Kì IV: Nguyễn An Ninh – “Nhà chí sỹ, nhà yêu nước vĩ đại

Chân dung chí sỹ, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Ảnh tư liệu

Đó là nhận định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về Nguyễn An Ninh (1900 – 1943) nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà báo lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào yêu nước của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Hành trình của một trí thức Tây học

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15/9/1900 tại quê mẹ ở xã Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An) trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu nước.

Năm 1910, ông bắt đầu đi học trường dòng Taberd, rồi Collège Mỹ Tho và sau đó theo học chương trình Brevet Elémentaire tại trường Chasseloup Laubat. Năm 1916, ông ra Hà Nội theo học Cao đẳng Y Dược nhưng bỏ sang học luật rồi tìm đường đi Pháp năm 1918.

Sang Pháp, ông thi lấy bằng Tú tài rồi tiếp tục học luật tại Đại học Sorbonne. Hai năm sau, ông được cấp bằng cử nhân luật hạng xuất sắc rồi tiếp tục theo học bậc tiến sĩ. Tháng 10/1922, sau khi viết xong luận án tiến sĩ Luật Đại học Sorbonne Paris, Nguyễn An Ninh về Việt Nam và đã nói với cha: “Con làm luận án tiến sĩ cũng để có trình độ mong tìm ra hướng đi cho dân tộc mình. Con muốn hiệp lực với Nguyễn Ái Quốc, kẻ trong nước, người ngoài nước. Con sẽ làm việc mà Nguyễn Ái Quốc chưa có hoàn cảnh để làm. Con sẽ đánh thức đồng bào còn đang mê ngủ. Sẽ làm cho họ hiểu bổn phận mỗi người trước vận mệnh của đất nước. Sẽ giải thích cho họ biết phải làm gì, và theo ai. Rồi con sẽ tổ chức một lực lượng quần chúng…”

Thời kỳ ở Paris, Nguyễn An Ninh đi đến nhiều nước ở châu Âu, tiếp xúc với văn minh Pháp/phương Tây không chỉ qua sách vở mà còn cả các sinh hoạt chính trị, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của giới trí thức tinh hoa. Ông không chỉ nghiên cứu triết học phương Tây mà cả chủ nghĩa Gandhi, Phật giáo và triết học Mác – Lê-nin và các học thuyết cách mạng trên thế giới.

Nguyễn Thế Truyền (bìa phải) và Nguyễn An Ninh (bìa trái) vào năm 1927 tại Pháp.

Cũng trong thời gian này, Nguyễn An Ninh hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước của người Việt Nam tại Pháp. Ông tham gia “Nhóm ngũ long An Nam” tại Pháp (gồm có Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành/Nguyễn Ái Quốc. Ông cũng kết giao rộng rãi với các nhà hoạt động cánh tả, Cộng sản ở Pháp và một số nước khác ở châu Âu.

Ngày 3/10/1922, Nguyễn An Ninh về nước và bắt đầu một chặng đường mới trên hành trình dấn thân. Trên hành trình đó, ông đã sang Pháp thêm 3 lần và 5 lần bị thực dân Pháp bỏ tù vào các năm 1926, 1928, 1936, 1937, 1939, tổng cộng hơn 10 năm.

Ngày 25/1/1923, ông diễn thuyết trước đông đảo thanh niên trí thức Sài Gòn với chủ đề “Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam”. Ngày 15/10/1923, ông diễn thuyết lần thứ hai tại Hội Khuyến học Nam Kỳ với bài “Cao vọng của thanh niên An Nam”. Ông kịch liệt đả kích chính sách cai trị của chính quyền thực dân, kêu gọi Nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên hăng hái rũ bỏ những ràng buộc của hủ tục, bất chấp sự đàn áp của thực dân Pháp ra đi tìm đường cứu nước và xây dựng cho dân tộc một nền văn hóa mới tự do và hiện đại. Tư tưởng của ông được công chúng, nhất là thanh niên yêu nước ở Nam Kỳ nhiệt liệt hưởng ứng nhưng nhà cầm quyền thực dân thì vô cùng tức tối và tuyên bố cấm ông diễn thuyết tại các nơi công cộng.

Trong bài diễn thuyết “Cao vọng của thanh niên An Nam”, người thanh niên 23 tuổi Nguyễn An Ninh đã nói: “Dân tộc nào bị thống trị bởi nền văn hóa ngoại bang thì dân tộc ấy không thể có độc lập thật sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc… Một dân tộc có một nền văn hóa cao thượng thì mới nắm trong tay những đặc quyền mà những dân tộc với một nền văn hóa thấp kém hơn không thể có được. Như vậy một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hóa của riêng mình”.

