Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng nên hình tượng nhân vật với những lớp diễn tuyệt vời trên sân khấu truyền thống là vũ đạo. Vũ đạo hiểu theo nghĩa khái quát là một loại hình múa và võ mang phong cách riêng, có nét đặc trưng của nó. Cụ thể hơn nữa thì “vũ đạo” là một hệ thống động tác được khoa trương, cách điệu trên cơ sở động tác thường, nó mang tính biểu trưng, ước lệ. Vũ đạo là một môn học không thể thiếu cho một diễn viên kịch hát. Hệ thống vũ đạo được cấu trúc từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Trang bị các kỹ thuật từ bước đi, dáng đứng, kiểu ngồi, cách vuốt râu, cách cầm quạt, cách bắn cung, đánh kiếm… những kỹ thuật đó là nguồn tài liệu quý giá để người diễn viên sáng tạo nhân vật.

Vũ đạo là một yếu tố quan trọng, là thủ pháp để người diễn viên kịch hát thể hiện vai diễn.

Khi học xong hệ thống vũ đạo, diễn viên có thể vận dụng linh hoạt, chọn lọc, sắp xếp những động tác đã học một cách khéo léo tài tình, thông minh để sáng tạo vai diễn theo muôn vàn tính cách khác nhau, lứa tuổi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau như trong cuộc sống. Chẳng hạn trong vũ đạo tuồng có “bộ chỉ” vẫn là những động tác của chân ký, hai tay xỏ, xoang, chỉ nhưng khi áp dụng trên sân khấu vào trong những hoàn cảnh khác nhau lại có cách “chỉ” khác nhau. “Chỉ” khi đi xem phong cảnh khác với “chỉ” khi giận dữ nơi chiến trường… Vũ đạo chèo có bài múa quạt. Các động tác quạt chụm, quạt xòe được luyện tập với một tiết tấu đều đều như nhau. Nhưng khi biểu diễn trên sân khấu lại phải vận dụng nó một cách linh hoạt. Vai này nên lấy động tác nào, bỏ động tác nào, cường độ ra sao… Mỗi một dạng nhân vật lại có cách sử dụng quạt khác nhau. “Đào chín” khác với “đào lẳng”; “nam ngang” sử dụng khác với “nam thư sinh”, mà cũng không phải anh thư sinh nào cũng sử dụng quạt giống nhau, mỗi anh mỗi vẻ, tùy theo hoàn cảnh và tâm tính của mỗi người. Trong vũ đạo tuồng, cải lương có phần võ nghệ thuật. Kỹ thuật đánh võ của các loại binh khí như mã tấu, côn, kiếm… được giảng viên hướng dẫn trong các giờ lên lớp nhưng khi biểu diễn, người diễn viên không thể bê nguyên xi những động tác cơ bản đã học để áp dụng cho nhân vật. Diễn viên phải biết chọn lọc những động tác phù hợp nhất cho nhân vật mình đóng, phù hợp với tình huống và hoàn cảnh đang xẩy ra.

Vũ đạo là một yếu tố quan trọng, là thủ pháp để người diễn viên kịch hát thể hiện vai diễn. Vai diễn chính là công trình, là tác phẩm của họ. Diễn viên là trung tâm sân khấu, là người nói lên những ý tưởng của cả tập thể những người sáng tạo mà trong đó vũ đạo góp phần đưa những ý tưởng ấy đến với công chúng.

Sân khấu dân ca Nghệ Tĩnh từ trước đến nay chưa có vũ đạo, diễn viên chưa qua đào tạo về vũ đạo.

Thứ nhất vũ đạo mang tính cách điệu. Vì sân khấu có khoảng cách tới khán giả tương đối xa vì vậy mà mọi cử chỉ, động tác của người diễn viên phải làm rõ hơn lên, lớn hơn và đẹp mắt hơn lên để khán giả cảm nhận được vai kịch. Mặt khác, khi biểu diễn trong những vở diễn cổ trang, nhân vật mặc những mũ, áo, xiêm y dài rộng xênh xang thì người diễn viên cũng phải có cử chỉ, điệu bộ, động tác phù hợp trong trang phục ấy, đảm bảo tính chân – thiện – mỹ trong nghệ thuật.

