Những mẩu chuyện đời thường, đôi khi vụn vặt ở làng văn nghệ, nhưng qua cách kể nhẹ nhàng sự việc còn có thể ánh lên đôi điều bất ngờ khác. Có thể một kinh nghiệm sáng tác, một thao tác nghề nghiệp, một lối ứng xử, một giải mã, một hé mở, một cách làm việc, một thói quen, một mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện ấm áp cùng vô số các tình huống bình thường và không bình thường, đôi khi lại có thể gợi mở cho những người sáng tác suy tưởng sâu xa và thú vị không ngờ.
Và cũng là giúp bạn đọc hiểu thêm phần nào đó về các mối quan hệ đồng nghiệp ở làng văn mà người đọc đang muốn tìm hiểu thêm. Với người sáng tác văn học nghệ thuật có nhiều bí ẩn lý thú về cuộc đời! Vì lẽ đó, BBT trân trọng giới thiệu với bạn đọc về tác giả Ngô Đức Tiến sinh năm 1945, quê quán ở huyện Yên Thành Nghệ An, là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lâu năm về một câu chuyện đời thường ở làng văn do tác giả Nguyễn Việt Hòa ghi lại.

************

       Những năm tám mươi của thể kỷ XX, đất nước vào thời kỳ đổi mới, văn học cũng được “cởi trói” và “tự cởi trói”. Bạn đọc luôn chờ đợi những tác phẩm “sù sì, góc cạnh”, nóng bỏng hơi thở đời sống. Báo Văn nghệ số tết Canh Ngọ, đầu trang 2 trang trọng đăng ba bài thơ: Tản mạn dọc đường ba tám (Ngô Đức Tiến); Sao thần nông (Võ Thanh An), Nông dân (Nguyễn Sĩ Đại). Võ Thanh An và Nguyễn Sỹ Đại là những nhà thơ quen thuộc trên các tờ báo Trung ương. Riêng Ngô Đức Tiến đang “vô danh” với bạn đọc cả nước. Lúc đó ông là Trưởng Ban tuyên huấn huyện Yên Thành, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

    Dưới góc độ văn chương, đây là bài thơ hay. Chuỗi hình ảnh “tản mạn” nhưng kết nối là bức tranh một miền quê đang trở mình, biến chuyển, “xộc xệch” của những năm đầu đổi mới.
Đó là hình ảnh tương phản về cuộc sống của phố huyện: “Nhà cao tầng thấp thoáng bóng tre xanh. Mảnh ruộng chia đôi. Người quạt Nhật, quạt Tàu. Người quạt mo phe phẩy gió. Người viết sách soạn bài bên ngọn đèn hạt đỗ. Người bia rượu xập xình dưới bóng nê-ông”.
Là nhịp sống nhọc nhằn của người dân quê với những hình ảnh liên tưởng điển hình, giàu xúc cảm của vùng đồng chiêm trũng: “Nhịp sống đi qua bao nỗi nhọc nhằn. Chi chít vết bùn non trên mặt đường ba tám. Chống hạn chưa xong bão giông ập đến. Nước mắt gừng thấm vạt áo em tôi”.
Hình ảnh suy ngẫm trực diện, cũng là điểm nhấn “gai góc” cảnh tỉnh một thái độ sống lãng quên quá khứ đang manh nha trong sự xô bồ thực dụng của cuộc sống:
“Mấy ngàn liệt sĩ quê ta nằm lại nơi góc biển chân trời
Có ai gửi đơn về đấu thầu mặt tiền đường ba tám”
Thơ ngày nay dùng hình ảnh như vậy đã bình thường. Ba mươi năm trước, một Trưởng ban tuyên huấn của Đảng, viết thế là “bạo tay”, dũng khí lắm!