Ông phê phán những luận điểm lạc hậu của Khổng giáo nhưng không phủ nhận toàn bộ. Ông viết: “Tư tưởng Khổng giáo nếu được hiểu đúng thì có thể nâng đỡ con người lên một quan niệm quảng đại và nhân từ về đời sống. Mấu chốt của học thuyết Khổng Tử là ở nơi chính bản thân mỗi người tu dưỡng lấy mình”.
“Bài diễn thuyết ‘Cao vọng của thanh niên An Nam’ của Nguyễn An Ninh đã mở ra hướng cho thanh niên thời đó, trở thành một trào lưu mạnh mẽ lan tràn hết sức mau khắp Nam Bộ giữa những năm 20 của thế kỷ vừa qua”. (Trần Văn Giàu)

Tháng 1 năm 1925, Nguyễn An Ninh trở lại Paris để đón cụ Phan Châu Trinh. Trong chuyến đi này, ông đã cho xuất bản tác phẩm “Nước Pháp ở Đông Dương”. Cùng thời điểm này, cũng tại Paris, Nguyễn Ái Quốc xuất bản tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Hai tác phẩm này đã tạo ra tiếng vang lớn ở Pháp. Tạp chí Europe (Châu Âu) đã đăng lại toàn văn tác phẩm “Nước Pháp ở Đông Dương” của Nguyễn An Ninh. Cũng trong chuyến đi này, diễn thuyết tại Hội quán Sociétés Savantes (Hội Bác học), Nguyễn An Ninh tuyên bố: “Tôi không phải cộng sản, không xuất thân từ giai cấp vô sản, nhưng tôi tán thành những nguyên lý cộng sản”.

Từ 1923, ông bắt đầu làm báo La Cloche Fêleé (Chuông rè). Cùng với Thanh niên (1925) của Nguyễn Ái Quốc và Tiếng Dân (1927) của Huỳnh Thúc Kháng, La Cloche Fêlée đã tạo thành một bộ ba báo chí cổ vũ tinh thần yêu nước và cách mạng Việt Nam những năm 1920.

Năm 1926, ông bị chính quyền thực dân bỏ tù 2 năm. Sau khi ra tù, ông cùng Mai Văn Ngọc sáng lập Thanh niên Cao vọng Đảng, một tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín ở Nam Kỳ. Ông còn phối hợp vận động phát triển Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên ở Nam Kỳ. Vì việc này, ông lại bị thực dân Pháp bỏ tù vào cuối năm 1928.

Năm 1936, Mặt trận bình dân ở Pháp thắng lợi. Chớp thời cơ, Nguyễn An Ninh đã phát động Phong trào “Đông Dương đại hội” ở Việt Nam; được nhận định là “cuộc tổng diễn tập lần thứ hai” cho thành công của Cách mạng Tháng Tám (1945).

Chuông rè “gióng lên hồi chuông trong đêm tối”

Bị chính quyền thực dân đe dọa và ngăn cản diễn thuyết, Nguyễn An Ninh vẫn không chùn bước mà sử dụng một phương pháp, một vũ khí đấu tranh mới là báo chí. Ông lập ra tờ báo La Cloche Fêleé (Chuông rè) bằng tiếng Pháp, phát hành công khai ở Sài Gòn. Ngày 10/12/1923, báo ra số đầu tiên, mỗi tuần một số vào ngày thứ hai, 4 trang, khổ 63 x 45cm. La Cloche Fêleé tự nhận là cơ quan ngôn luận theo tinh thần Tự do, Bình đẳng, Bác ái với mục đích chuẩn bị cho tương lai, xây dựng nước Việt Nam như một nước Pháp thứ hai ở châu Á, để “Nó gióng lên từng hồi chuông trong đêm tối”, “Giúp dân tộc An Nam thoát ra khỏi sự vô trật tự hiện nay do nước Pháp mang lại, để dân tộc ấy có thể hoàn tất được cái vận mạng đã vạch sẵn cho mình”.

Nguyễn An Ninh năm 23 tuổi và tờ báo La Cloche Fêleé (Chuông rè).