Thứ hai vũ đạo mang tính biểu đạt. Khi người diễn viên làm động tác vũ đạo sẽ bộc lộ được nhân vật muốn nói gì và tình cảm thế nào. Các tư thế chắp bái, tiến, chỉ, lược, điểm, hồi, khoát, khỏa, cầu, ký, xoay, thả, khai, khóa, múa roi ngựa, múa quạt, múa côn, múa kiếm đều mang nội dung nào đó. Chẳng hạn muốn biểu lộ ra ý chào ai đó thì người diễn viên – khi này là nhân vật làm động tác khoát vòng hai tay sang hai bên rồi chắp hai tay trước ngực, một chân đứng ký hậu hoặc ký tiền, đầu khẽ cúi, miệng mỉm cười lễ phép là biểu hiện ra nhân vật đang chắp bái chào cung kính. Hoặc người diễn viên làm những động tác rung lắc những ngón tay và cổ tay phía trước bụng mình, đi xiến mũi chân, thân mình chao đảo, mặt nhăn lại là biểu hiện ra sự đau đớn của nhân vật bị đau bụng do uống phải thuốc độc. Hoặc nếu như nhân vật không nói mà chỉ thực hiện các động tác vũ đạo bước qua ngạch cửa, mời vào, mời ngồi, mời uống nước, chỉ tay, hất cổ tay, đi ngựa là khán giả hiểu được nhân vật đã nói gì, đang làm gì và với thái độ thế nào. Hay như người diễn viên – nhân vật – làm động tác thả với tốc độ nhanh là biểu đạt sự quay cuồng hoảng sợ. Làm động tác thả nhưng với tốc độ chậm là hiển thị sự chếnh choáng, chao đảo. Trình thức biểu đạt tâm trạng chờ đợi, yêu thương, tức bực trong các dáng chủ đạo của nhân vật mang chất văn hay võ. Phần võ nghệ thuật biểu đạt tính chiến đấu. Vũ đạo có vai trò quan trọng trong việc xây dựng những hình tượng nhân vật, đặc biệt là trong các vở diễn có đề tài lịch sử và dã sử, huyền thoại, dân gian.

Nhiệm vụ của người diễn viên là xây dựng hình tượng nhân vật bằng nghệ thuật của mình. Nếu như nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật bằng ngôn từ, câu, chữ, và cảm xúc của mình, rồi viết ra bằng các công cụ là bút, mực, giấy (ngày nay có thể là bàn phím và máy tính) thì người nghệ sĩ kịch hát dựa trên yếu tố kịch bản sẽ xây dựng hình tượng nhân vật bằng lời ca, tiếng hát, động tác vũ đạo, biểu cảm tâm lý… Chính bản thân người diễn viên là công cụ để sáng tạo hình tượng nhân vật. Một diễn viên lên sân khấu biểu diễn là đang hóa thân vào một nhân vật, có thể trong cùng một đêm diễn mà phải đóng hai hoặc ba nhân vật. Nhân vật thì có thể là con người, có thể là thần, tiên, ma quỷ hay động vật, với giới tính, lứa tuổi và tính cách khác nhau. Điều đầu tiên và rõ nhất để nhận biết, phân biệt vai nọ với vai kia chính là từ những cử chỉ điệu bộ, động tác vũ đạo tạo hình của người diễn viên (tất nhiên có kết hợp với nghệ thuật hóa trang và phục trang). Nhân vật sống trên sân khấu phải luôn luôn hành động và hoạt động, bao gồm một xâu chuỗi những động tác. Mọi động tác, cử chỉ, điệu bộ của nhân vật – tức vũ đạo của người diễn viên sẽ góp phần xây dựng nên hình tượng nhân vật.

Thực hiện các động tác vũ đạo cũng chính là thể hiện khả năng kể chuyện về nhân vật bằng hình thể của người diễn viên. Người diễn viên không chỉ có nói, diễn và ca hát mà vũ đạo cũng là một yếu tố quan trọng không thể thiếu cho sự thành công của vai diễn. Vai diễn là thành quả sáng tạo, là tác phẩm của người diễn viên. Người diễn viên sử dụng vũ đạo như một thủ pháp, một phương tiện để đạt tới thành công của vai diễn, để khán giả có thể cảm nhận, hiểu về nhân vật và yêu thích người nghệ sĩ diễn viên.

