Quang Dũng làm thơ không nhiều, ông cũng không thật quan tâm đến việc công bố thơ ca với công chúng. Trong suốt cuộc đời, ông chỉ để lại tổng cộng khoảng hơn 60 bài thơ[1]. Không phải tất cả thơ của Quang Dũng đều hay, nhưng phải nói ông có những bài thơ vào loại hay nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây… Ông đã sớm khẳng định cho mình một hướng đi riêng trong thơ ca chống Pháp. Có nhiều cách lý giải sự thành công, tính độc đáo của thơ Quang Dũng: phong vị quê hương, hồn dân tộc đậm đà, “chất trữ tình lãng mạn”, người xây nên “tượng đài người lính cách mạng”, ngôn ngữ thơ hồn hậu, giản dị mà tài hoa… Chúng tôi đi sâu, làm rõ thêm sự đóng góp của Quang Dũng trên hai mặt: tiếp thu chọn lọc, cải biến những thủ pháp, chất liệu quen thuộc của Thơ mới lãng mạn 1932 – 1945, nỗ lực đưa hiện thực đời sống vào thơ kháng chiến chống Pháp một cách sáng tạo. Hiện thực trong thơ đã được thăng hoa trong cái nhìn lãng mạn và lãng mạn nhờ hiện thực mà có thêm những màu sắc mới sinh động. Thơ Quang Dũng là sự kết hợp tuyệt đẹp nhiều bình diện, nhiều yếu tố khác biệt, tạo nên sự hấp dẫn riêng của một phong cách thơ.
1. Tiếp thu chọn lọc, cải biến những thủ pháp, chất liệu quen thuộc của Thơ mới lãng mạn 1932 – 1945
Khi bàn về thơ Quang Dũng, giới nghiên cứu thường nhấn mạnh Quang Dũng trước hết là một hồn thơ lãng mạn. Đỗ Lai Thúy khẳng định: “Quang Dũng là một kẻ lãng mạn, lãng mạn đến chót mùa” [6]. Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng Quang Dũng “quá thừa chất lãng mạn và lòng chân thật” [4, tr.115]. Trần Lê Văn nói thêm: “Cái lãng mạn ấy, trong phần tốt đẹp của nó – đã gặp, dễ hòa nhập với lãng mạn cách mạng” [7, tr. 32]. Khi nói về Tây Tiến, bài thơ hay nhất trong đời thơ Quang Dũng, các nhà nghiên cứu như Hà Minh Đức, Nguyễn Thành Thi, Nguyễn Đăng Điệp, Phan Huy Dũng[3]… đều cho rằng chính cảm hứng lãng mạn bay bổng trong bài thơ đã góp phần tạo nên “tượng đài thi ca về người lính cách mạng”.
Chủ nghĩa lãng mạn (romantism) như một phương pháp sáng tác gắn với một hệ thống nguyên tắc tư tưởng sáng tạo – thẫm mỹ trong văn học Việt Nam, thể hiện ở những hiện tượng văn học sôi động như tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, phong trào Thơ mới… đã khép lại cùng với cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ đây nền văn học chống Pháp nói chung, thơ nói riêng đi theo một xu hướng mới được định danh là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, trong đó hàm chứa yếu tố lãng mạn cách mạng. Cho đến nay, cũng chưa nhiều những nghiên cứu nghiêm túc về mối quan hệ giữa thi pháp thơ của chủ nghĩa lãng mạn trước 1945 với thi pháp thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa mang tính lãng mạn cách mạng sau 1945, mà xét trên chủ thể sáng tác, không thể không tính đến khi cả một thế hệ các nhà Thơ mới như Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… đã hăm hở đi trên con đường nghệ thuật cách mạng nhưng không thể nào đoạn tuyệt hẳn với hành trang quá khứ của mình. Trong tiến trình vận động của lịch sử văn học, cũng cần nhìn nhận lại vai trò của chủ nghĩa lãng mạn đối với thơ Việt sau 1945. Về phương diện này, cần lưu ý thêm ý kiến của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn khi khẳng định: “Nổi lên trên bề mặt thơ sau 1945 vẫn là sáng tác của các nhà Thơ mới: Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, ấy là không kể một lớp nhà thơ trẻ mới hình thành, tất cả mang lại cho Thơ mới một sự hồi sinh, một đỉnh cao thứ hai” [5]; hay ý kiến của Trần Ngọc Hiếu khi cho rằng: “Nghiên cứu về chủ nghĩa lãng mạn, với tư cách là một hiện tượng lớn của văn học thế giới, một trào lưu quan trọng của văn học Việt Nam hiện đại, còn bỏ lại nhiều khoảng trống, thậm chí, còn quẩn quanh trong những diễn ngôn chứa đựng nhiều định kiến…” [3, tr. 210].
