Tháng Năm, trên quê hương Nam Đàn, cái nắng đầu hè rạo rực như lòng người về thăm quê Bác. Đường về làng Sen và Hoàng Trù rợp bóng cây xanh. Từng đoàn người từ khắp nơi trên mảnh đất Việt Nam cùng chung một điểm đến thiêng liêng và giàu cảm xúc. Quê Bác, hai tiếng thân thương, gần gũi biết bao trong tâm thức con người.

Đồng bào đội mưa về thăm quê Bác. Ảnh: tư liệu khu di tích Kim Liên.

Nguyện vọng lớn nhất cuộc đời là một lần được về thăm quê Bác

Hình ảnh đồng bào đội mưa về thăm quê Bác ngày 01/5/2022 đã gây xúc động và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đó là minh chứng cho tình yêu thương, kính trọng vô bờ mà Nhân dân cả nước dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù đó là thế hệ xưa, những người theo tiếng gọi của Người, xây dựng, chiến đấu bảo vệ tổ quốc hay thế hệ nay, lớp con cháu sinh ra và lớn lên thời hậu chiến.

Trò chuyện cùng chị Bùi Thị Bích Đảm – Trưởng phòng Tuyên truyền Giáo dục Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên và các anh chị em cán bộ phòng, chúng tôi càng hiểu thấu tình cảm bao la, sâu nặng, thành kính của các tầng lớp Nhân dân, đủ mọi lứa tuổi, ở khắp Bắc – Trung – Nam và bạn bè quốc tế dành cho Bác.

Chị Phan Thị Quý kể: “Mấy năm trước, tôi làm việc ở khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác. Khi tôi lên mộ bà để bắt đầu một ngày làm việc thì gặp một bác chừng trên 70 tuổi đến viếng. Bác đi một mình. Từ xa, tôi thấy bác lặng lẽ nhặt lá rơi quanh mộ bà Hoàng Thị Loan, rồi lặng lẽ thắp hương. Hồi ấy mộ chưa có mái che nên mỗi ngày lá rơi nhiều lắm. Tôi lặng người cảm nhận từng cử chỉ cung kính mà khoan thai của bác và hiểu rằng bác làm những việc ấy bằng cả trái tim”.

Những người khuyết tật cũng mong một lần được về thăm quê Bác dẫu đi lại khó khăn. Ảnh: tư liệu khu di tích Kim Liên.

Chị Bùi Thị Bích Đảm thì nhớ mãi kỷ niệm một lần đón các em học sinh tỉnh Cao Bằng: “Trong đoàn có cả những em dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông… về thăm quê Bác. Do số lượng đoàn quá đông so với căn nhà nhỏ bé của Bác nên chúng tôi không thể đứng ở đây thuyết minh. Tôi và các em đã cùng nhau đứng ngoài sân, giữa trời mưa rây rây khá dày hạt. Các em chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời câu chuyện về cuộc đời Bác. Hòa vào nước mưa là những dòng nước mắt lăn trên gò má, những đôi mắt đỏ hoe của các em làm tôi thấy rưng rưng. Cuối buổi, một em đến bên tôi và nói: ‘Cô ơi, con từng nghe Cao Bằng là quê hương thứ hai của Bác, con muốn xin cô những bài thuyết minh về Bác, con sẽ đọc, tìm hiểu để thuyết minh cho những người về thăm Cao Bằng chúng con được không ạ?’ Tôi xoa đầu bé gái và làm theo nguyện vọng của em như một mệnh lệnh từ trái tim”.

Người dân nước mình còn nghèo, nhiều người cách trở xa xôi về địa lý, có người sức khỏe không cho phép, suốt đời họ không biết đến du lịch, không đi đâu khỏi quê nhà, nhưng vẫn hằng mong mỏi được một lần về thăm quê Bác. Với họ, về thăm quê Bác là một sứ mệnh thiêng liêng cần được thực hiện trong đời. Câu chuyện của ông Trần Kim Quy, quê Kinh Môn, Hải Dương trong đoàn cán bộ lão thành 40, 50… năm tuổi Đảng đã nói lên rất rõ tâm nguyện này. Sau chuyến đi, ông gởi thư về cho anh em cán bộ Khu Di tích Kim Liên bày tỏ: “Nguyện vọng lớn nhất cuộc đời của chú là một lần được về thăm quê Bác. Nay nguyện vọng ấy đã hoàn thành, chú nhắm mắt cũng thỏa lòng rồi cháu ạ”.

