – 1966:

Tổ trinh sát đặc công của mình nhận nhiệm vụ “điều nghiên” căn cứ của hai đại đội hỗn hợp Mỹ – ngụy đóng ở Động Tranh, phía Tây Quảng Trị. Ngày thứ hai, chúng mình đang vượt qua con lộ gần đường 9, đột ngột một cô gái từ lùm cây ven đường chui ra trước mặt. Nhác thấy chúng mình, cô gái hốt hoảng thét lên rồi bỏ chạy. Tình huống hết sức bất ngờ. Nếu để cô gái chạy thoát, biết đâu ả là bọn “Thiên Nga” thì lộ “bem” hết. Chúng mình rượt theo và chẳng khó khăn gì đã tóm được cô nàng.

Dù ở trong tình thế dở mếu, dở cười, nhưng vốn là lính trẻ, cả tổ ai cũng sửng sốt trước vẻ đẹp của cô gái. Cô còn trẻ, dễ thường chưa tới 20 cái xuân xanh. Bộ bà ba bó sát thân hình tròn lẳn mà đường eo thì mềm như một nét vẽ. Cái cặp tóc màu tím, hình cánh bướm cặp hờ sau mái tóc dài thướt tha. Thật quái lạ, ở cái vùng gió nóng quất hừng hực suốt ngày đêm mà da cô ta cứ trắng nõn, trắng nà. Thấy chúng mình lỉnh kỉnh súng ống, lại cứ xầm xà, xầm xì với nhau, cô gái càng run, khuôn mặt mướt mát trông lại càng… đẹp. Khám trong chiếc túi vải mang bên mình cô nàng chỉ thấy 15 gói mì ăn liền và một ít thịt rang khô. Chúng mình cố tìm mọi cách hỏi tung tích cô ta, giở đủ ngón khai thác của dân trinh sát ra, cô nàng cũng chỉ mím môi im lặng. Tổ trưởng Đa bực mình quát: “Cô là đá à? Không biết nói tiếng người à?” Ả cũng chẳng lắc đầu…

Tình hình càng trở nên phức tạp khi tĩnh trí lại, chúng tôi nhận ra trong đội hình của mình không thể có một cô gái. Bàn hết cách, toán trưởng Đa bèn gọi mình ra nói nhỏ:

– Cậu phải đưa ả này về hậu cứ giao cho đơn vị thôi. Việc điều nghiên để bọn mình lo, cậu đến sau vậy! – Rồi anh nhún vai, cười bí ẩn – Ả là “đá” nhưng chưa dám là “đá” đâu, đường rừng vắng vẻ chỉ có hai người, cậu cẩn thận đấy!

Cô ả lầm lũi bước đi trước mũi súng của mình. Quá trưa, đến bên một con suối, chợt ả dừng lại. Lần đầu tiên mình nghe ả nói:

– Xin phép ông, cho em được tắm qua một tí!

– Ái chà! Mẹo vặt để trốn đây! Bày đặt! – Mình nghĩ vội thế, hất hàm:

– Bộ cô giỡn mặt với tôi phỏng? Tắm? Để mà trốn chứ gì?

– Không mà, thưa ông! Em xin ông! Ông hiểu cho, em không trốn mô. Đàn bà, con gái tụi em một ngày không tắm, dơ dáy lắm. Ông coi nè…

Nói rồi, cô ta xắn tay áo lên chỉ cho tôi những nốt đỏ trên cánh tay, nài nỉ:

– Nói thiệt tình, em xót xáy lắm mà sợ không dám thưa đó thôi!

Đến nước này mà từ chối hóa ra mình nhát. Một thằng lính trận, súng ống trong tay mà sợ một ả đàn bà chân yếu, tay mềm bỏ trốn trước mũi súng của mình sao? Nghĩ thế, mình gật đầu:

– Thôi được, cô đến đoạn suối kin kín kia mà tắm. Máy bay, máy bò, thám báo, biệt kích nó thấy thì chết chả chơi!