Đặt Quang Dũng trong bối cảnh đó sẽ hiểu hơn sự tiếp thu của ông đối với di sản của chủ nghĩa lãng mạn và nhiều thủ pháp của Thơ mới như là một tất yếu, để từ đó tạo ra một tiếng thơ lãng mạn cách mạng mang phong cách Quang Dũng. Quang Dũng trước năm 1945 đã từng làm thơ lãng mạn (Chiêu Quân, Cố Quận, Giang hồ…). Quang Dũng cho biết ông cũng là người “thích thơ Thế Lữ”, đọc văn Thạch Lam và “say Thơ mới như bất cứ một học sinh nào thời đó”. Với nhiều nhà thơ thế hệ chống Pháp như Quang Dũng, văn học lãng mạn, Thơ mới đã là một phần của cuộc đời họ, ngấm vào máu thịt, dẫu có lúc họ tuyên bố chối bỏ, quay lưng lại với nó để “lột xác” đi theo kháng chiến. Cuộc kháng chiến hào hùng của một dân tộc từng sống hàng ngàn năm dưới ách phong kiến, hàng trăm năm dưới ách thực dân đang “rũ bùn đứng dậy” cũng dễ tạo ra cảm hứng lãng mạn bay bổng trong một bộ phận thơ ca ngay sau ngày độc lập và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt của Tố Hữu, Ngày về của Chính Hữu, Sáng mát trong như sáng năm xưa của Nguyễn Đình Thi…). Hơn nữa tính cách Quang Dũng, cái “tạng” của con người ông cũng khiến ông dễ lưu luyến với thơ lãng mạn. Nguyễn Đăng Mạnh từng gọi Quang Dũng là “người thơ” đó sao. Quang Dũng tiếp thu ảnh hưởng của Thơ mới lãng mạn trên nhiều phương diện, trước hết là cái tôi trữ tình giàu cảm xúc, nỗi buồn sâu thẳm tự bên trong, ở chất nhạc, chất họa trong thơ, ở sự tự do của hình thức biểu hiện, ở một số thủ pháp quen thuộc mà ông sử dụng… Thơ lãng mạn là thơ của cái tôi “bão hòa cảm xúc”: Tôi là con nai bị chiều buông lưới…, Tôi là con chim đến từ núi lạ… (Xuân Diệu), Tôi là người bộ hành phiêu lãng… (Thế Lữ), Tôi là thi sĩ của thương yêu… (Nguyễn Bính),… Cái tôi trong thơ Quang Dũng cũng thường bộc lộ một cách trực tiếp, có khi xuất hiện dày đặc ngay trong một bài thơ (Quán bên đường, Áo trắng, Đôi mắt người Sơn Tây):
– Tôi gặp nàng đi buổi sớm mai…
– Tôi gặp nàng như gặp nhớ thương…
– Tôi để nàng qua chẳng nói gì…
– Tôi khách qua đường, trưa nắng gắt…
– Tôi mồ hôi ra ngực áo chan chan…
Đây là hiện tượng hiếm gặp trong thơ kháng chiến chống Pháp, khi các nhà thơ thường tự nguyện lùi cái tôi cá nhân xuống bình diện thứ hai, để nhường chỗ cho cái ta quần chúng (anh vệ quốc, anh đội viên, bà mẹ chiến sĩ, em gái Bắc Giang, em liên lạc…) hiện diện như trong thơ Tố Hữu, Hồng Nguyên, Thôi Hữu, Minh Huệ, Hoàng Trung Thông…