Bức thư ông Nguyễn Quang Phục gởi chị Huyền bày tỏ niềm xúc động khi được nghe câu chuyện về cuộc đời của Bác. Ảnh: chị Huyền cung cấp.

Càng xúc động và ấn tượng với việc làm vô cùng ý nghĩa của một người bố ở Hải Dương. Ông đã vào Quảng Trị đưa hài cốt con về Khu di tích Kim Liên để con được thăm quê Bác. Đó là một buổi sáng mùa đông, trời âm u lạnh giá. Ba người đến Khu Di tích Kim Liên từ rất sớm. Một người đàn ông đã đứng tuổi bảo là muốn được nghe thuyết minh. Thế là chị Đảm đã nói chuyện về Bác chỉ cho 3 người nghe. Trong suốt buổi thuyết minh, ông luôn mím chặt môi, đôi mắt rưng rưng như muốn bật khóc, song cố kìm giữ. Ông đang nhớ lại, năm xưa, khoảng năm 1968-1969, con trai gửi thư về khoe với gia đình là trên đường hành quân con đã được về thăm quê Bác. Con hy vọng ngày chiến thắng sẽ lại được thăm lại quê Bác một lần nữa. Chiếc xe quân sự đậu phía ngoài mang theo hài cốt của người liệt sĩ. Vậy là hương hồn người liệt sĩ ấy đã được về thăm quê Bác như mong ước năm nào. Và hôm nay ông đã thực hiện được di nguyện của người con yêu quý – người chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì nước.

Hằng năm, các nhà sư, tăng ni phật tử từ các chùa khắp nơi trên cả nước đều về Kim Liên, Nam Đàn như một chốn hành hương thiêng liêng. Trong số các tăng ni, phật tử, tôi còn nhớ sư cô Thích Diệu Niệm, trụ trì chùa Sư Nữ, còn gọi là chùa Cần Linh, ở thành phố Vinh, khi còn tại thế, mỗi năm 2 lần, sư cô cùng các phật tử về quê Bác dâng hương vào dịp 19/5 và 02/9. Sư cô Thích Diệu Niệm là người xuất gia từ năm 15, 16 tuổi và dành cho Bác những tình cảm tôn kính thiêng liêng. Chính sư cô là người lập bàn thờ Bác ngay tại chùa Cần Linh.

Cựu chiến binh và đồng bào miền Nam về thăm quê Bác. Ảnh: tư liệu khu di tích Kim Liên.

Còn chị Thanh Huyền thì không thể nào quên một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm thuyết minh của mình. Chị kể: “Cách đây cũng khá lâu, tôi được phân công đón một đoàn khách đến từ huyện Tiên Lữ – Hưng Yên. Một thời gian sau, tôi nhận được thư của một bác tên là Nguyễn Quang Phục gởi về, bức thư viết bằng mực tím, nét chữ thanh thoát, đến giờ tôi vẫn giữ. Qua thư, bác Phục chia sẻ sự xúc động của mình khi về thăm quê Bác ‘Chị biết không, tôi đã khóc. Tôi đã cố nén để nghe giới thiệu. Về đến nhà nghỉ, tôi không sao ngủ được, khóc suốt đêm vì thương Bác’”.

Những hình ảnh, những câu chuyện cảm động của đồng bào về thăm quê Bác nhiều không kể xiết. Đó là những người thương binh nặng phải ngồi trên xe lăn vẫn muốn được vào trong nhà tận mắt nhìn thấy từng hiện vật của gia đình Bác. Đó là những người khiếm thị muốn được tận tay sờ vào những vật dụng trong nhà Bác để cảm nhận được sự gần gũi bên Người. Đó là những em bé, những nhà sư, những người dân bình thường và bạn bè quốc tế đội nắng, đội mưa lắng nghe những câu chuyện về cuộc đời của Bác… Tất cả đã dành cho Bác tình yêu, lòng kính trọng chân thành không dễ gì nói được bằng lời.

Bác Hồ cũng là Bác của chúng tôi

Không chỉ Nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế khắp năm châu cũng bày tỏ lòng tôn kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người suốt đời chiến đấu và hy sinh vì quần chúng cần lao, trong số đó, có cả những người đến từ đất nước một thời thuộc bên kia chiến tuyến.

