Người ta thường hay ngắm nhìn một người phụ nữ từ phía trước để chiêm ngưỡng cái đẹp. Vẻ đẹp của khuôn mặt xinh xắn, của làn da trắng trẻo, của đôi mắt cuốn hút, hay vẻ đẹp của bầu ngực căng tràn sức sống, của mái tóc đen nhánh hay là màu hạt dẻ, vẻ đẹp của số đo ba vòng cân đối hay thân hình bốc lửa. Nhưng để thấy hết vẻ đẹp của người phụ nữ, cần phải nhìn thấy được phía sau lưng của họ. Đó là sự gùi gánh cuộc sống gia đình, gùi gánh văn hóa cộng đồng, là vẻ đẹp của sự hi sinh.

Với những người phụ nữ miền sơn cước, vẻ đẹp phía sau lưng họ mới là điều đáng trân trọng nhất. Sau lưng của một người phụ nữ dân tộc thiểu số là gùi gánh cả một thế giới, cả những cuộc đời. Lúc trẻ đi gùi gạo, gùi thóc, gùi củi giúp cha mẹ; địu em sau lưng vẫn làm việc nhà, vẫn học bài. Lớn lên, lấy chồng, lại gùi gánh công việc của nhà chồng. Sinh con cái rồi lại gùi trên lưng thêm nhiều cuộc đời khác nữa. Trong nền văn hóa truyền thống, chính đôi vai họ đã gùi theo bao nhiêu nét đẹp; chính đôi vai đó đã kiến tạo nên nhiều nét văn hóa, trở thành đặc trưng cho cả cộng đồng. Khi xã hội chuyển đổi, người phụ nữ trở thành một thành trì cho các yếu tố văn hóa truyền thống sinh sôi nảy nở. Họ âm thầm gìn giữ vẻ đẹp truyền thống trong quá trình cùng cộng động tiếp xúc với các nền văn hóa mới. Họ cũng âm thầm cố gắng để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, vốn là kết quả mà họ đã đã bỏ ra không biết bao nhiêu mồ hôi công sức để hình thành nên. Trước mặt họ vẫn e lệ, tránh nói về bản thân, nhưng sau lưng họ vẫn mang nặng bao giá trị cộng đồng, nét đẹp truyền thống. Gánh nặng đó không làm cho người phụ nữ xấu đi, trái lại, làm cho họ trở nên cao thượng hơn, đẹp đẽ hơn.

Một phụ nữ người Thái ở xã Nga My (huyện Tương Dương) đang nỗ lực gìn giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc mình

Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn một số nghề thủ công truyền thống như dệt, may, thêu và điều này gắn liền với việc bảo tồn trang phục truyền thống. Bên cạnh đó, họ còn góp phần bảo tồn các yếu tố văn hóa dân gian như các điệu múa truyền thống, dân ca như hát lăm, hát khấp, hát giao duyên…. Những điệu múa xòe, nhảy sạp của người dân tộc thiểu số sở dĩ hấp dẫn người xem là nhờ vào sự uyển chuyển của những người phụ nữ kết hợp với những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ. Hay những khúc hát dân ca được nhiều thế hệ truyền lại cho nhau cũng có vai trò to lớn của người phụ nữ. Nhiều người còn dày công sưu tầm và truyền dạy cho lớp trẻ các bài hát của mình, như bà Vi Thị Quyết ở Quế Phong. Gần đây, ở nhiều bản, chi hội phụ nữ ra sức thành lập các câu lạc bộ dân ca Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông…

Phụ nữ người Thổ ở xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp) nỗ lực bảo tồn điệu múa truyền thống của họ

Để gùi gánh, bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống, người phụ nữ phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Trong cuộc sống hiện tại, lợi ích kinh tế đẩy con người đến những lựa chọn khác nhau. Phát triển kinh tế thị trường là xu hướng không cưỡng lại được, nhưng không có nghĩa kinh tế thị trường sẽ làm mất bản sắc văn hóa tộc người. Vấn đề là sự chủ động của chủ thể văn hóa mà ở đây là những người dân tộc thiểu số (đặc biệt vai trò của những người phụ nữ) và sự hỗ trợ từ các lực lượng khác như chính quyền, các tổ chức phi chính phủ… Nếu phát triển kinh tế thị trường một cách đúng đắn thì văn hóa truyền thống sẽ trở thành một nguồn lực để phát triển. Khi đó, kinh tế thị trường sẽ là động lực và cơ sở để gìn giữ, khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Như tại một số bản du lịch, một số người dân đang tìm cách khôi phục các nét văn hóa đã bị mai một đưa vào phục vụ du lịch cộng đồng như nhảy sạp, múa xòe, hát dân ca, ẩm thực dân tộc mình…

Vẻ đẹp phía sau lưng người phụ nữ miền sơn cước nói riêng và những người phụ nữ nói chung, là vẻ đẹp thầm lặng, khuất sâu hơn, nhưng các giá trị về thẩm mĩ hay nhân sinh đều không thua kém bất cứ vẻ đẹp nào. Bởi đó là vẻ đẹp của sự hy sinh.

Bài và ảnh: Trang Tuệ