Trong lần về quê vào tháng 10/2022, tôi được anh Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, mời đi thăm một số nơi ở miền Tây tỉnh nhà. Thấy tôi kể chuyện, mẹ tôi mừng lắm. Bà bảo: “Tuyệt vời quá, đi đi con. Mẹ có nhiều kỷ niệm không thể nào quên với miền đất này. Giờ mẹ muốn biết bà con ở đó sống như thế nào, làng xóm ở đó có thay đổi nhiều không? Tuổi cao sức yếu, mẹ không thể đi cùng, con đi rồi kể cho mẹ nghe nhé. Mẹ quan tâm chuyến đi của con, cố gắng thường xuyên gọi điện thoại về nhà để mẹ yên tâm”. Tôi hiểu nỗi lòng của mẹ mình. Và chính tôi, vì muốn biết tường tận tại sao một thời mẹ tôi gắn bó với miền đất này nên nì nèo mẹ kể cho biết càng nhiều càng tốt. Mặc dù đã 96 tuổi, mẹ tôi vẫn còn minh mẫn và trí nhớ tuyệt vời, bà say sưa kể như đọc chuyện cổ tích. Còn tôi thì say mê đi cùng câu chuyện mẹ kể, như nuốt từng câu, từng chữ, không cần ghi chép hay ghi âm.

Mẹ tôi kể thời Pháp thuộc, vì cuộc mưu sinh mà cả nhà ông bà ngoại của tôi đã di cư sang Xiêng Khoảng, một tỉnh của Lào giáp với Việt Nam. Ở đó, không chỉ có người Việt mà rất đông người Trung Quốc và Ấn Độ sinh sống bằng rất nhiều nghề khác nhau. Trong cộng đồng người Việt, người có quê gốc ở Nghệ An và Hà Tĩnh là đông nhất. Ông ngoại tôi là người thông minh, tháo vát và thành thạo tiếng Pháp nên được một ông chủ người Pháp nhận làm nhân viên phụ trách các công việc trong một đồn điền. Với đồng lương của ông, cả nhà ông bà ngoại tôi với sáu người con có cuộc sống tạm đủ, bác Minh – con trai cả, được đi học tại trường nội trú ở Viêng Chăn. Tháng 3.1943, ông chủ đồn điền giao cho ông nhiệm vụ về Thọ Xuân – Thanh Hóa học cách ép và chế biến dầu trẩu. Không may trên đường trở về, chiếc xe chở khách bị nổ lốp và đâm vào gốc cây. Ông ngoại tôi ngồi ở hàng ghế đầu nên bị thương. Do điều kiện y tế hồi đó còn kém nên sau một tuần ông ngoại tôi qua đời ở tuổi 39. Sau khi ông mất, cả nhà rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, bà ngoại phải buôn bán để nuôi các con. May mắn, trong khuôn viên của nhà có một vườn chè rất to, bà ngoại hái lá chè ra bán ở ngoài chợ. Bảy tháng sau khi ông ngoại tôi qua đời, một chuyện buồn khác lại xảy ra. Tháng 10/1943, người con út của ông bà là dì Lan bị ốm, sốt cao, dì chỉ được chữa bằng các loại lá cây. Nên sau 7 ngày thì dì hôn mê và mất, khi đó dì mới 7 tuổi. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, quân đội Nhật lật đổ chính quyền của thực dân Pháp ở Lào. Sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh thì Pháp trở lại nắm quyền. Do biến động lớn trong xã hội Lào khi đó, đặc biệt sau khi một nhóm dân tộc chủ nghĩa tuyên bố Lào độc lập và đưa ra những chính sách không được người Việt ở đó đồng tình, nên nhiều người Việt đã hồi hương, về quê cha đất tổ. Trong dòng người đó có bà ngoại tôi cùng bác Minh, bác Tuyết, mẹ tôi – tên Nguyệt, dì Hoa, dì Huệ. Lúc đó bác Tuyết đã có chồng và có con gái là chị Thu. Chồng bác Tuyết là bác Cầu, một kỹ sư cầu đường được đào tạo thời Pháp, không đi cùng được vì trước đó phải về Việt Nam theo ngả khác. Sau này mẹ tôi mới biết, bác Cầu cùng anh Thi, một người anh em trong họ hàng của bác quê ở Quảng Nam, chạy vào rừng và rất có thể, anh Thi đã bị quân Pháp hạ sát.