Ả “dạ” rất ngoan rồi lững thững bước ra suối. Mình ghìm súng bám theo. Đến vũng suối nước trong vắt, cha mẹ ơi, ả từ từ cởi hết quần áo ngoài, quần áo trong. Chỉ chiếc cặp hình cánh bướm màu tím là để nguyên trên mái tóc, rồi cứ thế ả vẫy vùng kỳ cọ, lại uốn éo người khiêu khích mới chết chứ! Của đáng tội, từ lúc lớn lên, học hết phổ thông rồi vào bộ đội, mình chưa hề trực diện nhìn một thân hình con gái trắng ngần như thể đúc bằng sứ, lồ lộ ngay trước mặt thế này bao giờ. Người mình run bắn lên, nóng phừng phừng, mồm miệng khô rát…

Trang nhật ký dừng lại. Trang tiếp theo bị lửa cháy nham nhở không sao đọc được nữa. Nước mắt Mai nhòe đi. Vậy là cái cặp tóc đã có chủ! Vậy là trước khi đến với cô, trong anh đã có một người con gái. Cô ả tắm táp lõa lồ trước mặt anh như thế, chẳng chung chạ với nhau mới là chuyện lạ! Hẳn khi tắm táp xong, anh sẽ đưa ả lên tảng đá ven suối… Rồi thì… Rồi thì… Rừng sâu, núi thẳm chỉ chàng và nàng… Trời ơi là trời…! Khi làm tình, tóc tai ả xõa tung, cái cặp tóc rơi ra. Hẳn ả vừa thở hổn hển, vừa nhặt lấy trao cho Lân làm của tin để tìm lại nhau đây mà! Mai không dám nghĩ tiếp nữa. Thì ra mình nhầm, ngỡ được đón nhận tình yêu đầu đời của lính từ chiến trường về… Thì ra mình dâng hiến trái tim trắng trong cho một tình yêu thừa! Thì ra trong trái tim anh, mình chỉ là kẻ lấp chỗ trống. Chiếm được mình rồi người ta lại đi, lại đến với người ta…! Mai buông cuốn sổ thở dài…

                                                            ∗

Chị nhận được lá thư duy nhất anh gửi sau 3 ngày anh ra đi, nhưng mãi 6 tháng sau mới tới tay chị. Lá thư dài tới 5 trang giấy học trò, nói nhiều về nỗi nhớ nhung, khao khát hạnh phúc của vợ chồng trẻ. Cuối thư anh dặn: “Anh đi vội, nên quên cái cặp tóc màu tím hình cánh bướm dưới gối. Đó là cái cặp tóc cứu mạng anh, anh chẳng bao giờ rời nó đâu em ạ. Em giữ gìn cẩn thận cho anh nhé!” Chị đọc lá thư mà tê tái trong người. Lại cái cặp tóc! Chỉ là cái cặp tóc thì làm sao cứu được mạng, làm sao mà chẳng rời nó được?! Sao không dặn vợ giữ sức khỏe cho cẩn thận lại dặn giữ cái của nợ ấy cho cẩn thận? Ghen tức thì nghĩ thế, chứ những lúc ngồi một mình, Mai cứ bấm đốt ngón tay tính từng năm anh Lân đi xa. Những giờ phút ngắn ngủi bên nhau, hối hả yêu, hối hả nồng cháy, hối hả dâng hiến cho nhau trong Mai như thể giơ tay là chạm vào được. Chị biết ở chiến trường chồng mình đang từng giây đối mặt với cái chết. Anh đã xa chị đúng 9 năm 4 tháng 7 ngày. Cái Trà, kết quả của 4 ngày hạnh phúc với nhau sau ngày cưới đã học lên lớp 4 rồi. Bé giống bố như đúc. Nhìn thấy con ngày một lớn, ngày càng ngoan mà vui, nhưng mỗi khi nhớ đến cái cặp tóc được chồng gói ghém cẩn thận, dặn dò mình giữ cẩn thận, lòng Mai lại như lửa đốt. Từ cô Mai trẻ trung, xinh đẹp nhất nhì làng “ngày xưa”, nay mái tóc chị đã điểm nhiều sợi bạc. Thời gian đã phủ nhiều nếp nhăn lên khuôn mặt mịn màng với làn da là niềm ao ước của bao cô gái trẻ. Cái câu hát ngày xưa Mai hay hát “Có nhiều khi đời hoa chóng tàn vì thiếu mặn mà”, bỗng trở thành định mệnh của cô.

