Bảo tồn giá trị quý báu của văn hóa trong quá khứ, phát triển những thành tố văn hóa mới, mở rộng biên giới của văn hóa theo thời gian, là định dạng chung trong phát triển văn hóa của nhân loại. Phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An cũng không nằm ngoài định dạng chung này. Nhưng sự khác biệt là ở các lựa chọn cụ thể.
Kế hoạch phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An trước hết phải dựa vào kế hoạch tổng thể của tỉnh Nghệ An: “Về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết số 39-NQ/TW [1] nêu ra những điểm cơ bản sau đây.
– Bảo tồn và phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa xứ Nghệ.
– Lấy con người làm trung tâm, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và xứ Nghệ là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh cho phát triển.
– Phát triển Nghệ An mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ.
– Phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển.
– Đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng xứng tầm với giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Tiếp tục bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích và di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch.
– Đầu tư nâng cấp Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và hệ sinh thái giá trị văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm[1].
Nghị quyết số 39-NQ/TW còn cho phép lãnh đạo Nghệ An có “một bảo bối” để thực hiện, đó là “cơ chế, chính sách đặc thù”:
– Xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội ban hành” [1].
Rõ ràng chìa khóa quyết định chính là nội dung cụ thể của “cơ chế, chính sách đặc thù”. “Cơ chế, chính sách đặc thù” mà không lượng hóa được thành những phương tiện vật chất thì sẽ chỉ là câu “thần chú suông” mà không giúp ích được điều gì. Cho nên, điều cực kỳ quan trọng là phải đưa vào “cơ chế, chính sách đặc thù” những ngoại lệ cụ thể cho Nghệ An, giúp cho Nghệ An có thêm được các phương tiện vật chất mới từ Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Tóm lại, từ Nghị quyết số 39-NQ/TW có thể phân loại các chỉ đạo của Bộ Chính trị theo các nhóm mục tiêu cụ thể như sau: (1) – Đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên xứng tầm với giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh; (2) – Tiếp tục bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích đã có; (3) – Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch; (4) – Đầu tư nâng cấp Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và hệ sinh thái giá trị văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm; (5) – Phát triển văn hóa đậm bản sắc xứ Nghệ làm nền tảng và nguồn nội lực cho sự phát triển của Nghệ An; (6) – Xây dựng cơ chế và chính sách đặc thù trình Quốc hội thông qua để thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Xuất phát từ 6 nhóm mục tiêu rút ra từ Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghệ An cần xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể theo từng nhóm mục tiêu. Ở đây cần lưu ý đến sự khác biệt của hai loại kế hoạch hành động. Một là cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa. Hai là các sản phẩm văn hóa phục vụ đời sống tinh thần. Từ đó để đi đến các kế hoạch hành động cụ thể. Thực hiện các chỉ đạo của Nghị quyết số 39-NQ/TW về văn hóa, nên tiến hành các biện pháp dưới đây.
- Xây dựng các cụm trung tâm văn hóa
Mức độ phát triển của một quốc gia được thể hiện qua nhiều thước đo, trong số đó rất quan trọng là thước đo văn hóa. Các nền văn minh phát triển của nhân loại luôn gắn liền với sự hình thành và phát triển rực rỡ của các trung tâm văn hóa. Các trung tâm văn hóa chính là các “đầu tàu”, vừa đại diện cho “chiều cao” mức độ phát triển, vừa là động cơ kéo làm cho văn hóa chuyển động đi lên trên diện rộng.
Bởi thế, trong các chiến lược phát triển văn hóa, phải có chiến lược phát triển các trung tâm văn hóa để đạt được thước đo “chiều cao”, đồng thời là chiến lược phát triển văn hóa trên diện rộng để nâng cao mặt bằng văn hóa. Cụ thể cho lĩnh vực chuyên ngành, thì đó chính là chiến lược phát triển chuyên nghiệp cho số ít ở các trung tâm và phát triển nghiệp dư cho số đông trên toàn bộ cộng đồng.