Vất vả và vượt qua bao nhiêu rủi ro, cả nhà bà ngoại mới rời được lãnh thổ Lào để về đến Nghệ An qua Nậm Cắn trên biên giới Việt – Lào. Dọc đường, bác Minh dùng xe đạp chở quần áo và gạo, mọi người thì gồng gánh trên vai. Lúc đó, chị Thu còn nhỏ không thể tự đi bộ, nhưng may mắn, trong đoàn có một anh thanh niên khỏe mạnh quê Ninh Bình cõng chị suốt chặng đường. Mẹ tôi không nhớ rõ cung đoạn đường thủy này có phải là sông Cả hay không, chỉ nhớ nhiều ngày đi thuyền xuôi dòng về phía Vinh, nhưng phần lớn là đi bộ, qua Mường Xén, Cửa Rào, đêm xin nghỉ lại nhà dân ven đường. Trước khi về đến Vinh, thì Con Cuông và Đô Lương là hai nơi dừng chân lâu nhất của đoàn người. Chính nơi đây, mẹ có cơ hội làm quen với con người xứ Nghệ hiền lành, chân thật và mến khách. Nếu không có tình yêu thương đồng bào “lá lành đùm lá rách” thì cả nhà mẹ không thể hồi hương được. Sau gần hai tháng, cả nhà về đến Vinh, thở phào nhẹ nhõm. Ở Vinh một thời gian, bác Tuyết, chị Thu vào Nha Trang hội ngộ với bác Cầu. Bà ngoại tôi cùng các con ra Thanh Hóa, quê gốc của ông ngoại, quê của bà ngoại là Bắc Ninh. Sau này ba mẹ tôi kết hôn ở Thiệu Hóa, nơi mà ba tôi làm việc trong Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa. Con gái đầu là chị Nga của tôi, ra đời năm 1950 ở Thiệu Hóa. Nhưng rồi một nỗi buồn khác lại đến với gia đình, đặc biệt là bà ngoại. Dì Huệ của tôi xin phép mẹ vào thăm gia đình bác Tuyết ở Nha Trang. Dì chưa kịp trở ra thì bị mắc kẹt, phải ở lại miền Nam, vì đất nước tạm thời bị chia cắt theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Cuối năm 1975, khi tôi đang học ở Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội để chuẩn bị sang học Đại học Luật ở CHDC Đức, bác Tuyết từ Nha Trang ra Thanh Hóa với hy vọng được gặp lại mẹ, anh trai và hai người em gái sau hơn 20 năm xa cách. Ra đến Thanh Hóa, bác Tuyết mới biết bà ngoại tôi đã đi xa 15 năm về trước. Tôi đèo bác Tuyết trên xe đạp, đưa bác đi thăm mộ bà ngoại nên được chứng kiến nỗi buồn và sự đau xót của bác sau mấy chục năm mòn mỏi chờ đợi ngày đoàn tụ. Trong gia đình bên ngoại, tôi là đứa cháu duy nhất được sống bên bà ngoại trong những năm tháng cuối đời của bà.

Thung lũng Bình Chuẩn, Con Cuông, ảnh Hồ Nhật Thanh

Năm 1958, bà ngoại và ba mẹ tôi mua mảnh đất thuộc xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, nay là phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn. Bà ngoại mở quán giải khát. Sát bên nhà bà là nhà của ba mẹ. Lúc đó ba tôi là Hiệu trưởng Trường Hải Ninh, mẹ tôi bán hàng xén. Năm 1960, bà ngoại tôi mất, thọ 60 tuổi. Và năm 6 tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận sự đau đớn vô hạn khi mất đi một người ruột thịt. Kỷ niệm về bà in đậm mãi trong tôi. Càng đậm hơn vì hàng ngày cắp sách đến trường cấp 1 Hải Ninh, tôi vẫn đi qua nghĩa trang Cồn Hờ, nơi bà yên nghỉ.

