Chương trình nghệ thuật “Mạch nguồn ví, giặm” tôn vinh những nhạc sĩ xứ Nghệ sẽ diễn ra vào tối nay (14/5/2023) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội cũng là đêm nhạc tôn vinh những giá trị của văn hóa xứ Nghệ, nhất là dân ca ví, giặm; tôn vinh những đóng góp to lớn của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Hồng Đăng, Nguyễn Tài Tuệ, An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo với nền âm nhạc nước nhà mà ở đó các nhạc sĩ đều được uống chung nguồn sữa dân ca ví, giặm, hít thở bầu không khí văn hóa xứ Nghệ.

5 nhạc sĩ xứ Nghệ.

Ai trong số họ cũng để lại cho đời những ca khúc bất hủ, ghi dấu ấn trong lòng bạn yêu nhạc và lịch sử âm nhạc Việt Nam như Nguyễn Tài Tuệ với “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “Xa khơi”…; Hồng Đăng với “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Lênh đênh”…; Nguyễn Văn Tý với “Dáng đứng Bến Tre”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”…; Nguyễn Trọng Tạo với “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”…; An Thuyên với “Ca dao em và tôi”, “Huế thương”, “Neo đậu bến quê”… Họ là những nhạc sĩ sử dụng rất thành công và sáng tạo chất liệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ với sự kết hợp tuyệt vời giữa ca từ và giai điệu.

Cả 5 nhạc sĩ là những người con xứ Nghệ xa quê, suốt đời nặng lòng với quê cha đất mẹ, miền quê gió Lào cát trắng, mặn nhút, chua cà đã nuôi dưỡng họ. Quê hương đã tạo nguồn cảm hứng, hình ảnh về quê hương, những kỷ niệm từ thuở ấu thơ đã đi vào sáng tác của các nhạc sĩ một cách tự nhiên và dạt dào cảm xúc.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (1924 -2019).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, sinh năm 1924, quê gốc Hà Nội, ông sinh ra và lớn lên ở Vinh, cha ông đứng đầu một phường bát âm của Vĩnh Phú, thạo cả hát văn, hát chèo và hát ca trù, vào Vinh làm ở nhà máy xe lửa Trường Thi. Chính vì vậy, từ nhỏ, Nguyễn Văn Tý đã được đắm mình cùng câu hò, điệu ví và cả những làn điệu chèo, hát xoan, hát ca trù. Ông là tác giả của các ca khúc: “Vượt trùng dương”, “Tiếng hát Dôi-a”, “Mẹ yêu con”, “Dư âm”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Bài ca năm tấn”, “Cô nuôi dạy trẻ”…

Nói đến những tác phẩm mang đậm tình quê của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là nói đến “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. Đây là những ca khúc được người dân Nghệ Tĩnh hát mọi lúc, mọi nơi với niềm tự hào sâu sắc. Bằng giai điệu tươi vui, cả hai ca khúc đã khắc họa được vẻ đẹp tâm hồn của người xứ Nghệ, một miền đất nghèo, lam lũ nhưng con người phóng khoáng, nghĩa tình và kiên cường trong chiến đấu, lao động sản xuất: “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn/ Mà đời không ngại đào mấy con kênh/ Ðắp hồ xây đập, ta đưa dòng nước ngọt” (Người đi xây hồ Kẻ Gỗ).

Những cảnh quan, những địa danh đã đi vào lịch sử của mảnh đất Hà Tĩnh thân yêu, nơi mà ông có thời gian dài sống và cống hiến, vang lên tha thiết: “Ai đi xa mô đó biết có nhớ lấy đường về/ Chứ đường Đồng Lộc đường Khe Giao/ Rồi đường Hồng Lam Đèo Ngang Linh Cảm” (Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh). Hay “Nghệ Tĩnh mình ơi sông Lam rọi núi Hồng/ Bạn về theo bạn đào núi ngăn sông/ Đất trời như vẫn vang vang lời trống giục/ Mặt hồ lay động nên sóng mênh mông” (Người đi xây hồ Kẻ Gỗ).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong năm người sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông từng dành nhiều thời gian rong ruổi khắp mọi miền đất nước mà chắt lọc các làn điệu dân ca để viết nên những ca khúc bất hủ. Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà, năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (1936 – 2022).

