PGS, NGND Nguyễn Hoành Khung (sinh năm 1938, quê Thái Bình) là nhà khoa học chuyên ngành Văn học Việt Nam. Hơn 40 năm gắn bó với khoa Văn học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông từng là Tổ phó tổ Văn học Việt Nam hiện đại; nghiên cứu về văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, trong đó chuyên sâu về một số tác giả như: Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Thạch Lam… Ông tham gia Hội đồng chuyên môn bộ môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 1996 đến năm 2009, có nhiều đóng góp trong việc biên soạn sách giáo khoa, tham gia tiểu ban soạn chương trình cải cách giáo dục, ra đề thi… PGS, NGND Nguyễn Hoành Khung đã tạ thế lúc 12h03 phút ngày 25/8/2023, hưởng thọ 86 tuổi. Không chỉ là một người thầy tâm huyết, có nhiều đóng cho sự nghiệp giáo dục, PGS, NGND Nguyễn Hoàng Khung còn là một tấm gương đẹp về lối sống mẫu mực, về đạo đức nhà giáo, để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp, cho sinh viên. Bài viết của tác giả là nén tâm hương tưởng nhớ người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò.

Lần đầu tôi được gặp thầy Nguyễn Hoành Khung là khoảng giữa năm 1984. Nguyên do là sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, học tiếp một khóa bồi dưỡng sau đại học (lúc ấy chưa gọi là thạc sĩ), tôi trở thành giảng viên trẻ của khoa Ngữ văn, chuẩn bị lên lớp phần văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Để có thêm tư liệu cho bài giảng, tôi được Ban Chủ nhiệm khoa cho ra Hà Nội đọc sách và “tầm sư học đạo”. Theo lời giới thiệu của PGS Lê Bá Hán, tôi tìm đến GS Nguyễn Đăng Mạnh, nguyên là cán bộ giảng dạy cũ của Trường Đại học Sư phạm Vinh. Vì đang bận hoàn thành gấp một cuốn sách, thầy Mạnh giới thiệu tôi sang thầy Nguyễn Hoành Khung. “Ông này tài hoa, dạy sinh viên hấp dẫn, cậu nên sang đấy”. Tôi đánh bạo tìm đường sang nhà thầy ở 2C ngõ Bảo Khánh sát bên bờ hồ Hoàn Kiếm (căn phòng nhỏ trên gác 2 ngõ Bảo Khánh mấy năm sau đã trở thành địa chỉ quen thuộc khi tôi trở lại Hà Nội làm NCS với thầy, sau này tôi còn biết biệt danh mà học trò đặt cho thầy là “công tử Bảo Khánh”). Nghe tôi nói nguyện vọng, thầy cười, nụ cười tự nhiên, thân thiện, pha chút hóm hỉnh: “Con đường ở lại trường đại học là con đường dài, gian nan lắm; nhưng mình biết nghị lực của dân Nghệ, vợ mình cũng là dân Nghệ, dân cá gỗ”. Hôm đó trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, thầy kể cho tôi một số câu chuyện về nghề dạy học, về sinh viên, về quê vợ ở Vinh mà thầy cũng ít vào vì “sợ gió Lào mà ông Nguyễn Tuân đã tả”. Thầy cho tôi mượn mấy cuốn sách, khuyên tôi đến phòng đọc đặc biệt ở Thư viện Quốc gia để có thêm tư liệu. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng đã truyền cho tôi thêm nghị lực giữa những ngày cả Hà Nội đang ngột ngạt trong không khí thiếu đói.

