Từ cách đây mấy chục năm dư luận đã báo động sự xuống cấp về văn hóa đọc của xã hội ta. Nhà nước và cộng đồng đã có nhiều nỗ lực nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều vì cơ bản chưa xây dựng được ý thức tự giác đọc sách cho mọi người, nhất là học sinh, sinh viên.

Nhìn từ số liệu thống kê

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, lượng sách làm ra năm 2022 đạt 598,9 triệu bản, tăng 91% so với năm 2017. Bình quân, mỗi người Việt hưởng thụ 6,02 bản sách/năm. Nhưng, hơn 80% trong số đó là sách giáo khoa. Và theo đó, bình quân số lượng sách đọc tính cho mỗi đầu người dân Việt Nam vẫn chỉ là hơn 01 cuốn/người/năm (ngoài sách giáo khoa). Tức là bằng 1/40 người Nhật! Vậy vẫn có tiến bộ. Năm 2013, con số này là 0,8 cuốn/người/năm, theo số liệu của Bộ VH,TT&DL.

Trong lúc đó, không tính những quốc gia đọc nhiều sách như Israel, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, trong top 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới có 3 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia, vẫn không có Việt Nam.

Người Ấn Độ dành ra 10 giờ 42 phút mỗi tuần cho đọc sách. Tương tự là Thái Lan 9:24; Trung Quốc 8; Philipin 7:36; Ai Cập 7:30; Cộng hòa Séc 7:24; Nga 7:06; Thụy Điển 6:54; Pháp 6:54; Hungary 6:48,… Trong lúc đó, có tới 26% người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách; 44% thỉnh thoảng đọc. Nhưng, hồi đầu năm nay (2023), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, dân ta trung bình bỏ ra đến 2h32 phút/ngày để lướt mạng xã hội.

Theo thống kê thì cả nước hiện có 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở ở xã. Số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 bản/người. Đó là thống kê, nhưng thực tế thì các thư viện cấp huyện và tủ sách cấp xã thì cơ bản là “hữu danh vô thực”. Phần lớn chỉ là một gian phòng trong hội trường hoặc nhà văn hóa huyện với một lượng sách nghèo nàn. Còn điểm đọc sách ở Bưu điện Văn hóa xã thì coi như… chấm hết cùng với các dịch vụ viễn thông của nó.

Sách đã ít, số người đến thư viện đọc sách cũng ngày càng thưa thớt. Thỉnh thoảng đến thư viện tỉnh tôi thấy phần lớn là các em học sinh đến để học nhóm. Tôi cũng đã quan sát suốt một buổi tại một thư viện lớn trong tỉnh và chỉ đếm được vài người đến mượn sách. Hỏi chuyện các giảng viên đại học, họ cũng nói phần lớn sinh viên bây giờ hầu như không đọc sách gì ngoài mấy cuốn giáo trình.

Trao tặng sách cho tủ sách dành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu. Ảnh: Quốc Khánh

Nhìn từ xuất bản

Không thể phủ nhận hoạt động xuất bản trong những năm qua đã có bước phát triển về quy mô, năng lực hoạt động. Năm 2018, có 33,9 nghìn đầu sách với 372 triệu bản, tăng 18% về đầu sách và tăng 18,5% về bản sách so với năm 2017. Năm 2022, xuất bản 38.029 xuất bản phẩm với 598,9 triệu bản. Nhưng tỷ lệ sách giáo khoa vẫn chiếm đến 80%.

Một xu thế hiển nhiên, điểm mới, đáng mừng của hoạt động xuất bản những năm gần đây là sách điện tử. Năm 2022 đã có 19/57 nhà xuất bản. Số lượng xuất bản điện tử đã đạt 3.350 xuất bản phẩm, tăng 45,6% so với năm 2021 và doanh thu đạt mức 100 tỉ VND.

Đó là sự tăng trưởng về phương diện kinh tế, về số lượng.

