Cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, nhà văn – người cầm bút (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này) dần chuyển sang gõ máy tính và giờ có thể là bấm phím điện thoại thông minh để sáng tác/gửi đăng, thậm chí tự xuất bản/lên mạng tác phẩm của mình tới bạn đọc gần xa.
   Đó cũng là quá trình tác phẩm của nhà văn từ chỗ chỉ được in trên gỗ/giấy, rồi được phát trên sóng phát thanh, truyền hình và tiến đến được giới thiệu/tự giới thiệu ra toàn cầu thông qua báo điện tử, mạng xã hội, được tích hợp, hệ thống bằng cả âm thanh lẫn hình ảnh dưới dạng đa phương tiện… Theo thời gian, giữa người viết với nhau cũng như với bạn đọc trong và ngoài nước dần có sự giao lưu, tập hợp, tương tác, phản hồi… nhanh chóng, tiện lợi hơn rất nhiều cho cả người viết lẫn người đọc so với trước kia. “Đất diễn” của nhà văn cũng từ đó mà rộng mở không ngừng, vô tận.

 Buổi trình diễn không khán giả tại thánh đường ở Ý của danh ca mù Andrea Bocelli thu hút hơn 3 triệu người xem trực tiếp và đã cán mốc 23 triệu view sau 12 giờ lên Youtube. Ảnh: internet

Cũng trong thời đại mới này, nhà văn nếu giỏi ngoại ngữ, nếu thành thạo công nghệ sẽ là người có điều kiện để tiếp cận văn chương thế giới một cách trực tiếp nhất mà không qua “bộ lọc” văn học – báo chí dịch khi người ta vẫn quan niệm “dịch là phản”, bên cạnh việc từ bản thân họ cũng như bạn bè, đồng nghiệp khác có thể dịch tác phẩm của mình để quảng bá ra thế giới.
Vì vậy rất có thể, nếu một nhà văn nào đó cứ khư khư theo lối cũ, một mình một phách mà không tiếp thu/ thụ hưởng/phát huy những giá trị văn minh mà tiến bộ xã hội đem lại, dù có cố gắng, phát huy năng lực, sở trường cá nhân đến mấy thì cũng không ai dám chắc mức độ thành công của nhà văn vẫn đạt đến mức cao nhất có thể. Bởi vì chính cuộc sống thời đại số, thời chuyển đổi số như cách nói hiện nay đã đổi khác, biển đổi không ngừng. Con người trong thời đại số chắc chắn không thể còn mang tư duy “rừng vàng, biển bạc”, chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có để mưu cầu hạnh phúc. Con người – nhân vật trung tâm của thời đại mới, bên cạnh những nét ưu việt vốn có, được tôi luyện và phát huy trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, sẽ tạo lập và hình thành những phẩm chất mới của công – dân – toàn – cầu, trong xu thế mở cửa và hội nhập của đất nước, của thời đại mới.
Không phải đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trên toàn thế giới và trong nước mới bắt đầu mà đó thực ra là “cú hích” thực sự, thực tế chỉ ra không còn đường nào khác, buộc toàn xã hội phải bắt kịp xu hướng này.
Các tín đồ của âm nhạc thế giới hẳn không thể quên buổi trình diễn xúc động của danh ca mù Andrea Bocelli từ nhà thờ Duomo không có khán giả ở Milan, Italy vào đúng đêm Phục sinh 12/4/2020 thu hút hơn 3 triệu người xem trực tiếp và đã cán mốc 23 triệu view sau 12 giờ lên Youtube. Đó là kỷ lục của kỷ lục, mà chỉ có sự sáng tạo, lòng say mê, ý chí vượt qua khó khăn của người nghệ sỹ tài năng mới đem lại kết quả vượt ra ngoài sức tưởng tượng đó. Và chính chuyển đổi số đã tạo điều kiện tuyệt vời cho thành công đó, mở ra những “nhà hát online” sau này trong âm nhạc, tiếp sức cho “chữa bệnh từ xa” trong ngành Y tế, “dạy học trực tuyến” của ngành Giáo dục và nhiều thành tựu khác đang được ứng dụng hàng ngày trong cuộc sống.
Trong bối cảnh đó, nhà văn đương nhiên không thể đứng ngoài, trái lại phải nhập cuộc nhanh chóng, bằng tất cả những gì có thể để sáng tác, xuất bản, kết nối với bạn viết, bạn đọc trong nước và quốc tế. Hơn ai hết, nhà văn phải là người “vẽ” nên chân dung nhân vật trung tâm – con người thời chuyển đổi số một cách sinh động và chân thực nhất theo đúng nhu cầu của cuộc sống, của bạn đọc đòi hỏi.
Và muốn tạo ra giá trị tác phẩm, nâng cao giá trị tác phẩm, không còn con đường nào khác là nhà văn phải gắn chặt công việc sáng tạo rất đặc thù của mình với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra, nhằm đưa tác phẩm đến với bạn đọc một cách kịp thời, thuận tiện và hiệu quả nhất.
 Làm được như thế cũng có nghĩa là nhà văn xứng đáng với điều mà xã hội tôn vinh “nhà văn là thư ký của thời đại” theo nghĩa đầy đủ nhất của những từ này!

BÙI SỸ HOA

(Bài Đăng trên Tạp chí Sông Lam số 10 tháng 1+2/2021/Chào Xuân Tân Sửu)