Lâu nay, người ta biết nhiều đến nhóm người Đan Lai ở Con Cuông và một số hộ ở Thanh Chương, nhưng ít ai biết đến nhóm Đan Lai đang sinh sống tại bản Tùng Hương. Ngay cả những người đã dành nhiều năm nghiên cứu về người Đan Lai cũng chưa biết đến sự hiện diện của nhóm này. Đây thực sự là một thiếu sót khi mà dân số của tộc người này hiện nay không lớn.

Từ năm 2020, khi đi khảo sát về nhóm người Tày Poọng ở Tương Dương, tôi đã có dịp đến bản Tùng Hương và biết được sự hiện diện của những người Đan Lai ở đây, nhưng chưa tìm hiểu sâu được do đang tập trung cho công việc khảo sát. Lần này, nhân dịp trao đổi với một số nhà nghiên cứu về địa bàn cư trú của người Đan Lai, tôi quyết định quay lại Tùng Hương để tìm hiểu.

Bản Tùng Hương, xã Tam Quang, nơi có 20 hộ gia đình người Đan Lai đang sinh sống

Từ trung tâm xã Tam Quang, huyện Tương Dương, theo đường quốc lộ 7 đi về phía Con Cuông khoảng 5km, đến ngã ba Móc rẽ phải đi tiếp tầm 10km thì đến bản Tùng Hương. Đây là một bản khá lớn, có 243 hộ gia đình với 5.085 nhân khẩu gồm người Thái, người Tày Poọng và người Đan Lai cùng sinh sống. Nhóm người Đan Lai ở đây chưa được nhiều người biết đến bởi trong thống kê dân số của Chi cục Thống kê huyện Tương Dương năm 2020 thì họ chỉ được đưa vào mục “Dân tộc khác” và ghi chú. Vì vậy mà nhiều người khi xem các số liệu thống kê đã bỏ qua nhóm này. Nhưng ở cấp xã, các thống kê từ UBND xã Tam Quang đều có đề cập đến nhóm người Đan Lai. Theo số liệu thống kê của xã thì đến năm 2022, trong xã có 18 hộ với 88 nhân khẩu, trong đó bản Tùng Hương có 17 hộ và ở Tân Hương có 1 hộ. So với số liệu mà 3 năm trước tôi tiếp cận được thì những số liệu này có những khác biệt nhưng không lớn.

Theo Trưởng bản và Bí thư chi bộ cùng thống kê và ghi lại thì bản Tùng Hương hiện có 20 hộ với 108 nhân khẩu. Sở dĩ có sự chênh lệch này là ở xã tập trung vào các bản có chủ hộ là người Đan Lai, và thống kê từ năm trước; còn ở bản lại thống kê cả những người là người Đan Lai về làm dâu gia đình Tày Poọng hay Thái, những người Thái hay Tày Poọng làm dâu trong các gia đình Đan Lai, và thêm một số hộ mới tách ra ở riêng mà xã chưa thống kê đến. Vậy nên con số của bản có phần nhiều hơn. Dù thống kê theo cách nào thì cũng không thể phủ nhận được một thực tế là có cộng đồng Đan Lai khoảng trăm người đang sinh sống tại xã Tam Quang, tập trung phần lớn ở bản Tùng Hương.

Ông La Quang Đảo, một già làng người Đan Lai ở bản Tùng Hương

Người Đan Lai ở Tùng Hương là nhóm đã sinh sống khá lâu đời ở đây. Theo ông La Quang Đảo, Bí thư chi bộ, một già làng người Đan Lai cho biết, từ thời ông bà của ông đã sinh sống ở đây, bố mẹ ông cũng sinh ra ở đây và có môt thời gian di cư qua Lào, sau đó quay về khu vực gần khe Thơi sinh sống. Dần rồi tập trung về khu vực “Co mác hương” nghĩa là chỗ quanh gốc cây thị mà ngày nay là bản Tùng Hương. Họ sống xen kẽ với người Thái và người Tày Poọng, có quan hệ hôn nhân với hai nhóm này. Trong bản, những người có họ La là người Đan Lai. Dòng họ trở thành một dấu hiệu đặc trưng nhận biết tộc người ở cộng đồng này. Thậm chí, có những người trong giấy tờ ghi là dân tộc Thái nhưng cũng là người Đan Lai vì khi mẹ đi làm giấy khai sinh cho con đã có những vấn đề bất cập. Như ông La Quang Đảo cho biết: hầu hết đàn ông đi làm nương hoặc làm ăn xa, khi sinh con chủ yếu phụ nữ đi làm giấy khai sinh. Có bố là người Đan Lai, mẹ là người Thái mà chính quyền cho phép khai sinh tộc danh cho con theo bên hố hay bên mẹ đều được. Để con mình không trở thành “thiểu số”, nhiều người mẹ đã lựa chọn tộc danh cho con theo bên mẹ là người Thái. Tuy nhiên, có một điều quan trọng là họ vẫn tự ý thức mình là người Đan Lai bởi có ông, bố là người Đan Lai.