Theo 6 nhóm mục tiêu nêu trên rút ra từ Nghị quyết số 39-NQ/TW, có thể thấy ngay là kế hoạch đầu tư tôn tạo và mở rộng Khu Di tích Lịch sử Kim Liên là điều hiển nhiên. Nhưng mở rộng đơn thuần như thế thì chưa biến thành động lực phát triển. Và như đã đề cập, phát triển văn hóa trên toàn tỉnh Nghệ An mới đưa đến những biến chuyển lớn. Văn hóa Nghệ An muốn có bước biến chuyển lớn, thì cần nhiều “đầu tàu”. Đó là các cụm trung tâm văn hóa. Càng có nhiều cụm trung tâm văn hóa càng tốt. Nghĩa là Nghệ An cần phát triển nhiều cụm trung tâm văn hóa.
Xuất phát từ chỉ đạo của Bộ Chính trị về văn hóa trong Nghị quyết số 39-NQ/TW, và dựa vào lịch sử và thực tế, Nghệ An nên tiến hành xây dựng ba cụm trung tâm văn hóa du lịch phục vụ đời sống văn hóa nhân dân nội tỉnh, cũng như thúc đẩy du lịch văn hóa từ ngoại tỉnh và quốc tế: (1) – Cụm trung tâm văn hóa Kim Liên, gắn với tên tuổi và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; (2) – Cụm trung tâm văn hóa đền Cuông, gắn với lịch sử An Dương Vương và lịch sử Châu Diễn; (3) – Cụm trung tâm văn hóa Mai Hắc Đế, gắn với khởi nghĩa Hoan Châu và lịch sử Châu Hoan.
Phát triển ba cụm trung tâm văn hóa này cần được sự phê duyệt kế hoạch thực hiện chính thức bởi các cấp có thẩm quyền. Đây là các giải pháp cụ thể để phát triển văn hóa Nghệ An theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hiểu “cụm trung tâm văn hóa” cho ba trường hợp nêu trên như thế nào? Bản thân Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Kim Liên đã bao gồm nhiều địa điểm văn hóa. Nhưng hiện nay các địa điểm đó gắn liền với chủ đề lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi xây dựng “Cụm trung tâm văn hóa Kim Liên” thì Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Kim Liên chỉ là “một thành viên”, “một trung tâm văn hóa” mà thôi, vì trong “Cụm trung tâm văn hóa Kim Liên” sẽ còn gồm chứa nhiều “trung tâm văn hóa” khác nữa. Chẳng hạn đó là các công viên văn hóa, các phim trường, các công viên ẩm thực, các khu vui chơi giải trí…
Nếu ai đã đi du lịch nước ngoài nhiều lần, thì sẽ hiểu một địa danh lịch sử không nhất thiết chỉ gắn với lịch sử địa danh đó mà có thể gồm chứa các công trình văn hóa khác. Thí dụ như trong “Cụm trung tâm văn hóa Kim Liên” có thể xây dựng công viên văn hóa tương tự như “Công viên cửa sổ thế giới” ở Thâm Quyến, nơi mô phỏng các công trình kiến trúc và danh lam thắng cảnh của cả thế giới. Hay cũng có thể là công viên vui chơi giải trí dạng Disneyland (California). Không thể thiếu trong “Cụm trung tâm văn hóa Kim Liên” những thành tố liên quan đến đời sống văn hóa và ẩm thực của các dân tộc sinh sống ở Nghệ An. Việc hình thành các công viên văn hóa kết hợp ẩm thực du lịch sinh thái sẽ thúc đẩy không chỉ du lịch trong nước mà còn là du lịch quốc tế. Phát triển du lịch ở các cụm trung tâm văn hóa phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 39-NQ/TW: “Tiếp tục bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích và di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch” [1]. Việc có các “trung tâm văn hoá” thành viên nào trong “Cụm trung tâm văn hóa” là một đề án phải được nghiên cứu kỹ lưỡng một cách khoa học.
