Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người chiến sĩ đi tiên phong trong công cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và là nhà văn hóa lớn. Trước tác mà Người để lại phong phú về thể loại, đa dạng về bút pháp và gắn liền với các chặng đường hoạt động cách mạng của Người. Nhìn trên tổng thể, chiếm đại bộ phận các trước tác của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là văn xuôi chính luận và văn thơ tuyên truyền chính trị trực tiếp. Đấy là những tác phẩm Người viết ra để phục vụ cho yêu cầu cách mạng ở từng giai đoạn. Các tác phẩm này thuyết phục người đọc bằng lý lẽ và luận cứ sắc bén, bằng những sự thật hiển nhiên không thể chối cãi, bằng cả vốn kiến thức uyên bác và tâm huyết của người cầm bút. Bên cạnh bộ phận văn xuôi chính luận, văn thơ tuyên truyền chính trị trực tiếp là bộ phận sáng tác nghệ thuật gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, phóng sự, kịch, thơ trữ tình, ký…

    Thời kỳ hoạt động ở Pháp (những năm 20 của thế kỷ trước) Nguyễn Ái Quốc viết khá nhiều, trong đó bộ phận văn chính luận chiếm khối lượng lớn. Vì nhiệm vụ Cách mạng, Người thường phải tiến công kẻ thù bằng những mũi nhọn chính luận trực tiếp, sắc sảo. Đó là các bài văn chính luận viết bằng tiếng Pháp đăng trên các báo Người cùng khổ (Le paria), Nhân đạo (L’Humanité), Đời sống thợ thuyền (La vie Ouvrière), Thư tín quốc tế (La correspondance internetionale)… Đó là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (Le procès de la colonisation Francaise) xuất bản lần đầu ở Pari năm 1925 từng làm chấn động dư luận nhân dân Pháp và nhân dân các nước thuộc địa. Đó là những bài luận chiến sắc sảo, vạch trần và tố cáo tâm địa của chủ nghĩa thực dân Pháp, thể hiện niềm cảm thông vô hạn đối với những kiếp người nô lệ và thôi thúc họ đứng dậy hành động… Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người chiến sĩ đi tiên phong trong công cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và là nhà văn hóa lớn. Trước tác mà Người để lại phong phú về thể loại, đa dạng về bút pháp và gắn liền với các chặng đường hoạt động cách mạng của Người. Nhìn trên tổng thể, chiếm đại bộ phận các trước tác của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là văn xuôi chính luận và văn thơ tuyên truyền chính trị trực tiếp. Đấy là những tác phẩm Người viết ra để phục vụ cho yêu cầu cách mạng ở từng giai đoạn. Các tác phẩm này thuyết phục người đọc bằng lý lẽ và luận cứ sắc bén, bằng những sự thật hiển nhiên không thể chối cãi, bằng cả vốn kiến thức uyên bác và tâm huyết của người cầm bút. Bên cạnh bộ phận văn xuôi chính luận, văn thơ tuyên truyền chính trị trực tiếp là bộ phận sáng tác nghệ thuật gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, phóng sự, kịch, thơ trữ tình, ký…

Bản án chế độ thực dân Pháp1 là một “thiên phóng sự điều tra” (chữ dùng của Huỳnh Lý), có tiếng vang như một quả bom nổ ngay sào huyệt kẻ thù. Văn phóng sự điều tra là văn báo chí, đặc điểm đầu tiên của nó là phơi bày một sự thực được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên cũng như một số loại ký khác, nếu tác phẩm phóng sự được viết một cách nghệ thuật, gây xúc động người đọc, với những trang văn giàu hình tượng, sinh động, thì tác phẩm phóng sự sẽ trở thành những tác phẩm văn học. Giá trị nổi bật của tác phẩm trước hết là tính chất phê phán mãnh liệt của nó. Nó kết án, luận tội chủ nghĩa thực dân Pháp không chỉ ở Việt Nam, ở Đông Dương mà còn ở khắp các thuộc địa khác: Angiêri, Tuynidi, Tây Phi… Bằng lập luận sắc bén, bằng những lý lẽ không thể chối cãi, bằng những số liệu xác thực, tác phẩm đã phơi bày những tội ác trời không dung, đất không tha của những kẻ luôn tự xưng là khai hóa, văn minh nhưng thực chất là những tên kẻ cướp tàn bạo, dã man, mất hết tính người. Mỗi chương của tác phẩm là một bản điều tra, luận tội sắc sảo bọn thực dân, từ tội vũ trang xâm lược, đàn áp dã man phong trào yêu nước ở các thuộc địa đến tội bóc lột bằng “thuế máu” đối với những người lính da màu trên các chiến trường châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ nhất; từ việc bổ lên đầu người dân thuộc địa đủ thứ sưu cao thuế nặng đến việc đầu độc con người bằng thuốc phiện và rượu cồn… Phương án kết tội của Người là dựa trên những tài liệu xác thực, đặc biệt là những tài liệu do chính những người Pháp cung cấp qua nhật ký, thư từ của họ. Người có lần tâm sự với người bạn trong thời gian thai nghén cuốn sách: “Tôi không muốn tự mình viết lấy, vì như thế không có giá trị thực sự, Tôi muốn dùng những đoạn văn trong các sách họ viết về thực dân Pháp. Tôi sẽ cố gắng làm cho đậm nét những đoạn ấy”2. Đồng thời, tác phẩm cũng thể hiện niềm xót thương vô hạn trước những đau khổ chồng chất của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa. Trong số những kẻ bất hạnh, Bác đã dành niềm cảm thông, chia sẻ sâu sắc đối với những người phụ nữ thuộc địa trong chương “nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ”.