Tình cảm, cảm xúc là nhân tố trực tiếp tạo dựng tứ thơ, kết nối hình ảnh, biểu tượng, ngôn từ trong thơ Quang Dũng. Rất nhiều “buồn”, “nhớ”, “thương”, “chờ”, “đợi” được thể hiện trong những cảm xúc dâng trào: Người thấy tâm tư trĩu trĩu buồn…, Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi…, Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói…, Nhớ trăng Hoàn Kiến tưởng em chờ…, Em đã bao ngày em nhớ thương… Cũng giống như nhiều bài Thơ mới, những nỗi niềm đượm buồn ấy thường được tác giả đẩy lùi về quá khứ, do đó càng trở nên khắc khoải, da diết. Hiện thực trong thơ, được nhìn qua lăng kính trữ tình, qua sương khói của thời gian nhiều khi trở nên mờ ảo, là hiện thực của tâm trạng. Tâm trạng buồn này cũng đã quen thuộc trong Thơ mới, với những vần thơ sầu mộng của Lưu Trọng Lư, những vần thơ hoài niệm của Thế Lữ, những mối tình xa xót của Xuân Diệu, Nguyễn Bính… Ở phương diện này, Hoài Thanh, Xuân Diệu đã sớm nhận ra, lên tiếng phê phán Quang Dũng khá nặng nề lúc bấy giờ, lý giải nó như là biểu hiện của “cái tôi lẻ loi, nhỏ bé của con người tư sản, tiểu tư sản cũ”[3]. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nỗi buồn trong Thơ Quang Dũng đã được nhìn nhận lại. Chính nỗi buồn thanh cao, thi vị này là một phần không thể thiếu của tiếng lòng Quang Dũng, nó như chất men say trong thơ ông. Nhìn rộng ra, đâu chỉ có Quang Dũng, mạch thơ buồn rất nhân tính này trong thơ chống Pháp có trong thơ Nguyễn Đình Thi (Người tử sĩ, Đường núi, Không nói), Thâm Tâm (Chiều mưa đường số 5), Hữu Loan (Màu tím hoa sim)… đã trở thành một phần không thể thiếu làm nên giá trị của thơ ca chống Pháp, tất nhiên nó chỉ là phần nằm ở ngoại biên. Không thể đòi hỏi người lính cách mạng lúc nào cũng phải lạc quan, phải lên gân. Không thể trách con người khi trên bước đường gian khổ, một thoáng cô đơn, một nỗi niềm “tha hương”, “lữ thứ” nào đó lại hiện về:
Người thấy tâm tư trĩu trĩu buồn
Trưa về hiu quạnh gợi cô đơn
(Trưa Hè)
Kỳ Sơn mây kéo nặng
Hoa trẩu rụng đầy đường
Sấm đầu mùa đã động
Sao động lòng tha hương?
(Chiều núi mưa rào)
Có những câu thơ Quang Dũng thiên về tả cảnh, nhưng cảnh thực mà cũng là “tâm cảnh”. Khổ thơ không có một từ “buồn” nào, nhưng lại thể hiện một nỗi buồn xa xăm, sâu thẳm:
Nắng nửa sông xa mờ khí núi
Cánh hồng nhạt nhạt mây phiêu lưu
Lá múa rì rào trên bãi vắng
Mái nhà ai đó nắng xiêu xiêu?
