Tôi nhớ cái thời xa xưa ấy, thời chúng tôi còn nhỏ, suốt ngày quanh quẩn bờ tre bụi chuối trong vườn, có đi xa nhất cũng chỉ đến trường học nhỏ xíu trét bằng bùn và rơm trộn lẫn bên kia xóm. Nhà tôi khi ấy cũng như bao nhà khác, sắm cho mình một cái sập gỗ để đựng những thứ đồ đạc có tên lẫn không tên của gia đình. Cái sập gỗ không lớn, ngắn và nhỏ hơn chiếc giường đôi cũ kĩ trong góc một chút nhưng là nơi quan trọng của cả nhà. Mở sập ra là bao nhiêu thứ, có lúc đầy đến miệng; cái cần hàng ngày thì để bên ngoài, cái ít dùng hoặc để dành thì để bên trong, xa tầm tay với hơn chút.

Quê nhà. Ảnh: Thúy Hoa

 

Vùng tôi ở không có nhiều ruộng đồng, mọi người trong xóm đều đi làm ở các cơ quan nhà nước nên không có lúa gạo dư dả để bỏ vào như những nhà làm ruộng. Sập chủ yếu dùng để cất mọi thứ thay cho tủ bây giờ. Tôi nhớ, trong đó có cả hòm gỗ nhỏ đựng các loại giấy tờ, ảnh, vài cái huy chương bố mẹ mang từ chiến trường trở về. Hàng ngày, bố mẹ đi làm, chị em tôi cùng lũ trẻ con hàng xóm lại chơi xung quanh nó với đủ trò có thể nghĩ ra. Trò chơi thường xuyên nhất là trốn tìm. Đứa nào cũng thường trốn xung quanh hoặc chui xuống gầm sập. Trốn ở gầm sập dù chật một tí nhưng ít đứa nghĩ ra. Song lâu dần, cái chỗ trốn ấy cũng không còn bí mật nữa. Đứa nào đi tìm cũng nhìn xuống chỗ đó đầu tiên. Thích nhất là mở nắp sập, chui vào nằm trong đó, đóng lại thì không ai biết. Có khi trốn lâu quá, ngủ quên luôn trong đó, trưa mẹ về lấy gạo nấu ăn mới kêu dậy.

Ngày nhỏ, ba chị em tôi như trứng gà, trứng vịt; suốt ngày trêu chọc, rồi tố cáo nhau với bố mẹ. Nhà nhỏ nên om sòm cả lên. Nhiều hôm mải chơi quên nấu cơm, nghe tiếng mẹ về đầu ngõ mới cuống quýt mở sập lấy gạo. Chúng tôi thường phải chồng ghế lên mới với tới được nắp sập. Có lần mẹ phạt, vẽ cho mỗi đứa một cái vòng tròn bằng vạch vôi trắng bên cạnh sập, bắt đứng vào đó, không được ra ngoài. Khi mẹ đi làm thì ba chị em đã ngủ say trên sập. Cái sập cũng có thể trở thành giường được mà, còn hơn ngủ trên nền gạch! Thi thoảng nhà có khách, bố mẹ cũng để cho họ ngủ trên đó. Bình thường buổi trưa, mấy chị em ăn xong là lại trèo lên sập nằm chơi, rồi ngủ ở đó đến chán mới dậy. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in mùi của cái sập. Bởi nó gắn với những thức quà của chị em tôi. Có khi là mùi chuối chín, có khi là mùi lạc khô được nắng thơm thơm hay mùi chiếc bánh quy Hải Châu nhỏ xinh… Giờ thì trẻ con có quá nhiều thứ để ăn, đâu biết đến cảm giác hạnh phúc của chúng tôi khi mở nắp sập lúc ấy.

Ngày đó, mẹ thường gom lạc mùa về cất trữ trong sập, đợi đến khi lên giá thì xay ra bán. Mùa hè, mấy chị em hay nằm quanh chân sập, khều cho lạc rơi xuống rồi lích rích ăn cả buổi trưa, để lại cả đống vỏ. Mùa tháng Tám, nước lũ lên hơn nửa cửa sổ, bố mẹ cả đêm xúc lạc trong sập đổ vào bì để gác lên trần. Lũ chúng tôi thì ngủ ngon lành trên mấy phiến gỗ được buộc chặt vào nhau thả nổi trong sân nhà. Sáng ra thấy nước trắng quanh mình. Nước rút, cái sập lại được chùi rửa sạch sẽ, để khô chờ bỏ lạc trở lại.

Hết thời bao cấp, thóc gạo không cần phải tích trữ nhiều. Nhà cũng được xây mới, không còn nhà ngói, vách nứa nữa. Chị em tôi lớn lên rồi rời nhà đi xa. Cái sập rỗng dần. Đôi lần về nhà, mở sập gỗ ra không có cái gì trong đó, lòng bỗng thoáng buồn. Một ngày, bố mẹ quyết định đem nó đi cho. Gian nhà ngang rộng hơn, trở thành phòng ngủ cho em tôi. Lâu dần, tưởng chừng mọi người trong nhà đã quên đi cái sập gỗ, nhưng trong những câu chuyện với bè bạn thuở ấu thơ nó lại hiện về…

Ngày tháng dần trôi qua, tóc đã pha sương nhưng những ký ức xưa vẫn còn nguyên vẹn. Chiếc sập cũ ấy thỉnh thoảng lại trở về trong giấc mơ, trong tiếng cười trong veo thơ trẻ…

Trần Thị Hồng Anh

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 28, phát hành tháng 10/2022)