Trong vai một vị khách du lịch, tôi về thăm làng chài Nghi Thủy vào một ngày cuối tháng Ba. Đây là một trong những làng chài lớn và có tuổi đời hàng trăm năm của vùng biển Cửa Lò, nằm cách thành phố Vinh khoảng 20 km và cách trung tâm thị xã Cửa Lò 2 km. Làng chài bao gồm những ngư dân thuộc phường Nghi Thủy làm nghề đánh bắt hải sản đã được lưu truyền từ thời các ông tổ từ Hà Tĩnh ra vùng đất Mai Bảng, Yên Lương xưa (nay là phường Nghi Thủy, Cửa Lò) để khai ấp lập làng.

Làng chài đất chật người đông, nhà nhà san sát, mọi ngõ trong làng đều na ná nhau. Nếu không có người chỉ đường du khách khó tìm được lối ra. Địa điểm tôi tìm đến để khám phá đầu tiên là bến cá và chợ cá của làng chài. 6 giờ sáng, mặt trời còn chưa kịp lên, sương mù giăng đầy mặt nước. Vậy mà ở đây đã có một bầu không khí náo nhiệt, tấp nập, ồn ào khiến vị khách phương xa như tôi phải ngỡ ngàng. Trên bến, dưới thuyền người người tấp nập. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng trao đổi râm ran. Từng đoàn thuyền nối đuôi nhau từ từ cập bến. Trên những chiếc thuyền chứa đầy hải sản, những ngư dân tập trung vận chuyển lên bờ. Trên bến, hàng trăm thương lái các nơi tụ về thu mua. Cảnh người mua, kẻ bán, người phân loại hàng hóa… diễn ra thật khẩn trương trong sự ồn ào, náo động. Hình như tất thảy mọi người đã quen với những công việc đó nên ai nấy đều tay, đều chân thoăn thoắt làm việc của mình. Sự hân hoan ngời lên qua ánh mắt, nụ cười, qua giọng nói rền vỡ của con người miệt biển quen ăn sóng nói gió. Tôi như được hòa trong niềm vui của những ngư dân thu hái thành quả sau những chuyến lao động cật lực trên mênh mông sóng biển…

Bến cá làng chài Nghi Thủy nhộn nhịp, tấp nập từ sáng sớm khi thuyền cập bến. Ảnh: Lê Nhung

Đọc được sự băn khoăn của tôi về việc hôm nay chợ rất ít cá, chủ yếu là tép, chú Võ Hồng Đức – bảo vệ chợ bến cá trò chuyện như chừng muốn giải thích: “Hôm nay, tàu lớn chỉ đi một cặp, còn lại hơn 20 cặp nữa đang nằm ở ngoài cảng”. Tìm hiểu tôi được biết, mấy tháng nay giá xăng dầu lên cao liên tục, các tàu lớn không thể ra khơi vì “hên” thì đủ vốn, “xui” là lỗ nặng. Vậy nên, chỉ có thuyền nhỏ đi lộng, đánh bắt gần bờ. Thế mới biết việc đi biển còn bao gian truân, khó nhọc khi không chỉ phụ thuộc vào thiên thời mà còn biết bao yếu tố nữa.

Nằm sát ngay bến cá là khu chợ cá làng chài. Với những ai đam mê hải sản thì đây quả là một địa điểm lí thú. Tất cả các mặt hàng hải sản tôm, cua, cá, mực… được trải khắp các gian hàng. Được thiên nhiên ưu đãi nên hải sản nơi đây rất đa dạng, tươi ngon. Khách tới chợ là dân địa phương, là thương lái thu mua hay là những vị khách du lịch thích khám phá làng chài. Từ một khu chợ nhỏ phục vụ ngư dân địa phương, chợ bến cá càng ngày càng thu hút nhiều khách thập phương tới thăm thú.

Hải sản đa dạng, tươi ngon được bày bán khắp chợ cá.

