Đọc Tạp chí Sông Lam số tháng Ba, có bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng “Về một phương thức hoạt động văn chương mới”, không thể không khiến những người làm công tác văn nghệ trong các tổ chức Hội Văn học, Nghệ thuật (VHNT) hôm nay phải giật mình. Cũng là “người trong cuộc”, tôi xin góp thêm một tiếng nói trăn trở về phương thức hoạt động của tổ chức Hội Văn học, Nghệ thuật hôm nay.

   Trước hết, xin được nhắc lại với bạn đọc về một diễn đàn văn chương mạng mang tên Quán Chiêu Văn mà số báo trước nhà thơ Văn Công Hùng đã nhắc tới. Được thành lập ba năm trước bởi một nhóm Facebooker, Quán Chiêu Văn hiện là một trong các diễn đàn văn chương lớn và có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội tại Việt Nam, với hơn 31 nghìn thành viên, gồm những người Việt đang sinh sống, lao động và học tập ở gần 70 nước trên thế giới.

Lấy tinh thần “thân thiện, vui chơi và học tập” làm cốt lõi, định hướng hoạt động là hướng ra công chúng, lan tỏa những giá trị văn chương đến cộng đồng ngoài diễn đàn, người tham gia không phân biệt vùng miền, độ tuổi, nghề nghiệp, công việc… cũng không phân biệt người đã biết viết văn hay chưa biết viết. Chỉ cần yêu thích văn chương, chấp nhận những qui định của diễn đàn là được mời vào sinh hoạt, không bắt buộc phải viết bài, không phải đóng góp bất kỳ thứ lệ phí nào.

Tiết mục giao lưu cùng các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Như Bình, Tống Phước Bảo tại Hội quán Quán chiêu văn. Ảnh: Võ Khánh

Quán Chiêu Văn dù hoạt động chủ yếu trong môi trường không gian mạng nhưng được tổ chức rất chặt chẽ, quy củ, khoa học, không kém gì một Hội đặc thù. “Quán” được điều hành bởi một Ban quản trị gồm các thành viên tâm huyết, có năng lực tổ chức ở nhiều lĩnh vực và hoàn toàn không hưởng bất kỳ một đồng thù lao nào.

Tôi không kể nữa về những “thành tích” mà diễn đàn này đã mang lại cho từng thành viên cũng như cộng đồng. Nhưng một điều thấy rõ, uy tín và ảnh hưởng xã hội của Quán Chiêu Văn ngày càng lan rộng trong cộng đồng văn chương nước nhà. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo… là những tác giả đã thành danh, tên tuổi được đông đảo công chúng biết đến như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, Văn Công Hùng, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Bích Thúy, Đoàn Văn Mật, Bình Nguyên Trang, Bùi Sỹ Hoa, Phạm Thùy Vinh, Hoàng Anh Tuấn,… đang là những thành viên tích cực của diễn đàn này.

Ngày sinh nhật Quán Chiêu Văn cũng là ngày Hội Quán đón hàng trăm các hội viên từ các miền đất nước về dự, trong số này có rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Ảnh: Võ Khánh

Tại sao một cộng đồng mạng, không thuộc về một tổ chức hội đoàn nào, không có biên chế, không được nhà nước hỗ trợ kinh phí thường xuyên, kinh phí hoạt động, không nhận được bất cứ sự ưu đãi nào từ chương trình hỗ trợ sáng tạo tác phẩm VHNT của Chính phủ,… lại làm được những việc mà như nhà thơ Văn Công Hùng nói, “Những gì mà cái Quán Chiêu Văn này đã làm trong hai năm thì có những hội VHNT địa phương phải làm trong mười năm”, lại nhanh chóng tạo được ảnh hưởng xã hội rộng lớn như vậy?

Nhà văn Hữu Việt – Trưởng ban Văn học trẻ Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải Nhất truyện ngắn trẻ Quán Chiêu Văn. Ảnh: Võ Khánh

Không chỉ có Quán Chiêu Văn. Quanh chúng ta, từ thế giới ảo đến thế giới thực, có hàng nghìn hội nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn, đủ mọi lứa tuổi, thành phần, tầng lớp xã hội… Họ kết nối với nhau bằng nhu cầu thụ hưởng và sáng tạo văn học nghệ thuật. Họ được tổ chức lại bằng những người đứng đầu có uy tín và kinh nghiệm. Họ góp với nhau từng đồng tiền nước, suất ăn trưa, đến chi phí xuất bản các ấn phẩm, tổ chức chương trình nghệ thuật mà họ vừa là diễn viên vừa là khán giả của nhau.