Nguyễn Ái Quốc và bìa tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp

Bản án chế độ thực dân Pháp là một phóng sự độc đáo về nghệ thuật biểu hiện. Người ta thấy ở tác phẩm này nhiều phẩm chất của một tác phẩm văn chương đích thực mà sau này người đọc thấy được tái hiện trong nhiều phóng sự của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố: cách phân chia các chương theo vấn đề, tiếng cười trào phúng, châm biếm sắc sảo, cách dùng các mẩu chuyện sinh động, ngôn ngữ uyên bác, đầy chất trí tuệ. Về kết cấu, Bản án chế độ thực dân Pháp chia thành 12 chương và một phụ lục. Ngoài chương XII Nô lệ thức tỉnh, 11 chương còn lại mỗi chương là một bản luận tội. Các tội ác được đề cập một cách toàn diện, từ nhiều góc độ, cho người đọc vừa hình dung rõ cận cảnh từng mặt đen tối của xã hội thuộc địa, đồng thời cũng nhìn thấy một toàn cảnh bi đát: tội ác chồng lên tội ác, người dân thuộc địa như nghẹt thở trước gông cùm, đàn áp, trước sự đầu độc bằng rượu cồn, thuốc phiện, trước sự ru ngủ, phỉnh phờ của giáo hội. Cách cấu trúc phóng sự theo từng vấn đề này cho phép tác giả vừa thấy cái chung, vừa thấy cái riêng, vừa tăng cường tính chính luận, vừa có thể lồng ghép vào tác phẩm những câu chuyện sinh động, cụ thể, vì thế mà phóng sự được gia tăng màu sắc văn chương. Hà Minh Đức nhận xét: “Bản án chế độ thực dân Pháp đã có tới gần 30 mẩu chuyện. Bản án do đó không phải là sự kết tội thuần túy về lý lẽ, mà là một bản cáo trạng, với những chứng minh cụ thể và hùng hồn… Các mẩu chuyện đều rất ăn khớp với dòng chính luận, văn mạch tự nhiên, trôi chảy, các mẩu chuyện thường được kể lại theo nhiều hình thức. Tất cả đều cụ thể, chân thực, đúng với sự thật đã xẩy ra trong cuộc sống”2.

Một phương diện đặc sắc nữa trong nghệ thuật phóng sự của Nguyễn Ái Quốc qua tác phẩm này là nghệ thuật trần thuật vừa khách quan, lạnh lùng, vừa hóm hỉnh u mua, nhưng phía sau là nỗi đau đớn, cảm thông được nén lại. Tiếng cười được thể hiện xuyên suốt tác phẩm và trên nhiều cung bậc: những câu chuyện bi hài, những chân dung biếm họa (các chương III, IV, V), những hình ảnh được “vẽ lại” một cách hài hước, nghệ thuật chơi chữ, v.v… Chẳng hạn, hình ảnh thần Công lý thiêng liêng ở Đông Dương dưới con mắt của Nguyễn Ái Quốc: “Công lý được tượng trưng bằng một bà đầm, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp sang Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ti, nên bà đầm công lý tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”. Nghệ thuật chơi chữ của Nguyễn Ái Quốc cũng rất trí tuệ, tinh tế. Vừa nắm vững Pháp ngữ, lại thành thạo cách khôi hài kín đáo, thông minh của người Pháp, Người đã sáng tạo ra nhiều cách chơi chữ thâm thúy. Có lúc Người sử dụng từ với nghĩa đen, nhưng người đọc lại nghĩ ngay đến nghĩa bóng của nó (từ Savoner chẳng hạn). Có lúc Người dùng phép chia tách từ để tạo ra một nghĩa mới (từ Merci à toi được viết cách quãng thành M…erci à toi khiến người ta liên tưởng đến một câu chửi tục). Có lúc Người dùng từ đồng âm khác nghĩa để tạo ra ý nghĩa trào phúng (từ Saint vừa là tên của viên công sứ, vừa có nghĩa là thánh – theo điển tích chúa ba ngôi)…

