Xứ Nghệ bắt đầu vào những ngày thời tiết nắng gay gắt. Với nhiều người, chịu cảnh nắng nóng này luôn thật khắc nghiệt, khó khăn. Nhưng với bà con nghề muối đó lại là những ngày vui vì được mùa…

Nghề làm muối vốn là nghề chính của bà con 4 xã vùng biển huyện Diễn Châu (Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Ngọc), với tổng diện tích canh tác 120 ha, đứng thứ 2 sau huyện Quỳnh Lưu. Hiện nay, diện tích làm muối ở đây đã giảm, chỉ còn xấp xỉ 80 ha, nguyên nhân là do nghề muối quá vất vả trong khi thu nhập lại quá bèo bọt. Một vụ muối thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 (dương lịch), cao điểm là tháng 6, tháng 7, khi những đợt nắng gắt phả hơi lửa xuống mặt đất. Theo lời chia sẻ của ông Ngô Xuân Luật, xóm 5 Nam Liên, xã Diễn Kim thì: “Làm muối rất cực. Trời càng nắng càng phải lao động cật lực. Từ 4 – 5 giờ sáng đã phải ra đồng đến tối mịt mới về. Làm quần quật cả ngày lẫn đêm, những lúc được mùa, được giá nhất tính ra chưa được vài triệu đồng/người/tháng, còn lúc muối rẻ, thời tiết mưa gió thất thường thì “buồn” lắm. Vì vậy, để gắn bó được với nghề làm muối, bà con ở đây phải làm thêm nhiều nghề khác như: đi xây, đi biển, bốc vác, chăn nuôi,… Cũng chính vì vậy, lao động làm muối của làng bây giờ chủ yếu là những người lớn tuổi, còn lớp trẻ trong xóm hầu hết đều tìm công việc khác, tránh những tháng ngày cơ cực dưới nắng gắt mùa hè”.

Để làm ra được hạt muối phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sức khỏe, sức chịu đựng và bàn tay khéo léo của diêm dân. Việc đầu tiên là làm đất nền, sau đó đem cát đã được ngâm nước biển lên phơi trên sân đất nền, khi cát khô sẽ kết tinh thành những hạt muối nhỏ. Dùng nước biển lọc qua cát đó sẽ được nước mặn hơn, rồi tiếp tục phơi cát và dùng nước mặn lọc qua cát đã phơi, sau gần 10 tiếng, nước biển bốc hơi để lại những hạt muối. Trời càng nắng to, nước càng bay hơi nhanh, sản lượng muối thu được càng nhiều. Nếu trời mưa thì công việc làm muối sẽ bị gián đoạn, thậm chí mất trắng cả ngày công.

Phơi cát mặn – Công đoạn đầu tiên của nghề làm muối. Dưới bàn tay khéo léo của diêm dân, những thêu đất cát tơi xốp được rải đều và mỏng, lớp này nối lớp khác dệt nên một tấm thảm mịn màng
Những gáo nước mặn được cánh tay khéo léo và rắn chắc tung lên tưới trên nền cát khô để tăng nồng độ muối.
Gom ủ đất đã nhiễm đủ độ mặn vào hố để lọc mặn
Công đoạn lóng nước mặn tinh khiết
Phơi nước mặn tinh khiết lên sân
Muối đã kết tinh sau một ngày phơi nắng
Khẩn trương thu gom muối kết tinh
Vất vả nhưng người diêm dân vẫn có những phút thư giãn hạnh phúc
Bóng dáng các chị, các mẹ vận chuyển muối về kho
Muối được đóng bao lên đường ra thị trường

Nội dung: Bích Ngọc
Ảnh: Cảnh Yên