(Thu)
Khổ thơ gợi nhớ những câu thơ Xuân Diệu:
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả càng hoang nắng trở chiều…
(Thơ duyên)
Đối lập là một thủ pháp quen thuộc trong thơ lãng mạn. Thủ pháp này theo nhà nghiên cứu E.G.Milyugina (Nga) xuất phát từ khát vọng về tự do như một “giá trị nguyên khởi, vĩnh hằng và tuyệt đối” không được thỏa mãn, đã dẫn các nhà thơ lãng mạn nhìn thấy “những sự đối lập, mâu thuẫn, đối kháng, xung đột đủ loại trong chủ nghĩa lãng mạn thời kỳ sau” [3, tr. 31]. Tây Tiến của Quang Dũng là sự thể hiện tài tình của thủ pháp đối lập: đối lập giữa cái ghê rợn, hoang dã và nét hùng vĩ của thiên nhiên, đối lập giữa cuộc sống thiếu thốn, khổ cực, hy sinh và vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng của người lính cách mạng:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Ở bài thơ Mây đầu ô, sự đối lập được thể hiện sống động giữa hình ảnh tự do, phóng khoáng của “mây đầu ô” và cái bé nhỏ, chật chội của “góc phố phường”:
Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi! Chật làm sao
Góc phố phường
Mây ở đầu ô
Hẹn những chân trời lạ
Qua một ngọn cột đèn.
Như vậy, có thể nói Quang Dũng đưa cái buồn vào thơ, nhưng đây không phải là cái buồn ủy mỵ, tàn tạ, bất lực trong Thơ mới…. Ông đã cải biến lại nỗi buồn, tạo cho nỗi buồn một màu sắc thanh cao, bi tráng. Quang Dũng sớm nói đến sự hy sinh, mất mát, nhưng sự hy sinh được ông biểu hiện thật cao cả:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Chưa có nhà thơ nào viết về sự hy sinh của người lính vừa đau đớn vừa hào hùng như thế. Ba câu trên là sự đau xót tột đỉnh. Hiện thực đúng ra là “chiếu thay áo bào” đã được đảo ngược lại thành “áo bào thay chiếu”, tạo ra nét oai hùng mang dáng dấp những tráng sĩ “da ngựa bọc thây” thủa nào[4]. Còn câu cuối đã diễn tả tài tình phút chia ly, “sông Mã gầm lên khúc độc hành”, dòng sông cất lên điệu nhạc dữ dội, bi tráng tiễn đưa hồn các anh. Nếu nỗi buồn trong Thơ mới luôn đi liền với sự bơ vơ, đơn độc, lạc loài thì nỗi buồn trong thơ Quang Dũng luôn tìm thấy cho mình điểm tựa. Điểm tựa ấy là quê hương thân thuộc với dâu mía, ngô khoai, đất đá ong, giếng mát, tiếng sáo diều, là đôi mắt “dìu dịu buồn” của người em gái Sơn Tây… Điểm tựa ấy là những con người chân chất, bình dị nhưng rất đẹp đã đi vào thơ ông như anh chiến sĩ, cô dân quân, cô dân công, cô hàng xén, em gái bán quán nước bên đường… Nhà thơ hòa mình vào dòng chảy ấy, nhận ra vẻ đẹp đích thực của cuộc đời trong những con người bình thường, chân chất đang góp sức mình cho sự thắng lợi của cuộc kháng chiến.
2. Nỗ lực đưa hiện thực đời sống vào thơ kháng chiến một cách thành công
Quang Dũng là một hồn thơ đậm màu sắc lãng mạn, nhưng cũng như một số nhà thơ thế hệ chống Pháp (Tố Hữu, Chính Hữu, Hồng Nguyên…), ông cũng là người góp phần đưa hiện thực đời sống và chất tự sự vào thơ. Tuy nhiên, hiện thực kháng chiến tràn vào thơ ca chống Pháp không phải lúc nào cũng thành công, nhất là trong những năm đầu khi một số cây bút chưa bắt kịp với thời cuộc. Nhưng con đường cách tân này đã tạo ra những thi phẩm tồn tại được với thời gian: Đồng chí (Chính Hữu), Nhớ (Hồng Nguyên), Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ), Thăm lúa (Trần Hữu Thung)… Nhiều câu thơ thể hiện sinh động hiện thực một thời đã đi vào trí nhớ của nhiều thế hệ:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
(Đồng chí, Chính Hữu)
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.