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936 tại Thanh Chương, từ nhỏ, ông đã say mê âm nhạc qua những làn điệu ví, giặm, những khúc hát đò đưa của quê hương. Các tác phẩm của ông đều mang âm hưởng âm nhạc dân gian. Ngoài ca khúc, Nguyễn Tài Tuệ còn viết một số tác phẩm khí nhạc cho nhạc cụ dân tộc, ông còn soạn nhạc cho các vở múa và một số ca cảnh, tổ khúc dân ca. Có thể kể đến các ca khúc chính của Nguyễn Tài Tuệ, như: “Lời ca gửi noọng”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “Xuân về trên bản Nhắng”, “Về mỏ”, “Xôn xao bến nước”, Xa khơi”, “Mơ quê”… Về khí nhạc, ông có giao hưởng thơ “Những cánh chim cao nguyên”, “Kỷ niệm quê hương” (cello và piano). Sau này, nhạc sĩ cũng đã xuất bản “Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Tài Tuệ” và ra album riêng của mình.

Trong sáng tác của mình, Nguyễn Tài Tuệ vẫn dành cho “Mơ quê” một vị trí đặc biệt. Ông cho biết mình viết “Mơ quê” vì nỗi niềm canh cánh mong trả được phần nào “món nợ” ân tình với quê hương: “Tôi viết ‘Mơ quê’ không dễ dàng gì, tôi đau đáu khát vọng trả tình, trả nghĩa với quê hương, dồn hết tâm sức và vốn liếng văn hóa tinh hoa của cha ông mình mà tôi tiếp thu được vào ca khúc này”.

Như chính nhạc sĩ chia sẻ, ông đã lựa chọn và trữ tình hóa, lãng mạn hóa các giá trị văn hóa của quê hương vào nội dung tác phẩm. Trong đó, Truyện Kiều và ví, giặm là các giá trị văn hóa có dấu ấn đặc trưng xứ Nghệ trường tồn với thời gian. Để nói về ví, giặm và Truyện Kiều trong “Mơ quê”, Nguyễn Tài Tuệ sử dụng lối nói bóng bẩy đầy tính ẩn dụ: “Hỏi câu ví, giặm đã lỡ hẹn cùng ai chưa. Mà thương câu Kiều đã lỗi hẹn cùng trăng xưa”.

“Xa khơi” cũng là ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ được nhiều người biết đến và yêu quý.

Đây là hai ca khúc gắn với đời sống âm nhạc không chỉ của người dân xứ Nghệ mà còn vang ngân khắp mọi miền đất nước bởi chất trữ tình đằm thắm và giai điệu mượt mà. Năm 2001, Nguyễn Tài Tuệ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Nhạc sỹ An Thuyên

 

Nhạc sĩ An Thuyên (1947 – 2015)

Nhạc sĩ An Thuyên, sinh năm 1949, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An, cũng là một trong những nhạc sĩ vận dụng tài tình chất liệu dân ca ví, giặm vào sáng tác. Hầu hết ca khúc của ông đều mang âm hưởng dân ca ngọt ngào, sâu lắng, có sức lan tỏa rất lớn. Những ca khúc khẳng định tên tuổi của nhạc sĩ An Thuyên gồm: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hành quân lên Tây Bắc”, “Khi xe tăng qua miền quan họ”, “Huế thương”, “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”, “Chiều sông Thương”, “Chín bậc tình yêu”, “Hà Nội tình yêu tôi”, “Tình làng quê”, “Thơ tình của núi”…

Năm 2007, nhạc sĩ An Thuyên được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với chùm tác phẩm: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hành quân lên Tây Bắc”.

Trong đó, các ca khúc: “Neo đậu bến quê”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Ca dao em và tôi” là những ca khúc thể hiện được những nét đặc sắc của văn hoá xứ Nghệ: hình ảnh, ca từ, chất liệu dân ca, vẻ đẹp tâm hồn, tính cách con người xứ Nghệ…

Trong “Ca dao em và tôi”, ta thấy hình bóng tuổi thơ tác giả trong không gian văn hóa xứ Nghệ, qua những hình ảnh rất riêng của xứ Nghệ: “trời đổ nắng chang chang” mặc “áo tơi ra đồng” rồi “gọi nhau râm ran chè xanh”… Như nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo (thôn Quỳnh Kim, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Làng tôi dân gian vẫn hay gọi là làng Kẻ Đáy, vốn có truyền thống văn nghệ dân gian lâu đời. Những buổi chiều chăn trâu, tiếng sáo diều, tiếng cồng chiêng của đồng bào dân tộc ít người đã ăn sâu vào tiềm thức của tâm hồn trẻ thơ của tôi. Môi trường thuần chất âm nhạc dân gian ấy đã ăn sâu vào máu tôi. Chúng luôn có một sức hút kì lạ. Tôi mê mẩn sự giản dị, mộc mạc mà hồn nhiên, lãng mạn ấy. Nó như dòng sữa ban đầu về thế giới âm nhạc đã vô tình hình thành thiên hướng sáng tác của tôi sau này”.

