Tôi biết Trần Thị Hồng Anh từ diễn đàn văn chương mạng Quán Chiêu Văn bởi những bài tản văn mang mang gió, phảng phất đất và đậm đà hồn quê bản xứ. Đọc và theo dõi từng bài viết của cô giáo Quỳ Hợp và hiện là Hội viên Hội VHNT tỉnh Nghệ An, tôi thấy niềm thương rưng rức của chị trải dài trên từng câu chữ. Văn chương của Trần Thị Hồng Anh như lời thủ thỉ cùng bạn đọc. Thể như mọi thứ diễn ra chung quanh từ cây cỏ, nắng gió, đất người, tình quê, cho đến những vụn vặt cuộc sống cũng rung chạm vào tâm hồn của nhà văn.

nhà văn Trần Thị Hồng Anh

Tập Tản văn “Mùa cỏ” (NXB Nghệ An, 2023) vừa phát hành là tác phẩm cá nhân đầu tiên của Trần Thị Hồng Anh, sau 3 đầu sách in chung. Hơn 30 tản văn đầy đặn cho một hành trình làm bạn cùng văn chương của chị, được gởi đến bạn đọc bằng tất cả sự dịu dàng và mang mang tấc lòng. Hầu hết các tản văn của chị đều không cố công dụng chữ, hay trưng trổ một cách viết tỉa tót nắn uốn, mà là một lối viết dựa trên bản năng. Từ cách chọn đề tài, đến cách triển khai, và bố cục, tản văn trong tập “Mùa cỏ” theo dòng cảm xúc tuôn tràn. Chính sợi dây cảm xúc là mạch nguồn xâu các câu chuyện của chị lại. Ở đó, người đọc bắt đầu nhẩn nha nhìn thời gian, không gian biến chuyển theo mùa. Và dừng lại ở mùa cỏ. Tôi tin, Trần Thị Hồng Anh không chủ đích chọn nhưng bằng bản năng văn chương chị vô tình trao đi một thông điệp hiện sinh rất hay.

Tôi đọc tập tản văn này, giữa những ngày Sài Gòn nóng. Cái nóng khiến tôi thích mùa gió man mát mình chạm thành Vinh một lần nọ trong chuyến đi ấm áp nghĩa tình. Trần Thị Hồng Anh kể cho tôi nghe “Nắng gió thành Vinh” một cách gợi nhớ ran rát lòng mình. Tôi thấy thành Vinh một sớm chương qua phố, bên ly cà phê, tôi cùng những người bạn văn ngồi nghe lá hát. Tôi thấy dòng Lam biếc xanh uốn mình trôi theo xứ Nghệ. Chiều trôi bảng lảng những ánh vàng của mùa thu rơi xuống bờ đê. Bằng một giọng kể nhẹ tênh, Trần Thị Hồng Anh cho tối chạm vào Vinh một lần nữa, và nhắc nhớ tôi về cái hẹn trở lại nơi này với những người bạn tâm giao.

Xứ Nghệ trong tập tản văn của Trần Thị Hồng Anh hiện lên một nét đẹp bảng lảng sau mưa, sau mây, sau luân xa thời gian tiết mùa. Ngay cả nắng gió non nước Nghệ An cũng mang trong mình một câu chuyện, để chờ đợi những tâm hồn đồng điệu thấu hiểu và rải tình lên trang viết. Tình đất tình người xứ Nghệ thấm đẫm trong tập tản văn này của Trần Thị Hồng Anh. “Ai đã có lần dậy sớm” chính là một tấc dạ mà nữ sĩ gởi đến với bản xứ của mình. Từ một buổi sớm mai hòa mình vào dòng chảy của thanh âm cuộc sống, chị cảm nhận được một năng lượng thanh bình quê hương đã gởi cho những ai biết lắng nghe. Ở đó, có chim muông, có cỏ cây, có đất đai và có cả tiếng người. Tiếng đất trở mình dậy lên mùi ẩm sương, có tiếng chim ríu rít chuyền cành, có tiếng cỏ cây lao xao chào gió sớm, có tiếng những chuyến xe hàng lướt ngang qua gởi lại câu chào ngày mới. Những thanh âm cuộc sống không ngừng chuyển động trong quỹ đạo thời gian được tác giả ghi lại bằng cảm nhận trong trẻo và thiết tha niềm yêu thương. “Ai đã có lần dậy sớm” mở ra cả một khoảng trời đậm đà chữ tình. Khoảnh khắc chuyển mình giao thời của đêm và ngày cho chúng ta thấy được giữa xáo động thanh âm luôn có lời tình tự gởi trao từ vạn vật sinh linh trên cõi trần gian này. Trần gian hữu tình, có chăng là chính chúng ta hữu duyên mà thấu thị hay không?