Đây là một trong những tờ báo đầu tiên thuộc dòng báo chí công khai trực tiếp phê phán mạnh mẽ chính sách cai trị của thực dân Pháp, phơi bày nỗi thống khổ của người dân, đồng thời truyền bá các tư tưởng cách mạng, đặc biệt là tư tưởng cách mạng Pháp, Ấn Độ và chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Để đàn áp tờ báo, chính quyền thực dân đã cấm các nhà in và Sở Bưu điện nhận in và phát hành báo La Cloche Fêleé. Với tinh thần “sẵn sàng hy sinh cho tương lai”, Nguyễn An Ninh và gia đình đã bán hết gia sản để lập xưởng in riêng. Ông trực tiếp vào xưởng làm thợ in rồi để đầu trần, xõa tóc, mặc đồ bà ba, đi guốc gỗ tự mình rao bán báo trên đường phố Sài Gòn. Hành động yêu nước của ông đã được các tầng lớp n

hân dân Sài Gòn và Nam Kỳ rất ngưỡng mộ và ủng hộ. Nguyễn An Ninh trở thành lãnh tụ và là thần tượng của phong trào yêu nước cấp tiến của thanh niên Nam Kỳ.

Do sự o ép của chính quyền thực dân, lại thiếu tiền và sức khỏe không tốt nên đến số 19 ra ngày 14/7/1924 thì Nguyễn An Ninh tạm ngưng La Cloche Fêlée.

Đầu  năm 1925, ông sang lại Pháp. Ngày 26/6/1925, ông cùng Phan Chu Trinh về Sài Gòn. Với sự ủng hộ của cụ Phan, ông cho tái bản La Cloche Fêlée và mời Phan Văn Trường đứng tên chủ nhiệm (vì có quốc tịch Pháp) với sự cộng tác của nhiều cây bút nổi tiếng đương thời. Ngày 26/6/1925, báo La Cloche Fêlée ra số 20. Từ số 63 ra ngày 6/6/1926, báo đổi tên thành L’Annam.

Từ đây, cùng với La Cloche Fêlée/ L’Annam, Nguyễn An Ninh đã có sự chuyển hóa về tư tưởng, trở nên quyết liệt, thiên tả hơn trong đấu tranh chống lại chế độ thực dân cai trị. Từ tư tưởng cải lương ôn hòa, ông công khai ủng hộ việc dùng bạo lực trong cuộc đấu tranh giải phóng, giành quyền sống cho Nhân dân, phát triển cho dân tộc với luận điểm “Chống lại một trật tự, phải dùng một trật tự khác, giáng trả lại một sức mạnh, phải dùng một sức mạnh khác”. Đặc biệt, thiên hướng dân tộc chủ nghĩa nhưng ông đã chủ tâm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin, từng in nhiều kỳ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trên La Cloche Fêlée.

Sau số 182 ra ngày 2/2/1928, La Cloche Fêlée/L’Annam đình bản vĩnh viễn trong sự tiếc nuối của đồng bào Nam Kỳ và cả nước.

Sau khi ra tù lần thứ hai (1931), cuối tháng 4/1932, cùng với bạn là đảng viên Cộng sản Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh lập ra tờ báo công khai bằng tiếng Pháp La Lutte (Tranh đấu). Đây là tờ báo cách mạng rất có uy tín ở Sài Gòn và Nam Kỳ, có đóng góp quan trọng vào việc tổ chức các cuộc đấu tranh công khai sôi nổi của quần chúng.

Về sự nghiệp báo chí của Nguyễn An Ninh không thể không nhắc đến ông đã viết cho các báo Le Paria, Le Libertaire, La Lutte, L’Avant Garde, Donnai, Đông Pháp thời báo, Tranh đấu, Thần chung, Công luận, Đuốc nhà Nam, Trung lập… Ông còn tham gia sáng lập tạp chí Europe nổi tiếng và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Trước đó, từ năm 15 tuổi ông đã làm biên tập cho tờ Courrier saigonnais. Ngoài viết báo, tháng 4/1925, tại Pháp ông còn viết sách “La France en Indochine” (Nước Pháp ở Đông Dương), để “vạch trần” sự xâm lược của thực dân Pháp, phân tích những nguyên nhân đưa đến sự bất ổn tại Đông Dương.

Tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thuộc địa càng ráo riết truy lùng những chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Ngày 4/10/1939, thực dân Pháp bắt lại ông, kết án 5 năm tù giam và 10 năm biệt xứ vì tội gây rối trị an. Ngày 10/12/1940, ông bị đày ra Côn Đảo.

