Đối với người Mông ở Piêng Coọc, củi là nguồn sưởi ấm quan trọng nhất vào mùa đông. Ở trên độ cao trung bình hơn 1200m so với mặt nước biển, giữa rừng núi mênh mông thì không có cái gì đáng sợ bằng cái lạnh giá của đêm đông. Người dân tìm kiếm và tích trữ củi quanh năm để nấu nướng hàng ngày, và đặc biệt là để sưởi ấm và mùa đông. Với họ, củi là một thứ vô cùng thiết yếu trong cuộc sống.

   Piêng Coọc là một bản người Mông thuộc xã Mai Sơn (huyện Tương Dương), giáp biên giới, cách nước bạn Lào một dãy núi. Núi cao và rừng rậm làm cho khí hậu ở Piêng Coọc rất khắc nghiệt, đường lên bản lại rất khó khăn, khi mưa lớn thì bản gần như bị cách ly, các phương tiện giao thông không di chuyển được. Trong bản có 53 hộ gia đình với hơn 360 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu bằng nghề canh tác nương rẫy trên các đỉnh núi.

Mỗi gia đình người Mông ở Piêng Coọc đều chuẩn bị một lượng củi lớn để chống rét

   Lấy củi là công việc gần như thường xuyên của người Mông ở Piêng Coọc. Hàng ngày, trên đường đi làm nương về người dân đều quan tâm đến việc lấy củi. Họ vận chuyển củi từ rừng về bằng gùi. Phần lớn mùa đông, người dân ở trong nhà để tránh rét, tham gia các sinh hoạt như đan lát, ít khi đi ra ngoài làm việc. Vậy nên đây là thời gian tiêu tốn nhiều củi nhất của người dân ở Piêng Coọc. Theo già làng Và Xia Lự, “bếp lửa, trong văn hóa của người Mông có vai trò quan trọng. Nó không chỉ là nơi gia đình sum họp, là nơi để nấu chín thức ăn mà còn liên quan đến nhiều phong tục tập quán, đời sống tâm linh của người dân. Người ta duy trì bếp lửa quanh năm như là dấu hiệu cho sự sống, sự phát triển. Khi làm nhà mới hay làm bếp mới thì việc chuyển lửa là rất quan trọng. Nếu bình thường mà bếp tắt lửa là một điều không tốt lành. Nó báo hiệu cho những điều xấu sắp xẩy ra với gia đình. Vậy nên việc duy trì bếp lửa là một điều cần thiết. Ngày nay, mọi việc có sự thay đổi. Bếp lửa vẫn quan trọng nhưng không phải gia đình nào cũng nhất thiết duy trì lửa cháy quanh năm. Có những lúc không cần thiết thì họ tắt bếp”.

   Có nhiều lý do dẫn đến sự thay đổi này, trong đó có việc nguồn củi để đốt ngày càng khan hiếm. Chính vì vậy nên việc lấy củi và tích trữ củi càng trở nên quan trọng đối với các gia đình. Như ông Và Bá Dế, Bí thư chi bộ bản Piêng Coọc cho biết: “Ở Piêng Coọc, sau cơm và nước thì củi là thứ quan trọng đối với người dân. Nó là nguồn chất đốt chủ yếu cho cuộc sống người dân hiện tại. Trước kia, củi ở rừng rất nhiều. Người ta tranh thủ đi lấy củi vài ngày có thể sử dụng cho cả tháng. Nhưng từ khi khu vực xung quanh đây được quy hoạch thành rừng phòng hộ thì nguồn củi cũng hạn chế hơn do người dân không được tự do vào khai thác như trước. Cây rừng để làm củi cũng bị cấm nên người dân chủ yếu khai thác củi từ cây khô bị gãy hoặc các cây ở khu vực nương rẫy được chặt khi canh tác. Thường nương rẫy nhà nào thì củi cũng của nhà đó, còn củi khô trong rừng ai thấy thì mang về. Bên cạnh việc khai thác củi trong rừng và trên nương rẫy thì người dân cũng sử dụng những miếng gỗ thừa ra trong quá trình làm nhà mới để làm củi đốt”.

Người Mông thường kết hợp lấy củi với đi làm nương rẫy

   Một người đàn ông Mông có thể gùi được 40kg củi từ rừng về. Một người phụ nữ cũng có thể gùi từ 20-25kg củi trên vai. Càng ngày, việc đi lấy củi càng xa và khó khăn hơn. Họ thường phải gùi củi đi 6-7km đường rừng núi. Ngày thường, mỗi gia đình sử dụng hết từ 5-10kg củi, nhưng trong mùa đông, số củi cần thiết phải cao gấp 2-3 lần. Vậy nên, mỗi khi đi lấy củi về, người dân thường phân loại ra. Những loại nhỏ họ để sử dụng nấu nướng hàng ngày. Còn những khúc củi lớn họ tích trữ để sử dụng cho mùa đông giá lạnh. Mỗi gia đình người Mông nơi đây đều có một nhà củi, được lợp mái cẩn thận ở ngay gần nhà hoặc góc sân. Khi củi trong nhà vơi đi, là lúc người ta phải nghĩ đến việc đi kiếm củi và luôn phải đảm bảo gia đình luôn có củi để dùng.

Vì sự quan trọng và cần thiết đó, củi còn được xem như một thứ quà để người dân chia sẻ cho nhau trong các dịp lễ lớn. Khi gia đình nào có việc như cưới hỏi, tang ma hay làm nhà mới, người ta vẫn thường mang ít gạo, thịt, rượu và củi đến để giúp đỡ nhau. Với họ, củi đã trở thành một phần quan trọng, khó có thể thay thế trong cuộc sống hàng ngày.

Bài và ảnh: Trang Tuệ