Ông Dragisa Markovic, người Serbia, thuộc Nam Tư cũ, chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh tư liệu.

Chị Bùi Thị Bích Đảm kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xúc động về những người anh em, bạn bè quốc tế về thăm quê Bác: “Năm 2018, có ba nhà sư ở đất nước Bhutan xa xôi đã cùng một số phật tử ở Việt Nam hành hương về thăm quê Bác. Tôi nhận thấy sự trân trọng chân thành trong ánh mắt, lời nói và cử chỉ của các vị cao tăng dành cho Bác. Một vị thiền sư nói: ‘Chúng tôi đến thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chúng tôi sẽ đem theo hình ảnh giản dị của Người, tư tưởng bác ái của Người về quê hương để truyền lại cho Nhân dân đất nước chúng tôi’. Năm 2019, chúng tôi đón ông Dragisa Markovic, một người Serbia, thuộc Nam Tư cũ. Với ông ‘Được thăm nhà Bác Hồ là ước mơ từ nhỏ của tôi, hôm nay giấc mơ đó đã trở thành sự thật. Tôi thực sự hạnh phúc khi được thăm nơi Bác Hồ sinh ra và sống những năm tháng tuổi thơ’. Trong suốt buổi nói chuyện Dragisa Markovic luôn dùng từ “Uncle Ho” thay cho từ “President Ho Chi Minh” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ông chia sẻ: ‘Hồi bé, khi nghe những câu chuyện và tin tức về Bác Hồ trên đài tiếng nói, tôi đã rất yêu quý Bác. Tôi đã sưu tập rất nhiều ảnh về Người trên những trang báo mà mình có được. Tôi mơ ước có một ngày tôi sẽ về thăm quê Bác vào mùa sen nở’”.

Chị Hương Giang thì rất nhớ: “một du khách người Mỹ đã rất xúc động và thành kính dâng hương lên bàn thờ Bác và bàn thờ gia tiên. Ông nói: ‘Mặc dù đất nước chúng tôi và Việt Nam có một thời ở hai đầu chiến tuyến nhưng tôi luôn tôn trọng và khâm phục tài năng, nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về đây, tôi được biết thêm một điều, một miền quê nghèo, một gian nhà tranh nhỏ bé mà đã sinh ra và nuôi dưỡng một con người vĩ đại mang tầm nhân loại’”.

Đồng bào về thăm quê Bác dịp 19/5/2022. Ảnh: Hữu Vinh.

Các bạn Lào luôn xem Việt Nam là quê hương thứ hai của họ, xem quê Bác là quê chung của tình hữu nghị Việt – Lào. “Khi chúng tôi nói với các bạn Lào là chào mừng các bạn, các đồng chí về thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì một người đáp lại: ‘Chị hãy nói là quê hương Bác Hồ, vì Bác Hồ cũng là Bác của chúng tôi nữa’. Nghe vậy tôi lấy làm thấm thía và cảm động về tình cảm các bạn dành cho Bác và đất nước chúng ta’”. Chị Phan Thị Quý kể lại.

Tôi hiểu, các chị, những thuyết minh viên ở Khu Di tích Kim Liên là những người ngày ngày kết nối, tạo mối giao cảm giữa Bác Hồ với các tầng lớp Nhân dân. Mỗi ngày các chị tiếp xúc với hàng trăm người về thăm quê Bác với những tâm sự khác nhau. Mỗi vùng quê, mỗi tầng lớp, mỗi độ tuổi, nghề nghiệp sẽ có những câu chuyện, những xúc cảm riêng. Chính tình cảm chân thành, ấm áp của Nhân dân mọi miền và bạn bè quốc tế dành cho Bác là nguồn động viên để các chị yêu và tự hào về công việc của mình.

Đã 53 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng hình ảnh Bác, hơi ấm từ trái tim Bác vẫn lan tỏa, sưởi ấm bao thế hệ cháu con. Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế vẫn hằng ngày tìm về quê Bác, tìm về nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhân cách sáng ngời của vị lãnh tụ “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (lời bài thơ “Bác ơi” của Tố Hữu). Nhân cách ấy đẹp như loài hoa sen vẫn rực rỡ giữa tháng Năm oi ả nóng với mùi thơm tinh khiết tỏa ngát giữa đất trời, và đi vào lòng người như một lẽ tự nhiên.

Trần Hữu Vinh