Tác giả Ngô Đức Tiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những năm thập kỷ chín mươi và trước đó, báo Văn Nghệ dành cho bạn đọc yêu văn chương quý hiếm lắm. Cả huyện chỉ có Ban Tuyên huấn, Phòng Văn hoá và các trường cấp ba mới có. Sau khi Văn Nghệ số tết phát hành, bài thơ bùng phát xôn xao, xáo động sự phẳng lặng vốn dĩ của một miền quê rồi lan tỏa cả tỉnh. Ở huyện Yên Thành, quê hương tác giả, nơi có trục đường ba tám, bài thơ được người người chép tay, chuyền nhau đọc mọi nơi, từ các quán cóc bên đường đến các cuộc yến lão của xóm, tạo ra không khí văn chương chưa bao giờ có. Tiếp đó, trong chùm thơ Tết của Đài phát thanh tỉnh “Tản mạn dọc đường ba tám” được ngâm, các đài huyện, đài truyền thanh xã tiếp âm, nên tính phổ biến thêm rộng rãi. Mới biết khi văn chương được “cởi trói” viết những gì vốn của văn chương đã lay động lòng người không thể dự đoán trước.

Tác giả Ngô Đức Tiến và bạn thơ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tưởng như thế là mừng cho thơ, cho tác giả. Nào ngờ bài thơ có nguy cơ trở thành cái “án văn học” nếu không được nhà thơ Trần Hữu Thung “giải cứu”.
Ngô Đức Tiến kể: “Sau khi bài thơ được in, các vị lãnh đạo trong huyện nhìn ông bằng con mắt khác. Một buổi họp lãnh đạo huyện, có người nói: “Bài thơ có vấn đề. Anh Tiến ăn cơm dân, mặc áo Đảng mà làm thơ nói xấu huyện, gây khó dễ cho lãnh đạo, không thể không hoài nghi sự manh nha về tư tưởng chính trị, lập trường tiểu tư sản ở đây”. Lại có người tung tin, bài thơ Tản mạn dọc đường ba tám, Tuyên huấn tỉnh cũng có ý kiến. Cứ thế người ta suy diễn thế nào Ngô Đức Tiến cũng bị kỷ luật, không về đi cày cũng bị cách chức Trưởng ban Tuyên huấn.
Ngô Đức Tiến đang trong tâm trạng rối bời thì chiều mồng 9 tháng giêng, nhà thơ Trần Hữu Thung cùng Nguyễn Xuân Phầu, Nguyễn Công Hiên (những hội viên văn nghệ tỉnh) ghé thăm huyện. Sau khi chúc mừng Ngô Đức Tiến có thơ đăng số Tết báo Văn Nghệ, Trần Hữu Thung rủ mọi người sang chào Bí thư, Chủ tịch huyện. Thời đó, Trần Hữu Thung thường chơi thân với anh em văn nghệ và cả các cán bộ chủ trì huyện. Lãnh đạo huyện Yên Thành ai cũng phục tài đức của Trần Hữu Thung. Ông đi lại, giúp huyện sưu tầm, dịch thuật tài liệu lịch sử, mở trại sáng tác… nên vào ra cơ quan huyện ai cũng biết và nể trọng.
Trần Hữu Thung và mọi người vào đúng lúc các vị chủ chốt huyện vừa  hội ý xong nên có mặt cả Bí thư, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch huyện… Trần Hữu Thung vui vẻ bắt tay từng người rồi nói to chừng như để ai cũng nghe rõ, một điều ít thấy ở ông: “Tết nhất, biết các anh bận, hôm nay tôi mới lên thăm. Mừng cho Yên Thành năm nay được mùa thóc gạo lại được mùa cả văn chương. Vở kịch Hạt gạo huyện Yên của Phan Thế Phiệt được huy chương Vàng hội diễn văn nghệ toàn tỉnh, bài thơ Tản mạn dọc đường ba tám của Ngô Đức Tiến được in báo Văn nghệ Trung ương số tết âm lịch. Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn là tờ báo khắt khe, những bài in số thường đã khó, in số tết lại càng khó hơn. Tôi đã làm biên tập ở báo Văn Nghệ một số năm, biết thơ có trúng, có hay mới được in báo tết. Thật mừng cho huyện, cho các tác giả huyện nhà”.

Nhà thơ Trần Hữu Thung ( trái) . Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An.

