Ngoại ngước đôi mắt đã mờ nhòa như bóng chiều nhìn tôi vẻ hoài nghi: “Bố con Bống đi bao lâu? Liệu có trở lại không?” Tôi định giả lả nói cười đưa ra một lý do nào đó cho ngoại yên tâm, nhưng nhìn vào đôi mắt đục mờ và nghe giọng nói lào thào như gió thoảng mà quặn riết ấy, ngực tôi bỗng nghèn nghẹn, tôi ngập ngừng: “Công ty bên kia có sự cố, bao giờ giải quyết xong anh ấy sẽ trở lại. Có thể hai tuần, cũng có thể lâu hơn…”

Chiều chạng vạng, ngoại thập thững đi trước, tôi xách túi bước theo sau, tấm lưng gầy của ngoại như một dấu hỏi nhỏ thó lọt thỏm giữa đoạn ngõ gập ghềnh. Tôi vừa mở cửa xe thì ngoại như sực nhớ ra điều gì đó, lại lật đật quay trở vào, lúi húi sau nhà hồi lâu rồi xách ra một cái túi bóng đen. Tôi đoán ngoại mang theo cái cối trầu hay mấy viên đá cuội nhẵn thín để ủ chân. Tôi dìu đỡ ngoại vào xe, chẳng cần khom người, ngoại vẫn lọt vào, nhẹ thênh, gọn lỏn. Cái túi bóng đen ấy ngoại đặt khư khư ngay dưới chân, chốc chốc cúi xuống xốc lại, cử chỉ và vẻ mặt sượng sùng đến tội nghiệp.

Ngoại vừa đến hôm trước thì hôm sau làm cả khu chung cư phải một phen náo loạn. Buổi chiều, tôi từ cơ quan về, vừa ra khỏi thang máy thì chợt nghe tiếng chuông báo cháy hú inh ỏi. Tôi chạy hồng hộc mở cửa lao vào nhà và sững lại. Ngoài ban công, một vệt khói mỏng tang như chiếc khăn voan xám phất phơ bên tấm lưng còng. Ngoại đang nhóm than để chuẩn bị nướng chả. Hóa ra cái túi bóng đen hôm trước mà ngoại giữ khư khư ấy là một bịch than hoa. Tôi thở hắt ra, vội vàng lấy chiếc thau i-nốc bên cạnh úp lên đám than đang bắt đầu bén lửa đỏ hồng, toan cất lời trách cứ thì ngoại ngẩng lên cười thủng thẳng: “Trời trở lạnh thế này chỉ ăn bún chả là ngon nhất. Lát xuống chợ mua cho bà mấy nghìn bún. Ít thôi kẻo thừa lại phí.”

Tôi bần thần, thấy cổ họng mình nghẹn ứ lại. Bao nhiêu năm nay trong mớ ký ức bộn bề của ngoại thì bún chả có lẽ là điều còn neo lại đậm nét nhất trong tiềm thức. Nhưng nhức xót xa. Cuộc đời người đàn bà góa bụa cũng xám ngắt như màu khói. Ông ngoại tôi hy sinh trong trận chiến cuối cùng trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bà một đèn một bóng nuôi con. Khi mẹ tôi chân ướt chân ráo vào đại học, ngoại bỏ nghề gánh gạch, lóc cóc theo đứa con gái duy nhất lên thành phố. Ngoại đi làm thuê cho một quán bún chả, chủ nhà thấy ngoại chăm chỉ thật thà nên thương tình đã dạy cho vài bí quyết của nghề rồi nhượng lại một ít đồ cũ. Ngoại quảy gánh bún chả bán rong khắp các ngóc ngách, cái thức quà nửa thành thị nửa dân dã ấy đủ trang trải cho hai mẹ con suốt mấy năm ròng. Những đồng tiền có mùi chả nướng thơm nồng ám mùi khói cay xè lại càng chật vật hơn để mẹ tôi thỏa ước mộng trời Tây cùng anh người yêu quê miền Trung. Nhưng mẹ tôi lỡ dở đường học hành, phải về nước khi tôi mới tượng hình hơn hai tháng. Tôi được hai tuổi, mẹ vét nhẵn những đồng tiền tiết kiệm bện khói của ngoại để quyết tâm sang Đức. Mẹ nói với ngoại là đi học tiếp nhưng thực chất là để dành vốn đi buôn. Ba năm. Năm năm. Những cánh thư thưa dần. Cũng có vài lần ngoại nhận được những thùng hàng mẹ gửi về. Ngoại sắp xếp từng món gọn gàng và bán lại cho đám con buôn, vuốt thật phẳng những tờ tiền rồi để riêng vào một chiếc rương nhỏ cùng với những lá thư mỏng manh. Hình ảnh ngoại ngồi bần thần trước những lá thư ngắn ngủi, mái tóc muối tiêu rối xơ trong chiều chạng vạng, ánh mắt ngân ngấn hoang hoải cuộn lại thành một vùng đau đáu trong ký ức tôi. Quặn xoáy. Mênh mang.