Minh họa: Đình Truyền

Nhưng anh Lân không về. Một ngày cuối đông, lá vàng xao xác rụng đầy chiều, người xã đội trưởng cụt một bàn tay đến nhà trao cho chị tờ giấy báo tử. Nhìn tờ giấy, Mai không sao tin nổi vào mắt mình: “Đồng chí Trần Hữu Lân đã hy sinh anh dũng ở mặt trận phía Nam”. Thế là hết! Hết! Hết cả rồi! “Ngày hết giặc, anh sẽ trở về, sẽ bù đắp cho em những gì anh chưa làm được. Anh sẽ mang lại hạnh phúc cho em!”

– Không! Không phải! Không thể nào! – Mai xé toạc tờ giấy báo tử, xé toạc quần áo mình, trần truồng chạy bổ ra đường – “Không! Không phải! Không thể nào! Trả lại chồng cho tôi!” – Chị vừa chạy vừa gào, gào đến tiếng khản đặc, chị gục xuống ven đường. Rồi có hai dân quân hộc tốc chạy đến dìu chị về nhà…

Hai mẹ con lập bàn thờ. Khi chị đặt di ảnh của chồng lên, cái Trà đứng bên mẹ, bỗng nói như người lớn:

– Bố có cái cặp tóc màu tím ấy, sao không đặt lên thờ bố hở mẹ?

Lời nói ngây thơ của bé chạm vào nỗi đau của chị. Lần đầu tiên chị quay sang cho con một cái tát. Chị nghiến răng rít lên:

– Cặp tóc này! Thờ này! Âm cũng như dương, tình cũ không rủ cũng tới. Thờ rồi để xuống dưới đó nó lại đi tìm bố mày mà tắm với nhau, mà hú hí với nhau à?

Thấy con gái ngã dúi dụi, nước mắt giàn giụa, miệng méo xệch gọi “Bố ơi” không thành tiếng, chị nhào đến ôm chầm lấy con khóc nức nở…

                                                                ∗

Năm tháng trôi qua, mặc dù không ít người đánh tiếng dạm hỏi, có người còn năm lần, bảy lượt đến nhà ngỏ lời, Mai vẫn lắc đầu, ở vậy nuôi con, thờ chồng. Người làng đã gọi Mai là bà Mai. Cái Trà đã học năm thứ 3 đại học ở Hà Nội. Túi mìn claymore đựng chiếc cặp tóc, chẳng hiểu sao, Mai đã đem treo bên cạnh bàn thờ. Một ngày, cả làng xôn xao khi một người đàn bà trạc 60 tuổi, nét mặt phúc hậu, đeo một túi nhỏ bằng da cá sấu, viền bạc và một người đàn ông ngoại quốc cao lớn, cả hai đều ăn mặc sang trọng đến làng hỏi thăm nhà ông Lân. Thấy họ đi vào sân, bà Mai luống cuống đứng dậy. Người đàn bà cúi người chào:

– Xin lỗi! Chị là… vợ anh Lân?

– Phải! Tôi là vợ anh ấy. Ông bà là…?

– Em là Hiền Lương. Còn đây là Carlin, cựu chiến binh Mỹ, người lính thủy đánh bộ năm xưa bị anh Lân đâm một nhát dao trúng ngực…

– Đâm dao trúng ngực ông lính Mỹ này?

– Dạ vâng!

Bà Mai hoảng hồn. Bị ông Lân đâm trúng ngực, bây giờ người lính này về báo thù sao? Nghĩ thì nghĩ thế, bà vẫn đon đả mời hai người vào nhà. Chủ khách yên vị xong, bà Mai vừa rót nước mời khách vừa băn khoăn:

– Làm sao mà ông bà biết nhà tôi?

