Sáng 30/11/2020, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ An – 990 năm hình thành và phát triển”. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, chính trị sâu sắc trong chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An (1030 – 2020).

Toàn cảnh hội thảo.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và các đồng chí: Thái Thanh Quý – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội thảo.

Dự hội thảo có các đồng chí: Lê Quang Huy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội; Thiếu tướng Hà Tân Tiến – Phó Tư lệnh Quân khu 4; ÔNGTrương Đình Tuyển – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; ÔNG Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An; gần 100 nhà khoa học đến từ các lĩnh vực khác nhau (khảo cổ, địa lý, lịch sử, văn hóa, di sản, du lịch…)

Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định: Hội thảo khoa học “Nghệ An – 990 năm hình thành và phát triển” nhằm tái hiện diện mạo lịch sử; khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người Nghệ An trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đồng thời, tiếp tục khẳng định và tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương Nghệ An, qua đó thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ ông cha đã có công dựng nước và giữ nước; góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Nhân dân tỉnh Nghệ An trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo hội thảo.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Qua các tài liệu và chứng cứ lịch sử, khảo cổ, chúng ta biết rằng, Nghệ An là nơi ghi dấu những bước chân đầu tiên của người Việt cổ cách đây hàng chục vạn năm với những chứng tích từ Di chỉ Thẩm Ồm (Châu Thuận, Quỳ Châu) đến Đồi Dùng, Đồi Rạng (Thanh Chương); từ Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) đến Làng Vạc (Nghĩa Đàn)… Từ thuở khai cơ, mở nghiệp, lập đất, lập làng, mảnh đất Nghệ An đã trải qua quá trình lâu dài khai phá tự nhiên, lao động sản xuất, xây dựng nên những thành tựu văn hóa vật thể có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, văn minh: Nghề rèn sắt Nho Lâm, đúc đồng Diễn Tháp, nước mắm Vạn Phần; Nghề ươm tơ dệt lụa ở Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Đô Lương; Nghề làm tương ở Nam Đàn, dệt thổ cẩm ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Tương Dương…

Nghệ An từ rất lâu đời đã thăng hoa với nghệ thuật dân ca ví, giặm, hò, hát bội (tuồng), ca trù, hát thuôm, hát ghẹo, múa sạp, múa nón… Đặc biệt, Dân ca Ví, Giặm Nghệ – Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tương tự như vậy, Nghệ An có hàng nghìn di tích, danh thắng đã được kiểm kê, phân cấp quản lý, trong đó có hàng trăm di tích văn hóa vật thể đã được xếp hạng và có rất nhiều di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng lưu ý: Tại Hội thảo này và trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu toàn diện, thu thập thêm những cứ liệu lịch sử, văn hóa, khảo cổ góp phần làm sâu sắc hơn quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Nghệ An; để từ đó, có thêm những luận cứ khoa học thuyết phục nhằm tôn vinh và lan tỏa những giá trị lịch sử, truyền thống, văn hoá của vùng đất và con người Nghệ An, góp phần khẳng định mạnh mẽ những đóng góp to lớn của Nghệ An trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Ông Đào Tam Tỉnh – Nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An trình bày tham luận về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và khoa bảng của người Nghệ An.

Đề dẫn Hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho biết, Hội thảo nhận được 68 bài viết của các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, cùng các nhà quản lý, các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Các tham luận tập trung phân tích chuyên sâu nhiều khía cạnh từ địa lý, lịch sử, văn hóa, giáo dục, chính trị, ngoại giao, hội nhập, phát triển.

Theo đó, các nghiên cứu đều thống nhất rằng, danh xưng Nghệ An xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1030 dưới triều Vua Lý Thái Tông khi nhà vua xuống chiếu cho đổi tên gọi Hoan Châu thành châu Nghệ An, kể từ đây danh xưng Nghệ An bắt đầu được xác định.

PGS – TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội, phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Trong 63 tỉnh, thành của cả nước, Nghệ An là tỉnh đặc biệt; là vùng đất địa linh, nhân kiệt, thực sự là một Việt Nam thu nhỏ bởi hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên, dân số. Những đặc điểm tiêu biểu trên là tiền đề dẫn đến sự hình thành, phát triển, những đóng góp quan trọng của Nghệ An vào tiến trình lịch sử của dân tộc; là địa bàn chiến lược để thực hiện các đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm ổn định chính trị – xã hội, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Hội thảo cũng phân tích và khẳng định vị trí chiến lược, những đóng góp quan trọng của đất và người xứ Nghệ trong hành trình dài xây dựng kinh tế – phát triển xã hội Việt Nam; những tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội hiện nay cần phải tận dụng, những thách thức cần phải vượt qua.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Hội thảo đã được nghe 8 tham luận với nội dung phong phú, có ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn cao, đáp ứng mục đích hội thảo đề ra. Đặc biệt, Hội thảo đã được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo định hướng rất quan trọng, sâu sắc, đầy tình cảm và trách nhiệm của đồng chí Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Với bề dày truyền thống hào hùng của lịch sử 990 năm, với vị thế chính trị – xã hội hiện tại, đặc biệt, với tầm nhìn xa hơn trong tiến trình phát triển của tỉnh theo đường lối đổi mới của Đảng, Nghệ An sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn để phấn đấu hoàn thành bằng được mục tiêu, đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá trong cả nước. Phấn đấu đến thời điểm 1.000 năm danh xưng Nghệ An thì vị thế chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, hội nhập quốc tế của tỉnh sẽ được nâng lên một tầm cao mới, thực hiện được mong muốn của Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời, đáp lại sự quan tâm của Trung ương, nguyện vọng của đồng chí, đồng bào trong tỉnh và cả nước.

PV.