“Di sản quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chính là sự thịnh vượng của Việt Nam. Trong tương lai Nam Đàn sẽ là một quận hay một thành phố trong thành phố Vinh mở rộng. Nên phát triển các công trình văn hóa, ẩm thực, vui chơi giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế ở khu vực Nam Đàn là định hướng đúng, chứ không phải là đề xuất để hình thành dự án. Bởi thế, đề xuất này cần được xem xét nghiêm túc trong quy hoạch phát triển của Nghệ An khi triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Một Khu Di tích Lịch sử Kim Liên chỉ bao gồm các hiện vật bảo tàng sẽ không thúc đẩy quảng bá thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng tầm ra trường quốc tế”.
Tương tự như vậy là vấn đề các “trung tâm văn hóa” thành viên trong hai “Cụm trung tâm văn hóa” đền Cuông và Mai Hắc Đế. Đây là hai địa danh lịch sử không chỉ gắn liền với lịch sử một triều đại mà là nhiều triều đại trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của Châu Hoan, Châu Diễn. Nội dung lịch sử xuyên suốt này sẽ là đề tài rộng lớn để không ngừng mở rộng và phát triển cho cả hai “Cụm trung tâm văn hóa” Diễn Châu và Hoan Châu.
Khu vực đền Cuông về điều kiện tự nhiên, có biển, núi, hồ là vùng địa linh, rất thuận lợi cho xây dựng một khu du lịch văn hóa phức hợp, chẳng những bảo tồn truyền thống lịch sử quốc gia từ thời An Dương Vương, lịch sử Châu Diễn, mà còn có khả năng thu hút khách du lịch bốn phương đến thăm quan. Tái tạo lịch sử không phải bằng cách dựng lại thực địa, mà bằng những công trình văn hóa biểu tượng thì sức hấp dẫn mới được nâng cao nhờ sự sáng tạo mới.
- Phát triển các trung tâm văn hóa chuyên sâu
Bất cứ trong lĩnh vực nào thì chuyên nghiệp là phân khúc cao nhất của phát triển. Quan trọng nữa nó là động lực cho sự phát triển. Việc cắt giảm biên chế và thu hẹp bao cấp dẫn đến việc sáp nhập các trung tâm và các đoàn văn hóa nghệ thuật là xu thế không dừng bước trong giai đoạn hiện nay. Nhưng phát triển thì phải mở rộng. Giải pháp nào để duy trì và phát triển văn hóa trong điều kiện mâu thuẫn hiện nay?
Biện pháp đầu tiên là “đẩy cao tính chuyên nghiệp”. Nhưng trong điều kiện hạn chế về nhân lực và nguồn lực, bao gồm tài chính, cơ sở vật chất cùng phương tiện thì phải làm thế nào? Lối thoát là đầu tư chọn lọc cho nội lực và tận dụng chọn lọc từ ngoại lực. Đầu tư chọn lọc cho nội lực tức là nuôi dưỡng nhân tài địa phương. Và tận dụng chọn lọc từ ngoại lực tức là hợp tác với tài năng chọn lọc ngoài địa phương. Trong hoàn cảnh hạn hẹp về nguồn lực, nhất là tài chính, thì đây là cách thức hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển chuyên nghiệp.
Một trong những biện pháp cụ thể để đầu tư chọn lọc cho nội lực và tận dụng chọn lọc từ ngoại lực là phải có được quỹ tài chính dành cho phát triển sản phẩm văn hóa chuyên nghiệp. Quỹ tài chính dành cho phát triển sản phẩm văn hóa chuyên nghiệp sẽ cấp học bổng cho các chuyên gia tài năng của địa phương và ngoài địa phương đến địa phương hợp tác làm việc, mà kết quả thu hoạch nộp lại là các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, xuất sắc, được sử dụng rộng rãi. Các sản phẩm văn hóa xuất sắc là thước đo mức độ phát triển văn hóa. Và đây là cách thức để có được các sản phẩm văn hóa xuất sắc.