Mẹ tôi có thói quen đi ngủ từ lúc 8h tối. Nhưng hôm tôi đi miền Tây Nghệ An về, mẹ đợi tôi để hai mẹ con cùng ăn bữa tối lúc 9h tối rồi trò chuyện đến khuya. Ngày trước đó, khi vừa đến Con Cuông tôi gọi điện cho mẹ báo đã đến nơi an toàn, và kể sẽ nghỉ ở khách sạn Mường Thanh. Mẹ liền đáp “thế à!” và kể ngày xưa đó là một nơi heo hút nằm giữa thung lũng, xung quanh có núi đá vôi không cao bao quanh và dòng sông chảy xiết trong mùa nước. Từ những hồi ức của mẹ mà ngày hôm sau tôi chỉ quanh quẩn ở nhà và trò chuyện với mẹ. Như mẹ tôi kể thì đã hơn 10 năm rồi bà chưa vào Vinh, lần cuối bà vào là dự đám cưới, nên bà muốn tôi kể tỉ mỉ về hành trình của tôi đến Vinh, đặc biệt là chuyến đi miền Tây Nghệ An. Lúc đầu, bà hỏi, đến Cầu Giát con có ghé thăm gia đình anh Trung và chị Sáu không. Tôi đáp “có chứ mẹ”. Vợ chồng anh Trung chị Sáu hiện kinh doanh đồ điện, có cửa hàng riêng. Ba của anh Trung là một trong ba người anh trai của ba tôi. Vào những năm 70 của thế kỷ trước là chủ của một hiệu ảnh có uy tín ở Cầu Giát. Đến Vinh, trước tiên tôi đến nhà anh Hồ Đình Chiến. Bác Viên, ba của Chiến là anh trai của ba tôi đã mất ở Cầu Giát. Rất tiếc thời gian không nhiều, vì chú Hồ Thắng, cán bộ Ban Nội chính tỉnh còn đưa tôi đến Văn phòng Tỉnh ủy. Ở đó, tôi đến phòng làm việc của anh Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An. Tôi bất ngờ khi bước vào phòng làm việc của anh, đó là một căn phòng nhỏ, giản dị, đơn sơ, không giống như người ta ở phương Tây vẫn kể về nơi sống và làm việc của các “quan Việt Nam”.

Điểm đến đầu tiên trong hành trình của tôi hôm đó là cùng anh Thông, chú Khang, chú Thắng đến Kim Liên, quê Bác Hồ. 7 năm về trước, tôi đã dành cả ngày để thăm nơi sinh ra và lớn lên của Người. Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên tôi được đến viếng Đền Chung Sơn, đền thờ gia tiên Bác. Với chỉ đôi dòng, thật khó diễn tả sự tuyệt vời của các công trình kiến trúc do các bàn tay tài hoa của những người thợ Việt đã tạo nên một công trình uy nghiêm hòa mình vào phong cảnh tuyệt đẹp với cánh rừng thông quanh năm xanh biếc. Điểm đến thăm tiếp theo là di tích Truông Bồn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Để tri ân và tưởng nhớ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định cho đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Truông Bồn. Tôi vô cùng xúc động khi nghi lễ được tiến hành và vòng hoa với những bông hoa tươi thắm có ghi tên tôi là khách viếng thăm từ CHLB Đức đặt trước ngôi mộ tập thể của các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong. Như đồng cảm với cảm xúc của tôi khi đó, một cơn mưa đổ xuống khi chúng tôi đến và đi. Những giọt mưa cứ trôi trên má hòa lẫn với nước mắt, tôi không thể nào cản lại được.

Tôi kể tiếp với mẹ, khi mặt trời sắp lặn, chúng tôi đến Con Cuông. Tôi quá bất ngờ vì đường từ Vinh lên đó rất tốt, khoảng 120 km đủ rộng và được rải nhựa hoàn toàn, các ngã ba, ngã tư đều lắp đặt hệ thống đèn giao thông. Dọc đường, tôi không biết chán khi ngắm xóm làng nằm hai bên đường với những ngôi nhà khang trang xinh xắn. Thật thích thú khi xe nhiều lần đi qua những cổng trường vào giờ tan trường, từng đoàn học sinh tan học trở về trên những chiếc xe đạp điện hoặc xe máy, các em mặc đồng phục, nét mặt rạng rỡ. Những chi tiết này cho thấy ở vùng sâu vùng xa, người dân hôm nay có cuộc sống sung túc không kém nơi thị thành. Bữa ăn tối và ăn sáng ngày hôm sau được tổ chức trong bầu không khí ấm cúng, vui vẻ, thoải mái, với sự tham gia của các cán bộ địa phương, phần lớn họ là những người con của các dân tộc thiểu số. Ngồi bên cạnh tôi là các anh người dân tộc Thái. Lần đầu tiên trong đời tôi có cơ hội trò chuyện và làm quen với những con người miền Tây Nghệ An cũng như phong tục, văn hóa của họ, hơn thế nữa, được thưởng thức món ăn dân dã của họ, đặc biệt là các món xôi khác nhau, canh cá mát có vị hơi đắng. Trong câu chuyện, tôi được nghe nhiều chuyện vui buồn đã xảy ra ở địa phương, đặc biệt là trận lũ lụt cách đây vài năm làm sập một cây cầu, một em bé 7 tháng tuổi của một cặp vợ chồng trẻ bị nước cuốn trôi…