Có thể nói tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp là một mẫu mực của thể loại phóng sự điều tra. Tác phẩm không chỉ là một quả bom có sức công phá ném vào hang ổ của chủ nghĩa thực dân mà còn là một đóng góp lớn cho nền văn xuôi dân tộc đang trên con đường hiện đại hóa. Bản án chế độ thực dân Pháp đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề sâu sắc về quan hệ giữa dân tộc và thời đại, giữa truyền thống và hiện đại, giữa tuyên truyền và nghệ thuật.

Để hỗ trợ cho mũi tiến công của văn chính luận, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh còn có một mũi tiến công khác rất hiệu quả: những hình thức sáng tác hư cấu, tưởng tượng dựa chắc trên những sự thật của đời sống. Bộ phận này, trước hết phải kể đến các truyện ngắn viết bằng tiếng Pháp sáng tác khoảng những năm 20 trên đất Pháp như Pari (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Con người biết mùi hun khói (1922), Đồng tâm nhất trí (1922), Vi hành (1923), Đoàn kết giai cấp (1924), Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu (1924), Con rùa (1925). Các tác phẩm này được tập hợp lại trong Truyện và ký Nguyễn Ái Quốc (Phạm Huy Thông dịch, Nxb Văn học, 1974). Truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc không nhiều, nhưng đã trở thành vũ khí nghệ thuật lợi hại, góp phần lột trần bộ mặt kẻ thù và thức tỉnh lương tri nhân dân Pháp. Các truyện và ký tạo thành một tập hợp tương đối hệ thống, với nội dung tư tưởng sâu sắc, kiến thức uyên bác, cách viết lôi cuốn, đạt tới trình độ nghệ thuật cao, đã đặt cơ sở vững chắc đầu tiên cho nền văn xuôi cách mạng của giai cấp vô sản.

Các truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc đều bám sát thời cuộc chính trị, bám sát những sự thật đời sống đang diễn ra: từ việc Varen sang nhận chức toàn quyền Đông Dương đến việc Khải Định sang Pháp, từ việc tên công sứ Bơruye thiêu chết hàng trăm người trong hang đá đến chuyện anh công nhân Hôxê tham gia bãi công, giết chết cảnh sát, bị xử hai lần, nhờ phong trào đấu tranh của công nhân mà được trắng án… Từ những câu chuyện, những cảnh đời có thật, các truyện này đã vươn tới một ý nghĩa khái quát chính trị – xã hội sâu sắc, thể hiện được không khí của một thời kỳ lịch sử sôi động. Nội dung của các truyện đều hướng đến một mục đích chung: lên án những tội ác tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, thể hiện nguyện vọng độc lập, tự do của nhân dân các thuộc địa, ca ngợi tình hữu ái giai cấp và tình đoàn kết quốc tế vô sản… Tuy vậy, mỗi truyện là một chỉnh thể nghệ thuật độc đáo, mang vẻ đẹp riêng.

Bộ mặt của chủ nghĩa thực dân, hơn đâu hết, hiện hình rõ nét ở các thuộc địa. Đây chính là những địa ngục trần gian trên trái đất. Cùng với tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, các truyện và ký của Người, với ngòi bút đả kích sắc sảo, đã phơi bày bản chất của bọn thực dân: ăn cướp, tham nhũng, giết người. Con người biết mùi hun khói ghi lại tội ác tày trời của tên công sứ Bơruye đã cho hun khói, đốt hang, giết chết một lúc trên hai trăm mạng người Phi. Còn tên công sứ trong truyện Con rùa, ngoài “thành tích” đã từng chặt 75 cái đầu hào mục xứ Bắc Kỳ còn là “một ông Tây tốt chỉ thích của tốt, cho nên mình mà vào nhà ngài tay không thì khi ra khỏi nhà ngài là móng đít no đòn”. Với một truyện ngắn chưa đầy sáu trăm chữ, Nguyễn Ái Quốc đã phơi bày thực trạng tham nhũng, thối nát của bọn toàn quyền, công sứ ở các thuộc địa.