Đi một vòng quanh chợ, tôi được thấy những ánh than hồng nhảy nhót từ bếp lửa của các bà, các chị đang nướng cá, nướng mực. Những con cá thu, cá lượng, cá trích… sau khi đưa lên bờ, sơ chế qua sẽ được đôi tay của những người phụ nữ khéo léo trải lên vỉ rồi bắc lên bếp than để nướng. Chỉ chốc lát thôi, mùi thơm mặm mòi vị biển sẽ đánh thức khứu giác của bất cứ ai khi về với chợ cá. Bạn sẽ khó kiềm chế một cảm giác thèm muốn được nếm những món hải sản đang bốc mùi thơm lừng, quyến rũ. Có rất nhiều loại cá được nướng nhưng nổi tiếng nhất ở đây vẫn là món cá thu. Chế biến cá bằng cách nướng rất tiện lợi, có thể bảo quản được lâu mà vẫn giữ được hương vị tươi ngon nên nghề nướng cá ở đây ngày càng phát triển. Sau khi nướng, cá sẽ được bán cho dân địa phương và khách du lịch, được đưa đi tiêu thụ ở các chợ lân cận trong phường Nghi Thủy như chợ Hôm, hoặc đi xa hơn tới các địa phương khác. Có thể dễ dàng nhận thấy nghề đi biển ở làng chài này đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Bên cạnh việc đánh bắt, theo đó là nghề bốc vác, vận chuyển, buôn bán, chế biến, kinh doanh, du lịch… Ông Võ Hồng Hải, Bí thư phường Nghi Thủy cho biết: “Toàn phường hiện có 70% bà con làm nghề đi biển với hơn 1000 lao động đánh bắt hải sản, 30% còn lại làm nghề dịch vụ, du lịch… Hiện nay, phường có 139 tàu thuyền các loại, trong đó có 46 tàu lớn đánh bắt xa bờ. Năm 2021, khai thác được 12.500 tấn hải sản, đạt 2/3 sản lượng khai thác hải sản của toàn thị xã Cửa Lò. Chính quyền địa phương đang khuyến khích bà con ngư dân chuyển đổi từ tàu nhỏ sang tàu lớn để nâng cao chất lượng đánh bắt”.

Những mẻ cá nướng thơm lừng tại các ki ốt quanh chợ bến cá luôn hấp dẫn khách thập phương.

Phát huy địa thế sát biển, ngư dân làng chài hôm nay không chỉ đi biển theo nghề truyền thống của cha ông để lại từ hàng trăm năm nay mà dần phát triển thêm những nghề khác liên quan đến biển. Từ sản xuất cá khô, mực khô, tép khô hay làm mắm theo hình thức nhỏ lẻ, người dân hôm nay đã năng động, linh hoạt bắt nhịp thời cuộc để chuyển đổi nghề nghiệp và liên kết với nhau mà hình thành nên làng nghề không chỉ phục vụ dân địa phương mà còn kinh doanh, phục vụ khách du lịch.

Làng nghề Nghi Thủy được hình thành từ năm 2007, cho đến nay số người tham gia ngày một đông. Người dân đã hướng đến việc sản xuất đa dạng mặt hàng, trong đó có những mặt hàng đã khẳng định được thương hiệu và đạt chất lượng sản phẩm OCOP. Ấy vậy nên trong 10 sản phẩm OCOP mà thị xã Cửa Lò phấn đấu đạt được, riêng Nghi Thủy đã ghi danh với 3 sản phẩm: nước mắm, mắm tôm, mắm tép.

Tôi ghé thăm gia đình chú Võ Hoàng Thạch, là tổ trưởng Hội nước mắm của làng nghề, cũng là chủ của cơ sở sản xuất nước mắm đạt chất lượng 3 sao của OCOP.  Chú Thạch cho biết, làng nghề có 19 hộ sản xuất nước mắm. Bản thân chú và gia đình cũng đã làm nghề 18 năm nay. Theo chân chú ra tận nơi sản xuất mới thấy hết cái thú vị cũng như mới cảm nhận hết sự vất vả của cái nghề “giàu có” mùi đặc trưng này. Vừa tới sân phơi, tôi có cảm giác như cả không gian đặc quánh mùi thơm nồng nồng mang vị ngọt mặn của nước mắm. Chú Thạch thong thả kể chuyện, làm ra giọt nước mắm truyền thống thật kỳ công vô cùng. Cá cơm ủ với muối qua săn sóc đảo quấy, phơi phong từ một năm rưỡi đến 2 năm mới ra thành phẩm. Mắm tôm, mắm tép thì được làm từ muối cùng tép biển, tùy theo công thức mà cho ra thành phẩm khác nhau, thời gian từ 5 tháng đến 8 tháng, tùy loại. Trong suốt thời gian ủ, vào những ngày nắng nóng đều phải mở nắp thùng ra đảo đều, phơi cho nước mắm, mắm tôm, mắm tép đủ nắng để màu tươi, vị ngọt, mùi thơm. Làm nghề này như trông con mọn, luôn phải canh chừng. Canh thời tiết để kịp đậy nắp mỗi khi trời sắp mưa. Khổ nhọc lắm. Chỉ sơ suất một chút để vài giọt nước mưa rơi vào thùng cá/tép thì coi như vứt cả một quá trình chượp ủ. Nước mưa sẽ làm cho sản phẩm bị hôi. Cô Lan, vợ chú Thạch xởi lởi, nói chêm vào: “Nghề này vất vả lắm cháu, chẳng mấy khi được mặc bộ đồ cho đẹp”.