Từ gánh bún chả lóc xóc khắp các vỉa hè, cũng nhờ trời thương, ngoại thuê được một cái quán nhỏ trong con hẻm của khu phố ẩm thực khá sầm uất. Tôi lớn lên từ tiệm bún chả lỉnh kỉnh của ngoại và nỗi ngóng trông dằng dặc. Mỗi ngày nhìn vệt khói xám nghi ngút bay lên theo chiều chạng vạng, tôi lại bần thần nhớ tới bức ảnh bố mẹ đứng giữa con đường dài hun hút, hai bên là hàng dương xanh ngút ngát, cảm giác chống chếnh tủi thân chợt cồn lên, da diết đến xói lòng.

Khi tôi lên cấp hai thì bố mẹ trở về. Những ngày đoàn tụ ngắn ngủi. Trong trái tim của đứa con gái nhút nhát như tôi, mẹ có vẻ gì đó thật xa lạ. Vì mái tóc “phi rê” xoăn tít? Vì mùi nước hoa thơm phức? Hay vì những lời than vãn tiếc nuối về đứa con mới kịp tượng hình đã bỏ mẹ ra đi sau một cuộc nhậu của mẹ với những người đồng hương? Nếu đứa con ấy có cơ duyên thành người, nhất định mẹ sẽ định cư ở lại Đức chứ không phải dạt về với xứ lạc hậu này. Những lúc mẹ nhắc đến chuyện ấy, mắt bố vằn lên. Về sau tôi mới biết mẹ định có con với một người Đức để có cơ hội bám trụ lại nơi ấy. Nhưng kế hoạch đổ bể. Vì duyên trời. Hay đó là sự sắp đặt của bố tôi, tôi cũng không biết rõ.

Mẹ dốc toàn bộ số vốn còn lại của mình và cả những đồng tiền dành dụm trong chiếc rương nhỏ của ngoại cho phi vụ làm ăn cuối cùng của bố. Họ bị lừa. Trong công hàng cuối cùng ấy có gài cả “chất trắng”. Bố tôi chịu án mười lăm năm tù. Mẹ trắng tay, hóa lẩn thẩn như người mất hồn, lúc mơ lúc tỉnh. Lại là gánh bún chả của ngoại còng lưng nuôi tôi ăn học, nuôi mẹ tôi một tháng đôi lần vào thăm khám lấy thuốc ở bệnh viện Tâm thần kinh. Dường như trong tâm thức của mẹ, chỉ có những ký ức về bố là còn đậm nét rõ ràng, còn tôi và ngoại thì mỗi ngày lại mờ nhạt dần đi. Nhiều lần mẹ gọi ngoại là “bà đồng nát”, gọi tôi là “con giúp việc”. Tôi cố dằn lòng mà chẳng thể quen nổi ánh mắt thất thần ám tối của mẹ. Có lúc tôi thầm nghĩ: giá kể mẹ vẫn ở bên kia, chắc cuộc sống của hai bà cháu sẽ bình lặng và tôi còn có cái cớ để mong ngóng đợi chờ. Thi thoảng, mẹ đòi vào trại giam thăm bố. Những lúc ấy mẹ tỉnh táo lạ thường, nói rành rẽ số tiền mà bố mẹ bị lừa, chính xác ngày tuyên án và ngày trở về của bố. Ngoại lại lọm cọm sắm sanh đồ tiếp tế, gọi người lái xe quen đến đưa mẹ đi. Sau quãng đường ngót một trăm cây số trở về, mẹ lại đờ đẫn nhớ nhớ quên quên. Mỗi khi có ai hỏi đến chuyện đó, ngoại nuốt nước mắt vào trong, bần thần chép miệng: “Có mười thì tốt có một vô duyên. Nhưng mà một ngày cũng nên nghĩa…”

