Tiếng nói văn nghệ sỹ
LTS: Mở ra chuyên mục mới này, Tạp chí Sông Lam hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn những ý kiến góp ý, phản biện của các văn nghệ sỹ đối với các vấn đề “nóng”, bức thiết của xã hội, hay những vấn đề có ý gợi mở cho những quyết sách của lãnh đạo ngành, tỉnh, đất nước, đặc biệt là những vấn đề về văn hóa – văn nghệ hiện nay. Số đầu tiên, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của nhà thơ Bùi Sỹ Hoa, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT Nghệ An, nguyên Tổng biên tập Báo Nghệ An, nguyên Tổng biên tập báo Vietnamnet.
    Lần đi công tác Diễn Châu cả tháng ròng cùng nhà thơ Trần Hữu Thung cuối những năm tám mươi thế kỷ trước, tôi được nghe nhà thơ kể nhiều chuyện đời, chuyện thơ và cả chuyện thế sự xưa nay.
Có bữa không biết từ đâu, ông nói nhỏ nhẹ, đại ý: Ông cha ta ngày xưa, hễ ai đậu đạt thì đều được bổ về làm quan ở một nơi nào đó, không liên quan, dính dáng gì tới gia đình, họ tộc, bạn bầu…và vị quan đó muốn làm tốt việc công đều phải quan tâm trước hết đến hai dạng người trong xã hội, một là những bậc học hành, chữ nghĩa, hai là những kẻ giang hồ, thảo khấu, có ý bất tuân…
Tôi nghe ông từng lời, từng chữ và không quên hỏi thêm về chuyện lãnh đạo hiện thời liệu có quan tâm đầy đủ đến anh em trí thức, văn nghệ sỹ hay không? Ông cười nói rằng “Có chỗ được, chỗ không, lúc được, lúc không, phần lớn mọi chuyện tùy vào anh em mình”. Ngưng một lát, ông nói tiếp “Cháu còn nhiều thời gian công tác, chịu khó nghe ngóng, kiểm nghiệm thêm điều chú nói”!
Thực ra đó là cả một câu chuyện dài, chuyện lớn và không dễ để khẳng định theo bất cứ hướng tích cực hay tiêu cực nào. Và không hiểu sao tôi cứ nhớ, cứ luôn để tâm về một ý nhà thơ Trần Hữu Thung nói “phần lớn mọi chuyện tùy vào anh em mình”?

Một buổi đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ sáng tác văn nghệ của các văn nghệ sỹ tại Đảo chè Thanh Chương, năm 2007. Ảnh: Tư liệu

Gần ba chục năm công tác ở tỉnh nhà, gắn với nhiều hoạt động báo chí, văn nghệ địa phương, tôi tin mình “nắm” được hầu hết mọi sự quan tâm mà lãnh đạo tỉnh, các huyện thị…dành cho anh em trí thức, văn nghệ sỹ. Từ chuyện lớn liên quan đến chủ trương, chính sách được bàn thảo và quyết định ở cấp tỉnh, đến việc đi thăm, tặng quà dịp tết đến, Xuân về; việc trở thành thông lệ, cũng như việc đột xuất… đều được lãnh đạo “quyết” gọn ghẽ, có tình, có nghĩa, thủy chung sau trước, vẹn toàn.
Nhưng, nhìn một cách cụ thể và tỉ mỉ thì có thể thấy, mọi việc liên quan đến anh em báo chí, văn nghệ sỹ tỉnh nhà, cụ thể ở đây là Hội Văn nghệ và Tạp chí Sông Lam, thì vẫn còn một khoảng cách đo đếm được, nếu đem so với hai cơ quan báo chí của tỉnh là Báo Nghệ An và Đài Phát thanh – Truyền hình. Việc đầu tư cơ sở, vật chất và nhất là nhân lực, các hoạt động chuyên môn của 2 cơ quan báo chí nói trên so với Tạp chí Sông Lam rõ ràng còn rất nhiều điều để bàn luận và thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Tôi biết rõ, Báo Nghệ An từ nhiều năm nay được đầu tư nhà làm việc khang trang, được trang bị phương tiện tác nghiệp hiện đại và nhất là áp dụng chế độ nhuận bút theo từng số báo xuất bản vào loại cao nhất trong hệ thống báo đảng cả nước. Riêng định mức nhuận bút từng số báo luôn được tăng lên theo đúng mức tăng của hệ số lương mà Nhà nước ban hành, đồng nghĩa với việc luôn được đảm bảo mức thu nhập tăng/giảm ngoài xã hội.
Đến đây, tôi mới thực sự thấm thía câu nói của Nhà thơ Trần Hữu Thung ở trên “phần lớn mọi chuyện tùy thuộc anh em mình” là như thế nào! Báo Nghệ An có được mọi điều kiện thuận lợi đó, trước hết là do lãnh đạo Báo từ cách đây mấy chục năm đã biết tập trung trí tuệ, nguồn lực để xây dựng được một đề án phát triển báo lâu dài, căn cơ, nghĩa là biết cách tham mưu đúng, trúng, kịp thời để cấp trên nghe thủng, quyết định kịp thời, hiệu lực và hiệu quả. Tôi cũng biết, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã tìm về báo Nghệ An để học hỏi cách làm, không chỉ chuyện làm trụ sở, chế độ nhuận bút mà ngay cả cách xây dựng quy chế làm việc nội bộ rất công phu, khoa học của Báo để về áp dụng cho cơ quan, đơn vị mình.

Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa (đứng thứ hai hàng đầu từ phải sang) cùng lãnh đạo, nhân viên và phóng viên Tạp chí Sông Lam tại Hội báo Xuân Nam Đàn. 

Vì thế, tôi vẫn mong lãnh đạo văn nghệ tỉnh có được một chương trình làm việc cụ thể với lãnh đạo tỉnh, báo cáo, đề xuất, kiến nghị…các vấn đề liên quan đi kèm một đề án phát triển căn cơ, lâu dài, với mục tiêu cụ thể, đích đến rõ ràng, trong đó có nhiệm vụ phát triển Tạp chí Sông Lam theo đúng mô hình một cơ quan báo chí thực thụ với đầy đủ cơ cấu tổ chức, nhân sự, chế độ nhuận bút “mở” như cách tỉnh áp dụng đối với Báo Nghệ An và nhiều vấn đề liên quan khác.
Quá trình xóa bao cấp, tiến tới tự chủ đối với các cơ quan báo chí đang diễn ra, nhưng chắc chắn quan điểm “xóa cái gì cần xóa, bao cái gì cần bao” sẽ tiếp tục được áp dụng và đó chính là hướng để Hội Văn nghệ nói chung và Tạp chí Sông Lam nói riêng chủ động tìm cách làm phù hợp, hiệu quả. Để làm sao lãnh đạo tỉnh tin tưởng ở cách đi, tin cậy ở cách làm, tin yêu ở hiệu quả đạt tới, cho phép tạo ra một “khung” cơ bản, lâu dài về nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất, làm việc, cơ chế hoạt động, cơ chế nhuận bút và nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống, sáng tác và điều kiện đảm bảo cho văn nghệ sỹ cống hiến, trưởng thành.
Câu chuyện “anh em mình” theo cách nói của nhà thơ Trần Hữu Thung, có thể là đông đảo anh em văn nghệ sỹ đoàn kết, thương yêu nhau, tôn trọng cá tính và cá tính sáng tạo của nhau, để sống và viết tốt; đồng thời nhiều khi chỉ là một người, người đứng đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết tập hợp sức mạnh tập thể, thu hút anh em (như Nhà thơ Trần Hữu Thung từng làm được) để làm những việc lớn hơn bình thường, dài hơn nhiệm kỳ…thì mới mong có được một kết quả tích cực, mỹ mãn.
   Tôi vẫn tin khi chúng ta “nói phải”, làm tốt thì đề án nào, đề xuất nào, kiến nghị nào cũng đều được lắng nghe, chia sẻ và tạo điều kiện hết mức, hết lòng, hết trách nhiệm của cấp trên và các ngành liên quan. Vì thế, trong hoạt động văn nghệ, nói cho cùng nhà thơ Trần Hữu Thung luôn luôn đúng ở chỗ “phần lớn mọi chuyện tùy thuộc anh em mình”!

Bùi Sỹ Hoa
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 8/ tháng 8+9/2020)