Giữa nắng hè oi ả, các văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An đã về phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai thăm khu di tích lịch sử chiến tranh hang Hỏa Tiễn.

Các văn nghệ sĩ dâng hương tại Đài tưởng niệm Hang Hỏa Tiễn. Ảnh: Hữu Vinh.

Hang Hỏa Tiễn nằm trên một đồi cao, đó là một hang đá tự nhiên không lớn, nơi đây ghi dấu những chiến công oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong ngành đường sắt và cũng là nơi an nghỉ của 33 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh ngày 28/4/1966.

Người đàn ông chăm sóc hương khói cho các liệt sĩ ở hang Hỏa Tiễn cũng là một cựu chiến binh, ông tên là Đặng Ngọc Kim. Ông kể cho chúng tôi nghe rành mạch câu chuyện lịch sử về hang Hỏa Tiễn. Hang Hỏa Tiễn còn gọi là hang Tổ 4 – một hang động tự nhiên được bao bọc bởi các dãy núi trùng điệp, vừa kín đáo, vừa gần tuyến đường sắt Hoàng Mai – tuyến giao thông có vị trí chiến lược quan trọng trong việc chi viện cho miền Nam. Đây là trọng điểm đánh phá thường xuyên của đế quốc Mỹ. Để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch này, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã tăng cường lực lượng xung phong cho khu vực Hoàng Mai, hang Hỏa Tiễn được TNXP Tổ 4, đơn vị C271, đội 27 chọn làm nơi trú ẩn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đoàn dâng hương, dâng hoa trong hang. Ảnh: Hữu Vinh.

Đơn vị C271 được phân thành nhiều tổ đội, mỗi tổ đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau như: nạo vét kênh Nhà Lê; bốc dỡ hàng hóa tại ga Hoàng Mai; bảo vệ an toàn đường sắt, đường bộ từ khe Nước Lạnh vào cầu Hoàng Mai,… Trong đó, Tổ 4 có 36 đồng chí (14 nam, 22 nữ) với nhiệm vụ khai thác đá xây dựng đoạn đường vào ga Hoàng Mai và khắc phục kịp thời các sự cố trên tuyến đường sắt khi bom Mỹ đánh phá.”. Họ là những thanh niên nhiệt huyết ở độ tuổi mười tám đôi mươi, xuất thân từ những vùng quê nghèo các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình,…. Công việc và cuộc sống của các anh chị hết sức khó khăn, vất vả. Họ phải sống trong các lán trại tạm thời, mái lợp tranh rạ, không điện, không nước. Mùa hè các anh chị phải vào tận khe Nước Lạnh, khe Dũ, kênh Nhà Lê cách nơi ở và làm việc hàng cây số để lấy nước sinh hoạt. Mùa đông phải nằm ngủ trên các tấm cót lót rơm rạ, lá chuối khô để chống rét. Có những thời điểm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, lương thực thiếu thốn, cả đơn vị phải nhường cơm sẻ áo chia nhau từng nắm cơm độn khoai lót dạ. Cuộc sống kham khổ, lao động nặng nhọc “đào đất cất gỗ”, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng với nhiệt tình của tuổi trẻ, các anh chị TNXP Tổ 4 sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân của mình, vượt qua mưa bom, bão đạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, với một lý tưởng cao đẹp, “đem sức trẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ngày 28 tháng 4 năm 1966, là một ngày đau thương, khi các anh chị đang hăng say làm nhiệm vụ trên đoạn đường ray vào ga Hoàng Mai thì máy bay Mỹ ném bom, các chiến sỹ TNXP đã vào hang trú ẩn, sau đó một loạt đạn rocket của địch đánh sập cửa hang, 32 người hy sinh tại chỗ, một số TNXP khác bị thương, trong đó có chị Trần Thị Loan bị thương nặng và hy sinh vào tháng 8 năm 1966.

Bia tưởng niệm ghi danh 33 liệt sĩ. Ảnh: Hữu Vinh.