PGS, NGND Nguyễn Hoành Khung và PGS.TS Đinh Trí Dũng

Chín năm sau, cơ duyên lại đưa tôi đến với Thầy. Tôi và mấy anh em trẻ được cử ra Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (lúc đó có tên là Đại học Sư phạm Hà Nội 1) làm NCS. Khóa NCS chuyên ngành Văn học Việt Nam năm ấy ít người, ngoài mấy anh em ở Vinh, ở Huế ra, có 2 cô giáo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là cô Trần Hạnh Mai và cô Dương Thu Hương. Khi tôi gợi ý nhờ thầy Nguyễn Hoành Khung hướng dẫn, GS Trần Đình Sử – Chủ nhiệm khoa – đồng ý ngay, chỉ dặn tôi: “Thuận lợi đấy, thầy Khung là người tài hoa, nhưng rất chỉn chu, cẩn thận trong nghiên cứu, viết lách, trong đào tạo học trò. Cũng may là thầy đang ít NCS”. Thầy Khung vẫn chưa quên cậu học trò đồng hương với vợ ra gặp thầy tìm kiếm tư liệu hồi nào. Nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ như in căn phòng chật chội của thầy cô ở ngõ Bảo Khánh, góc phòng bày một giá sách, cạnh lối ra vào đặt một bộ bàn ghế nhỏ, giữa nhà là một chiếc phản vừa dùng làm chỗ ăn cơm, vừa là giường nằm, cũng là chỗ bày biện sách vở khi thầy làm việc. Nhiều buổi, khi tôi đến, cô Thu Hương – vợ thầy – phải lui xuống bếp để nhường chỗ cho thầy trò. Đề tài NCS của tôi là tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, vấn đề thầy tâm đắc và am hiểu. Tuy nhiên, cũng không phải là không gặp những khó khăn. Quan điểm đánh giá về Vũ Trọng Phụng trong bối cảnh sau Đổi mới đã khác trước nhiều, nhưng những ý kiến về ông còn những tranh cãi. Tư liệu về Vũ Trọng Phụng phải tìm kiếm thêm, một số phải xác minh bản gốc. Bên cạnh đó, những khó khăn về đời sống vẫn đè nặng lên những NCS xa nhà như chúng tôi, dẫu ngọn gió Đổi mới đã thổi được dăm năm. Căn phòng nhỏ tầng 3 nhà A8 dành cho các NCS ở xa luôn chật chội, thiếu điện, thiếu nước, thiếu cả không khí, nhiều hôm bể tắm công cộng mất nước mấy ngày, phải chạy tung tóe khắp nơi để xin nước. Rồi những bữa cơm tập đoàn, cơm bụi nghèo nàn, chủ yếu là rau, dưa và những miếng thịt vụn rẻ tiền. Tôi lại có một gia đình, con gái đầu mới 5 tuổi ở Vinh. Những chuyến tàu chợ ọc ạch chạy từ Hà Nội về Vinh hết một ngày một đêm mới tới. Đó là chưa kể hàng loạt những thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp khiến nhiều NCS mệt mỏi, có người đã phải khoác ba lô trở về quê khi sự nghiệp chưa thành. Tôi đã dự một cuộc chia tay như thế với một anh bạn NCS ở Huế. Gia đình khó khăn, đến đầu năm thứ 3 vẫn trục trặc khâu đề tài và người hướng dẫn. Anh quyết định chia tay Hà Nội, chia tay bạn bè. Chúng tôi ngồi cạnh nhau trong một quán nhỏ ngay phía cổng phụ của trường, bên những ly cà phê đắng ngắt…

Giữa những ngày mệt mỏi, khó khăn đó, tôi lại tìm đến nhà thầy. Vượt qua một lối nhỏ bề bộn hàng hóa của người buôn bán ngay sát chân cầu thang, căn phòng nhỏ của thầy cô hiện ra như một ốc đảo yên bình giữa một xã hội cũng đang nhiều “giông tố”. Thầy lại đàm đạo văn chương, lại động viên tôi, lại nở nụ cười bình thản, hóm hỉnh: “Gió Lào xứ Nghệ mà còn chịu nổi, khó khăn đất Hà Thành này ăn thua gì”. Cô Thu Hương thì lặng lẽ làm việc, khi thấy thầy trò hơi to tiếng “tranh cãi học thuật” mới từ tốn góp lời. Cô là dân Nghệ gốc, sinh ra trong một gia đình trí thức. Một thầy giáo tài hoa đất Bắc yêu rồi lấy cô học trò người Nghệ xinh nhất lớp. Cô Thu Hương đối xử với tôi bằng sự thân tình của một nhà giáo với cả tình đồng hương sâu nặng. Thỉnh thoảng thầy pha trò: “Cô Hương nhà mình ai mà đụng đến xứ Nghệ, nói xấu người Nghệ thì biết tay”. Tôi biết thầy cô cũng khó khăn như mọi người nhưng ít khi thấy thầy cô kêu ca, phàn nàn. Thầy tranh thủ dạy luyện thi thêm, cô đứng ra tổ chức lớp. Thỉnh thoảng, khi đã xế trưa, cô chân tình bảo tôi ở lại ăn cơm, có gì ăn nấy. Mấy cuốn sách được xếp lại, cả nhà ngồi quây lại trên tấm phản trong không khí đầm ấm gia đình. Có thể nói tôi đã hoàn thành chặng đường NCS kéo dài 5 năm trời ở đất Hà Thành chính là nhờ sự đùm bọc, chia sẻ, động viên của thầy cô.

