Nếu có một lần bạn đến vùng biển “bãi ngang” Diễn Châu (Nghệ An), bạn không những được thưởng ngoạn phong cảnh của những bãi tắm rất giàu tiềm năng du lịch như Cửa Hiền, Diễn Thành, Diễn Hải… mà bạn còn được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng của nghề lộng như tôm, mực, cua, ghẹ… và bạn sẽ ngạc nhiên về sự phong phú của những sản vật “vỏ” như nghêu, sò, ốc, vọp, vạng, phi, vót, don dắt… để rồi không thể nào quên được dư vị của những món ăn độc đáo này!

Ốc “hoàng đế” và hến “thủy tề”

Hầu hết các loài ốc ở biển bãi ngang thường làm "Mà" (hang) dưới lớp cát mịn ven chân sóng
Hầu hết các loài ốc ở biển bãi ngang thường làm “mà” (hang) dưới lớp cát mịn ven chân sóng

Trong khoang tủ kính của nhiều gia đình ở làng biển Diễn Châu thường có một bộ sưu tập vỏ ốc biển với hàng chục loài, có thể kể ra như ốc tù và, ốc mỡ, ốc hương, ốc mền, ốc gừng, ốc cườm, ốc nhọn… và nhiều loại còn chưa biết tên. Hầu hết các loài ốc ở biển bãi ngang thường sống gần bờ. Chúng làm “mà” (hang) dưới lớp cát mịn ven chân sóng. Trong vô khối loài ốc thì ốc mền được suy tôn là “hoàng đế”! Không rõ từ bao giờ, ở làng biển quê tôi đã sinh ra một câu ví rất “ngộ” rằng: “gan tru (trâu) không bằng khu ốc mền”, có người thì lại ví chệch đi là “trăm tru không bằng một khu ốc mền”! ý nói là “khu” (phần cuối) của ốc mền rất ngon, rất có giá! Con ốc mền to bằng cái chén, hơi dẹt, ruột ốc bằng ngón tay trỏ, phần đầu màu vàng tươi, phần cuối màu như gan gà. Ruột ốc mền đem hấp cách thủy với cà chua, hoặc luộc chấm nước mắm gừng là một món nhậu đã đời! Khu của ốc mền béo ngậy tan lắng trong miệng như một liều xúc tác kích thích khẩu vị để ta thưởng thức tiếp cái thơm dòn của phần đầu con ốc. Ruột ốc mền nếu nấu om với cà dừa hoặc chuối ngự cũng là món “khẩu khoái” của những thực khách sành điệu!…

Hến biển ở Diễn Châu cũng có cả một quần thể “cư dân” rất phong phú

Cũng như họ nhà ốc, hến biển ở Diễn Châu cũng có cả một quần thể “cư dân” rất phong phú. Nghêu thì có nghêu trắng, nghêu quèn; Sò thì có sò trắng, sò huyết, sò lông. Con vót vỏ mỏng tang dài bằng ngón tay và tròn như ống sáo; Con phi có lẽ là cháu chắt của họ nhà “trai”, vỏ phi to bằng hai bàn tay úp lại; con don, con dắt chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay nhưng lại có một “cộng đồng” rất đông đảo, mùa sinh sản có thể khai thác được hàng yến, hàng tạ. Chế biến các món nhậu hoặc món ăn thông dụng từ các loại hến biển rất đơn giản: nghêu, sò, phi, vót, vọp, vạng có thể ăn luộc hoặc xào. Cháo nghêu, cháo phi, cháo vót vừa bổ, vừa mát lại rất lành bụng; nước luộc của chúng mà nấu canh với rau đay, rau bầu, hoặc mồng tơi thì rất “hạp”. Ruột con don, con dắt xào om với lá lốt, thêm lá “ngò ta” mà cặp với bánh đa đặc sản Diễn Châu thì nhậu không biết no! Mới rồi có mấy anh bạn về quê tôi chơi, được “xem” tôi đạo diễn các tiết mục: “nghêu – sò – ốc – hến” đã thốt lên: “sơn hào” ở đâu thì chưa biết, nhưng “hải vị” như vậy là đã từng”!…

Những “nghệ nhân” làng biển

Dậm nghêu, bắt ốc không khó nhưng cùng ra biển với nhau, lúc về có người thì mang “sê cánh”, có người giỏ lại nhẹ tênh vì hơn kém nhau ở  kỹ thuật “mò”

Khi thủy triều ròng, các loại ốc mền, ốc cườm và nghêu, sò, don dắt… làm “mà” dưới  tầng cát sâu từ 10-15 cm, riêng con phi thì làm hang cách mặt cát từ 30-40 cm. Dưới ánh mặt trời, “mà” của chúng có màu sắc riêng biệt, phải là người tinh mắt và có kinh nghiệm mới đào đúng “sào huyệt” của chúng.

Khi nước thủy triều lên ngang đầu gối, người ta phải dùng “nạo” để bắt nghêu, bắt don. Thủy triều lên đến ngang bụng, ngang cổ thì bắt nghêu bằng cách đi “dậm”. Dậm nghêu phải đi giật lùi chân xát trên mặt cát, gặp chỗ đất mềm có một lỗ lõm xuống bằng đồng xu thì ngoáy nhẹ, vấp phải vỏ cứng thì lặn xuống lấy nghêu, chậm một tý là bị sóng đánh dạt ngay. Dậm nghêu, bắt ốc không khó nhưng cùng ra biển với nhau, lúc về có người thì mang “sệ cánh”, có người giỏ lại nhẹ tênh vì hơn kém nhau ở kỹ thuật “mò”!

Người dân các xã bãi ngang Diễn Châu đi bắt vót lúc thủy triều xuống vui như ngày hội.

Riêng bắt con vót thì lại đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo và cả một “nghệ thuật”. Bình thường, con vót nằm rất “bí mật” nhưng khi nước ròng đến “làn” thì chúng bộc lộ mục tiêu rất độc đáo: chờ cho con sóng lùi ra xa, mặt nước tương đối lặng thì “chị vót” mới bắt đầu đánh móng phụt lên những tia nước như giọt mưa rào. Người săn vót lập tức định vị toạ độ của móng nước rồi dùng mũi mác chọc dò; Chỉ cần cách “mà” từ 10-15 cm thì có một lỗ nhỏ bằng đầu đũa hé ra, người ta sục tay xuống cát bắt vót nhưng nhớ tẻ hai ngón tay ra để không bị vỏ vót cứa đứt. Vào những ngày sóng biển cực lặng, bãi biển quê tôi vui như hội. Các “nghệ nhân” săn vót đứng im như tượng nhướng cổ, nhón chân, dán mắt xuống mặt nước để chờ những đợt “mưa rào” của vót. Có người thấy vót đánh móng hoa cả mắt nhưng suốt buổi chỉ bắt được dăm bảy con, có người thì lại đầy giỏ.

Nghêu, sò, don, dắt… ở biển bãi ngang sinh sản quanh năm tứ mùa; và người dân quê biển đi “nạo” don, “dậm” nghêu, “mò” ốc không kể ngày nắng mưa sương gió. Họ làm cả ban đêm không kể sáng trăng hay tối trời. Ngày xưa, nghêu, sò, don dắt… rất rẻ. Nhưng nghêu, ốc… của Diễn Châu ngày nay có mặt khắp nơi, vào cả TP Vinh, Cửa Lò, ra tận Hà Nội và xuất ngoại nữa và đem lại giá trị kinh tế nhất định cho người dân miền biển!

Sản vật “vỏ” ở vùng biển bãi ngang Diễn Châu tuy chưa phải là một nguồn sinh lợi lớn nhưng cũng đã góp một phần thu nhập nhất định cho nhiều gia đình. Hơn thế, chính những con nghêu, con sò, con ốc, và những con don, con dắt… ở xứ sở này đã làm nên nguồn cảm hứng bất tận cho con người nơi đây.

Cảnh Dương