(Nhớ, Hồng Nguyên)
Cũng với xu hướng đó, Quang Dũng đã nỗ lực đưa hiện thực đời sống kháng chiến vào thơ. Nhiều bài thơ, đoạn thơ của ông như những thước phim lướt nhanh, quay vội trên đường hành quân, nhưng để lại những hình ảnh sống động, ám ảnh người đọc:
Có làng trung đoàn ta đi qua
Máu đông in dấu giày đinh giặc
Nền tro, gạch sém, ngách buồng ai
Chiếc tã đầu giường đang cháy dở.
(Những làng đi qua)
Bối cảnh của chiến tranh, những mất mát, hy sinh, vất vả của người lính, của nhân dân đã đi vào thơ một cách tự nhiên: những ngõ gạch bị đập bỏ, những ngôi làng bị tàn phá, những người em mất nhà, mất cửa, những người lính hy sinh “rải rác biên cương mồ viễn xứ”, một em gái “mê sảng sốt hồng đôi má” trong một quán nước nghèo bên đường… Nhưng hiện thực không chỉ có đau thương, mà còn có thắng lợi, có niềm vui. Một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ đang được tiến hành và ngày càng tiến bước vững chắc. Quang Dũng đã phác họa được cái không khí, âm hưởng của thời đại qua những chi tiết rất đời thường:
– Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng Chạp
Nùn rơm – khói thuốc – bạch đầu quân…
– Những làng trung đoàn ta đóng lại
Khẩu hiệu trên tường đá ong mới
Thông tin đứng vẽ giặc Tây hàng
Trống ếch khua rền khắp ngõ ngang…
(Những làng đi qua)
Quang Dũng đã đưa vào thơ kháng chiến những chất liệu, những từ ngữ thô ráp thường thấy trong ký sự như “tường gạch”, “đèn chai”, “khẩu hiệu”, “chiến xa”, “chiến hào”, “bao đạn ướt”, “trạm tiền tiêu”, “đạn bom”, “giày đinh giặc”, “tự vệ”, “du kích”, “chiến dịch”… Những câu thơ, hình ảnh thơ tự nhiên, thô mộc nhưng lại rất ám gợi:
– Tự vệ xách đèn chai lối xóm
Khuya về chân khỏa vội cầu ao
Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào.
(Những làng đi qua)
– Lối qua Hồng Phú xưa
Sát đường tàu hoen rỉ
Tà vẹt rào vườn rau
Cỏ dại xương rồng
Mọc lên rậm rạp.
(Hồng Phú Châu Giang)
Chất liệu hiện thực tràn vào thơ chống Pháp là một xu thế tất yếu, sau này cũng là hiện tượng phổ biến trong thơ chống Mỹ, nhưng để thơ hóa chất liệu thì lại cần có những tài năng. Không phải lúc nào Quang Dũng cũng thành công, nhưng khi ông đưa chất liệu này vào trong trường lãng mạn quen thuộc của mình, thể hiện chúng bằng một ngôn ngữ tài hoa, giàu nhạc tính thì bỗng nhiên những câu thơ như được thổi hồn cốt, lay động lòng người:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
(Tây Tiến)
Từ độ Thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
(Mắt người Sơn Tây)
Nỗ lực đưa hiện thực vào thơ khiến cho Quang Dũng đã bước cùng đường, đi theo xu hướng chung của thơ ca kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ, nhưng ông vẫn tạo ra cách xử lý chất liệu độc đáo của riêng mình.
3. Sự hấp dẫn của những kết hợp đa màu sắc
Khó tìm được một định nghĩa đầy đủ, chuẩn xác thế nào là thơ hay, bởi các định nghĩa thường xuất phát từ những góc nhìn khác nhau, với những đối tượng khác nhau. “Mỗi bài thơ hay là một định nghĩa về thơ hay” (Anh Ngọc)[5]. Một bài thơ với người này có thể hay, nhưng lại không tạo ra cảm xúc gì đặc biệt với những người khác (bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm của Tòng Văn Hân được giải thưởng Báo Văn nghệ vừa qua là một ví dụ). Qua các bài thơ Quang Dũng, có thể khái quát về một kiểu thơ hay: Đó là sự thăng hoa của cảm xúc, là sự kết hợp hài hòa giữa lãng mạn và hiện thực, giữa cổ điển và hiện đại, giữa thơ và nhạc, họa, là sự giản dị mà tài hoa trong ngôn ngữ. Các bài thơ hay nhất của Quang Dũng như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Đêm Bạch Hạc… là những bài như thế.
Thực ra, cũng phải nói rằng, ảnh hưởng của bút pháp lãng mạn hay cố gắng đưa hiện thực đời sống vào thơ trong thơ kháng chiến chống Pháp thời kỳ đầu không phải chỉ có ở riêng Quang Dũng. Nhưng một số trường hợp, chất liệu lãng mạn đã biến người chiến sĩ cách mạng thành những tráng sĩ xa lạ, biến chiến trường thành những “biên thùy” trong thơ cổ (Biết gửi đưa ai – Khuyết danh, báo Vệ Quốc, Ngày về – Chính Hữu…). Ngược lại, đưa hiện thực đời sống vào thơ cũng đã làm nhiều bài bị văn xuôi hóa, vè hóa (Bà cụ mù lòa, Làng Còng của Xuân Diệu, Giữ bí mật, Tòng quân của Huy Cận, Mắt anh đã thấy cả rồi của Chế Lan Viên…). Đặt trong bối cảnh ấy, mới thấy hết những đóng góp của Quang Dũng. Tây Tiến (ra đời năm 1948) như một tượng đài nghệ thuật về người lính cách mạng. Bài thơ chủ yếu sử dụng bút pháp lãng mạn, những chi tiết hiện thực cũng được lãng mạn hóa, kỳ vĩ hóa theo bút pháp phóng đại. Vẻ ngoài xanh xao, sốt rét rừng, tóc rụng của người lính Tây Tiến đi vào thơ trở thành: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Những cái chết bất ngờ không gây cảm giác sợ hãi mà được thể hiện như một sự tạm nghỉ, dừng chân trên con đường chiến chinh: Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời. Sự trắc trở, hiểm nguy của núi rừng đi liền với cái hùng vĩ, nên thơ: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. Thủ pháp đối lập phát huy hiệu quả tối đa: thiên nhiên vừa hiểm trở, hoang sơ vừa dữ dội, hùng vĩ, người lính vừa gian lao, vất vả, nhọc nhằn vừa lãng mạn, tài hoa, đa tình. Quang Dũng đã xây nên tượng đài người lính bằng những xúc động chân thành, xót xa, cảm phục ở mức cao độ, và những cảm xúc ấy lại được biểu hiện bằng những hình ảnh ấn tượng, bằng nhịp thơ khi dồn dập, trúc trắc, khi chùng xuống lâng lâng, bằng cách sử dụng thủ pháp đối ý, đối thanh, bằng ngôn ngữ thơ tài hoa, độc đáo. Bài thơ cũng là một minh chứng của “thi trung hữu họa”, “thi trung hữu nhạc”… Mắt người Sơn Tây thì đúng như nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương: “hơi thơ lãng mạn mà tình cảm rất đời, chạm vào trái tim con người thời tao loạn. Thương cảm, xót xa, phiêu bạt mà không bi lụy. Nét hy vọng thanh mảnh trong suốt chảy len lỏi qua nỗi đau nặng chắc tạo một cảm xúc chiến chinh rất Việt Nam mà cũng điệp trùng biên tái thời nảo thời nao” [6, tr. 7].