Tôi vẫn hay nói, đọc văn của Trần Thị Hồng Anh là một cõi tình rất đỗi đàn bà. Điều này dễ dàng tìm thấy trong các bài tản văn: Người đàn bà tắm cùng ánh trăng; Thu đa tình; Và em nhớ, giữa chúng ta là những cơn mưa; Mưa, cô đơn và phố; Đoản khúc tháng Sáu cho tôi, cho em… Tình yêu muôn đời vẫn là đề tài khiến các văn nhân không thôi xao xác. Bởi, chính từ trong tình yêu, đôi khi người viết chạm được niềm đau, hạnh ngộ cô đơn, đi qua cô độc và chọn cho mình cách sống bình yên. Tôi thích “Người đàn bà tắm cùng ánh trăng” của Trần Thị Hồng Anh. Ở bài tản văn này, chị nhẹ nhàng đẩy hình ảnh trăng lên đầy khơi gợi, đủ mê đắm và trọn ẩn nghĩa. Người đàn bà trong câu chuyện tắm cùng trăng, hay trăng tắm tưới lên người đàn bà thứ ánh sáng dặt dìu mê mị. “Rười rượi trăng. Nõn nà trăng. Trăng lả lơi trên da thịt trắng ngần. Trăng chảy tràn lên suối tóc đang dập dềnh trong nước. Trăng tự hỏi mình phiêu du bao lâu mà chưa chịu dừng bước? Đa tình độ nào mà còn ngẩn ngơ, đợi chờ một mùa hoan lạc trong mộng tưởng.” Câu trả lời vọng về từ phía bên kia núi.

Tập tản văn “Mùa cỏ” của tác giả Trần Thị Hồng Anh

Như tôi đã nói, tôi tin Trần Thị Hồng Anh không chủ đích khi chọn “Mùa cỏ” để làm tựa đề cho tập tản văn, bởi trong toàn tập này, chị không cố gồng gượng tạo thông điệp, nhưng người đọc có thể cảm nhận hầu hết các tác phẩm đều mở ra một trữ lượng yêu thương nơi cuối bài viết. Có lẽ chị chỉ giản đơn thích mùa cỏ bát ngát những mơn mơn tươi xanh đủ nắng, hoặc chị thích mùa cỏ tràn ngập sinh khí đất trời sau cơn mưa dầm dề. Nhưng, tự trong cỏ vẫn có một câu chuyện về sự sinh sôi sau bao bận mưa gió nắng nôi. Dẫu có nát rồi, cỏ vẫn sinh sôi. Dẫu cạn cùng sự bầm dập của gieo neo dâu bể phận người, ai rồi cũng luôn muốn mình sống những ngày tháng tươi nguyên, thong dong và lòng luôn bình an. Tôi tin, đây mới chính là thông điệp mà tập tản văn lắng đọng lại sau những dòng chữ tưởng chừng nhẹ tênh ấy.

Trần Thị Hồng Anh chỉ mới trình làng một ấn phẩm cá nhân, nhưng đã cho thấy một lối viết êm mượt như ru lòng người đọc. Dẫu chưa hẳn là một cây bút nổi trội trên văn đàn, hoặc chưa có những dấu ấn rõ nét để bùng nổ, hay chí ít có một giải thưởng để tỏa sáng, nhưng tôi tin, nhà văn này thuộc tạng văn viết bền bỉ và âm thầm như những đóa hoa đợi mùa mới nở.

Tống Phước Bảo
Ảnh: tác giả cung cấp