Mấy chục năm qua, lá cờ đỏ sao vàng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Xuất hiện trong phong trào cách mạng năm 1940 ở Nam Kỳ, cờ đỏ sao vàng năm cánh gắn liền với lịch sử đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc của Nhân dân Việt Nam. Năm 1941, trong chương trình Việt Minh xác định “sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc”. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, ngày 5/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 5-SL về việc bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa I, ngày 31/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, khẳng định tầm vóc của cờ đỏ sao vàng: “Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn, bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào còn ra không ai có quyền gì mà đòi thay đổi nó”. Quốc kỳ Việt Nam nền đỏ sao vàng đã được Quốc hội Việt Nam chính thức công nhận trong bản Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9/11/1946: “Cờ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh”.

Trong đời sống lao động hàng ngày, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, lá cờ đỏ sao vàng đều được người dân treo một cách trang trọng. Dù xuất hiện ở đâu, hình ảnh lá cờ Tổ quốc một lần nữa khẳng định chủ quyền và niềm tự hào dân tộc. Ảnh: Nguyễn Đạo, Long Hồ

Trong chặng đường vẻ vang của dân tộc luôn có sự hiện diện của lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Cờ đỏ sao vàng năm cánh là biểu tượng Tổ quốc thiêng liêng, là niềm tin, là ý chí, là nguồn động lực có sức mạnh vô biên đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trung khó khăn để giành thắng lợi và trở thành niềm tự hào dân tộc sánh vai cùng bạn bè quốc tế. Ngày nay, lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay phấp phới trên những con đường, trog mỗi ngõ nhỏ, trước cổng của mỗi ngôi nhà dân,… trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc, trong những sự kiện quan trọng của đất nước.

Cờ Tổ quốc thiêng liêng tung bay trên cột cờ Lũng Cú nhìn từ bản Lô Lô Chài. Cột cờ Lũng Cú có lịch sử lâu đời, cách điểm cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3 km theo đường chim bay, nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng với độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Văn Song Nguyễn
Cờ Tổ quốc bên cạnh ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì (Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: Văn Song Nguyễn
Cờ Tổ quốc bay phấp phới trên nền trời tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (Hà Nội) như nhắc nhớ mọi thế hệ luôn ghi nhớ và tự hào về lịch sử dân tộc. Tại đây, ngày 19/8/1945 đã diễn ra cuộc mít tinh phát động tổng khởi nghĩa và giành chính quyền. Ảnh: Văn Song Nguyễn
Trên những vùng biển đảo quê hương, những người lính ngày đêm canh giữ bầu trời, chủ quyền dân tộc. Ảnh: Xuân Thủy

Cờ Tổ quốc tung bay trên khắp mọi miền, từ biên cương cho đến hải đảo, từ miền xuôi cho đến miền ngược, từ nơi phồn hoa đô thị cho đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh, dù ở đâu, khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng, mỗi người con của dân tộc Việt Nam đều cảm thấy ấm lòng, rưng rưng xúc cảm và đầy cảm hứng tự hào. Bởi Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của tự do, độc lập, toàn vẹn đất nước cũng như sự đoàn kết một lòng của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Cờ Tổ quốc phấp phới bay trên bản làng Mường Lống (Kỳ Sơn), vùng đất biên cương của xứ Nghệ. Màu cờ đỏ thắm hòa trong sắc hoa mận trắng, trong màu xanh của núi rừng chính là màu của niềm tin, của hy vọng vào tương lai rạng rỡ của non sông, gấm vóc. Ảnh: Hồ Chiến

Nội dung: Mộc Hương