Minh họa: Minh Châu

Tôi đỗ vào một trường đại học danh tiếng, sáng đến trường, chiều vẫn về tranh thủ làm hàng giúp ngoại. Bọn bạn biết nhà tôi ở khu phố cổ, đứa thì trầm trồ, đứa lại thì thầm nghi hoặc. Có anh chàng tò mò đi xe ôm theo tôi về đến tận hẻm, đúng lúc mẹ tôi “lên cơn”, tóc tai xõa xượi, lao ra cửa vồ lấy tôi mà cấu xé. Hôm sau, câu chuyện về “hoa khôi” của lớp có bà mẹ điên râm ran khắp nơi. Tôi chẳng bận tâm, ngày ngày vẫn điềm nhiên đến lớp, cuối kì vẫn giành được suất học bổng cao nhất. Cái Thanh, đứa bạn thân nhất của tôi bảo vẻ lạnh lùng càng khiến tôi quyến rũ hơn. Còn ngoại, thi thoảng liếc nhìn tôi rồi quay đi thở dài. Tôi đọc được nỗi lo lắng về quan niệm “hồng nhan bạc phận” trong tiếng thở dài cố nén ấy.

Thi thoảng, lúc tỉnh táo, mẹ lê đôi dép xanh ngắt ra ngồi cạnh ngoại, chăm chú nhìn ngoại băm thịt lạch cạch trên chiếc thớt nghiến rồi cũng đeo bao tay vào và nhẩn nha nắn nót nặn những viên chả tròn xoe. Cũng có khi đang làm mẹ lại bỏ dở, ngơ ngẩn ngồi nói chuyện với con mèo đen già. Có lần, mẹ lui cui luýnh quýnh suýt ngã nhào vào nồi nước dùng đang sôi sùng sục. Ngoại dỗ dành mẹ như dỗ một đứa trẻ, mua về cho mẹ những cuộn len xanh đỏ đựng trong chiếc giỏ cói xinh xinh để giữ chân mẹ trong gian nhà bé tẹo ẩm mốc, ngày hay đêm cũng chỉ là một khoảng sáng lờ nhờ. Mẹ tẩn mẩn đan những chiếc áo nhỏ xíu hay những mảnh khăn tua rua kim tuyến, rồi có khi lại rấm rứt tháo tung ra. Những cuộn len lăn lóc dưới gầm bàn. Những sợi len xanh đỏ rối bời, rối như nỗi lòng của đứa con gái trầm tính như tôi. Chỉ có ngoại vẫn bình thản, điềm nhiên như thể mọi cực nhọc của sự đời đã bị ngoại quạt bạt đi theo những vệt khói xám nồng.

Mẹ tôi mất trong một ngày cuối thu mà nắng nhễ nhại như mùa hè. Ngoại không khóc. Dường như nước mắt của ngoại đã cạn khô theo những trông ngóng đợi chờ ngằm ngặp buồn đau nghiệt ngã suốt bao năm qua. Trên chiếc xe ca đưa mẹ tôi về quê, ngoại ngồi bên cạnh tôi, bàn tay gầy guộc ám khói ôm chặt hũ tro cốt như bế một đứa trẻ. Suốt cả chặng đường hơn trăm cây số, ngoại không nói một lời nào, khuôn mặt đờ đẫn u ám. Tôi ôm di ảnh của mẹ, dải băng đen chéo thi thoảng bung ra, đen nhức nhối trên tấm áo tang trắng xóa, tôi run run cài lại rồi khẽ dựa vào người ngoại. Thân hình nhỏ thó gầy guộc của ngoại bấy lâu nay vẫn là chỗ dựa tin cậy và vững chãi nhất của tôi.