Khoảng 9 giờ sáng, lúc tổ đang vận chuyển những khối đá cuối cùng để hoàn thành đoạn đường ray còn lại, bất ngờ tiếng kẻng báo động vang lên, lập tức tổ trưởng Thắm ra lệnh cho đồng đội rút vào nơi trú ẩn. Cũng như những lần trước, toàn tổ chạy vào hang đá quen thuộc cách công trường 30m để tránh bom. Khi phần lớn anh em đã vào trong hang thì máy bay địch nhào tới phóng một loạt bom làm rung chuyển cả khu vực, tiếp theo là một loạt đạn rocket trúng miệng hang. Cửa hang bị đánh sập hoàn toàn, đá rơi ngổn ngang che kín lối vào. Chị Doanh đang trên đường chạy vào hang trú ẩn thì bị sức ép của bom hất xuống hố bom bên cạnh. Chưa hết bàng hoàng, chị cố lết ra gọi: Chị Châu ơi!.. anh em ơi! còn ai không? Một lúc sau có tiếng gọi yếu ớt vọng ra từ trong hang của anh Lâm: Doanh ơi, anh bị đá đè nát cả 2 đùi rồi, cứu anh với. Bom Mỹ vừa dứt, các tổ đội công nhân quanh đó chạy ra hiện trường để tìm kiếm, nhưng chỉ thấy toàn bộ khu vực hang chìm trong khói bom dày đặc, bụi bay mù mịt, cây cối đổ ngã, cửa hang bị bịt kín. Lực lượng chi viện và công nhân mỏ đá nỗ lực tìm kiếm, đào bới được 6 đồng chí: chị Trần Thị Loan sinh năm 1943, ở xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, Hà Nam bị thương nặng. Chị Đặng Thị Toán khi được cứu ra thì đã không còn thở nhưng lúc đồng đội đem đi an táng thì tỉnh lại, sau đó chị được đưa đi chữa trị, hiện nay đang sống cùng gia đình ở xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, Hà Nam”. Anh Nguyễn Văn Kim người đánh kẻng báo động, anh Nguyễn Phi Dật, chị Nhân, chị Đặng Thị Doanh do chưa kịp chạy vào hang, bị đất đá vùi lấp và may mắn được đồng đội cứu sống.

Nghĩa trang Đường sắt, nơi an nghỉ của các liệt sĩ. Ảnh: Hữu Vinh.

Lúc công việc tìm kiếm còn dang dở thì máy bay Mỹ lại tiếp tục quay lại ném bom, lực lượng tìm kiếm phải rút về nơi an toàn. Đến chiều tối hôm đó, khi Mỹ ngừng ném bom, các đơn vị thanh niên xung phong, bộ đội, dân quân, công nhân khai thác đá, tập trung về đây quyết tâm nỗ lực tìm kiếm với hy vọng còn đồng đội nào sống sót. Với những dụng cụ thô sơ như cuốc chim, xẻng…, tích cực đào bới suốt đêm. Sáng hôm sau một phần cửa hang được mở. Bước vào hang, tất cả đồng đội chết lặng bởi cảnh tượng đau thương bao trùm: 32 thi thể nằm ngổn ngang, bất động, không ai còn nguyên vẹn – các anh các chi đã hy sinh. (Chị Trần Thị Loan sau khi đem đi Hà Nội để cứu chữa, nhưng do bị thương quá nặng, chị đã hy sinh vào tháng 8 năm 1966).

Sau khi hy sinh, các chiến sỹ đã được đồng đội mai táng ở sườn đồi, gần nơi làm việc, riêng chị Trần Thị Loan được mai táng tại quê hương (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Người ta kể rằng ở dưới những lớp đất đá ngày nay vẫn còn một chiến sĩ TNXP Tổ 4 an nghỉ nên một số người khi hành hương về hang Hỏa Tiễn thì có linh hồn nhập vào. Năm 2001, xí nghiệp Đá Hoàng Mai đã quy hoạch và xây dựng nghĩa trang, lấy tên là: Nghĩa trang Liệt sỹ thanh niên xung phong. Năm 2003, Chủ tịch nước ra quyết định công nhận 33 thanh niên xung phong Tổ 4, đơn vị C271, đội 27 là liệt sĩ và cấp bằng tổ quốc ghi công năm 2006, nghĩa trang được nâng cấp và đổi tên thành Nghĩa trang Liệt sỹ đường sắt.

Ông Nguyễn Bá Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thiện, cho chúng tôi biết: “Năm 2011, địa điểm lưu niệm các TNXP đơn vị C271 hy sinh tại Hoàng Mai ngày 28/6/1966 gồm: Hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sỹ đường sắt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1410/QĐ-BVHTTDL ngày 27/4/2011. Địa phương cũng đã có nhiều hoạt động tôn tạo, chăm nom khu tưởng niệm hang Hỏa Tiễn”.

Hữu Vinh