Ngược đường quốc lộ số 7 về đến ngã ba Tam Thái thì rẽ vào khoảng 17 cây số là đến bản Phồng thuộc xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương. Bản Phồng cách trung tâm xã tầm 4km, là nơi tập trung đông nhất của người Tày Poọng ở Việt Nam hiện nay.

Người Tày Poọng là một nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ theo danh mục các dân tộc ở Việt Nam công bố năm 1979. Hiện nay, người Tày Poọng sinh sống chủ yếu ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, chủ yếu tập trung ở 2 xã là Tam Hợp và Tam Quang. Ở Tam Hợp, người Tày Poọng tập trung sinh sống ở bản Phồng, bao gồm 157 hộ gia đình với 690 nhân khẩu. Ở Tam Quang, họ sinh sống rải rác ở hai bản Tân Hương và Tùng Hương, gồm 38 hộ với 144 nhân khẩu. Như vậy, tổng số người Tày Poọng sinh sống ở Tương Dương là 195 hộ gia đình với 834 nhân khẩu. Về tên gọi Tày Poọng đã được nhiều nhà dân tộc học quan tâm. Về cơ bản, các nhà nghiên cứu đều đồng ý với cách giải thích về tên gọi của nhóm người này. Tày Poọng hay Tày Con Kha, Xá Toong Lương là những tên tự gọi của họ qua các giai đoạn khác nhau. Và nay họ tự gọi là Cùn Tày Poọng, với nghĩa tôi là người Tày Poọng hay tôi là người Poọng. Tên Tày Poọng là tên tự gọi của họ và cũng là tên nhóm tộc người này. Còn tộc danh Thổ được coi là tộc danh chung của nhiều nhóm địa phương trong đó có nhóm Tày Poọng, nhưng gần như không gắn nhiều với lịch sử và tâm thức của cộng đồng này.

Bản Phồng – nơi tập trung đông người Tày Poọng nhất Việt Nam hiện nay

Về lịch sử, bản Phồng mới được thành lập vào giữa những năm 1950, do các hộ gia đình Tày Poọng di cư từ vùng khe Thơi (xã Tam Quang hiện nay) vào đây sinh sống và dựng bản. Trong mắt những người già ở bản Phồng hiện nay, họ có nguồn gốc từ Lào và một số có nguồn gốc từ Việt Nam di cư qua Lào. Đây chủ yếu là những người sinh ra đầu những năm 1920-1930 của thế kỷ trước hiện còn sống và minh mẫn để kể chuyện. Theo trí nhớ của họ thì họ sinh ra bên Lào, từ lúc còn nhỏ đã được theo cha mẹ di cư về vùng khe Thơi sinh sống. Sau đó, do điều kiện khó khăn nên gia đình lại di cư tiếp và lựa chọn sinh sống ở bản Phồng. Ban đầu mới có 10 hộ gia đình di cư vào (có người nhớ 7, có người nhớ 9 và có người nhớ là 11 gia đình). Tuy nhiên những con số này cũng dễ hiểu vì có vài hộ gia đình di cư đến muộn hơn một chút so với các hộ trước thì nhiều người vẫn coi họ là thuộc nhóm đầu đến đây xây dựng bản mới), sau đó thấy điều kiện ở đây có thể sống được, có đất để làm nương rẫy nên quay về khe Thơi rủ thêm anh em bạn bè lên đây lập nghiệp. Còn việc các thế hệ trước đó của họ có phải di cư từ Việt Nam sang Lào sinh sống sau đó mới quay lại Việt Nam hay không thì họ không nhớ được nhiều. Có người nhớ được nhưng hầu hết đều chỉ nhớ họ được sinh ra ở Lào và hiện nay họ vẫn giữ quan hệ với một số anh em, bạn bè bên Lào. Điều này cũng chứng tỏ nguồn gốc của nhóm Tày Poọng vẫn còn khá phức tạp và chưa đủ cứ liệu để khẳng định.

Cụ Viêng Cả Phia – một trong những người đầu tiên về khai phá và lập ra bản Phồng vào giữa những năm 1950

Người Tày Poọng ở bản Phồng hiện nay vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Trong nông nghiệp, họ vẫn chủ yếu sinh sống bằng canh tác nương rẫy dù rằng từ thời hợp tác xã họ đã được phân chia cho một phần ruộng nước do người Thái gần đó khai phá. Trong thủ công nghiệp, họ vẫn giữ được một số nghề truyền thống, nhất là nghề đan lát đồ mây tre. Kỹ thuật đan của người Tày Poọng đã đạt trình độ cao nên sản phẩm của họ rất đẹp và được nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố văn hóa phi vật thể và các các món đặc sản về ẩm thực, nhất là các món chế biến từ cá mát vốn nổi tiếng lâu nay.

Trong quá trình phát triển, văn hóa của người Tày Poọng ở bản Phồng cũng biến đổi nhanh chóng. Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống đã bị mai một và mất mát nhưcác bài cúng, các làn điệu dân ca, dân vũ. Đặc biệt, là nghề dệt may thổ cẩm truyền thống vốn từng là niềm tự hào của người phụ nữ Tày Poọng. Họ dệt thổ cẩm và may những bộ trang phục truyền thống với hoa văn sặc sỡ không thua gì các cộng đồng bên cạnh. Tuy nhiên, từ đầu những năm 2000, nghề dệt truyền thống bị mai một và hiện nay cả bản không còn khung dệt nào hoạt động nữa.

Bà Lương Thị Hoa và tấm thổ cẩm truyền thống được dệt từ trước những năm 2000 còn lưu giữ lại được để làm kỷ niệm

Ngày nay, bản Phồng đang chuyển mình theo hướng hiện đại hóa. Đường sá trong bản được bê tông hóa sạch đẹp hơn. Nhà cửa cũng được xây dựng kiên cố và ngăn nắp hơn xưa. Đời sống người dân dù còn nhiều khó khăn nhưng đã được nâng cao cải thiệ đáng kể. Theo định hướng phát triển của địa phương, người dân bản Phồng đang nỗ lực khôi phục một số yếu tố văn hóa truyền thống, giữ gìn môi trường và tạo cảnh quan sạch đẹp hơn để tiến tới phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều người già trong bản cũng đang bàn nhau tìm cách khôi phục, phát triển một số ngành thủ công như đan lát đồ mây tre, dệt thổ cẩm, làm rượu cần… để phục vụ du khách khi du lịch phát triển. Họ cũng nghiêm túc thực hiện chính sách hạn chế đánh bắt cá mát để giữ gìn nguồn đặc sản quan trọng này nhằm tạo thành một thế mạnh cho phát triển du lịch sau này. Với nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân, người ta đang hi vọng vào sự thay da đổi thịt mạnh mẽ hơn nữa của bản Phồng trong tương lai gần.

Bùi Hào