Một biện pháp khác để thúc đẩy sự phát triển chuyên nghiệp là tổ chức các cuộc thi sáng tạo. Càng nhiều các thể thức thi sáng tạo càng có nhiều công trình sáng tạo mới, càng lộ diện nhiều tài năng chuyên nghiệp. Đây là cách thức rất phổ dụng trên thế giới.
Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhiều lần nhắc đến “thế mạnh về con người” và “bản sắc xứ Nghệ”. Người Nghệ có đủ năng lực để sáng tạo ra các công trình văn hóa xuất sắc, mang đậm “bản sắc xứ Nghệ”. Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An không thể không tận dụng chỉ đạo của Nghị quyết số 39-NQ/TW để có được nguồn tài chính cho mục đích tạo ra các sản phẩm văn hóa chuyên nghiệp mới, chất lượng cao.
- Phát triển văn hóa trong cộng đồng
Biện pháp tiếp theo là phát triển văn hóa trong cộng đồng. Văn hóa là của cộng đồng. Cho nên phát triển văn hóa là phải ở trong cộng đồng và cho cộng đồng. Liên quan đến Nghị quyết số 39-NQ/TW của BCT cần phải triển khai những biện pháp gì để phát triển văn hóa trong cộng đồng và cho cộng đồng? Sau đây là các biện pháp:
3.1. Duy trì và mở rộng hoạt động văn hóa làng xã
Có giai đoạn kinh tế khó khăn, vì mưu sinh mà hoạt động văn hóa làng xã bị co hẹp. Đời sống kinh tế hiện nay cho phép Nghệ An đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa làng xã. Chính phong trào văn hóa làng xã sẽ giúp cho bản sắc địa phương không chỉ bảo tồn mà thêm nổi trội. Phong trào văn hóa làng xã phát triển sẽ giúp cho mặt bằng văn hóa toàn cộng đồng được nâng lên. Một vai trò quan trọng khác của phong trào văn hóa làng xã là ươm mầm và phát hiện ra các tài năng.
3.1.1. Bồi dưỡng hạt nhân và tài năng văn hóa cho làng xã
Muốn phong trào văn hóa làng xã phát triển tốt thì cần có những hạt nhân và các tài năng. Cho nên cần phải có kế hoạch bồi dưỡng các hạt nhân và tài năng văn hóa cho làng xã. Hoạt động văn hóa làng xã dựa trên nội lực của địa phương. Tỉnh không bao cấp tài chính cho phong trào văn hóa làng xã. Nhưng cần phải có sự trợ giúp dẫn dắt. Sự trợ giúp về chuyên môn. Sự trợ giúp qua các hoạt động quảng bá. Và sự trợ giúp bồi dưỡng hạt nhân, bồi dưỡng tài năng. Nguồn tài chính đa dạng, từ các quỹ, ngân sách và xã hội hóa.
3.1.2. Tổ chức thi hoạt động văn hóa làng xã
Nhà vô địch danh giá phải xuất hiện từ những đấu trường danh giá. Càng có nhiều cuộc thi văn hóa làng xã càng nhiều cơ hội xuất hiện các tài năng văn hóa và mặt bằng văn hóa toàn cộng đồng càng được nâng cao. Cho nên tổ chức được càng nhiều các cuộc thi văn hóa làng xã càng tốt.
Không chỉ giải thưởng vật chất là duy nhất quan trọng mà sự lan tỏa cũng rất quan trọng. Sự lan tỏa có tác dụng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Vì vậy, để có tác động rộng rãi lên toàn bộ cộng đồng, các cuộc thi cần được quảng bá trên truyền thông đa phương tiện, trong đó có truyền hình Nghệ An.
Liên quan đến Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, để thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, là các đề án cụ thể và nguồn tài chính. Đây cũng là phạm vi trách nhiệm của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An.