– Chuyện là thế này, chị ạ. Em có một người anh trai tên là Đức, trước là lính Sài Gòn, được anh Lân cứu. Anh Đức nghe lời anh Lân, xin vô bộ đội giải phóng. Chừ anh Đức lên đến cấp trung tá. Đơn vị anh có tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong số tạp chí năm 2001, ở mục “Một thời để nhớ” có in truyện của anh Bình bút danh là Bình lác kể về anh Lân. Anh Bình ngày xưa ở đặc công cùng đơn vị với anh Lân, sau chuyển sang làm nhà báo. Anh Đức đọc thấy, mang đến cho em xem và thông tin cho người lính Mỹ này. Trong chuyện, anh Bình có nói địa chỉ của anh Lân. Được tin, ông Carlin đây liền đáp máy bay sang tìm anh Đức, tìm em, nhờ đưa đến gặp anh Lân để cảm ơn.

– Đã bị đâm trúng ngực còn cảm ơn cái nỗi gì?

– Nhờ nhát dao đó của anh Lân mà ông Carlin bị thương, được chuyển về tuyến sau, không phải đánh đấm, đối mặt với cái chết nữa. Ông ta mang ơn là vì thế. Còn anh chị, chừ sống ra sao?

– Chồng tôi hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn! – Mai bùi ngùi – Bố mẹ tôi cũng đã mất. Vợ chồng tôi chỉ sinh được một con gái. Cháu đang học đại học ngoài Hà Nội…

Nghe Mai trả lời, Hiền Lương rân rấn nước mắt. Carlin bỗng đứng dậy, nói trọ trẹ bằng tiếng Việt Nam:

– Thưa bà, tôi mang nặng ơn ông Lân. Ngày đó, chắc Chúa đã nghe lời cầu nguyện của tôi, đưa ông ấy đến. Tôi và bà Hiền Lương đây đến thăm ông bà để cảm ơn ông Lân, cảm ơn Chúa và xin thưa câu chuyện. Đến đây mới biết ông nhà đã mất, tôi xin có lời chia buồn sâu sắc tới bà. Thưa bà, chuyện tôi xin thưa là nếu có thể, bà cho phép tôi xin cái cặp tóc ông nhà để lại, làm kỷ niệm. Tôi muốn bổ sung cái cặp tóc đó vào bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh của mình…

– Cái cặp tóc hình cánh bướm màu tím?

– Phải, thưa bà! Chiếc cặp tóc ông Bình đã kể trong sách này, bà đọc sẽ biết… Tôi mang ơn nó, thưa bà!

– Ông gặp may đấy. Cái cặp tóc này bao giờ chồng tôi cũng để trong túi áo ngực. Ngày vào chiến trường có lẽ vì vội, chồng tôi để quên dưới gối. Chiếc cặp tóc được anh ấy gói ghém cẩn thận. Ở ngoài chiến trường anh ấy còn viết thư về dặn tôi cất giữ. Thú thật, ngày còn trẻ, vì nó mà tôi… Nhưng mà thôi, chuyện đã qua lâu rồi. Chồng tôi đã hy sinh, có giữ nó, nhìn thấy nó tôi càng thêm đau lòng. Ông là người trong cuộc, nếu ông cần, tôi xin biếu ông…

Nói rồi, bà Mai đến trước bàn thờ ông Lân, thắp ba nén nhang lầm rầm khấn, nét mặt hết sức thành kính. Bà vái ba vái mới đỡ cái túi mìn claymore xuống, lấy cái cặp tóc ra trao cho Carlin. Người cựu chiến binh Mỹ đứng nghiêm, giơ tay chào theo kiểu nhà binh, rồi đưa hai tay đỡ lấy, cảm ơn rối rít. Bà Hiền Lương đứng lên:

– Em xin cảm ơn chị nhiều! Còn đây là quyển tạp chí Văn nghệ Quân đội có in chuyện chiếc cặp tóc. Chị đọc rồi sẽ biết. Thưa chị, được gặp chị và thắp nén nhang cho anh Lân là em mãn nguyện lắm rồi. Em và Carlin đến thăm chị chỉ được chốc lát. Xe đang đợi chúng em ngoài bìa làng. Carlin phải về phi trường Vinh để tối nay có chuyến bay vô Sài Gòn. Em mong chị luôn mạnh giỏi. Nhất định em sẽ lại trở về với chị…

Đợi Carlin đi ra ngõ, Hiền Lương mới khẽ khàng gỡ cái túi da cá sấu viền bạc mang bên vai trao cho bà Mai:

– Trong túi này là 5 ngàn đô, Carlin gửi biếu chị vì chiếc cặp tóc.

