Chuyến bay thẳng từ Hà Nội đi Frankfurt trên máy bay Boeing 787 của hãng Bamboo Arliner mất đến 10 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Lẽ ra nếu bay theo đường thẳng qua vùng Donbas của Ukraina thì rút ngắn được khoảng hơn 1 giờ, nhưng vì chiến tranh Nga – Ukraina đang diễn ra ác liệt nên đường bay phải dịch chuyển xuống phía dưới biển Đen. Trên chuyến bay hành khách phần lớn là người Việt sang Cộng hòa Liên bang Đức làm việc, học tập, du lịch, nhiều người trong số đó đã có thẻ xanh ở Đức (tôi nhận ra điều này vì khi làm thủ tục nhập cảnh, những người là công dân châu Âu được xếp đi một lối riêng). Làm thủ tục nhập cảnh xong, chúng tôi di chuyển bằng tàu điện về bang Saaland – nơi gia đình con gái tôi đang sống và làm việc. Trên khắp nước Đức cũng như một số nước trong khối Schengen mà chúng tôi đến thăm như Bỉ, Pháp, Luxembourg, ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga – Ukraina đã hiển hiện ngay trên đường phố, vào tận bữa ăn các gia đình. Đồng Euro đang mất giá, lạm phát là hiện tượng phổ biến ở các nước. Do giá xăng dầu tăng nên vé xe bus, taxi cũng đã tăng khoảng 15 – 20%. Rồi bánh mì, sữa, thịt đều tăng giá. Hôm chúng tôi sang Bỉ, đã xảy ra những chuyện khá vui. Căn hộ homestay mà chúng tôi thuê luôn 3 phòng ở Bỉ (chủ nhân là người Việt) gần như rất sơ sài, thiếu hẳn các dụng cụ nấu nướng thường thấy để khách tự phục vụ, không có cả ấm điện để nấu nước sôi. Và điều khá lạ, khi bật bếp điện để nấu ăn, rơle lập tức cắt điện và cả căn hộ tối om, nóng nực. Hỏi chủ nhà thì được biết là bếp điện và hệ thống điện đang bị trục trặc. Nhưng trục trặc luôn mấy ngày vẫn không hề được sửa chữa khiến cho chúng tôi chỉ có một cách giải thích: đây là mẹo cố ý của chủ nhà nhằm tiết kiệm điện trong bối cảnh giá năng lượng đang tăng tại Bỉ.

Tượng Vua Albert I ở Bỉ.

Điều dễ thấy nhất trên các đường phố châu Âu những ngày nắng nóng này là người nhập cư đang trở thành gánh nặng đè lên vai người dân các nước. Cảnh người ăn xin ngồi lê la ở các bến tàu điện ngầm, bến xe bus, trước các siêu thị… đã trở thành câu chuyện phổ biến. Hôm chúng tôi sang Bỉ, cảnh tượng đập ngay vào mắt là ở cổng chính nhà ga Brussels cổ kính, 3 gã ăn mày say rượu nằm chềnh ềnh, xung quanh người lỉnh kỉnh nhiều vật dụng bẩn thỉu như quần áo, chăn màn, nước uống, vỏ chai bia… khiến nhiều người đi qua phải nhăn mặt. Ăn xin không chỉ có người gốc Á, gốc Phi mà có cả nhiều người Âu. Những căng thẳng, xung đột leo thang ở nhiều nơi trên thế giới, bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia như Xyria, Afghanistan, Lybi…, rồi tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, dịch bệnh, thất nghiệp, thiên tai… càng khiến nhiều người muốn rời bỏ quê hương để tìm đến miền đất hứa.

Tượng đài Atomium ở Bỉ.

Châu Âu hiện tại đang đối mặt với dòng người di cư (cả hợp pháp và bất hợp pháp) kéo đến ngày càng đông. Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), dòng người tị nạn sang châu Âu tăng đột biến từ 2015; trong các năm 2021, 2022 gần đây, mỗi năm vẫn có khoảng trên 500.000 người nạp hồ sơ xin tị nạn. Cơ quan Biên giới và Cảnh sát biển châu Âu đưa ra cảnh báo rằng dòng người tị nạn đến Liên minh châu Âu có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023 nếu không có sự điều chỉnh trong chính sách và các cuộc xung đột chưa hạ nhiệt. Đặc biệt, từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, đã có hơn 7 triệu người Ukraina đổ vào châu Âu lánh nạn. Việc phân chia tỉ lệ người tị nạn và những chính sách đối xử với làn sóng người nhập cư đang làm rạn nứt mối quan hệ giữa các nước Liên minh châu Âu.