Với tình cảm yêu nước thiết tha, Người luôn hướng về Tổ quốc và theo dõi sát sao những diễn biến của tình hình chính trị. Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu vừa vạch trần chân tướng của Varen, một kẻ “phản bội nhục nhã” – vốn là đảng viên đảng Xã hội Pháp, vừa mới được cử sang làm toàn quyền Đông Dương, đồng thời thể hiện niềm kính phục tấm gương yêu nước của Phan Bội Châu, “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”. Người cũng không quên vạch trần bộ mặt của bọn vua quan phong kiến tay sai, những kẻ cam tâm quỳ gối ôm chân đế quốc. Khi Khải Định sang pháp dự cuộc đấu xảo thuộc địa ở Mác xây (1922), cùng với vở kịch Con rồng tre, Người đã viết các truyện ngắn Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Vi hành và tiểu phẩm Sở thích đặc biệt để đã kích tên vua bù nhìn này. Trong Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Người đã sử dụng một tình huống hư cấu, tưởng tượng độc đáo: bóng ma của bà Trưng Trắc, tượng trưng cho tiếng nói của truyền thống hào hùng, quật cường của dân tộc hiện lên, phán xét một cách nghiêm khắc tên vua bán nước, đớn hèn cam tâm làm “món đồ rao hàng thuộc địa, cổ động đế quốc”. Cũng đả kích Khải Định, Vi hành lại có một góc nhìn khác, một giọng văn khác. Mượn sự nhầm lẫn của một đôi nam nữ thanh niên Pháp, dưới hình thức bức thư gửi cô em họ, Người đã biến Khải Định thành một thằng hề, một kẻ làm trò mua vui đến từ các thuộc địa, cũng giống như “vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên”, “tụi làm trò nhào lộn của sư thánh xứ Công gô”. Vi hành là một truyện ngắn đặc sắc, rất chính trị mà cũng rất nghệ thuật, với cách viết ngắn gọn, cô đúc, với cách dẫn chuyện hấp dẫn, bất ngờ, với giọng văn hài hước, châm biếm nhẹ nhàng, kín đáo mà sâu sắc.

Lòng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc gắn chặt với tình cảm quốc tế vô sản trong sáng. Trong Đoàn kết giai cấp, Người đã viết nên một câu chuyện sảng khoái ngợi ca tình đoàn kết đấu tranh của những người công nhân ở Braxin. Truyện ngắn kết thúc bằng sự khái quát chân lý: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”. Còn truyện ngắn Con người biết mùi hun khói là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực, phơi bày tội ác của bọn thực dân và bút pháp lãng mạn bay bổng khi người tưởng tượng ra quang cảnh tưng bừng của ngày lễ kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày thành lập cộng hòa liên hiệp Phi, với những hình ảnh rực rỡ: “Các quảng trường y như một dòng người, từng đoàn học sinh giương cờ đi đầu vừa diễu qua các phố vừa hát quốc tế ca được dân chúng vỗ tay hoan nghênh”. Cụ Kimengô đã chín mươi tuổi – nạn nhân sống sót của vụ thảm sát tại hang Tuẫn Nạn, bồi hồi xúc động kể lại cho con cháu mình tình cảnh đau đớn của những người Phi trước đây. Truyện ngắn chỉ là một ước mơ, nhưng là một ước mơ rất chân thực về một xã hội tương lai – một xã hội không có người bóc lột người, không có sự phân biệt màu da và chủng tộc. Xã hội đó, lúc bấy giờ đã hiện hình trên thực tế ở đất nước Liên Xô.

Truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc có giá trị nghệ thuật cao. Đặc trưng nổi bật là bút pháp văn xuôi hiện đại và tài châm biếm sắc sảo. Mỗi tác phẩm của Người có một kết cấu riêng, độc đáo. Cùng đả kích Khải Định nhưng Vi hành, Sở thích đặc biệtLời than vãn của Bà Trưng Trắc vẫn không hề trùng lặp về nội dung và hình thức. Có truyện tác giả kể một cách giản dị, theo trình tự thời gian. Có truyện lại được tái hiện qua dòng hồi tưởng của nhân vật. Có truyện xây dựng dựa trên một giấc mơ, có truyện lại là một tình huống đầy kịch tính hoặc một tưởng tượng lãng mạn bay bổng. Bút pháp châm biếm cũng thấm đượm trong nhiều trang truyện. Người đả kích rất sâu cay, nhưng cũng rất “kín đáo và thú vị” như lời đồng chí Phạm Văn Đồng có lần nhận xét. Truyện ngắn Những trò lố hay Varen và Phan Bội Châu vừa có những lời đả kích trực tiếp, đích đáng, vừa ẩn giấu một nụ cười thâm thúy, hóm hỉnh từ miêu tả dáng hình, lời ăn, tiếng nói đến thái độ, hành động của một tên cáo già thực dân. Truyện ngắn Vi hành mượn một tình huống nhầm lẫn thú vị: đôi nam nữ thanh niên Pháp nhầm tưởng tác giả là vị hoàng đế An Nam vi hành. Họ ra sức bình phẩm, châm chọc kẻ mà họ xem như một thứ trò lạ mắt, đến rất đúng lúc, khi mà “cái lò ở Gangbe đã bán rồi. Cái rương của Hêra Miecten cũng đã thanh toán rồi. Vụ án người bị chặt ra từng khúc thì không thu hút được công chúng lắm vì không thuộc giới thượng lưu. Vậy là cái kho giải trí của chúng ta sắp cạn như BDD vậy. Nhật báo chẳng còn cái gì để bôi bác lên giấy cả. Đúng lúc đó thì…”. Tình huống trào phúng và những câu văn đầy chất hài hước như thế không chỉ “diễu chết tươi” một tên vua bù nhìn bán nước mà còn gián tiếp bộc lộ được nhiều mặt trái của xã hội Pháp.

Người Pháp có truyền thống ưa hài hước, một thứ hài hước mang tính trí tuệ. Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu đặc điểm trên, kết hợp nó với sở trường châm biếm và tinh thần lạc quan, yêu đời của Người. Các truyện ngắn cũng thể hiện một vốn kiến thức cổ kim, Đông Tây uyên bác và phong phú. Chỉ một nghệ thuật chơi chữ thôi, cũng đã làm hấp dẫn người đọc bởi tiếng cười thâm thúy, sâu sắc, vừa kín đáo, tế nhị. Có thể kể ra rất nhiều trường hợp. Những từ “Platonique”, “cadeau”, “petits dúcs”… trong tiếng Pháp, đã được tác giả chơi chữ rất đúng chỗ, rất tài tình trong Sở thích đặc biệt, Con rùa, Vi hành… tạo ra tiếng cười vừa rất Pháp vừa rất Việt Nam. Với những đặc điểm trên, những tác phẩm truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc những năm 20 đã tạo ra những tác động tích cực với dư luận nhân dân Pháp. Trần Dân Tiên kể lại trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch: “Những người Pháp hết sức căm phẫn khi biết được những chuyện xảy ra ở các nước thuộc địa: rượu, thuốc phiện, hối lộ, khủng bố… Thường thường, họ kêu lên: Ồ! Nhục nhã biết bao! Ô! Thật không tưởng tượng được! Tội ác thực dân tày trời!”. Truyện và ký của Người cũng xuyên thủng màn đêm tối tăm, đem đến luồng ánh sáng mới cho nhân dân Việt Nam, trước hết là bộ phận trí thức, học sinh, sinh viên.

   Các sáng tác của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ hoạt động trên đất Pháp – cũng như các sáng tác sau này của Người – luôn thể hiện trí tuệ sâu sắc, tấm lòng giàu yêu thương và tâm hồn cao đẹp của Người. Ngay từ ăm 1923, nhà báo Nga Oxíp Manđenxtam đã viết về Người: “Từ Nguyễn Ái Quốc toát ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa của Tây Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”4. Nhà thơ Haiti Rơnê de Pêtơrô ca ngợi Người: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thật sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa Xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta”5. Suốt cả cuộc đời, Người đấu tranh không mệt mỏi cho nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, cho sự chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người. Các sáng tác của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh chỉ là bộ phận rất nhỏ trong sự nghiệp cao cả và vĩ đại của Người. Nhưng ở đó, nhiều thế hệ hôm nay và mai sau có thể tìm thấy những giá trị tinh thần cao quí, những bài học sâu sắc, bổ ích.

PGS.TS Đinh Trí Dũng

(1) Bản án chế độ thực dân Pháp đăng lần đầu bằng tiếng Pháp trên báo Imprékor của Quốc tế Cộng sản tại Pari năm 1925, bản tiếng Việt đầu tiên do Nxb Sự thật xuất bản, 1960 (Phạm Huy Thông dịch).

(2) Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 36, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980, tr.427.

(3) Hà Minh Đức, Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tr.152.

(4) Báo Đốm lửa (Oginiok), ngày 23/12/1923.

(5) Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1975, tr. 100.

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam số 13 tháng 5/2021)