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947 – 2019).

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, sinh năm 1947, trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê (nay là xã Diễn Hoa), huyện Diễn Châu. Ông vừa là nhà thơ, vừa là nhạc sĩ với nhiều ca khúc nổi tiếng như “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”…

Nguyễn Trọng Tạo đã phổ nhạc rất thành công bài thơ “Khúc hát sông quê” của Lê Huy Mậu. Hình ảnh dòng sông quê hương trong ca khúc là hình ảnh của những dòng sông chảy từ thượng nguồn về đồng bằng trên đất nước Việt Nam, nơi quê hương của Lê Huy Mậu và Nguyễn Trọng Tạo đều có. Nhưng như Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ, cảm hứng để nhạc sĩ viết nhạc thành công cho ca khúc này chính là hình ảnh quen thuộc từ những con sông quê ông, sông Bùng, sông Lam. Mở đầu bài hát là tiếng lòng của một người con xa xứ ngân vang, da diết: “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê”. Rồi những hình ảnh thân quen mà ta có thể gặp bất cứ ở nơi đâu trên mọi miền quê của đất nước: là “chớp bể mưa nguồn”, là “từng hạt phù sa”, là “heo may trên má em hồng”… Rồi những hình ảnh như từ ký ức tuổi thơ nhạc sĩ dội về: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi/ Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm/ Cùng một bến sông/ Con trâu đằm, sóng dưới/ Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn”. Những câu hát gợi ta nhớ đến những đứa trẻ chăn trâu tắm mát, những cánh đồng nặng phù sa sông Lam đang thơm mùi lúa…

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo được khán giả yêu mến, ví von ông là “người bước ra từ ca dao”, “nhạc sĩ của đồng quê Việt Nam”. Năm 2012, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Nhạc sỹ Hồng Đăng

Nhạc sĩ Hồng Đăng (1936 – 2022)

Có vẻ như, nhạc sĩ Hồng Đăng đã chọn cho mình một lối đi riêng, ông thiên về trữ tình – hiện đại nhiều hơn. Tên đầy đủ của ông là Phan Hồng Đăng, sinh năm 1936, quê Yên Thành, thuộc dòng dõi nhà trí thức cách mạng Phan Đăng Lưu. Phan Hồng Đăng ra Hà Nội học Trường Âm nhạc Việt Nam năm 20 tuổi, ông được tiếp thu cả nền văn hóa truyền thống, từ những làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh đến kiến thức nhạc lý hiện đại. Các tác phẩm của Hồng Đăng vì thế mang âm hưởng tươi mới nhưng vẫn toát lên nét dung dị, dễ đi vào lòng người.

Nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác nhiều thể loại, từ khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu, ca khúc, ở lĩnh vực nào ông cũng thu được thành tựu đáng nể. Hồng Đăng còn là một nhà báo giỏi khi ông xây dựng tờ tạp chí Âm nhạc và tạp chí Thế giới âm nhạc nổi tiếng trong những năm 1970 với vai trò là Tổng Biên tập.

Có một điều đặc biệt, hầu hết ca khúc nổi tiếng nhất của Hồng Đăng đều đến từ cái duyên với điện ảnh như: “Hoa sữa” (ca khúc trong phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”), “Lênh đênh” (ca khúc trong phim “Đời hát rong”), “Biển hát chiều nay” được sử dụng trong nhiều bộ phim về đề tài biển, đảo… Ông là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại hơn 1.000 tác phẩm âm nhạc. Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Dù sáng tác của Hồng Đăng mang màu sắc hiện đại, ta vẫn bắt gặp đâu đó cái đằm thắm, ngọt ngào của dân ca xứ Nghệ trong ca khúc “Biển hát chiều nay”, một cái gì đó bàng bạc, cái nhịp của những làn điệu ví, giặm vẫn ít nhiều phảng phất trong câu hát: “Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/ Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào/ Môi cười rất xinh lung linh màu áo/ Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu…”

Bên cạnh những ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ, các nhạc sĩ cũng vận dụng nhiều làn điệu dân ca của các vùng miền khác và âm nhạc hiện đại trong sáng tác. Họ không đóng khung trong những khuôn khổ chật chội mà vươn lên để có những đóng góp cho âm nhạc nước nhà. Có điều, hồn cốt xứ Nghệ, văn hoá và tâm hồn người xứ Nghệ vẫn luôn chảy trong họ như những mạch ngầm, như dòng nước sông Lam không bao giờ vơi cạn.

Hữu Vinh