Những ngày ở Đức, điều ấn tượng nhất đối với tôi là lòng trắc ẩn, ý thức giữ gìn các giá trị lịch sử – văn hóa và bảo vệ môi trường của người Đức. Nước Đức là đầu tàu kinh tế châu Âu, có tiềm lực lớn nên mức độ lạm phát chưa cao như nhiều nước trong khối. Phương tiện giao thông đi lại thuận lợi, đường phố sạch sẽ và rất nhiều cây xanh, nhiều khu rừng nguyên sinh được bảo vệ cẩn thận ngay trong lòng các thành phố. Riêng thủ đô Berlin có đến 1/3 diện tích là rừng. Người dân Đức vẫn được hưởng nhiều phúc lợi xã hội như chế độ miễn phí hoặc học phí thấp trong trường học, kể cả với học sinh, sinh viên nước ngoài. Phụ nữ, trẻ em có nhiều ưu đãi trong bảo vệ quyền lợi, chăm sóc sức khỏe. Người tị nạn được hưởng các trợ cấp cần thiết… Nước Đức trong khó khăn vẫn dang rộng vòng tay đón khoảng 20 đến 25% dòng người tị nạn từ các nước đổ đến châu Âu. Từ 2015 đến nay, nước Đức đã phải tiếp nhận khoảng 1 triệu người nhập cư. Khi cuộc chiến tranh Nga – Ukraina nổ ra, người Đức đã phải nhường bớt nhiều khu chung cư tập thể, nhiều lớp học cho trẻ em đến từ Ukraina. Trên đường phố, dễ dàng bắt gặp các hoạt động quyên góp, cứu trợ người dân tị nạn. Có nhiều gia đình ở Đức đón người tị nạn về ở cùng nhà. Người Đức đã rút ra nhiều bài học đau xót của thời kỳ Quốc xã dưới sự thống trị của Hitler và thời kỳ đất nước bị chia cắt bởi bức tường Berlin lịch sử. Nước Đức không muốn nhắc lại quá khứ đau thương, nhưng lại giữ gìn cẩn thận những dấu vết tội ác mà Hitler gây ra, nhất là với người Do Thái. Khi đến Berlin, ngoài các điểm tham quan hấp dẫn như: Quảng trường Gendarmenmarkt, cổng Bradenburg, tháp Truyền hình Fernsehturm, tòa nhà Quốc hội, tòa nhà Chính phủ, tượng đài Chiến thắng,… du khách không thể không đến khu tưởng niệm người Do Thái bị chính quyền Hitler tàn sát. Có đến 2 khu tưởng niệm trong thành phố, trong đó khu tưởng niệm chính là một quần thể được thiết kế như một nghĩa trang rộng, với nhiều khối bê tông xám nặng nề, cao thấp khác nhau, người tham quan có thể bị lạc khi đi sâu vào mê cung của các ngôi mộ giả. Còn ký ức của thời chiến tranh lạnh là một đoạn của bức tường Berlin và khu vực xung quanh, luôn là một điểm đến thu hút nhiều du khách. Thời kỳ ấy, ngăn cách 2 vùng Đông và Tây là bức tường cao 4m, dài 155 km. Năm 1989, sau những biến động lớn ở châu Âu, bức tường Berlin bị đập bỏ, mở đường cho sự thống nhất nước Đức năm 1990. Hiện nay, bức tường vẫn còn được giữ lại 1,4 km để mọi người tham quan, chụp ảnh. Các mảnh vỡ của bức tường chỉ khoảng vài ngón tay được bày bán trong nhà lưu niệm từ 5 đến 10 euro. Một điều thú vị là ở khu vực phân tranh, phía bên này là dấu vết một bốt gác của người Mỹ, còn phía bên kia là một tấm biển lớn chụp hình một chiến sĩ Hồng quân Liên Xô mặc quân phục chỉnh tề với khuôn mặt nghiêm trang như đang đứng gác. Cạnh một con đường ở phía đông, còn có một tấm biển xi măng khắc cả chân dung và tiểu sử Brezhnev, Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô từ 1964 đến 1982, được chú thích là một trong những nhân vật góp phần tạo ra chiến tranh lạnh và sự phân chia nước Đức.

Bức tường Berlin và một mảnh vỡ của bức tường Berlin.