– 5 ngàn đô cho một chiếc cặp tóc bằng nhựa? Chị có đùa không đó?

– Làm sao em đùa được! Chị cứ nhận đi! Em biết hoàn cảnh của chị. Với số tiền trợ cấp vợ liệt sĩ và thu nhập bằng nghề nông, làm sao chị nuôi nổi con học xong đại học, rồi còn lo nghề nghiệp cho nó nữa. Số tiền này cũng giúp được phần nào cho chị nuôi con học hành. Chị đừng băn khoăn gì cả! Biết đâu về Mỹ, người ta làm rùm beng lên chiếc cặp tóc này của một nữ biệt động Việt Cộng suýt nữa khiến một lính thủy đánh bộ Mỹ toi mạng. Ở Mỹ, lính thủy đánh bộ là ghê gớm lắm! Không chừng nó được đấu giá hàng chục ngàn đô ấy chứ!

Bà Mai lắc đầu tỏ vẻ không hiểu, tiễn bà Hiền Lương ra tận ngõ. Bà Hiền Lương mấy lần quay lại vẫy. Hình như bà đang đưa tay lên gạt nước mắt…

                                                            ∗

Bà Mai lần giở từng trang sách. Đây rồi, ngày 11-2-1966. Dừng lại chỗ có chú thích trong ngoặc đơn (trích nhật ký của đồng chí Trần Hữu Lân), bà đọc tiếp:

…Ghì chặt như bóp nát báng súng trong tay, chợt nòng khẩu AK chạm vào má lành lạnh làm cho bản năng của người trinh sát đặc công của mình trỗi dậy. “Rõ là ả “câu” mình đây!” Nghĩ thế, mình liền đứng phắt dậy, quát:

– Thôi cô lên đi! Đủ rồi đấy!

Cô nàng khép nép đi lên. Khi đã mặc quần áo xong, lạ lùng ả còn nhoẻn cười, nói với tôi thật dịu dàng:

– Rứa là em biết anh rồi…!

Nghe cô đã thay từ “ông” bằng từ “anh” mà cái giọng cứ mượt như nhung, mình hơi bất ngờ. Thấy mình cứ luýnh qua luýnh quýnh, cô gái bật cười:

– Vùng ni, tụi thám báo hay đóng giả giải phóng lắm, nên em sợ. Chừ thì em biết đúng anh là bộ đội giải phóng rồi! Từ sáng đến giờ em đã nghi nghi. Thiệt tình, em xin đi tắm là để thử anh đó mà. Chỉ có bộ đội giải phóng thấy con gái tắm mà chẳng nhào dô. Em chưa khi mô mặc mini juyp, chứ chưa nói đến chuyện tắm truồng trước mặt con trai. Cũng là thiệt liều…

– Cô liều vậy, giả dụ lúc đó tôi nhào dô, cô tính sao?

– Thì anh sẽ chết! Nè anh nhìn nè…!

Cô gái ngồi xuống hòn đá ven đường, quờ tay ra mái tóc dày mượt của mình, mở chiếc cặp tóc ra:

– Tụi em ở bên quốc gia, bọn lính nó làm tàng dữ lắm. Để tự vệ, em nghĩ ra cái cặp tóc ni…

Nói rồi cô đưa cái cặp tóc hình cánh bướm bằng nhựa màu tím ra trước mặt mình. Ngón tay cái của cô ấn mạnh vào cái nút ở lưng con bướm. Một lưỡi dao nhọn hoắt, sáng loáng bật ra. Trời ạ, dao bấm! Mình cầm con dao từ tay cô lên săm soi:

– Đây là dao bấm Mỹ! Cô gắn thêm con bướm vào đây đó chứ?

