Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã ra đi ở tuổi 94 tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 26/12/2019.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ảnh: Tư liệu.

Nguyễn Văn Tý sinh ra, lớn lên và học nhạc tại Vinh. Thành tựu âm nhạc của ông được khơi nguồn từ đây, chính vì vậy sáng tác của Nguyễn Văn Tý có nhiều tác phẩm nổi tiếng mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Nguyễn Văn tý là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với những sáng tác như “Dư âm”, “Mẹ yêu con”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Dáng đứng Bến Tre”, trong đó, “Dư âm” được xem là ca khúc nhạc tiền chiến duy nhất của ông. Ngoài ra, Nguyễn Văn Tý còn sáng tác một số ca khúc thiếu nhi như: “Màu áo chú bộ đội”, “Tôi là gà trống”, “Gà mái mơ”…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925 tại Trường Thi – thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Quê  ông ở Sóc Sơn – Hà Nội, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cha ông là một “ông trùm” phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú.

Thuở nhỏ Nguyễn Văn Tý học Trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy cho những bài hát của Tino Rossi đang thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo, ông được vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca, tại đây ông được học nhạc lý cơ bản và nâng cao trình độ hòa thanh, hát bè.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và một trong những bản nhạc nổi tiếng về xứ Nghệ của ông. Ảnh: nguồn HTV.

Từ năm 1944, ông đi hát trong phòng trà ở Vinh kiếm sống.

Năm 1945, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tham gia Việt Minh, là người sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên cứu quốc Nghệ An. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, nhưng ông xem tác phẩm đầu tay của mình là bài “Ai xây chiến lũy” (1949). Năm 1948, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý công tác ở Đoàn văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn Cục. Từ năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng và làm trưởng đoàn Đoàn Văn công Sư đoàn 304. Bản “Dư âm” nổi tiếng được ông sáng tác khoảng năm 1950, sau một lần về chơi nhà bạn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1951, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý giải ngũ và chuyển về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Năm 1952, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Bạch Lệ, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Thời gian này, Nguyễn Văn Tý sáng tác “Vượt trùng dương” (1952), “Tiếng hát Dôi – a” (1953) và đặc biệt là ca khúc nổi tiếng “Mẹ yêu con” (1956).

Cuối năm 1957, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đầu năm 1961, ông được biệt phái về Hưng Yên, thời gian này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết một số ca khúc như: “Chim hót trên đồng đay” (1963), “Dòng nước quê hương” (1963), “Tiễn anh lên đường” (1964)…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là người có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Các tác phẩm của ông thường được gợi cảm hứng qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài. Nhiều sáng tác của ông sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của nhiều vùng miền, trong đó có dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, chất trữ tình được thể hiện qua lời ca trau chuốt, giai điệu mượt mà… Trải qua nhiều thập niên, rất nhiều bài hát của ông đến nay vẫn được đông đảo công chúng yêu mến.

Năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

PV (Tổng hợp)