Gần thầy mấy năm, tôi học được ở thầy nhiều điều. Trước hết là sự cẩn trọng, chỉn chu, thái độ khách quan trong nghiên cứu khoa học. Thầy đã lên tiếng khá sớm để “minh oan” cho Vũ Trọng Phụng, bảo vệ và đề cao thơ lãng mạn, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn… Chuyên đề thầy lên lớp mà sinh viên, học viên rất mê là “Nhìn lại vụ án Vũ Trọng Phụng và một số bài học đặt ra trong nghiên cứu khoa học”. Nhưng mặt khác, thầy cũng không đồng tình với thái độ cực đoan, nói lấy được của một số cây bút đang say sưa “phản tỉnh” lúc bấy giờ. Khi tôi làm luận án, thầy luôn căn dặn: “Đừng cực đoan, cực đoan quá thì không gặp chân lý. Vũ Trọng Phụng rất tài năng, có nhiều tác phẩm là đỉnh cao của văn học hiện thực phê phán, nhưng Vũ Trọng Phụng cũng có nhiều điểm hạn chế, không thể nói khác được”.

Tôi cũng rất thích những bài viết, những trang giáo trình của thầy, một lối văn mực thước, khoa học, sâu sắc, chỉn chu trong từng câu, chữ. Khi tôi hoàn thành bản thảo luận án đưa đến thầy, thầy đọc rất cẩn thận, dùng bút ghi chi tiết các lỗi bên cạnh, kể cả lỗi diễn đạt. Tôi vẫn còn nhớ nét bút và những lời phê của thầy: “Đoạn này ý gì?”, “Sao hai đoạn văn này cọc cạch thế ?”, “Kết luận thế này không ổn”. Sau này, mỗi khi dễ dãi viết nhanh một bài báo để kịp đăng, tôi lại giật mình nghĩ đến cuốn luận án và những lời phê của thầy.

Thầy Nguyễn Hoành Khung cũng là người trăn trở và am hiểu giáo dục phổ thông. Nhiều năm liền thầy được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời viết sách giáo khoa, thẩm định chương trình, ra đề thi tuyển sinh. Khi bộ sách giáo khoa mới ra đời, người ta đang say sưa coi đây sẽ là khâu đột phá trong nâng cao chất lượng dạy học thì trong một bài phỏng vấn trên báo Nhân Dân, thầy cho rằng: “Theo tôi, yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng dạy và học văn trong nhà trường là người thầy. Người thầy đóng vai trò rất quan trọng để tạo nên tình yêu đối với môn học trong học trò. Thầy giỏi và có tâm hồn gặp trò có tư chất, môn Văn sẽ được thăng hoa”. Quả là một tầm nhìn sớm!

Mấy năm ở cạnh thầy, tôi thấy dường như ở thầy phảng phất một ít Nguyễn Tuân, một ít Lão Trang. Khi cái lý thuyết trung tâm – ngoại vi đang thịnh hành, thầy cười bảo tôi: “Mình chưa bao giờ là trung tâm, mình nằm ở ngoại vi”. Vui buồn với thầy, không bao giờ thái quá. Thầy không quan tâm nhiều đến chức tước, các loại huân chương, giải thưởng. Khi thầy được phong nhà giáo ưu tú, rồi nhà giáo nhân dân, tôi gọi điện chúc mừng thầy, thầy bảo cũng chẳng có gì mà phải khoe, mà liên hoan này nọ, ưu tú hay nhân dân quan trọng nhất là học trò thừa nhận. Có năm tôi hỏi thầy về việc mừng thọ, thầy cười bảo: “Nhiều người làm linh đình cả, lại còn tập trung học trò chúc tụng, mình phải làm kiểu khác”. Phải chăng đây là biểu hiện của một tâm thế, một bản lĩnh sống an nhiên, tự tại, giàu chất trí thức, hiểu người, hiểu mình!