– Dạ, là để nghi trang mà anh! Con gái tụi em có nơi bất ngờ nhất để giấu vũ khí tự vệ là chiếc cặp tóc. Có khám xét chi, ai để ý đến chiếc cặp tóc nhựa trên đầu…

Nhân đà cô vui, mình liền gặng hỏi về sự có mặt lạ lùng của cô ở vùng chiến sự ác liệt này. Cô lặng lẽ kể rằng cô có anh trai tên là Đức, lính Sài Gòn, đóng quân ở Động Tranh. Chán ghét đời lính tay sai, anh đào ngũ và đang trốn trong Hang Dơi. Ở quê, bọn quân cảnh đang truy lùng anh ráo riết, nên mấy ngày nay anh chưa ra khỏi rừng được. Được một người bạn cùng trốn về báo, cô lên đây là để tiếp tế cho anh. Nghe cô gái nói, nhìn vào mắt cô, mình biết cô không nói dối. Mình nắm lấy tay cô:

– Ta quay lại Hang Dơi tìm Đức đi. Đừng để anh ấy bị đói mò ra kiếm ăn rồi lại bị bắt. Lao công đào binh, khổ lắm cô à…!

Ngày 12 – 2- 1966:

Hiền Lương – tên cô gái – dẫn mình và tổ trinh sát đến gặp Đức người lính Sài Gòn đào ngũ. Nghe Hiền Lương kể về chúng mình, Đức vô cùng cảm kích trước tấm lòng của người lính giải phóng, xin tình nguyện dẫn đường cho tổ trinh sát đột nhập căn cứ Động Tranh bằng con đường những người lính đào ngũ vẫn lẻn ra ngoài. Con đường bất ngờ nhất đã được họ tháo gỡ hết các loại mìn…

Lúc chia tay, chúng mình đứng bên nhau như những người bạn đã thân quen lâu lắm rồi. Hiền Lương đứng lặng, khuôn mặt thanh tú vương một nét buồn mênh mang. Lâu lắm, em mới quờ tay gỡ chiếc cặp tóc hình cánh bướm màu tím hoa lưu li trên đầu xuống run run trao cho mình, bồi hồi:

– Anh giữ lấy làm kỷ niệm ngày chúng mình gặp nhau. Nhớ… em… nghe anh…!

Ngày 17-2-1966:

Trận tiến công Động Tranh hết sức ác liệt, bởi lính thủy đánh bộ Mỹ là loại lính rất thiện chiến và rất ngoan cố. Chúng mình phải giành giật từng mét chiến hào, từng lô cốt, ụ súng với địch. Đang phát triển đánh chiếm chiến hào trung tâm, bất ngờ một lính Mỹ cao lớn từ ngách hào nhảy ra ôm choàng lấy mình. Mình và hắn vật lộn với nhau trên mặt cứ điểm nóng rẫy. Súng của mình và thằng Mỹ đều bị bật văng ra khỏi người. Thằng lính thủy đánh bộ Mỹ cuối cùng đã đè được mình xuống đất. Hai bàn tay của hắn như một gọng kìm siết chặt cổ mình. Mình đã nghĩ đến cái chết. Không ngờ chính lúc đó, chợt nhớ đến chiếc cặp tóc Hiền Lương tặng, mình vẫn để nguyên trong túi áo ngực. Mình quờ tay lên mở cúc túi áo. Thằng Mỹ đang nghiến răng bóp cổ mình, cười đắc thắng thì lưỡi dao bấm Mỹ nhọn hoắt, sắc lẹm đã bất ngờ xuyên thẳng vào ngực hắn…

 Bà Mai thẫn thờ buông cuốn tạp chí. Cuốn sách rơi xuống đè lên chiếc túi da cá sấu đựng 5 ngàn đô la Mỹ. Lại như ngày xưa, đọc đến đoạn cô gái trần truồng tắm trước mặt anh Lân trong cuốn nhật ký cháy sém, bà Mai lặng lẽ thở dài…

Nguyễn Xuân Diệu