Sau đám tang mẹ tôi, ngoại ốm nặng, chẳng thể tiếp tục quạt than nướng chả bán bún được nữa. Ngoại bảo tôi mang cho ai đó bộ đồ nghề vì vẫn còn dùng được. Tôi hiểu rằng ngoại không muốn giữ lại bộ nghề lỉnh kỉnh ấy là muốn buông đi những mảng ký ức xám ngắt đau lòng. Ngày ngày, ngoại ngồi trước cửa nhà, nhìn người ta đi qua đi lại trong con hẻm nhỏ, rỉ rả nói một mình. Gần Tết năm ấy, bố tôi bất ngờ được đặc xá. Bố trở lại căn nhà thuê tối tăm ẩm mốc của bà cháu tôi, lầm rầm khấn vái trước tấm di ảnh của mẹ rồi lầm lũi ra đi như chạy trốn, chẳng nhắn nhủ dặn dò tôi lấy một lời. Tôi trân trân nhìn theo cái dáng cao gầy của bố khom người bước qua khung cửa gỗ xọc xạch cũ hoen. Chỉ mấy ngày nữa là đến lễ một trăm ngày của mẹ mà bố không nỡ ở lại. Bố bảo phải về quê lo hương khói tổ tiên sau bấy nhiêu năm phiêu bạt. Về sau, tôi biết bố về để kịp làm đám hỏi với một người đàn bà quá lứa. Bố đi khuất, tôi mang cuốn nhật kí cũ mèm ra dúi vào chiếc tủ hóa vàng của ngoại rồi châm lửa đốt. Bìa cuốn sổ dày cộp không bén được lửa. Tôi lại moi ra bần thần xé đốt từng trang. Ngón tay chạm vào chỗ mới ngấm lửa bỏng rát. Những dòng chữ xiêu vẹo miên mải nhớ nhung, tủi hờn cay đắng, thi thoảng mới len lỏi vài tia hy vọng mỏng manh. Trang cuối cùng có ghi địa chỉ của “quê nội”. Mắt tôi cay xè. Không phải vì khói ám. Những vạt lửa tàn dần. Chỉ có cảm giác ran rát và xót buốt còn luẩn quẩn mãi. Ngoại lại rỉ rả thở dài: “có mười thì tốt, có một vô duyên…”

Ra trường được hai năm, tôi quyết định lấy chồng, là cấp trên của tôi, một người đàn ông Trung Quốc đã qua một đời vợ. Đêm trước ngày cưới, ngoại nằm ôm tôi sụt sùi: “Tao trông thằng Trăng có tướng mạo giống hệt thằng cha mày. Cái ngữ ấy rồi lại gieo đau khổ cho mày thôi.” (Ngoại gọi chồng tôi là Trăng, thay vì Cheng, chẳng phải vì ngoại móm mém đến nỗi nói không tròn tiếng, mà tiếng gọi ấy thốt lên như một dự cảm quặn xoáy xa xót, một nỗi lo sợ mơ hồ bởi những bất hạnh khổ đau từng trải qua.) Nước mắt tôi âm thầm lăn xuống gối, tôi khẽ khàng cầm bàn tay khô quắt của ngoại đặt lên bụng mình, nơi có một mầm sống đang cựa quậy. Ngoại thở hắt ra: “Giọt mưa trước rơi đâu, giọt mưa sau rơi đấy…”

Đám cưới của tôi tổ chức ở một khách sạn sang trọng. Trước giờ ra khách sạn, ngoại lập cập châm cây nhang bảo tôi thắp lên ban thờ của mẹ, lúc ấy ngoại mới khóc thổn thức. Tiếng khóc của người già đau quắn đau quéo. Tôi ôm choàng lấy ngoại, nghe rõ từng nhịp tim rưng rức từ khuôn ngực khô khốc. Tôi thì thầm với ngoại mà như tự nói với lòng mình: “Ngoại yên tâm, nhất định con sẽ sống khác…”

Tôi theo chồng về ở căn chung cư hiện đại lấp lánh tiện nghi. Tôi khẩn khoản xin chồng được đón ngoại về ở cùng vì đó là người thân duy nhất của tôi, Cheng ngập ngừng đồng ý. Thế nhưng ngoại nhất định không chịu. Ngoại trả nhà thuê, về quê ở cùng với một người em họ quá lứa nhỡ thì trạc tuổi mẹ tôi trong căn nhà cấp bốn mới sang sửa lại mái lợp và mấy bộ cửa. Hai người đàn bà sống bằng những câu chuyện lộn xộn trong quá khứ nhiều hơn bằng cơm gạo. Tôi gửi chị Phiên hàng xóm một ít tiền để thi thoảng mua thêm thức ăn mang sang hoặc nếu hai bà có cần cái gì thì chị mua giúp. Cách tuần tôi tranh thủ phóng xe về thăm ngoại, tôi đi đường 5 chứ không đi cao tốc vì sợ xe qua trạm soát vé, tin nhắn trừ tiền phí sẽ gửi thẳng về máy của Cheng, thế nào anh ấy cũng căn vặn.