Vấn đề là sự phát triển về chất lượng, về giá trị của các sách được xuất bản. Phải thừa nhận rằng, bên cạnh không ít sách hay, sách tốt thì cũng có rất nhiều sách không hay, thậm chí sách dở. Khá nhiều người nhận xét rằng, từ nhiều năm nay có không ít nhà xuất bản chủ yếu là bán giấy phép. Phải tự bươn chải hoặc phải gồng lên để hoàn thành chỉ tiêu nên họ cấp phép khá dễ dãi. “Cơ chế thoáng” nên “nhà nhà in sách, người người in sách”. Thơ là nhiều nhất. Thứ đến là loại sách hiếu hỷ, kiểu “N năm xây dựng và trưởng thành”… Có những đầu sách chỉ in có 200 bản, thậm chí 150 bản. Một giám đốc nhà xuất bản có tiếng ở Hà Nội nói, đại ý rằng, sản phẩm xuất bản bây giờ nó cũng phải như một rừng cây, có cây gỗ tạp và có những cây gỗ quý. Một cánh rừng chỉ cần vài cây gỗ quý là tốt rồi. Giám đốc một nhà xuất bản địa phương cũng nói: một năm chỉ cần vài ba cuốn “đứng” được là được. Chỉ lo về vấn đề an toàn về chính trị tư tưởng. Còn nội dung, chất lượng thì phải phiên phiến thôi.

Một con số khác, cũng liên quan đến sách, đọc sách là theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2017, doanh thu sách chia theo đầu người của người Việt đạt 2 USD/người/năm (hơn 45 nghìn đồng). Cùng năm này, doanh thu của Malaysia hơn 4,64 lần dù dân số chỉ bằng 1/3 Việt Nam. Doanh thu của Thái Lan hơn 5,33 lần với dân số chỉ hơn 1/2 Việt Nam. Doanh thu của Hàn Quốc hơn 52 lần với dân số bằng 1/2 Việt Nam. Có cầu mới có cung. Có người đọc thì các nhà xuất bản mới in ra sách. Nếu không thì lỗ nặng, mà ở các nước không có ngân sách “nuôi” các nhà xuất bản, không có chuyện sách Nhà nước đặt hàng theo kiểu úy lạo, họ là kinh tế thị trường. Sách của tổng thống mà thấy hay, có lời thì các nhà xuất bản bỏ tiền ra in rồi lo trả nhuận bút cho tác giả. Còn thấy không hay, không có lời thì chẳng ai dại gì bỏ tiền ra in, cả tác giả và nhà xuất bản.

Nhìn từ một cuộc thi về đọc sách

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm tôn vinh sách và văn hóa đọc. Theo đó, nhiều hình thức cổ vũ vũ, tôn vinh, quảng bá về sách như Hội chợ sách, Đường phố sách, Giải sách quốc gia (Hội Xuất bản Việt Nam), Giải thưởng Sách hay (Viện Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc sách hay và Sáng kiến OpenEdu), Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc (Bộ VH,TT&DL) đã được tổ chức.

Trao giài Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” tỉnh Nghệ An tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019. Ảnh: Kiều Nga

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc được tổ chức từ năm 2019 dành cho học sinh, sinh viên để từ đó khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ. Theo thông tin báo chí thì có đến hàng triệu học sinh tham gia. Mỗi năm một chủ đề, và nội dung, hình thức thi cũng phong phú hơn, hoặc nói cách khác cũng phức tạp hơn. Năm 2023, ngoài phần giới thiệu nội dung một tác phẩm theo nhận thức của người đọc, còn có nội dung sáng tác như làm thơ, viết truyện, vẽ tranh… Tiếp đó là xây dựng các clip về sách. Có thể hình dung là rất công phu, đòi hỏi các học sinh phải có kiến thức và nhiều kỹ năng khác ngoài đọc/nhận thức là sáng tác thơ văn, quay, dựng clip.