Nói về một cộng đồng thì người ta thường nhấn mạnh đến đặc trưng văn hóa tộc người. Với nhóm người Đan Lai ở Tùng Hương hiện nay đã bị mai một hầu hết các yếu tố văn hóa truyền thống. Sinh sống lâu năm bên cạnh người Thái nên họ chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Thái. Hầu như người Đan Lai ở đây không còn biết tiếng của dân tộc mình nữa. Cả bản chỉ có hai người còn nói được tiếng Ơ Đu (một người di cư từ bản Cò Phạt đến đây gần ba chục năm trước, và một người mới về đây gần chục năm nay). Hai người này thỉnh thoảng gặp nhau mới nói ít câu tiếng Đan Lai. Còn những người Đan Lai khác trong bản nói tiếng Thái hoặc tiếng Kinh với nhau. Họ chủ yếu thực hành các phong tục tập quán như những người Thái. Các phong tục tập quán của người Đan Lai, các yếu tố khác như trang phục truyền thống, nghệ thuật biểu diễn hay tri thức dân gian… đã bị mai một hoặc mất mát hết. Ngay tục đặc trưng của người Đan Lai là tục ngủ ngồi thì người Đan Lai ở đây cũng không biết. Ông La Văn Minh, một người di cư từ Cò Phạt lên đây lấy vợ người Thái và sinh sống gần ba mươi năm tại Tùng Hương chia sẻ: “Hồi trước, ở Cò Phạt vẫn thấy người ngủ ngồi, mình cũng có thể ngủ như vậy. Nhưng sau khi di chuyển lên đây thì quên hết. Tuy vậy, bây giờ nó vẫn còn tồn tại trong tiềm thức, như những lúc cùng anh em đi làm trên rừng mà nghỉ ngơi giữa ngày thì mình vẫn ngồi ngủ ngon lành hơn người khác”.

Ông La Văn Minh, một trường hợp hiếm hoi sinh sống tại bản Tùng Hương còn biết nói tiếng Đan Lai

Sự mai một, mất mát các yếu tố văn hóa truyền thống là một trong những lý do khiến cho người Đan Lai ở đây được ít người biết đến. Trong cuộc sống đời thường không còn những dấu hiệu đặc trưng để nhận biết về cộng đồng này. Việc sinh sống xen kẽ lâu năm với người Thái và Tày Poọng đã làm cho quá trình biến đổi và mất mát văn hóa truyền thống của họ trở nên nhanh chóng và sâu nặng. Đặc biệt là quan hệ hôn nhân đa tộc người, nhất là với người Thái càng làm cho quá trình biến đổi văn hóa trở nên mạnh mẽ. Hầu như trong gia đình Đan Lai nào cũng có sự hiện diện của người Thái, hoặc là vợ, hoặc là con dâu. Nên những yếu tố văn hóa gia đình cũng thay đổi nhanh chóng qua quan hệ hôn nhân. Cùng với đó là vị thế của nhóm ít người đối với một nền văn hóa rực rỡ hơn, nên người Đan Lai cũng chủ động tiếp nhận các yếu tố văn hóa Thái để phù hợp và thích nghi với cuộc sống. Ngoài ra, sự xa cách đối với các đồng tộc khác ở Con Cuông nên việc phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống cũng không được người dân quan tâm lắm. Chính vì vậy mà các yếu tố văn hóa truyền thống của người Đan Lai ở Tùng Hương cũng trở nên mờ nhạt. Nhưng không thể vì vậy mà có thể lãng quên hay phủ nhận sự hiện diện của tộc người này tại Tương Dương, bởi trong 3 tiêu chí phân định thành phần dân tộc ở nước ta, thì ý thức tự giác tộc người là tiêu chí được coi trọng nhất.

Bếp lửa của một gia đình người Đan Lai tại bản Tùng Hương

Văn hóa truyền thống mai mốt khiến cho việc định vị cộng đồng tộc người của nhóm Đan Lai ở Tùng Hương trở nên khó khăn là một lý do khiến cho họ đang bị lãng quên. Trong khi đó, các cơ quan chức năng khi thống kê lại chỉ đưa vào danh mục phụ; các nhà nghiên cứu chưa thực sự quan tâm đến sự hiện diện của họ bởi cũng như những người làm công tác thông kê đã không nắm bắt được thông tin cụ thể ở thôn bản. Trải qua quá trình sinh sống bên cạnh các cộng đồng khác, bản thân họ cũng đang tự lãng quên chính mình khi không lưu giữ được các yếu tố văn hóa truyền thống. Chính vì vậy mà hiện nay, để khôi phục lại các yếu tố văn hóa truyền thống của nhóm Đan Lai ở Tùng Hương là vô cùng khó khăn. Ông Quang Văn Mạo, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang chia sẻ: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của một cộng đồng chỉ thực hiện được khi cộng đồng đó đồng ý và nỗ lực mạnh mẽ. Ở đây, người Đan Lai gần như chấp nhận các yếu tố văn hóa Thái và họ cũng không muốn đi tìm kiếm, khôi phục các yếu tố văn hóa truyền thống của mình nên càng khó khăn hơn”.

Hiện tại, chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái gì liên quan đến việc khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cho người Đan Lai ở Tùng Hương. Ngày ngày họ đang sống hòa nhập với những người Thái và người Tày Poọng, nhưng trong tiềm thức ý thức tự giác tộc người của họ vẫn âm ỉ. Đúng như câu nói “còn mang họ La là người Đan Lai” vẫn đang được nhiều người trong bản Tùng Hương tâm đắc và xem như một lời khẳng định của cộng đồng về ý thức tự giác tộc người. Chúng tôi nghĩ, rất cần làm một việc gì đó có tầm và có tính chiến lược cho cộng đồng này ở bản Tùng hương!

Trang Tuệ