Theo đúng chương trình, sáng ngày thứ hai ở Con Cuông, chúng tôi đi thăm Vườn Quốc gia Pù Mát. Trên đường đến đó, xe của chúng tôi chạy qua trung tâm Con Cuông và tôi có cơ hội chứng kiến một cuộc sống sôi động, hai bên đường san sát các cửa hàng bán quần áo, đồ điện như tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa, TV khổ lớn, và cả một siêu thị xe máy. Rõ ràng, người dân nơi đây, hôm nay không phải lo việc “ăn no mặc ấm” mà là cuộc sống chất lượng của thế giới hiện đại trong thế kỷ 21. Tôi nghe và đọc nhiều về Vườn Quốc gia Pù Mát – một khu rừng đặc dụng. Tiếng Thái, Pù Mát nghĩa là những con dốc cao. Được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/11/2001 về việc chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Mát thành vườn quốc gia, Vườn Quốc gia Pù Mát hiện được xác định là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận năm 2007. Do thời gian eo hẹp, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” ở đó. Tại Nhà bảo tàng, ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Pù Mát đã giới thiệu qua các hiện vật, sự đa dạng của thế giới động thực vật ở đây. Rồi cùng Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch huyện Con Cuông, chúng tôi đi thăm Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát. Bà chủ Hồ Thị Ái đã giới thiệu một cách cặn kẽ quy trình trồng thảo dược, thu hoạch, chế biến và tiếp cận thị trường. Tôi thật sự ấn tượng về sự táo bạo, thông minh, cần cù và linh hoạt của tập thể những con người đã xây dựng, phát triển công ty này. Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng rất cần những con người và đơn vị kinh tế như thế. Với cách làm ăn này, tôi tin Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát sẽ ngày càng phát đạt, đặc biệt là sản phẩm của công ty sẽ sớm có mặt trên thị trường các quốc gia châu Á, châu Âu.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cùng tác giả và các cán bộ huyện Con Cuông tham quan vùng trồng dược liệu tại Vườn Quốc gia Pù Mát

Hành trình tiếp theo là đến thăm thác Khe Kèm nổi tiếng, cách thị trấn Con Cuông chừng 25km. Thác này được ví như món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Vườn Quốc gia Pù Mát. Người dân địa phương còn gọi thác với cái tên là Bổ Bố, tiếng Thái có nghĩa là “dải lụa trắng”. Vì thác có độ cao hơn 500m, độ dốc chừng 800m, đứng từ dưới chân thác nhìn lên, dòng nước chảy vô cùng mạnh mẽ, uyển chuyển tựa một dải lụa trắng giữa núi rừng tự nhiên. Các nhà khoa học khẳng định đây là thác nước hoang sơ bậc nhất của Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung, vì chưa có sự tác động của bàn tay con người. Với vẻ đẹp hoang sơ, đầy thơ mộng, thác Khe Kèm rõ ràng là điểm dừng chân yêu thích của khách du lịch gần xa. Thật thú vị, khi đi qua những bản làng có nhà sàn ở đó làm cho tôi nhớ đến những ngày huấn luyện tân binh năm 1972 ở tỉnh Hòa Bình, tôi đã được chung sống với đồng bào người Mường ở đó. Trên đường trở về, chúng tôi được Huyện ủy Anh Sơn mời cơm trưa tại trụ sở của cơ quan. Xin nói thêm, Anh Sơn là nơi có Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào, nơi tập trung phần mộ của hơn 11.000 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường nước Lào anh em. Nghĩa trang bên thị trấn Anh Sơn, cách thành phố Vinh khoảng 80 km. Rất tiếc, vì thời gian có hạn và đường về Thanh Hóa của tôi còn dài nên không thể đến thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ.

Sau khi nghe tôi kể về chuyến đi hai ngày tới miền Tây Nghệ An, mẹ tôi bảo đúng là “ở hiền gặp lành”, nên con có may mắn và hạnh phúc để thay mặt gia đình tìm lại những chặng đường hồi hương năm xưa của mẹ. Ở thế giới bên kia, bà ngoại, bác Minh (qua đời ở tuổi 98), bác Tuyết (qua đời ở tuổi 97), dì Huệ (qua đời ở tuổi 89) chắc chắn rất vui và tự hào về con, biết nói gì hơn trước tấm lòng cao cả và thủy chung của con người xứ Nghệ, từ bao đời nay vẫn thế. Tôi nói với mẹ, nhưng cũng phải nói cho đầy đủ mẹ à, để người dân hôm nay có cuộc sống ấm no hạnh phúc như thế, trước hết phải nói đến sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước Việt Nam, của các cơ sở Đảng và chính quyền các địa phương. Đảng và chính quyền các cấp cùng người dân Nghệ An đã làm nên những kỳ tích không chỉ trong thời kỳ đấu tranh giành lại và bảo vệ nền độc lập, mà cả trong xây dựng và phát triển quê hương hôm nay.

HỒ NGỌC THẮNG

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 29)