Chú Võ Hoàng Thạch giới thiệu về quy trình để sản xuất ra những giọt nước mắm thơm ngon, đạt chất lượng OCOP tại cơ sở sản xuất của gia đình. Ảnh: Lê Nhung

Vậy là, cũng từng đó nguyên liệu, nhưng với từng loại cá của mỗi vùng biển, cùng với bàn tay khéo léo của ngư dân, thì mỗi vùng miền lại cho ra những thành phẩm khác nhau. Phải vậy chăng mà nước mắm làng chài Nghi Thủy có hương vị riêng không lẫn đi đâu được. Vậy mới biết để có những sản phẩm được chế biến từ hải sản thơm ngon mà chúng ta đang được thưởng thức trong mâm cơm hàng ngày, phía sau đó là bao sự dày công, là bao giọt mồ hôi của ngư dân làng biển. Trong đó, như cô Lan chia sẻ, những người phụ nữ vùng biển đã phải chịu nhiều thiệt thòi để có thể dâng tặng cuộc đời những sản phẩm ẩm thực quý giá này.

Tới đây mới thấy ngư dân làng nghề không chỉ là những người kinh doanh bán con tôm, con mực hay những lọ nước mắm mà họ còn là những “đại sứ” du lịch đặc biệt khi giới thiệu về đời sống, văn hóa làng chài. Đi dọc các tuyến đường làng đâu đâu cũng thấy trước sân nhà, ngoài ngõ những chum vại làm mắm, ruốc. Ngoài ra còn có các sản phẩm hải sản được sấy khô như mực, tôm nõn, tép… bày bán khắp nơi. Vào thăm làng nghề để thấy hết sự khéo léo của đôi bàn tay và khối óc cùng sự cần cù, kì công của ngư dân đã biến những sản vật biển khơi thành những mặt hàng đa dạng, hấp dẫn. Khá nhiều người dân Nghi Thủy chạy xe điện cũng là hướng dẫn viên cho du khách về văn hóa, tín ngưỡng của quê hương mình.

Nước mắm làng chài Nghi Thủy có hương vị riêng, sau một quá trình chưng cất được đóng chai để phục vụ dân địa phương, kinh doanh, phục vụ khách du lịch.

Cũng như ngư dân bao làng chài khác, người dân làng chài Nghi Thủy giản dị, mộc mạc, chứa chan tình làng nghĩa xóm, thứ tình cảm mà người ta chỉ có được khi vượt qua bao sóng gió biển cả và sóng gió của đời người. Ghé thăm một lò sấy tép khô trong làng chài Nghi Thủy, tôi gặp gia chủ là chú Nguyễn Cảnh Tuấn, một người đã từng có thâm niên đi biển, kể lại những kỉ niệm và sóng gió cuộc đời của một ngư dân làng chài. Chú Tuấn năm nay đã gần 60 tuổi nhưng mới nghỉ đi biển 5 năm nay. Chú nói như trải lòng: “Công việc đi biển vất vả, gian truân lắm. Cuộc đời chú đã rất nhiều lần đối diện với tử thần, nhưng chắc là chú may mắn nên mới có được ngày hôm nay”. Theo lời chú kể, từ lúc mới 17 tuổi, chú đã theo cha ra khơi đánh bắt cá. Suốt 40 năm bám biển, rất nhiều lần thuyền gặp bão lốc, nhưng có 2 lần nguy kịch và may mắn sống sót. Lần thứ nhất là năm đầu chú đi biển, tàu gặp cơn bão to. Thông tin liên lạc thời đó còn thô sơ lắm, chỉ dựa vào dự báo của đài nên không cập nhật được thường xuyên để kịp đi tránh. Lúc đó, có 40 người trên cặp tàu lớn, mặc dù đã ra sức chống chọi nhưng cuối cùng tàu vẫn bị đánh sập. Chỉ 7 người sống sót, trong đó có chú. Chiếc tàu nhỏ đi cùng với 7 ngư dân trên đó thì bị sóng biển đánh chìm mất tích. Nhắc lại hồi ức tang thương này, gương mặt xạm nắng, dạn dày sương gió biển khơi của chú như xạm hơn, trĩu nặng nỗi buồn. Hẳn là chú đang gửi lòng mình về nơi đâu đó, nơi mà những người bạn, những người đồng nghiệp xấu số của chú đã vĩnh viễn gởi thân.