Cũng như nhiều nhà thơ khác, thơ Quang Dũng cũng có những hạn chế. Thơ ông không đồng đều về chất lượng, có bài chất lãng mạn không thể thăng hoa, chỉ gợi một cái gì mòn sáo (Không đề, Dòng đời…), có bài chất hiện thực đi vào thơ còn thô mộc, vụng về (Quán bên đường, Nhớ, Gửi Sơn Tây…). Nhưng với Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Đêm Bạch Hạc và một số bài thơ, đoạn thơ, câu thơ còn đọng lại ở người đọc, Quang Dũng đã xác lập cho mình một đỉnh cao trong thơ Việt. Ông đóng vai trò như người kết nối giữa hai thế hệ nhà thơ, người đã khắc họa xuất sắc dấu ấn tâm hồn của một thời kỳ lịch sử oanh liệt, góp phần mở ra một thời kỳ mới của thơ Việt Nam hiện đại.
Tài liệu tham khảo
[1] Hà Minh Đức (Chủ biên), Tác phẩm văn học, bình luận và phân tích, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001.
[2] Mã Giang Lân, Tiến trình thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.
[3] Hoàng Tố Mai (chủ biên), Di sản văn học lãng mạn và những cách đọc khác, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017.
[4] Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn Việt Nam hiện đại chân dung và phong cách, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2000.
[5] Vương Trí Nhàn, Nhà thơ số một của Thơ mới, https://vuongtrinhan.blogspot.com/2008/08/nh-th-s-mt-ca-th-mi.html.
[6] Vũ Quần Phương, “Thay lời giới thiệu”, Quang Dũng, Mắt người Sơn Tây (thơ văn tinh tuyển), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012.
[7] Đỗ Lai Thúy, Quang Dũng, mây trắng xứ Đoài, http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c99/n638/Quang-Dung-May-trang-xu-Doai.html, cập nhật: 27/8/2008.
[8] Trần Lê Văn (sưu tầm, biên soạn), Tuyển tập Quang Dũng, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999.
Ghi chú
1 Tập Mắt người Sơn Tây (thơ văn tinh tuyển Quang Dũng), Nxb Hội Nhà văn, HN, 2012, phần thơ có tất cả 61 bài.
2 Hà Minh Đức (chủ biên), Tác phẩm văn học bình giảng và phân tích, Nxb Văn học, 2001, tr. 74; Nguyễn Thành Thi, Văn học thế giới mở, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2010, tr.303; Nguyễn Đăng Điệp, Tác phẩm văn học trong nhà trường những vấn đề trao đổi (Nguyễn Văn Tùng tuyển chọn), Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012, tr. 176; Phan Huy Dũng, Tác phẩm văn học trong nhà trường phổ thông, một góc nhìn, một cách đọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 160.
3 Hoài Thanh toàn tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 244.
4 Nhà thơ Vân Long cho biết (theo lời kể của nữ y tá mặt trận Tây Tiến), đoàn quân Tây Tiến trên đường hành quân chiến đấu hy sinh nhiều, “bà con ở Vụ Bản đem tặng hàng trăm chiếc chiếu để thay quan tài” (Những tư liệu liên quan đến bài thơ Tây Tiến – Báo Giáo dục và Thời đại, số 59, 23/7/1996).
5 https://www.bienphong.com.vn/moi-bai-tho-hay-la-mot-dinh-nghia-ve-tho-hay-post12186.html, cập nhật: 28/10/2014
Đinh Trí Dũng
(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19, phát hành tháng 12/2021)