Không thể nghi ngờ gì về mục tiêu của cuộc thi. Nhưng liệu chừng các em học sinh tiểu học, trung học có đủ thời gian và kỹ năng để làm bài thi với nội dung như vậy không khi mà học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày và phần lớn học sinh trung học phải học gần kín hết các buổi trong tuần, kể cả chính khóa và học thêm tại trường. Chưa tính là buổi tối thì các em cũng phải học thêm gần như suốt tuần. Việc học quá tải này làm cho các em không còn thời gian đọc sách. Gần đây, theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, mỗi học kỳ có 3 tiết đọc sách đối với THCS, cả năm là 6 tiết. Một số trường “linh hoạt” hơn, bố trí mỗi tuần 1 tiết đọc sách nhưng xem ra đọc sách tập thể kiểu này không hiệu quả mấy. Chỉ có 6 tiết trải dài trong một năm, liệu các em sẽ đọc được cái gì? Lại thêm nữa, sách đâu mà đọc, khi mà thư viện của các nhà trường chỉ chủ yếu là sách giáo khoa và một số sách hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên. Hỏi chuyện nhiều giáo viên các trường THCS, chúng tôi được “bật mí” không ít chuyện về cách mà họ tham gia các cuộc thi. Một cô giáo là tổ trưởng tổ xã hội một trường THCS cho biết: hằng năm, sau khi được phổ biến nội dung, thể lệ cuộc thi, chúng tôi chọn ra mỗi lớp 2 hoặc 3 em khá nhất, sau đó chọn sách cho các em đọc, hướng dẫn cho các em làm bài. Em nào làm chưa được thì giáo viên sửa chữa, bổ sung, thậm chí viết thay cho các em. Đó là thi ở cấp trường, còn thi cấp huyện thì thầy cô phải đầu tư công phu hơn… Đến khi thi tỉnh thì phòng phải cử giáo viên biên tập, rà soát lại các bài thi…. Xem ra, đây là cuộc thi của trò và thầy chứ không riêng gì của trò. Một nhà văn, có chân trong ban giám khảo cuộc thi cấp tỉnh đã nói: nhiều em lên trình diễn theo nội dung kịch bản đã được dàn dựng. Biết vậy nhưng rồi cũng cho qua.

Hỏi chuyện một hiệu trưởng trường THCS, cũng là một người viết phê bình văn học, anh nói: thi thì cũng vui tuy hơi mất công một tý. Nhưng kỳ vọng để nó thay đổi nhận thức của học trò về việc đọc sách là rất khó vì các em bây giờ rất lười đọc sách. Cả trường bây giờ tính ra chỉ có khoảng 1 – 2% học sinh còn có hứng thú với việc đọc sách.

Việc học hành thi cử chiếm lấy tất cả sự quan tâm của các em. Áp lực học hành đã gạt chuyện đọc sách ra là rất dễ hiểu.

Rất có thể có những cái nhìn khác hơn, tích cực và lạc quan hơn về sự đọc, văn hóa đọc hiện nay của chúng ta và về Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Các nhà tổ chức cuộc thi này đã nhắm đúng đối tượng để xây dựng lại thói quen đọc sách, chấn hưng văn hóa đọc là học sinh, sinh viên, là thế hệ trẻ. Nhưng rõ ràng giữa ý muốn và thực tại vẫn có những khoảng cách, những khó khăn không hề dễ vượt qua. Ngoài những cuộc thi có dấu hiệu của bệnh hình thức, bệnh thành tích chúng ta cần tìm kiếm những hình thức mới hơn, thiết thực hơn. Một trong những hướng đi đó là hãy dành cho tuổi trẻ, cho học sinh các cấp thời gian và những lời khuyên, những chỉ dẫn về đọc sách. Mà chuyện này không chỉ có nhà trường mà vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng. Trong một gia đình nếu cha mẹ, anh chị có thói quen đọc sách thì người con/em sẽ từng bước hình thành thói quen đọc sách. Phải làm sao để cho các em ý thức được đọc sách trước hết là cho mình, phải giúp cho các em tự giác đọc sách mới hy vọng thay đổi được tình hình. Tìm được ra thời gian và giảm thiểu được áp lực học hành thi cử chắc chắn các em sẽ đến với sách nhiều hơn.

Sách là cái thang, là cái chìa khóa mở ra sự phát triển của mỗi cá nhân và các quốc gia dân tộc. Đọc sách, văn hóa đọc là câu chuyện dài, liên tục, là mối liên quan tương tác giữa sách và người đọc sách. Phải có người đọc hiểu được vai trò của sách, tác dụng của đọc sách, chủ động đến với sách, có kỹ năng đọc, đọc thông minh, có cơ hội đọc và phải có sách, sách hay, sách tốt thì mới tạo dựng được văn hóa đọc.

Đây là câu chuyện lớn ở tầm vĩ mô, liên quan đến toàn xã hội, không thể giải quyết thành công bằng những giải pháp, biện pháp đơn lẻ của một ngành, một tổ chức, một giải thưởng hoặc một cuộc thi mà phải từng bước một xây dựng ý thức tự giác cho mọi người, trước tiên là học sinh, sinh viên mới hy vọng chấn hưng được văn hóa đọc.

Vĩnh Khánh