Từ ngày 7 đến 17 tháng 11/2023, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An đã mở trại sáng tác VHNT tổng hợp cho 24 văn nghệ sĩ. Đoàn đã đi thực tế tại Thanh Hóa; thăm một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng và thâm nhập tìm hiểu đời sống của Nhân dân địa phương.

Thăm Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng.

Đoàn đã đến thăm Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, một địa chỉ du lịch tâm linh của tỉnh Thanh Hóa thu hút đông đảo du khách thập phương. Thiền viện gây ấn tượng với vẻ đẹp truyền thống và hiện đại gồm 2 cổng tam quan nối nhau bởi hơn một trăm bậc đá. Bước qua tam quan là lầu chuông, gác trống nằm 2 bên tả – hữu. Ở chính giữa là tòa Đại Hùng Bảo Điện cao rộng uy nghiêm thể hiện lòng tôn kính đức Phật. Trên đồi cao trong khuôn viên Thiền viện Hàm Rồng là tượng Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi trên tòa sen.

Thăm Khu di tích Thành Nhà Hồ.

Tại huyện Vĩnh Lộc, đoàn đã thăm Thành Nhà Hồ (còn gọi là Thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến. Đây là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam. Theo sử liệu, năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành  chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài.

Thăm Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ.

Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính. Các phiến đá dài trung bình 1,5m, có tấm dài tới 6m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp công phu. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27/6/2011, Ủy ban Di sản Thế giới đã đưa Di tích Thành Nhà Hồ vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Tại đây đoàn đã thăm Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, nơi đây đã tiến hành khai quật 12.000m2 di tích Hào thành, chính điện, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu… lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị văn hóa lịch sử cao nhằm bảo vệ, phát huy đồng thời tăng cường giá trị nổi bật toàn cầu của Khu Di sản Thành Nhà Hồ.

Toàn cảnh Lam Kinh nhìn từ trên cao.

Đoàn đến thăm Lam kinh, quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi (1385-1433), nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi (Lê Thái Tổ) lên ngôi hoàng đế, lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (gọi là Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc cung điện, miếu… bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và binh lính thường trực bảo vệ Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc…

Sau khi kết thúc chuyến đi thực tế, các văn nghệ sĩ sẽ hoàn thiện tác phẩm gửi về trưởng các ban chuyên môn của Hội để tổng kết trại sáng tác, dự kiến vào ngày 17/11/2023.

Nội dung: PV
Ảnh: Đức Quang