Được lời như cởi tấm lòng, nghe vậy Ngô Đức Tiến mừng thầm trong bụng. Nhìn sắc mặt các vị chủ trì huyện thấy họ vừa ngạc nhiên, vừa thán phục. Riêng Bí thư huyện uỷ phát biểu ngay:“Chúng tôi rất mừng được đón anh Thung và các anh về thăm huyện. Từ trước tết đến nay, tôi có nghe dư luận nói về bài thơ Tản mạn dọc đường ba tám  của anh Ngô Đức Tiến có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược. Có người còn nói anh Tiến là phần tử phản động! Chúng tôi cũng đang thận trọng nghe ngóng, đang định ngày mai vào Vinh họp chấp hành tỉnh uỷ, hỏi ý kiến của các anh Tuyên huấn, Sở Văn hoá, cần thiết hỏi ý kiến Thường trực tỉnh uỷ xem cơ quan chuyên môn đánh giá bài thơ đó thế nào để có cách định hướng dư luận. Nếu tốt thì ta sử dụng, nếu có vấn đề thì xin ý kiến cấp trên xử lý. Không lấy văn thơ vận vào người, nếu xử lý sai thì oan cán bộ, mà tổ chức Đảng không được phép làm như thế. Nay nghe anh Thung trao đổi, chúng tôi mừng lắm. Cũng là dịp để lãnh đạo huyện hiểu rõ anh Tiến hơn vì anh vừa làm Tuyên huấn vừa làm thơ nên dễ bị người khác hiểu nhầm. Thế là rõ rồi. Cảm ơn anh Thung và các anh”.
Sau ý kiến Bí thư, một vài vị lãnh đạo tiếp tục phát biểu. Câu chuyện văn chương kéo dài một hồi khá lâu. Bí thư, Chủ tịch huyện mời Trần Hữu Thung và mọi người ở lại dùng cơm nhưng anh Thung cáo bận, xin về nhà bạn. Bí thư  nói nhỏ với chánh văn phòng đem biếu mỗi người một chai mật ong khai thác từ rừng Động Cầu.
Việc tưởng như phức tạp nhưng nhà thơ Trần Hữu Thung xử sự thật đơn giản. Sau lần ấy dư luận ngược chiều dịu đi. Bài thơ được lan toả rộng rãi. Năm đó, Ngô Đức Tiến vẫn được bầu vào Ban thường vụ Huyện uỷ, vừa làm Tuyên huấn vừa làm thơ, như là nghiệp, là duyên số đã được trời định.
Ba mươi năm đã qua, bài thơ được in trong các tuyển tập Thơ Nghệ An thế kỷ XX, Thơ Sông Hương 20 năm và một số tuyển tập khác. Hạnh phúc nhất là bài thơ và tên tuổi tác giả đã gắn kết làm một. Nhắc tên Ngô Đức Tiến người ta nhớ ngay đến Tản mạn dọc đường  ba tám. Hạnh phúc ấy không dễ có nếu bài thơ không được in từ báo Văn Nghệ ở số tết trang trọng năm ấy!

Nguyên văn bài thơ:

TẢN MẠN DỌC ĐƯỜNG BA TÁM!

Bà Hảo đi xa rồi ai gói bánh chưng xanh?
Quầy lương thực vắng teo
O Côi mù theo con về xóm cũ
Thị trấn mọc lên nhiều dịch vụ
Ồn ào phiên chợ Dinh
Nhà cao tầng thấp thoáng bóng tre xanh
Mảnh ruộng chia đôi người quạt Nhật, quạt Tàu
Người quạt mo phe phẩy gió
Người viết sách soạn bài bên ngọn đèn hạt đỗ
Người bia rượu xập xình dưới bóng nê-ông
Nhịp sống đi qua bao nỗi nhọc nhằn
Chi chít vết bùn non trên mặt đường ba tám
Chống hạn chưa xong bão giông ập đến
Nước mắt gừng thấm vạt áo em tôi
Mấy ngàn liệt sĩ quê ta nằm lại nơi góc bể chân trời
Có ai gửi đơn về đấu thầu mặt tiền đường ba tám
Tưởng chim én bay xa
Chim lại về đậu trên cột điện
Bay tung trời
Dệt những buồn vui

  Nguyễn Việt Hoà