Cũng phải nói thêm rằng tiếp thêm động lực cho chúng tôi trong những năm đó là không khí ấm áp, chân tình của ngôi nhà tổ Văn học Việt Nam hiện đại. Những khi rảnh rỗi, chúng tôi ghé nhà thầy Nguyễn Đăng Mạnh, thầy Nguyễn Đình Chú, thầy Nguyễn Văn Long, thầy Trần Đăng Xuyền… Thầy Nguyễn Đình Chú uyên thâm, mực thước, chúng tôi gọi thầy là “ông đồ Nghệ”. Thầy Nguyễn Đăng Mạnh sắc sảo, cởi mở, dí dỏm, hay nhất là những câu chuyện thầy kể về chân dung nhà văn. Thầy Nguyễn Văn Long khiêm nhường, chân tình, chu đáo… Tôi cũng thỉnh thoảng kéo bạn bè đến nhà thầy Nguyễn Hoành Khung. Chân thành, gần gũi, nhưng cũng chính các thầy lại rất nghiêm túc, thẳng thắn, tranh luận đến nơi, đến chốn trong những buổi sinh hoạt khoa học, tổ chức hội thảo, bảo vệ đề cương… Thầy Trần Đăng Xuyền bảo chúng tôi: “Luận án mà đã được các cụ tổ này thông qua, thì cứ yên tâm mà bảo vệ”. Nhờ thế, kẻ trước người sau, chúng tôi cũng lần lượt hoàn thành khóa học, bảo vệ thành công luận án và trở thành các “tân tiến sĩ”. Thế hệ chúng tôi hồi ấy, sau này nhiều người trở thành PGS, đảm nhiệm các chức vụ trưởng khoa, phó trưởng khoa Ngữ văn nhiều trường đại học trải dài từ Bắc đến Nam. Mỗi khi gặp nhau, bên cạnh chén rượu vui không quên “ôn nghèo kể khổ”, nhưng ai cũng thấy mình đã trưởng thành, lớn lên nhiều từ ngôi nhà khoa Ngữ văn và có thể tự hào để nói rằng: “tôi là NCS của ngôi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”.

Sau 5 năm học tập, tôi quay lại cơ quan cũ là Trường Đại học Sư phạm Vinh, dù có một vài cơ hội để ở lại công tác Hà Nội. Thầy Nguyễn Hoành Khung có tiếc cho tôi, nhưng rồi cũng đồng tình khi tôi nói rằng tôi còn rất nhiều ân nghĩa phải trả cho quê nhà, cho mái trường cũ. Thầy chỉ dặn: “Phải phát huy những gì học được, bằng tiến sĩ cũng chỉ là sự tập dượt nghiên cứu. Phải kiên trì mới đi được xa”. Sau này, nhiều lần tôi ngõ lời mời thầy vào Vinh chơi, kết hợp dạy chuyên đề cho lớp thạc sĩ. Thầy luôn từ chối, lấy lý do ngại đi xa, sợ gió Lào, nhưng có lẽ là thầy không muốn làm phiền học trò. Sau nhiều lần lỡ hẹn, thầy vào đúng một lần, lần ấy là những ngày thật vui, thật đầm ấm và thầy biết thêm một số nơi trên quê vợ xứ Nghệ. Sau này, phần đường sá xa xôi, phần bận rộn công việc, có khi vài ba năm tôi mới có dịp ghé thăm thầy cô. Căn phòng ở Ngọc Khánh thầy đã bán đi để mua một căn hộ 3 tầng nằm trong một ngõ nhỏ đường Nguyễn Văn Cừ phía bên kia cầu Chương Dương. Nhà cửa khang trang hơn, nhưng thầy cô vẫn sống đạm bạc như xưa, trong ngôi nhà yên tĩnh, bỏ phía ngoài những ồn ào phố xá. Hai cậu con trai, đều không theo nghiệp văn chương, người anh thường vắng nhà, còn cậu em cùng vợ con đang ở nước ngoài. Thầy bảo nhà dời xa, bạn bè thân quen già yếu, học trò bận rộn nên cũng ít người qua lại. Thầy bảo tôi là “khách quý phương xa”, mời ở lại ăn cơm với thầy cô. Có lần cao hứng, thầy bảo: “Hôm nay đãi khách quý phải ra quán, không ăn ở nhà nữa”. Thầy đi trước, mái tóc bạc, dáng đi cũng đã yếu nhiều. Cô Thu Hương đi bên cạnh, đỡ tay thầy. Tôi theo sau, lòng rưng rưng. Những kỷ niệm ấm áp của một thời làm NCS lại hiện về…

Đinh Trí Dũng