Vũ đạo có ở nhiều bộ môn nghệ thuật của kịch hát dân tộc. Sân khấu tuồng, chèo, cải lương truyền thống khi dựng các vở cổ đều có vũ đạo, có vai mẫu, nhưng sân khấu dân ca Nghệ Tĩnh từ trước đến nay đều chưa có vũ đạo, diễn viên đều chưa được học vũ đạo và chưa qua đào tạo về vũ đạo. Một số diễn viên được học dân ca và bộ môn múa, hình thể ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An nhưng đó không phải là vũ đạo của sân khấu kịch hát dân ca. Hiện nay chưa ở đâu có giáo trình về vũ đạo của sân khấu kịch hát Nghệ Tĩnh và cũng chưa ở đâu đào tạo về vũ đạo kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh cho diễn viên. Ngay các diễn viên của 2 đoàn: Đoàn Truyền thống và Đoàn Kịch hát thuộc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An cũng chưa có vũ đạo. Khi dựng các vở cổ, những vở mang tính lịch sử diễn viên thể hiện hình tượng nhân vật và các vai diễn đều không có vũ đạo, chính vì vậy mà chưa thể hiện hết tính cách của nhân vật và vở diễn chưa mang lại sự cuốn hút cho người xem.

Có thể thấy, lâu nay chúng ta chưa định hướng, chưa thực sự chú trọng đến việc đưa vũ đạo vào sân khấu kịch hát dân ca. Chưa ai nghiên cứu để tìm ra bộ môn vũ đạo hợp với loại hình kịch hát này. Tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An cũng như Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An – là nơi đào tạo sinh viên cũng chưa có bộ môn vũ đạo của kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.

Sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh nên chăng tiếp thu vũ đạo từ cuộc sống lao động, từ sân khấu tuồng, chèo, cải lương, để thể nghiệm và tìm ra vũ đạo riêng cho mình?

Theo tôi, vũ đạo cho sân khấu dân ca ví, giặm nên dựa trên những tiền đề cơ bản: thứ nhất, vũ đạo được hình thành từ những cử chỉ, động tác sinh ra trong lao động, trong sinh hoạt của con người. Thứ hai, vũ đạo được hình thành trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc một số động tác từ vũ đạo tuồng, chèo, cải lương, sau đó giảm bớt tính khoa trương để thực hiện nó nhẹ nhàng hơn và hợp với tính chất của kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Thứ ba, tiếp thu một số bài và động tác trong võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp và hướng đi sắp tới cho vũ đạo kịch hát dân ca ví, giặm như: Nghệ An và Hà Tĩnh cùng nhau xây dựng bộ môn vũ đạo trong kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Tổ chức hội thảo có sự tham gia, vào cuộc của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý, đặc biệt là các nhà chuyên môn, các chuyên gia về sân khấu bàn về: “Vũ đạo trong sân khấu kịch hát dân ca như thế nào? Cách tiếp cận và sử dụng vũ đạo trong sân khấu kịch hát dân ca”. Nghiên cứu vũ đạo phù hợp với bộ môn kịch hát dân ca, biên soạn thành tài liệu về vũ đạo để giảng dạy trong Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Nhà trường trong quá trình đào tạo cần có giáo trình, giáo án về bộ môn vũ đạo để dạy cho diễn viên kịch hát dân ca. Tăng cường tổ chức tập huấn cho giáo viên của trường về vũ đạo. Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An tập trung nghiên cứu và có định hướng cho việc khai thác, dàn dựng các vở về đề tài lịch sử để đưa vũ đạo vào kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Tập huấn cho diễn viên của Trung tâm để sử dụng tốt vũ đạo vào vai diễn trong sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Tạo nguồn kinh phí để xây dựng nên hệ thống vũ đạo cho sân khấu kịch hát dân ca.

Hiện nay các nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã khá cao tuổi so với tuổi nghề, người trẻ nhất cũng đã 30 tuổi. Nếu không có kế hoạch đào tạo, bổ sung kịp thời thế hệ diễn viên mới có tay nghề, được học hành bài bản cả về diễn xuất, giọng ca, vũ đạo thì sẽ rất khó khăn cho Trung tâm khi xây dựng vở diễn. Mong Nhà nước sẽ có nhiều chính sách đầu tư hơn cho công tác đào tạo trong đó có bộ môn mới là dạy vũ đạo cho diễn viên kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Mong rằng, Trung tâm sẽ xây dựng được  nhiều vở diễn về đề tài lịch sử hơn để khán giả trong tỉnh và cả nước ngày càng thêm yêu  bộ môn kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.

Chu Hoàng Yến