Trại sáng tác VHNT của Hội LH VHNT Nghệ An gồm 24 văn nghệ sĩ trong chuyến đi thực tế xứ Thanh thời gian chỉ hơn một ngày nhưng đầy ấn tượng; bởi xứ Thanh từng được mệnh danh “Thanh kỳ khả ái”, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”; nơi phát tích của các triều đại phong kiến, sản sinh nhiều bậc vua, chúa và các anh hùng hào kiệt, văn nhân xuất chúng trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Đoàn VHN dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ trên đồi C4.

Dẫn đoàn là PGS.TS Đinh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, ông cho biết: đây là trại sáng tác thứ 6 và cũng là trại sáng tác cuối cùng của năm 2023. Riêng trại lần này có 24 VNS gồm các chuyên ngành: văn, thơ, lý luận phê bình, ảnh, âm nhạc và múa, sân khấu, mỹ thuật.

Chuyến xe xuất phát từ thành phố Vinh lúc 7h30, qua Diễn Châu đón nhà thơ Nguyễn Lê rồi ghé Quỳnh Lưu đón nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi cùng nhà thơ Nguyễn Thị Phương, rồi từ Hoàng Mai nhập cao tốc về xứ Thanh. Nhờ đi theo anh “Gu gồ” nên chúng tôi suýt ghé bến En và Pù Luông, những điểm du lịch nổi danh của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, đích đến của đoàn là Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Trong thâm tâm, tôi đã hình dung Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cùng di sản thế giới Thành Nhà Hồ ở xứ Thanh. Đây là hai khu di tích chứng kiến những thời kỳ quan trọng trong lịch sử dân tộc về sự phát triển và xây dựng của đất nước. Lam Kinh là nơi Vua Lê Lợi khởi đầu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh và lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long với niên hiệu Thuận Thiên và đặt tên nước là Đại Việt, một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, kéo dài tới 360 năm.

Cây đa cổ thụ trong khuôn viên Lam Kinh.

Lam Kinh còn là biểu tượng tinh thần anh dũng và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Còn Thành Nhà Hồ, được xây dựng bởi Hồ Quý Ly, đại diện cho thời kỳ của vương triều Hồ, một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam; là biểu tượng cho sự phát triển văn hóa, kinh tế và xã hội của đất nước; thể hiện sự sáng tạo trong việc xây dựng một đế chế vững mạnh.

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50 cây số, trải trên diện tích gần 200ha, thuộc địa bàn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nơi đây vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu cũng được xây dựng với hai chức năng chính: điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên và là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh; nơi đây cũng có khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc. Không gian nơi đây vẫn còn giữ được vẻ yên bình, môi trường xanh tươi trong lành, vườn cây cổ thụ xanh tốt bao quanh các điện miếu và lăng tẩm.

Xuôi sông Chu theo đường đê, đoàn VNS xứ Nghệ đến chiêm ngưỡng Thành Nhà Hồ.

Thăm Khu di tích Thành NHà Hồ.

Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu của Việt Nam dưới thời nhà Hồ). Chữ “Ngu” (虞) trong quốc hiệu “Đại Ngu” (大虞) của nhà Hồ có nghĩa là “sự yên vui”, ước vọng sự bình yên rộng lớn khắp cõi giang sơn.

Thành Nhà Hồ với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam; có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và cũng là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Theo hướng dẫn viên Khu di tích thì Thành được xây dựng trong thời gian chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397). Dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng đến nay một số đoạn của tòa thành vẫn tương đối nguyên vẹn.

Đoàn VNS nghe thuyết minh về Thành Nhà Hồ.

Đặc biệt ngày 27 tháng 6 năm 2011, sau 6 năm đệ trình hồ sơ, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; thành cũng được CNN đánh giá là một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới; được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 62 di tích quốc gia đặc biệt.

Thành Nhà Hồ có 4 cổng thành bằng đá cuốn vòm, di tích Đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn; trong các phế tích đáng chú ý có nền chính điện chạm một đôi tượng rồng đá rất đẹp dài 3,62m.

Thành Nhà Hồ thể hiện một trình độ rất cao về kĩ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững. Theo các nhà nghiên cứu, Thành được xây dựng và gắn với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, mang dấu ấn văn hóa nổi bật của một nền văn minh; tồn tại tuy không dài, nhưng luôn được sử sách đánh giá cao.

Đồi C4 nhìn từ trên cao.

Buổi sáng, trên tầng 14 của khách sạn Trống Đồng ở đường Lê Hoàn, tôi thả hồn mình vào bao la thành phố Thanh Hóa. Mấy hôm nay nghe nói Vinh mưa nhiều nhưng Thanh Hóa ráo tạnh, không khí mát lành của cuối thu lọt vào cửa sổ thật thư giãn. Thành phố Thanh Hóa có diện tích tự nhiên gần một trăm năm mươi ngàn cây số vuông; Trên cao tôi quan sát núi Hàm Rồng chạy từ làng Dương Xá phường Thiệu Dương, men theo hữu ngạn sông Mã về đến chân cầu Hàm Rồng, uốn lượn, đến khúc cuối thì phình to ra như một cái đầu có miệng khổng lồ, vì thế, dân gian đặt tên là núi Hàm Rồng. Núi này nằm án ngự cửa ngõ phía bắc thành phố, tương truyền, có 99 đỉnh. Dựa vào đặc điểm địa hình độc đáo nên trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, quân dân Thanh Hóa đã lập trận địa bảo vệ thành phố và cầu Hàm Rồng. Trên dãy núi còn giữ di tích Đồi C4 bên bờ sông Mã. Những năm chiến tranh chống Mỹ, C4 là điểm cao mà quân địch bắn phá ác liệt nhất và cũng là nơi chứng kiến những cuộc đụng độ ngoan cường của quân và dân ta với máy bay Mỹ. Trận địa pháo cao xạ trên đồi C4 được hình thành ngày 31/5/1965 với lực lượng chủ lực là Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228, Quân chủng Phòng không- Không quân (PKKQ) được gọi là “toạ độ lửa Hàm Rồng”. Vị trí chiến đấu của Khẩu đội 4 – cũng gọi là “khẩu đội tử”, ghi dấu ngày 3/9/1967, cả khẩu đội 11 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã.

Trong những năm tháng kiên cường bám trụ cùng với quân dân Hàm Rồng bảo vệ mục tiêu, Đại đội 4 đã đánh hơn 400 trận, góp phần bắn rơi 117 máy bay phản lực hiện đại, trong đó hai chiếc B52 và một máy bay không người lái.

Năm 1969, Đại đội 4 là đơn vị đầu tiên của Trung đoàn 228 (PK-KQ) được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Đồi C4 được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1975. Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng cho biết, hàng năm cùng với các di tích phụ cận như cầu Hàm Rồng, động Long Quang, Nhà máy Điện, làng cổ Đông Sơn… trận địa pháo trên đồi C4 đã đón hàng vạn du khách và người dân địa phương đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, thư giãn không khí trong lành dưới rừng cây cổ thụ và ngắm cảnh sông Mã.

Đoàn VNS thăm hầm pháo trên Đồi C4.

Nhà thơ trẻ Phạm Hùng, thành viên trại sáng tác, bày tỏ: bản thân hiện đang công tác trong lực lượng vũ trang, đến đây rồi anh càng thêm cảm phục tinh thần chiến đấu quả cảm, ngoan cường, anh dũng của thế hệ đi trước để nguyện phấn đấu noi gương và cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo anh, trại sáng tác đã tiếp thêm cảm xúc, cảm hứng cho lớp VNS trẻ như anh. Anh cũng chia sẻ, VNS đi thực tế thấy vững tin hơn ở những sáng tác mới của chính bản thân mình.

Bài và ảnh: Lang Quốc Khánh