Cách đây chừng năm năm, khi nói chuyện với Nghệ nhân Ưu tú Cao Xuân Thưởng về dân ca ví, giặm, ông cho rằng hiện tại chúng ta đang trình diễn dân ca ví, giặm trên sân khấu, tuy cũng là một cách bảo tồn nhưng chưa đúng với bản chất của nó bởi dân ca ví, giặm được sinh ra trong cuộc sống lao động, vui chơi “nóng hổi” của người dân. Từ xưa, dân ca ví, giặm gắn với các hoạt động trong đời sống sinh hoạt của Nhân dân như cấy lúa, dệt vải, chèo thuyền, chơi hội… rồi ứng tác, truyền khẩu mà thành. Chính vì vậy, chúng ta cần đưa ví, giặm về với không gian diễn xướng của nó xưa nay, đó là không gian cuộc sống sinh hoạt của Nhân dân.

Một hoạt cảnh do các câu lạc bộ địa phương dàn dựng.
Ảnh: Cảnh Yên

Trong đời sống hiện đại hôm nay, có quá nhiều loại hình nghệ thuật, các hình thức giải trí cũng rất phong phú, các bộ môn nghệ thuật truyền thống đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí bị quên lãng, trong đó có dân ca ví, giặm. Trước tình hình đó, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã chỉ đạo Trung tâm Nghệ thuật truyền thống thực hiện đề án bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm.

Các thầy gà đội cao tuổi đã sẵn sàng.

Có ý kiến cho rằng, bảo tồn dân ca ví, giặm là phải giữ nguyên tất cả nét xưa, từ trang phục, làn điệu đến bối cảnh, ngôn ngữ… Ý kiến khác lại cho rằng, dân ca ví, giặm cũng có sự vận động theo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân lao động, bảo tồn không có nghĩa là làm giống xưa một cách máy móc mà đưa ví, giặm vào đời sống hôm nay với hơi thở mới, sức sống mới để nó tồn tại và tiếp tục vận động.

Trên tinh thần đó, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã tiến hành tổ chức các hoạt động diễn xướng dân ca ví, giặm nhằm đưa hoạt động dân ca vào môi trường diễn xướng sống động của đời sống Nhân dân. Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 15 buổi diễn xướng dân ca với bản sắc của nó. Mỗi đêm hát có hai đội, mỗi đội có 1 đến 2 thầy gà (người viết lời) là người ứng tác, những người còn lại giữ vai trò hát (diễn xướng) nhưng khi cao hứng họ cũng có thể thay thầy gà tự đặt ra lời để đối đáp. Hoạt động diễn xướng đòi hỏi người tham gia phải có niềm đam mê, hiểu biết về dân ca ví, giặm, đặc biệt là phải có khả năng ứng tác thơ ca.

Các thầy gà đội trẻ đã sẵn sàng ứng tiếp đội cao tuổi.

Nhạc sĩ Ngô Thục Khuyên, cán bộ phòng Nghiên cứu sưu tầm Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, cho biết: những buổi diễn xướng dân ca ví, giặm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Đặc biệt, những người xa quê cũng hướng về các hoạt động hát dân ca diễn xướng như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, họa sĩ Ngô Xuân Khôi… họ thường xuyên gửi câu đố về cho các đêm hát đối đáp. Những thầy gà tham gia đối đáp đến từ các vùng miền có truyền thống dân ca ví, giặm khắp nơi trong tỉnh như Diễn Châu, Nam Đàn, Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương, Vinh… về giao lưu và “thi đấu”.

Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Hồng Dương, Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm – Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, chia sẻ: “dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca Huế có tính bài bản và khuôn mẫu cao, còn dân ca ví, giặm có tỉnh cởi mở, tự do hơn. Qua ví, giặm, Nhân dân bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình bầu bạn và nảy sinh tình yêu qua những đêm hát.” Tính cởi mở và tự do cùa ví, giặm là một yếu tố tạo cho mọi tầng lớp Nhân dân tham gia vào các sinh hoạt của ví, giặm dễ dàng hơn.