Các nhà tài trợ tặng quà cho các tác giả được giải Truyện ngắn trẻ Quán Chiêu Văn. Ảnh: Võ Khánh

Còn các hội VHNT địa phương chúng ta thì sao? Thì có tất cả: biên chế, kinh phí (dù ít dù nhiều), cơ chế đặc thù, vị thế xã hội. Nhưng chúng ta đã sử dụng tất cả những lợi thế ấy như thế nào? Ảnh hưởng của chúng ta đến đâu, ngay ở chính địa bàn hoạt động của mình? Đặc biệt là việc đánh thức các tiềm năng của xã hội, khơi dậy và phát huy tiềm năng sáng tạo của từng cá nhân, huy động các nguồn lực tinh thần và vật chất, biến các hoạt động văn học – nghệ thuật trở thành niềm hứng thú, công việc và trách nhiệm được tham gia của các thành viên trong và ngoài tổ chức Hội.

Gọi việc làm này bằng một cách gọi khác, đó chính là xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật. Đó không chỉ là một nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao trong các chủ trương, nghị quyết, chính sách về VHNT, mà còn là phương thức tối ưu trong đổi mới hoạt động VHNT. Nhưng nhìn từ Bắc vào Nam thì thấy xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật tuy được một số hội VHNT thực hiện khá tốt nhưng về cơ bản vẫn là mảng yếu nhất của các hội VHNT địa phương. Không chỉ với các vùng miền ngoại vi mà ngay khu vực trung tâm, các đô thị lớn cũng rất khó thực thi. Nếu có làm thì cũng lúng túng “như gà mắc tóc”.

Với tư cách là người trong cuộc, “bắt bệnh” sự chậm trễ thụ động, lúng túng của các hội VHNT địa phương trong thực thi chủ trương xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật của Đảng và Nhà nước, tôi cho rằng có lẽ thói quen được bao cấp, trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước, là lực cản lớn nhất.

Sinh ra và được nuôi dưỡng bởi cơ chế cũ, sau 35 năm Đổi mới tuy có thay đổi ít nhiều theo sự vận động chung của toàn xã hội, nhất là gần đây khi chuyển sang cơ chế nhà nước đặt hàng, nhưng tư duy “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta” trong tổ chức bộ máy và đông đảo hội viên các hội địa phương vẫn còn khá sâu đậm. Tư duy ấy luôn có xu hướng triệt tiêu nhu cầu đổi mới, hạn chế động lực cải cách, dẫn dắt hoạt động đi theo lối mòn cũ kỹ năm này qua năm khác. Thậm chí, nó khiến chúng ta trở nên tự phụ, tự tôn, thiếu bình đẳng với các cộng đồng khác trong sự nghiệp kiến tạo các giá trị tinh thần cho xã hội.

Sự nở rộ của các câu lạc bộ, hội nhóm, diễn đàn… trong lĩnh vực văn học nghệ thuật trong khoảng hai chục năm qua cho thấy nhu cầu rất lớn của cá nhân và xã hội đối với hoạt động sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Nay, với sự trợ giúp vô điều kiện của truyền thông số và mạng xã hội, sự khá giả về đời sống vật chất, cộng thêm những nhà tổ chức tài ba, dẫn dắt thành viên đi đúng con đường họ cần đi, “lan tỏa những giá trị nghệ thuật và giá trị tinh thần đến cộng đồng, chia sẻ tình yêu cuộc sống và mang lại lợi ích từ tiếp thu tri thức, chuyên môn, kỹ năng… cho đến cả lợi ích kinh tế cho thành viên” như Quán Chiêu Văn, thì sức mạnh của các cộng đồng “phi chính thống” (người viết xin tạm gọi như vậy dù chưa hài lòng với cách gọi này) dường như là không giới hạn.

Nếu các hội VHNT địa phương chúng ta không thích nghi và phát huy lợi thế của mình – về mặt cơ chế, tổ chức bộ máy, con người, kinh phí, vị trí xã hội, thậm chí nếu không khiêm tốn tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động của các hội nhóm “phi chính thống” hoạt động hiệu quả, thì chúng ta rất dễ bị bỏ lại phía sau, bị thất bát trên chính đất đai của mình.

  Thực tế thì khá đông chúng ta đã bị bỏ lại phía sau rồi. Chỉ là có dám nhìn thẳng vào thực tế ấy để chủ động thay đổi, đừng để bỏ lại phía sau xa hơn mà thôi.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh(*)

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam số 12/2021.)

(*). Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên