Toàn cảnh Đêm Thơ

Trong không gian gần gũi và ấm áp, những thi phẩm được cất lên với những cung bậc hoặc trầm hùng, sâu lắng hoặc da diết, ngân nga. Văn nghệ sĩ và người yêu thơ Nghệ An đã có một đêm hội thơ ca ý nghĩa, dạt dào cảm xúc.

Đêm Thơ Nguyên tiêu lần thứ XXI với chủ đề “Nhịp điệu mới” đã diễn ra trong khuôn viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An vào tối 9/2/2023 (tức 19 tháng Giêng năm Quý Mão).

PGS.TS. Đinh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực trực Hội, đánh trống khai mạc. Ảnh: Hữu Vinh.

Dự Đêm Thơ có các ông Võ Văn Dũng – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trương Thiết Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; bà Đào Thanh Mai – Phó Chủ tịch Công đoàn viên chức tỉnh; bà Quách Thị Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.

Về phía Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An có PGS.TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhà thơ, nhà báo Phạm Thùy Vinh – Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam và các hội viên Ban Thơ, các văn nghệ sỹ ở thành phố Vinh và các huyện lân cận.

Trước khi diễn ra chương trình đêm thơ, PGS.TS Đinh Trí Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh và nhà báo, nhà thơ Phạm Thùy Vinh, Phó Chủ tịch, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam, thay mặt Hội mừng thọ các văn nghệ sĩ cao tuổi.

Có 31 văn nghệ sĩ ở các tuổi chẵn 70, 75, 80, 85 được chúc mừng nhân dịp Xuân Quý Mão này.

Lãnh đạo Hội mừng thọ các văn nghệ sĩ cao tuổi.

Cũng tại đêm thơ, ông VÕ Văn Dũng – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và PGS.TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LH VHNT Nghệ An thừa ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật cho nhà thơ Lăng Hồng Quang và NSNA Trần Duy Ngoãn đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển VHNT.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Liên hiệp VHNT tỉnh trao kỷ niệm chương cho các văn nghệ sĩ. Ảnh: Quốc Khánh.

PGS.TS Đinh Trí Dũng, trong lời khai mạc Đêm Thơ đã nhấn mạnh: Nghệ An là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, cũng là mảnh đất có truyền thống thơ ca. Nghệ An đã đóng góp cho thơ ca dân tộc những tài năng lớn như Phan Thúc Trực, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Thơ ca Nghệ An hiện nay đã làm phong phú hơn cho thơ ca đất nước.

Các nhà thơ, văn nghệ sỹ trong niềm vui giao lưu gặp gỡ tại Đêm Thơ. Ảnh: Võ Khánh

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An đã có gần 20 lần tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, trong đó nhiều năm Hội phối hợp với các đơn vị bạn, các địa phương, trường học để tổ chức… Năm nay, Ngày Thơ Việt Nam được diễn ra tại khuôn viên cơ quan Hội, là hoạt động nằm trong chuỗi những sự kiện văn hóa của tỉnh mừng mừng xuân, mừng Đảng, mừng các ngày lễ lớn của đất nước.

Tại Đêm Thơ, khán – thính giả yêu thơ đã được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi được thưởng thức những bài thơ với nhiều chủ đề như ca ngợi đất nước; ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu đôi lứa, mùa xuân, nhân tình thế thái… Đặc biệt, những bài thơ viết về cuộc sống thiên nhiên, con người và văn hóa Nghệ An đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.

Khán giả tặng hoa cho NSƯT Ngọc Hà. Ảnh: Võ Khánh

Những âm vang hùng thiêng sông núi, những cảm xúc dạt dào trước thiên nhiên đã được thể hiện trong một tác phẩm được xem là kiệt tác, tác phẩm được viết trong một ngày trọng đại theo tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, rằm tháng Giêng. Đó là bài thơ Nguyên tiêu của thi sĩ Hồ Chí Minh, được thể hiện qua giọng ngâm ngọt ngào của Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Hà.

Vẻ đẹp của hình tượng Hồ Chí Minh tiếp tục được thể hiện qua tác phẩm Giấc mơ xuân của nhà thơ Vân Anh, Cụ Hồ trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Đất nước mình đẹp dáng rồng bay của nhà thơ Lê Quốc Hán.

Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng trình bày bài thơ “Cụ Hồ trả lời phỏng vấn”. Ảnh: Võ Khánh

Bài thơ Ta nghe mùa xuân về của nhà thơ Trần Thu Hà dường như đang cố gắng cùng mùa xuân đánh thức những sinh sôi. Xuân luôn là mùa của tuổi trẻ, của tình yêu, của những khát vọng căng tràn nhựa sống. Mùa xuân trong thơ Trần Thu Hà rộn rã, phảng phất chứa những hoài niệm phồn thực qua hình ảnh độc đáo “nắng con gái thập thò sau bậu cửa”; “Em tơ hồng ô cửa nồng hương” hay “Anh là ánh nắng đậu xuống nhu cau ngày ấy”.

Hai nhà thơ Trần Thu Hà và Cẩm Thạch đọc thơ của mình. Ảnh: Võ Khánh

Tác phẩm Qua đền Công ghi chuyện cũ của cố nhà thơ Thạch Quỳ, qua giọng ngâm của nghệ sĩ Ngọc Hà đã đưa người nghe đến với một câu chuyện tình đẫm máu và nước mắt. Ấy là thứ tình yêu long lanh ngọc trai của vài nghìn năm trước. Tác phẩm Dấu lặng của nhà thơ Cao Xuân Thưởng viết về người bạn cố tri – cũng là một nhà thơ xứ Nghệ nổi tiếng – nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, mang đến cho người nghe những khoảnh khắc được sẻ chia trong sự tôn trọng và đồng cảm.

Để thể hiện tình cảm tri ân đối với những hy sinh thầm lặng của những người con ưu tú của dân tộc vẫn âm thầm bám biển, âm thầm giữ từng tấc biển xanh của Tổ quốc, nhà thơ Cẩm Thạch xúc động viết nên bài thơ Mang tết ra Trường Sa.

Nhà thơ trẻ dân tộc Thái Hữu Vi thể hiện tác phẩm “Tàn lửa”. Ảnh: Võ Khánh

Còn nhà thơ Hữu Vi – dân tộc Thái, là người con của núi rừng Con Cuông trong một tứ thơ lạ, một phong cách thơ lạ lại đem đến cho khán – thính giả tác phẩm Tàn lửa. Nhà thơ Đậu Phi Nam viết về chợ Trúc, về lạch Bạng, về những triền cát thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của những người dân miệt biển. Hiện thực đan xen giữa quá khứ và hiện tại với những vui buồn được tác giả thể hiện một cách đậm đặc trong tác phẩm Quê ngoại. Quê hương hôm nay đã lấp lánh những niềm vui ngày mới, niềm vui ấy được thể hiện rất đậm nét trong tác phẩm Làng Lở xuân về của nhà thơ Nguyễn Bá Canh. Còn nhà thơ Đặng Phi Khanh thì xót xa đau đáu bởi những đau thương do chất độc da cam để lại trên quê hương, trên đất nước mình qua tác phẩm Nỗi đau da cam.

Nhà thơ Đậu Phi Nam thể hiện bài Quê ngoại. Ảnh: Quốc Khánh.

Nhiều bài thơ được phổ nhạc đã được các ca sĩ và cả chính bởi nhạc sỹ sáng tác trình bày, đã tạo nên những màu sắc đa dạng của đêm thơ Nguyên tiêu Nghệ An lần thứ XXI như các ca khúc: “Chơi vơi”, nhạc Vũ Quốc Nam, lời thơ Hồ Mậu Thanh, do ca sỹ Khánh Huyền thể hiện, đã đưa khán thính giả du hành qua bốn mùa xuân, hạ, thu đông đằm thắm, bâng khuâng và da diết, với tình yêu dành cho em trong không gian mùa xuân; ca khúc “Hát cùng Uy Viễn tướng công”, nhạc Phan Thanh Chương, lời thơ Tùng Bách, là tác phẩm được viết trên nền sở trường của Nguyễn Công Trứ với âm luật của ca trù do chính nhạc sỹ Phan Thanh Chương trình bày. Ca khúc “Ta có Vinh”, lời thơ Phạm Thùy Vinh, nhạc Trần Quốc Chung, đưa ta đến một không gian đô thị trẻ nhưng đậm dày những giá trị văn hóa truyền thống, ca khúc sâu lắng thể hiện một tình yêu tha thiết mà tác giả dành cho Vinh. Ngoài ra, khán giả còn được thưởng thức ca khúc “Về với quê”, lời thơ Nguyễn Đăng Chế, nhạc Vũ Tiến Vinh.

Ca sĩ Minh Sơn thể hiện ca khúc “Ta có Vinh”, lời thơ Phạm Thùy Vinh, nhạc Trần Quốc Chung. Ảnh: Quốc Khánh.

Đêm Thơ đã khơi dậy, bồi đắp và nuôi dưỡng tình yêu thơ ca, tình yêu cuộc sống; lan tỏa những giá trị của thơ ca, đặc biệt là thơ ca Nghệ An; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Đêm Thơ cũng đã khơi gợi tình yêu và nguồn cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ.

Hữu Vinh