Từ ngày 1/11 đến 4/11/2019, Ban Văn xuôi Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An có chuyến đi thực tế sáng tác về huyện miền núi Tương Dương với sự tham gia của 28 thành viên; chuyến đi còn có sự tham gia của các vị khách mời là các nhà thơ Thạch Quỳ, Trần Thu Hà và Trần Huy Quang…

Trong suốt 4 ngày làm việc tại huyện Tương Dương, đoàn công tác của Ban Văn xuôi Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (HLHVHNT) Nghệ An đã được các ông Nguyễn Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy; Phan Đức Sơn, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Lữ Văn May, Phó Bí thư huyện ủy; Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện cùng các Ban đảng, chính quyền huyện Tương Dương tiếp đón và làm việc với đoàn.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Tương Dương thông báo tình hình kinh tế, chính trị xã hội địa phương.       

Báo cáo về Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) của huyện Tương Dương cho biết: Mặc dù là huyện nghèo 30A, còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự đoàn kết thống nhất, chung sức chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện hàng năm ước đạt 7,1%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 30,5 triệu đồng, tăng 56,4% so với đầu nhiệm kì. Đã có 4/17 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 36 bản thuộc xã đạt chuẩn NTM.

Đoàn công tác đã trực tiếp thị sát bản Tùng Hương, một trong những bản biên giới của xã Tam Quang, huyện Tương Dương, từng là một bản nghèo nơi biên giới, nhưng nay đã san sát nhà sàn mái ngói, đường bê tông len lỏi khắp lối, bản mường sạch đẹp khang trang bên chiếc cầu vượt suối bằng bê tông, tít tắp những thửa ruộng bậc thang. Tại bản Tùng Hương, đoàn đã thăm tổ hợp tác sản xuất thổ cẩm bản Tùng Hương, với 28 chị em, 6 khung dệt, tham gia dệt các loại khăn, vải thổ cẩm và dạy nghề để bảo tồn nét văn hóa bản sắc của dân tộc Thái.

Nghề dệt ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang.

Làm việc với Đồn biên phòng Tam Quang, một trong những đơn vị mới thành lập 10 năm. Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng cho biết, thời gian gần đây, Đồn đã phối hợp với xã Tam Quang trong lĩnh vực xây dựng NTM, đây là điểm nhấn hoạt động của Đồn trên địa bàn, vì vậy xã Tam Quang đã đạt tiêu chí xây dựng NTM vào năm 2017. Đồn còn đứng ra kết nối các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay chăm lo cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, đặc biệt 3 bản vùng trong; Chung tay thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, xây dựng công trình nước, hỗ trợ  “Tết vì người nghèo”, đồng hành cùng địa phương bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự và an ninh nông thôn. Nắm chắc các tình hình  ngoại biên, hạn chế tối đa các vụ án…

Đoàn đến thăm và làm việc tại Đồn biên phòng Tam Quang.

Đoàn đã có buổi giao lưu với giáo viên, học sinh Trường Trung học Cơ sở Nội trú huyện Tương Dương, giao lưu với bà con nhân dân xã Thạch Giám và xã Lưu Kiền, thăm mô hình sản xuất rau sạch của xã Thạch Giám, nơi cung cấp toàn bộ rau cho vùng thị trấn và tiêu thụ ở các huyện miền xuôi.

Đội văn nghệ bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền biểu diễn.

Thăm bản Lưu Thông, một bản thuần dân tộc Mông cách đây 10 năm còn khó trăm bề. Trưởng bản Vừ Dồng Nênh, cho biết bản có 54 hộ, 273 khẩu, gồm 3 dòng họ là Vừ, Sồng và Thò, vốn thuộc huyện Kỳ Sơn chuyển về đây năm 1992. Mặc dù không có ruộng nhưng bà con đã phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất các loại rau màu, cây đặc sản như trồng bí xanh, khoai sọ, chăn nuôi trâu bò, nuôi gà đen, lợn đen, vì vậy đời sống người dân khấm khá hơn trước, bà con không còn phá rừng làm rãy nên giữ được rừng.