Ngoại về quê được vài tháng thì trở bệnh, căn bệnh viêm phổi mãn tính là hậu quả của cả quãng đời vùi đầu vào gánh bún chả, ướp mình trong những vạt khói xám ngắt. Tôi đưa ngoại lên thăm khám ở bệnh viện lao phổi và xin điều trị ngoại trú. Ba tuần ngoại ở nhà tôi, buổi trưa Cheng ăn cơm ở công ty, buổi tối thường về rất muộn, vừa ngồi xem máy tính vừa nhấm nháp một lon bia rồi ngủ luôn ở phòng làm việc. Cheng rất ít khi chuyện trò với ngoại mặc dù có khả năng sử dụng tiếng Việt khá thành thạo. Khi tôi e dè thắc mắc, Cheng thủng thẳng bảo rằng chưa quen với sự có mặt của người lạ ở trong nhà. Tôi khóc rấm rứt: “Kể cả bà ngoại em cũng là người lạ sao?” Cheng không đáp, lững thững ra ban công hút thuốc. Hỏi thì cứ hỏi vậy thôi, chứ biết đâu ngay cả với tôi, Cheng cũng chưa bao giờ có cảm giác “quen”. Với Cheng, có khi tôi chỉ là một chỗ ghé chân. Đời người có gì là vĩnh cửu đâu, đến tình nghĩa sâu nặng như mẹ và bố thì tôi cũng chỉ là một hạt máu rơi. Với tôi, ngoại mới đúng là mẹ, là người cho tôi sự sống này…

Khi tôi sinh bé Bống, ngoại lên chăm tôi đúng ba tháng, dù Cheng đã thuê người giúp việc theo giờ đến phục vụ cơm nước giặt giũ. Ngoại dặn tôi kiêng cữ đủ thứ, nhất là không được ngủ chung với chồng. Ngoại bảo tôi nói với Cheng rằng đàn ông mà ngủ chung với bà đẻ là đen lắm, ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp chưa biết chừng. Tôi nói lại điều ấy với Cheng, tưởng anh sẽ phản đối, ai dè Cheng đáp thờ ơ: “Tùy em. Anh thì thế nào cũng được.” Tôi hiểu cái “thế nào” ấy của chồng. Ở ngoài kia phơi phới nõn nường giăng đầy, tôi có muốn cũng chẳng đủ sức ngăn cản. Vả lại, khi đồng ý lấy Cheng, tôi cũng đã mường tượng được cái sự lỏng lẻo mong manh của mối quan hệ này. Có lần ngoại thở dài: “Giá kể cái Bống là con trai thì may ra…” Tôi hiểu ngoại đang xa xót cho kiếp phận đàn bà. Cheng cần tôi như một cộng sự đắc lực trong công việc hơn là một người vợ sinh cho anh ta những đứa con. Tôi chỉ biết ngậm ngùi dặn lòng vun vén lo cho con gái như ngoại đã dốc xương dốc thịt lo cho mẹ và tôi.

Ngoại không giao tiếp được với Cheng không phải chỉ vì bất đồng ngôn ngữ mà ngoại bảo: “Nhìn mặt thằng Trăng, tao lại cứ nghĩ đến thằng cha mày. Nhớ là đừng có dại như mẹ mày, dốc cả vạt váy cho trai. Phải biết dè sẻn mà có khoản phòng thân con ạ”. Tôi ôm lấy ngoại cười khì khì: “Cứ tưởng tụi trẻ chúng con mới thực dụng, hóa ra còn là đệ tử của ngoại”. Sau tất cả những đắng đót của cuộc đời mẹ, dường như cảm xúc yêu đương của tôi đã chai sạn, nghĩ rằng đàn ông cũng chỉ là một đối tác trong bản hợp đồng. Tôi đánh đổi cả thanh tân phơi phới để có được Cheng, ghi được những cái gạch đầu dòng đầu tiên trong trang “kế hoạch cuộc đời”: có vị trí vững chắc trong công ty, có nhà, có xe và có con. Khái niệm “hạnh phúc”, “chung thủy” với tôi là một thứ gì đó thật xa xỉ.