Khi đến Cộng hòa Liên bang Đức, một địa chỉ không thể không ghé thăm với nhiều người Việt Nam là thành phố Trier – quê hương của Karl Marx – người thầy vĩ đại, lãnh tụ của giai cấp vô sản toàn thế giới. Ngay trung tâm thành phố có dựng bức tượng lớn của Marx bằng đá đen, luôn có khách từ nhiều quốc gia đến thăm viếng, chụp ảnh. Nhìn từ xa, tượng K. Marx lồng lộng dưới bầu trời xanh ngắt xứ Trier, bên cạnh những tòa lâu đài cổ. Đặc biệt, ngôi nhà của gia đình Marx là một địa chỉ tham quan của thành phố, được giữ gìn cẩn thận, với hàng chục phòng trưng bày các trước tác, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Người, cùng hình ảnh của một số quốc gia XHCN đi theo chủ nghĩa Marx – Lênin như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba,… Khi chúng tôi đến, mặc dầu đã cuối chiều, sát giờ đóng cửa, nhưng vẫn còn khá đông du khách.

Hơn chục ngày dạo chơi khắp nơi của bang Saarland, chúng tôi được sống trong một không gian thanh bình, thân thiện. Đây là một tiểu bang ở miền Tây Nam của Cộng hòa Liên bang Đức, thủ phủ là thành phố Saarbrücken, có cảnh quan tuyệt đẹp với dòng sông Saar trong xanh uốn lượn giữa những ngôi nhà cổ và các rừng cây xanh. Saarland là một bang trẻ tuổi, được thành lập vào năm 1920 từ những vùng đất thuộc Vương quốc Phổ và Bayern trước đó. Trong quá trình hình thành và phát triển, Saaland trở thành một bang đa sắc tộc, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, nhiều người vẫn sử dụng cả tiếng Pháp trong giao tiếp. Người dân nơi đây có cách sống hòa đồng, chấp nhận sự đa dạng về văn hóa. Phổ biến trên đường phố là các cô gái ăn mặc kiểu Hồi giáo, đầu trùm kín, dắt theo con nhỏ, đi cạnh là những ông chồng người Đức cao lớn. Trong thành phố cũng có mặt đủ loại cửa hàng, quán ăn của người Thổ, người Pháp, người Trung Quốc, người Thái và cả người Việt. Chúng tôi đến thăm Bảo tàng Lịch sử (History Museum) của bang, tọa lạc trên một khuôn viên khoảng 8 hecta, với nhiều tòa nhà cổ kính, bên trong có hàng vạn hiện vật giá trị. Phía sau bảo tàng là một vườn hoa lớn và nhiều thảm cỏ xanh, cũng là nơi mọi người đến dạo chơi, thư giãn. Phía trước khuôn viên bảo tàng có dựng một bức tượng lạ: một người đàn ông trong tư thế đứng, bên hông có một chồng sách nặng; cả thân người với những mảng xám gồ ghề. Đặc biệt, khuôn mặt phía trước của người này bị vát phẳng, không có mắt, mũi, miệng. Phải chăng nhà điêu khắc muốn đưa ra một thông điệp: lịch sử luôn là một khuôn mặt không rõ ràng, không bao giờ đầy đủ.