Anh Bùi Nam Hậu, một người yêu và am hiểu dân ca ví, giặm, cũng là thầy gà của nhiều buổi hát diễn xướng dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh, chia sẻ: chúng ta cần đưa dân ca ví, giặm về với đời sống hôm nay, gắn với bối cảnh, tâm lý con người hôm nay. Tôi là người đề xuất đưa hoạt động diễn xướng dân ca ví, giặm đến phố đi bộ thành phố Vinh, ở đó người dân đi qua nếu am hiểu và yêu thích ví, giặm cũng có thể tham gia. Có như vậy dân ca ví, giặm mới được sống đúng đời sống của nó.

Thầy gà Bùi Nam Hậu ứng đối.

Quả thật, hôm nay không còn những phường dệt vải, thuyền bè cũng chạy bằng máy, trên đồng lúa không chỉ có cánh cò, dòng sông, bến nước mà đã có máy cày, máy bơm, máy gặt, xe công nông… không gian diễn xướng hôm nay không giống y hệt ngày xưa nữa.

Chúng tôi đến Quảng trường Hồ chí Minh dự khán một đêm hát đối đáp ví, giặm. Có hai đội tham gia, tạm gọi là đội trẻ do Bùi Nam Hậu, Nguyễn Thế Hùng là thầy gà chính và đội cao tuổi do nhà thơ Cao Xuân Thưởng và Vân Anh làm thầy gà chính. Người xem mỗi lúc một đông, cả khi đêm đã về khuya, mọi người vẫn háo hức đứng xem, điều đó cho thấy vẫn còn nhiều người quan tâm và yêu mến dân ca ví, giặm. Người cao tuổi thì say sưa, chăm chú, người trung niên thì vui vẻ, thoải mái, trẻ em thì vừa xem vừa chơi. Nói vậy để thấy rằng, hoạt động bảo tồn dân ca ví, giặm hiện nay cũng cần nhiều thời gian, nhiều việc phải làm với lớp trẻ. Mỗi ngày một chút, bằng nhiều hình thức như đưa dân ca vào trường học, đưa lên sân khấu hay diễn xướng… các em sẽ được tiếp cận với những giá trị của dân ca ví, giặm, dần dần sẽ hình thành ở các em một tình yêu, sự hiểu biết và mong muốn được xem, được nghe.

Các nghệ nhân trực tiếp giao lưu với khán giả qua làn điệu “Mời trầu”.

NSND Trịnh Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, cho biết: những hoạt động hát đối – đáp như đêm nay ngoài việc giao lưu, đưa ví giặm trở về “không gian sinh tồn” của nó còn có ý nghĩa bổ sung vào kho tàng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh những lời ca mới. Chúng tôi mong muốn đưa trò chơi này về với những làng quê để lan tỏa sâu rộng trong các cộng đồng dân chúng.

Những hoạt động mà Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đang nỗ lực tổ chức như trên, tuy rằng xét ở góc độ nào đó cũng đang là tái hiện một phần không gian diễn xướng của ví, giặm và có tính trình diễn. Song hy vọng từ những hoạt động này sẽ dần dần nhen lên tình yêu ví, giặm trong Nhân dân và dần hình thành những sinh hoạt tự giác như một nhu cầu để từ đó ví, giặm thực sự có được không gian diễn xướng đích thực của nó.

Qua các đêm hát, chúng tôi được nghe những làn điệu đối đáp ngọt ngào, những ứng tác thể hiện nét tài hoa, trí tuệ của người chơi. Có nhiều câu hát đối đáp thú vị khi cất lên nhận được sự tán thưởng của người chơi cũng như khán giả đến xem. Chúng tôi xin trích một số câu đố – đáp tài hoa như thế:

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu từ Hà Nội gửi về quê câu đố:

“Người ơi… anh từ Thủ đô tìm về xứ Nghệ.
Dẫu lên rừng xuống bể chỉ mong được làm rể quê em
Đêm nay giữa ngàn tiên nữ thành Vinh
Thả câu ví, giặm tìm duyên đôi mình”