Sau khi đánh chiếm Đông Dương (9/1940), người Nhật đã hai lần cử người ra Côn Đảo thuyết phục đón Nguyễn An Ninh về lập Chính phủ thân Nhật, nhưng đã dút khoát từ chối. Tháng 7 và tháng 8/1943, người Nhật lại hai lần đến gặp vợ Nguyễn An Ninh thuyết phục bà ra Côn Đảo mời ông về lập Chính phủ thân Nhật nhưng bà cũng từ chối.

Nguyễn An Ninh và vợ

Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi

Ngày 14/8/1943, Nguyễn An Ninh hy sinh ở nhà tù Côn Đảo. Trước lúc ra đi, Nguyễn An Ninh đã để lại một bài thơ nổi tiếng “Sống và chết”: Sống mà vô dụng, sống làm chi/ Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?/ Sống trái đạo người, người thêm tủi/ Sống quên ơn nước, nước càng khi/ Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn/ Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ/ Sống sao nên phải, cho nên sống/ Sống để muôn đời, sử tạc ghi/ Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài/ Chết đáng là người đủ mắt tai/ Chết được dựng hình tên chẳng mục/ Chết đưa vào sử chứ không phai/ Chết đó, rõ ràng danh sống mãi/ Chết đây, chỉ chết cái hình hài/ Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi/ Chết cho hậu thế, đẹp tương lai.

Sau ngày Côn Đảo giành được chính quyền, nhà văn Sơn Vương Trương Văn Thoại – bạn tù của Nguyễn An Ninh, trở thành Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Côn Đảo từ ngày 12/12/1945 cho đến ngày 18/6/1946 khi thực dân Pháp tái chiếm Côn Đảo, đã cải táng, xây mộ ông và lấy tên Nguyễn An Ninh đặt cho Côn Đảo với tên gọi là “An Ninh quần đảo” trong một thời gian ngắn.

Giáo sư Trần Văn Giàu, cũng là bạn của ông, viết: “Từ một sinh viên của Đại học Đông Dương, Nguyễn An Ninh trở thành một chiến sỹ, một lãnh tụ có uy tín lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào yêu nước Việt Nam trong suốt gần 2 thập kỷ  (từ 1923 – 1943). Ông còn là nhà tư tưởng, nhà văn hóa và nhà báo lớn. Những tác phẩm của ông về tư tưởng chính trị, về tôn giáo và về văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng đối với diễn trình lịch sử văn hóa – tư tưởng Việt Nam cận đại” (Trần Văn Giàu).

 Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đánh giá rất cao tầm vóc của Nguyễn An Ninh, ông viết: “Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước vĩ đại, một trí thức tầm cỡ, nếu chịu khuất phục bọn đế quốc, chắc chắn ông sẽ giàu có và sống vương giả. Nhưng vì yêu nước, thương dân, ông đã đi vào quần chúng lao khổ vận động họ chống lại bọn đế quốc và tay sai. Ông đã ra tờ báo La Cloche Fêlée (“Tiếng chuông rè” để vạch mặt bọn xâm lược và áp bức bóc lột Nhân dân Việt Nam. Ông đã bí mật thành lập một tổ chức cách mạng yêu nước Đảng Thanh niên cao vọng để chống lại bọn xâm lược và tay sai. Là một trí thức, thế mà ông lại đi bộ bán dầu cù là ở các bến xe, các phố phường Sài Gòn với ý định cổ động đồng bào chống lại bọn đã làm khổ mình. Ở trong tù, ông Nguyễn An Ninh luôn luôn đoàn kết với chúng tôi những người cộng sản, để chống lại bọn cai ngục dã man. Khi ông lâm bệnh mất đi, chúng tôi đã cử lễ truy điệu ông rất long trọng và thương tiếc Nhà chí sỹ Nguyễn An Ninh, Nhà yêu nước vĩ đại”.

Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “…tôi biết rõ Nguyễn An Ninh và tôi khẳng định rằng Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, kiên quyết đấu tranh vì Tổ quốc và dân tộc, cho đến hơi thở cuối cùng.
Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng, cho nên chúng ta phải ghi nhớ những cống hiến quan trọng của một nhân vật có tầm vóc lịch sử”.

Sự hy sinh của ông đúng là “Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi/ Chết cho hậu thế, đẹp tương lai”. Cái chết của một chí sỹ, một nhà cách mạng yêu nước vĩ đại.

Vĩnh Khánh