Đời ngư dân còn nhiều vất vả, gian truân nhưng họ vẫn luôn gắn bó biển khơi từ bao đời nay.

Gian truân không dừng lại, cách đây 20 năm, một lần nữa chú Tuấn lại đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết khi tàu gặp phải cơn lốc lớn. Cơn lốc đến đột ngột, chú bị đánh bật rơi xuống biển, va vào mũi thuyền, hai chiếc sào tre dùng để bắt tép đã đâm thủng ruột chú. Bằng khả năng sinh tồn và kĩ năng của một ngư dân lâu năm, chú đã cố gắng bơi được trở lại thuyền, sau đó chú được đưa vào bờ và đưa đi bệnh viện cấp cứu. Lần đó, chú bị mất 2 lít máu, phải cắt và nối ruột. Mặc dù bị thương nặng là vậy mà chỉ mấy tháng sau đó, khi sức khỏe được hồi phục, chú lại lên tàu, ra khơi. Những tưởng sau mỗi lần gặp nạn như thế, con người sẽ chùn bước, sẽ bỏ nghề, nhưng không, những người ngư dân nơi dây vẫn bám biển, từ bao đời nay vẫn thế. Bởi một điều đơn giản như chú Tuấn nói “Bỏ nghề là đói!”.

Đối với những người ngư dân miền biển này, đi biển tuy vất vả gian truân, nhiều hiểm nguy rình rập nhưng biển cũng nuôi sống cả đại gia đình họ, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Biển đã cưu mang gia đình chú Tuấn, giúp chú nuôi 3 đứa con khôn lớn, trưởng thành. Chỉ khi không còn sức đi biển nữa chú mới nghỉ và gắn bó với biển bằng nghề làm tép khô. Ngoài sân, cụ Thạch, mẹ chú Tuấn, năm nay đã gần 80, đang ngồi rải những mẻ tép tươi rói vừa được đánh bắt đêm qua lên trành để sấy. Dù đã nhiều tuổi nhưng tôi thấy rất rõ sự nhanh nhẹn, hoạt bát và niềm vui của cụ khi được làm công việc này. Phải chăng đó là bản chất siêng năng vốn có của những người dân làng chài. Cô Lý, vợ chú Tuấn thì lúi cúi bê những chiếc trành tép cho vào lò sấy, khuôn mặt tươi sáng bởi nụ cười lấp lánh những gọt mồ hôi đang chực rơi xuống tà áo.

Đền Mai Bảng, một trong những địa điểm thể hiện tín ngưỡng của ngư dân làng chài Nghi Thủy.

Những câu chuyện về sự chờ đợi mỏi mòn của những người mẹ, người vợ, người con khi thuyền của ông, của cha, của chồng họ gặp phải giông bão biển khơi không hiếm gặp ở làng chài Nghi Thủy. Biển cho người dân làng chài cuộc sống ấm no, nhưng cũng thách thức họ trong những chuyến ra khơi. Cũng chính vì vậy mà trước sân nhà của mỗi gia đình ngư dân nơi đây thường có chiếc bàn thờ nhỏ. Mỗi chuyến ra khơi họ lại có nén nhang thỉnh cầu trời phật cho mưa thuận gió hòa, cho được mùa tôm cá. Người dân làng chài ngoài việc thờ ông bà tổ tiên còn thờ Thành hoàng làng, các vị nhân thần có công khai phá đất đai, lập làng. Do vậy, ở đây có nhiều hoạt động lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa vùng biển như lễ hội cầu ngư (12/2 âm lịch), lễ giỗ Chiêu Trưng vương Lê Khôi (3/5 âm lịch), lễ lục ngoạt… Tất cả các lễ hội đều gắn liền với tập tục, tín ngưỡng của ngư dân làng chài Nghi Thủy.

Đời người ngư dân còn nhiều vất vả nhưng vẫn luôn ngập tràn niềm tin và hy vọng vào tương lai. Chính vì vậy khi về làng chài, tôi luôn bắt gặp những nụ cười của ngư dân, từ cô bán cá bán tôm, từ người lựa cá thuê, hay những người phụ nữ nướng cá bên bếp than hồng, những ngư ông khuôn mặt cháy nắng… Chia tay làng chài khi chợ đã vãn, tàu thuyền nối đuôi nằm chờ ở bến để lại chuẩn bị căng buồm cho những chuyến ra khơi khác, tôi vẫn mong muốn một ngày nào đó quay lại với làng chài để tiếp tục khám phá những điều thú vị nơi đây.

Bài: Lê Nhung. Ảnh: Xuân Thủy, Hải Vương, Võ Khánh