Nhà thơ Vân Anh đối:

“Biết anh thanh lịch Hà thành
Mê câu ví, giặm vin cành nhân duyên
“Cửa Rào”, “Cổng Chốt” bốn bên
Làm sao hạnh ngộ, em liền theo anh”

Nhà thơ Cao Xuân Thưởng đối:

“Con gái Thành Vinh nặng tình nặng nghĩa
Anh muốn làm rể thì đừng kể chi xa.
Nếu anh kham được nhút mặn chua cà
Gió Lào, nắng lửa thì hai ta xe chỉ hồng”.

Anh Thế Hùng đối:

“Anh ở Thủ đô mà tìm vô xứ Nghệ
Muốn làm rể cụng nỏ dệ mô anh ơi
Phải thuộc hết các điệu ví trên đời
Biết điệu giặm kể, giặm ru quê mình”.

Anh Nguyễn Trọng Tâm đối:

“Người ơi, trai thủ đô hào hoa phong nhã
Gái xứ Nghệ vất vả mặn mòi
Gió Lào thổi rát bờ vai
Anh thương câu ví, chớ đơn sai tấc lòng”.

Ngoài ra, còn nhiều câu đố hay, câu trả lời cũng xuất sắc, xin trích dẫn một số cặp câu đố – đáp:

Câu đố:

“Tháng Ba hoa gạo cháy trời
Hỏi cô áo đỏ vốn người Diễn Châu
Chớ tại mần răng mà nỏ dám qua cầu?
Để trai Vinh hắn đợi, hắn trách nhau vì mình”

Câu đối:

“Em đi đến cầu thì cầu đã Cấm
Đành quay về bến ôm hận nhớ thương
Hẹn anh đến hội Đền Cuông
Trai Vinh có nhớ thì đánh đường đến chơi”.

Câu đố:

“Quảng trường trăng sáng giăng giăng
Ra đi vợ dặn, mần răng rứa anh hầy”

Câu đáp đầy khiêu khích của nhà văn Cao Khoa khiến người thứ 3 phải lên tiếng:

“Đến đây gặp chị Vân Anh
Vợ dặn chi thì dặn anh đành qua đêm”

Câu đáp trả tinh nghịch, quyết liệt và dí dỏm của nhà thơ Vân Anh:

“Thương tình cho chàng Cao Khoa
Bút bi hết mực bà già xin thua”.

Câu đố:

“Hò ơ hò
Vẫn biết quê mình đồng sình nước nậy
Anh gửi câu hò nhờ cậy ai trao
Này em ơi…! Chớ đi cấy thì đừng xắn mấn cao
Lộ cái khuôn tạo hóa con cá dưới ao hắn nhìn.

Câu đối 1:

“Hò ơ ơ hò
Vẫn biết là anh thương thầm nhớ trộm
Nên lòng chộn rộn như cá mắc câu
Này anh ơi! Chớ cá nhìn rồi cá lội thẳm sâu
Chỉ thương con chim cu gáy hắn cứ gặc đầu… hắn cúc cu”

Câu đối 2:

“Là anh ơi… Dịch Covid đang lan tràn đầy rẫy
Nên em đi cấy, em cũng bịt khẩu trang
Tính tình tích tĩnh tính tang
Cá mần răng mà chộ được, nên chàng đừng có lo”.

Và còn nhiều lắm những câu đối đáp thể hiện sự tài trí của người chơi, thể hiện sự hiểu biết và tình cảm, cảm xúc con người. Mỗi đêm có hàng chục câu đố –  đáp bổ sung vào kho tàng ví, giặm Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, hoạt động hát đối đáp như thế đã đưa dân ca ví, giặm về với cuộc sống của Nhân dân, trả lại cho ví, giặm không gian diễn xướng của nó. Hoạt động hát đối – đáp dân ca ví, giặm vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của Nhân dân vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa truyền thống xứ Nghệ.

Bài và ảnh: Thanh Châu