Cộng hòa Liên bang Đức không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa của châu Âu, với 16 tiểu bang tiếp giáp với 9 nước láng giềng. Mỗi bang lại có những đặc điểm văn hóa đặc sắc riêng biệt. Đức có nền văn hóa truyền thống lâu đời bậc nhất tại châu Âu, nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực: văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc,… Nhiều di tích, bảo tàng về lịch sử, nghệ thuật, động thực vật,… mở rộng cửa cho công chúng tham quan, phần lớn miễn phí. Nước Đức không chỉ là nơi sinh ra các nhà triết học lỗi lạc như Kant, Hegel, Feuerbach, Marx mà còn là quê hương của Goeth và Beethoven. Nhiều chương trình hòa nhạc lớn, các sự kiện thể thao, giải trí,… thường xuyên được tổ chức. Văn hóa đọc cũng là một đặc trưng của nước Đức, với nhiều hội chợ sách quốc tế, với hệ thống các thư viện lớn luôn là những địa chỉ tuyệt vời cho bạn đọc. Trước các bảo tàng, thư viện, nhà hát,… người ta dựng những “thư viện mini” (book box), ai cần sách thì mượn đọc, sau đó tự nguyện trả lại. Đức cũng là đất nước có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Trẻ em được chăm lo chu đáo từ nhỏ ở gia đình, trong các nhà trường dành cho người Đức và các trường quốc tế. Các trường phổ thông ở Đức không có chương trình, không bắt buộc phải học theo một bộ sách giáo khoa nào. Giáo viên dựa trên chuẩn đầu ra có thể lựa chọn hoặc tự soạn sách để giảng dạy. Giáo viên không chấm điểm để đánh giá học sinh, khi cần thì đánh dấu vào 1 trong 3 biểu tượng “mặt buồn”, “mặt bình thường” và “mặt cười” phía dưới vở học sinh. Quyền trẻ em ở Đức rất lớn. Không ai được xúc phạm, xâm phạm thân thể trẻ em. Nếu đánh con mà bị phát hiện, bố mẹ có thể bị tước quyền nuôi con, nhẹ hơn thì bị phạt tiền hoặc buộc tham gia một khóa học về cách nuôi dạy trẻ. Ngày trẻ em sinh nhật là những ngày vui rộn ràng của các gia đình người Đức. Người ta chuẩn bị trước cả tháng trời, trẻ được phép lựa chọn cách tổ chức, gửi giấy mời bạn bè dự lễ. Bố mẹ và người lớn có được tham gia hay không cũng phải được sự đồng ý của trẻ. Giáo dục đại học ở Đức cũng đứng tốp đầu thế giới, phân chia thành hai mô hình với hai định hướng khác nhau: hệ thống trường Đại học tổng hợp (Universität) và trường Đại học khoa học ứng dụng (Fachhochschule). Hôm chúng tôi đến thăm Đại học Heidelberg, thật ngỡ ngàng và lý thú trước một thành phố đại học đang đào tạo hơn 30.000 sinh viên, trong đó có nhiều sinh viên nước ngoài theo học, một phần vì chất lượng đào tạo, một phần vì chế độ học bổng, học phí hấp dẫn. Tôi đã gặp ở đây các sinh viên người Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam,… Đây là trường đại học nổi tiếng, lâu đời nhất của Đức, thành lập từ năm 1386, có 12 khoa đào tạo, đã có đến 56 giải Nobel, được xếp hạng thứ 11 châu Âu và thứ 42 trên thế giới. Khuôn viên trường có đầy đủ các nhà thư viện, phòng thí nghiệm, khu vui chơi, các cửa hàng, quán ăn, và có cả 2 nhà thờ lớn luôn mở rộng cửa.

Nơi xa xứ thật xúc động khi được gặp gỡ hay nghe một giọng nói của người Việt trên đường phố. Cộng đồng người Việt ở CHLB Đức tương đối đông, theo con số công bố khoảng 140.000 người, chưa kể khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đức, tập trung chủ yếu ở thủ đô Berlin. Đa số người Việt Nam tại Đức nói được tiếng Đức và hội nhập khá tốt với cộng đồng dân cư sở tại. Họ tổ chức thành các hội đoàn như hội đồng hương hay cộng đồng người Việt ở các thành phố, thị trấn để thường xuyên gặp mặt, gìn giữ văn hóa truyền thống. Thú vị là đi trên tàu điện ngầm, xe bus, xe điện lại thỉnh thoảng gặp một vài người Việt nói giọng Nghệ. Thành phố nào ở Đức cũng có các nhà hàng, quán ăn Việt sang trọng, nằm ngay các đường phố lớn. Ngay ngoại ô Berlin, tồn tại một khu chợ mang tên Đồng Xuân, người kinh doanh phần lớn là người Việt. Ở đây, bạn có thể mua được đủ thứ hàng giống như chợ Đồng Xuân Hà Nội, kể cả những thứ như đậu phụ, dưa muối, cà muối, mắm tôm,…

 Trước khi chia tay nước Đức, chúng tôi tập trung tại nhà hàng “Việt quán” ở Saarbrücken. Nhà hàng sang trọng, ông chủ tên Duy người Sài Gòn, còn cô vợ người Hà Nội, sang Đức làm ăn khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, từ hai bàn tay trắng, nay họ đã có một cơ ngơi mà nhiều người mơ ước. Quán mở cửa thường xuyên, nhưng những ngày cuối tuần phải đặt trước vì khách quá đông. Anh chị vừa là chủ, nhưng khi cần thì làm luôn người phục vụ, tíu tít nói chuyện với khách bằng tiếng Việt. Trong quán ăn này có đủ món ăn Việt, đặc biệt món phở Hà Nội rất được ưa chuộng, chỉ có điều giá một bát phở phải trả đến 13 euro. Anh chị đang có ý định về nước, tiếp tục kinh doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Khi chia tay, anh ngậm ngùi nói: “Ra đi vì khi đó đất nước quá khó khăn, bây giờ thì khá hơn nhiều rồi. Năm nào vợ chồng tôi cũng về nước, thấy đời sống người dân ngày một đi lên. Làm ăn nơi nào cũng vất vả cả, nhưng có lẽ hạnh phúc nhất là thành công ngay trên quê hương mình”. Tôi cầm tay anh, chúc cho ý nguyện của anh chị nhanh chóng thành hiện thực.

Đinh Trí Dũng