Sau ngày sinh nhật hai tuổi của Bống, Cheng phải về nước vì công ty mẹ bên đó gặp sự cố. Tôi thu dọn hành lý cho chồng, bình thản như thể anh vẫn đi công tác đâu đó vài ba ngày. Cheng dặn dò tôi những công việc quan trọng ở công ty, nhất là chú ý chuẩn bị tài liệu hồ sơ cho đợt kiểm toán sắp tới. Tôi lơ đãng gật đầu, cũng chẳng muốn hỏi Cheng sẽ về nước trong bao lâu. Chỉ đến lúc tiễn chồng ra sân bay, khi Cheng đẩy hành lý qua cổng an ninh, Bống bi bô “ Ba… ba…”, nhìn đôi mắt đen tròn của con, tôi bỗng thấy lòng mình chùng xuống, hoang hoải, bâng khuâng. Tôi đưa tay lên vẫy vẫy, có cảm giác gượng gạo. Tôi chờ đợi một cái ngoái đầu, một ánh mắt lưu luyến nhưng cái dáng lừng lững bệ vệ của Cheng đã lẫn vào đám người lố nhố đợi chờ. Chẳng lẽ “giọt mưa trước rơi đâu, giọt mưa sau rơi đấy” như đúng dự cảm của ngoại? Tôi không lo sợ sự thiếu thốn về vật chất, tôi sẽ không phải nhọc nhằn vất vả mưu sinh như mẹ và ngoại. Nhưng tôi cũng không đành lòng để con gái mình phải thiếu vắng tình thương của cha suốt cả tuổi thơ như tôi đã từng trải qua.

Cheng gọi video về, bé Bống sờ tay lên màn hình điện thoại như vẫn từng đưa bàn tay trắng hồng nhỏ xíu vuốt ve khuôn mặt ba mỗi tối, miệng bi bô không ngớt. Cheng bảo tôi về quê đón ngoại lên ở cùng cho ấm áp rồi đưa ngoại đi khám và lấy thuốc định kì, mùa đông bệnh phổi của ngoại dễ tái phát. Tôi thẫn người. Lời dặn dò ấy phải chăng là sự chuẩn bị cho một cuộc chia xa vĩnh viễn? Nhưng nhìn nụ cười ấm áp trên khuôn mặt có chút hốc hác mệt mỏi của Cheng, tôi bỗng thấy mềm lòng. Hình như chưa bao giờ tôi có cảm giác thân thương gần gũi với Cheng như thế. Hóa ra ngoại nói đúng, dù thế nào cũng một ngày nên nghĩa. Từng nghĩ rằng cuộc hôn nhân này như một bản hợp đồng, giờ đây tôi mới nhận ra đằng sau vẻ khô khốc ấy vẫn lấp lánh những tia vui, là ánh mắt đen láy của bé Bống, là giọng nói lơ lớ của Cheng về ngày hội ngộ.

Ngoại vào phòng giục tôi ra ăn kẻo trời lạnh nước dùng sẽ nhanh nguội. Rồi ngoại lẩm bẩm: “bún chả phải nướng bằng than mới chuẩn vị, chứ nướng trong lò vi sóng sẽ mất ngon vì không đượm mùi khói”. Cheng gọi video về, vẫy tay chào ngoại và nhờ ngoại chăm sóc cho mẹ con tôi. Ngoại cười móm mém. Bé Bống lại líu ríu bi bô. Nhìn ánh mắt đục mờ ấm áp của ngoại và đôi mắt đen láy trong veo của con gái, tôi chợt thấy lòng mình ấm lại. Bao năm nay, tôi trót ghim trong tim mình những định kiến về đàn ông. Giờ tôi mới nhận ra giữa cuộc đời dâu bể, dẫu cố gồng lên để lập trình cho cuộc đời mình bằng những cái gạch đầu dòng rõ ràng đến trụi trần, tưởng chừng trái tim mình lạnh lùng cứng cỏi nhưng thực ra mong manh quấn quyện như những vạt khói, nồng ấm và da diết.

Một ngày nên nghĩa, giữa thăm thẳm tình đời cũng nên gạn đục khơi trong. Thấy những toan tính thiệt hơn bỗng như một vệt khói loang mờ đang dần tan.

Đêm, tôi nhắn tin cho chồng: “Anh giữ gìn sức khỏe nhé. Mẹ con Bống mong bố nhiều…”.

Tạ Thị Thanh Hải