Bên cạnh đó, bản còn có hàng chục cặp vợ chồng trẻ đi lao động ở các công ty tại Bắc Ninh và Đồng Nai, với thu nhập ổn định… Bản nay đã có đường bê tông, nước suối được dẫn theo hệ thống đường ống về tận các hộ gia đình, nhà nước hỗ trợ nhân dân xây các bể chứa nước để bà con tích trữ. Nhiều hộ sản xuất giỏi như hộ ông Vừ Vả Rùa, Vừ Nỏ Lử và Vừ Vả Lò… Đặc biệt hộ ông Vừ Vả Lò làm dịch vụ thương mại với một cửa hàng bách hóa tổng hợp phục bà con trong bản. Ông còn có cả trang trại nuôi gà đen, lợn đen, nuôi bò hàng hóa và mua được gần 2 héc ta đất vườn trồng sầu riêng và cao su tại tỉnh Đắc Nông. Và niềm tự hào lớn nhất của ông là cậu con trai đang theo học đại học tại TP Vinh.

Một góc cánh đồng rau sạch ở xã Thạch Giám.

Cuối chuyến công tác tại huyện Tương Dương, đoàn đã đi tham quan bản Khe Ngậu, bản được coi là điểm nhấn của xã Xá Lượng, với con đường vào bản là chiếc cầu treo vượt sông Nậm Mộ, một nhánh của sông Lam tạo thêm nét thơ mộng duyên dáng cho bản làng vùng cao. Các văn nghệ sĩ không khỏi ngỡ ngàng trước một khung cảnh bản mường xanh sạch đẹp, đường bê tông chạy khắp bản.

Phó chủ tịch UBND xã Xá Lượng, Lô Trà My, cho biết: Xá Lượng rất chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình để tạo sự bền vững trong xây dựng NTM, trong đó, bản Khe Ngậu có 20 hộ tham gia sản xuất với 24 ha các loại rau màu, 15 ao cá; toàn xã có 99 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, có 6 xe ôtô vận tải hàng hoá. Xã còn nổi bật về ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: rèn ở Hợp Thành, Cửa Rào 2; mây tre đan ở Na Bè; dệt thổ cẩm ở Xiêng Hương; sản xuất chổi đót ở Cửa Rào 2. Ngoài ra, người dân còn sản xuất bánh và các sản phẩm khô truyền thống. Thời gian qua, Ðảng bộ xã Xá Lượng chú trọng công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, mà bản Khe Ngậu là một điển hình với một bức tranh toàn cảnh, mái ngói rực sắc giữa khoảng xanh bạt ngàn của núi rừng.

Đường vào bản đã được bê tông hóa rất sạch đẹp rộng rãi.

Trong đêm giã bạn đầy lưu luyến, ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư huyện ủy Tương Dương cho biết: Để có được bức tranh Tương Dương đổi mới như hôm nay phải nói đến sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn dân, nếu không có đoàn kết đồng lòng thì Tương Dương sẽ không thể đạt được mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM. Cách làm của Tương Dương là không dàn trải mà tập trung vào điểm nhấn. Bản xã nào có điều kiện xây dựng NTM thì tập trung vào bản xã đó và phải làm dứt điểm. Với phương châm không nôn nóng, nhà nước hỗ trợ, nhân dân góp sức và không nợ đọng.

Sau chuyến đi, nhà văn Nguyễn Trọng Bản đã trầm trồ công nhận: trước đây ngờ rằng, Tương Dương là một vùng nông thôn miền núi cao hẻo lánh và lạc hậu, nhưng không phải thế, Tương Dương thật sự ấn tượng về tình người, sự phát triển và bản sắc văn hóa đậm đà vùng của một vùng quê miền núi.

Lang Quốc Khánh- Hữu Vinh