- 2. Xây dựng con người Nghệ An có văn hóa
Muốn phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An không thể thiếu con người Nghệ An có văn hóa. Việc một thiểu số công dân Nghệ An đến làm việc ở các địa phương khác, cả ở nước ngoài, có các hành xử phi văn hóa và vi phạm pháp luật đến mức chính quyền sở tại phải có biện pháp ngăn chặn, đến cả mức kỳ thị, là điều phải suy nghĩ nghiêm túc. Xây dựng con người Nghệ An có văn hóa là một mục tiêu quan trọng, có tính thời sự trong triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW: “Lấy con người làm trung tâm, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và xứ Nghệ là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh cho phát triển”[1].
Vậy “xây dựng con người Nghệ An có văn hóa” cụ thể là nhấn mạnh những điểm gì? Có rất nhiều điểm đặc trưng cho một người có văn hóa. Nhưng ở đây là “con người Nghệ An có văn hóa” nên cần tính đến đặc thù địa phương. Vì có liên quan đến “bản sắc Nghệ An” nên xin đưa ra mấy điểm chính sau đây.
3.2.1. Được giáo dục
Muốn có văn hóa phải hiểu biết. Có nhiều con đường dẫn đến hiểu biết. Một trong số đó là giáo dục. Cũng có nhiều phương thức giáo dục. Trước hết là được học tại trường. Từ đó để thấy phổ cập giáo dục phổ thông là một yêu cầu để “xây dựng con người Nghệ An văn hóa”. Phổ cập giáo dục phổ thông là cho toàn quốc. Vậy con người Nghệ An văn hóa có điều gì khác biệt? Ấy là Nghệ An có truyền thống hiếu học được thừa nhận. Nên càng thuận lợi hơn để phổ cập giáo dục phổ thông ở Nghệ An, càng thuận lợi hơn để con người Nghệ An có hiểu biết. Con đường giáo dục quan trọng thứ hai là từ gia đình. Người Nghệ cũng nổi tiếng khắt khe trong giáo dục con cái. Cần phát huy truyền thống giáo dục gia đình của người Nghệ. Tất nhiên là phù hợp với thời đại. Truyền thống hiếu học và truyền thống giáo dục gia đình sẽ là các nhân tố đậm bản sắc Nghệ An, thuận lợi để “xây dựng con người Nghệ An văn hóa”.
3.2.2. Khảng khái
Tính khảng khái của con người có khắp mọi nơi. Nhưng Nghệ An được dư luận cho là một trong số các địa phương nổi tiếng khảng khái. Nhiều người Nghệ khảng khái. Người khảng khái luôn có khí phách, cứng cỏi, kiên cường, không chịu khuất phục. Người khảng khái luôn bao gồm trung thực, trung thành, tín nghĩa. Người khảng khái cũng hàm chứa sự cao thượng. Có được khảng khái là cơ bản có được văn hóa. Nghệ An có truyền thống khảng khái qua nhiều thế hệ. Giáo dục ý thức giữ gìn truyền thống khảng khái là điều rất cần thiết để giữ gìn bản sắc văn hoá Nghệ An.
Người khảng khái luôn hàm chứa sự dũng cảm, quyết liệt. Nhưng dũng cảm, quyết liệt lại có biên giới mong manh với liều lĩnh, cực đoan. Khi không có giáo dục, gặp lúc manh động thì hậu quả khôn lường, dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Đó cũng là nguyên nhân mà một số người Nghệ gây ấn tượng tiêu cực ở các địa phương khác.
3.2.3. Nhân ái
Tính nhân ái được hình thành từ con đường di truyền và qua con đường giáo dục. Khi có nhân ái thì cách hành xử về cơ bản sẽ có văn hoá. Người Nghệ, do môi trường sống khắc nghiệt mà tiết kiệm đến tằn tiện. Nhưng đối lại tính tiết kiệm, người Nghệ cũng rất hào phóng, rộng lượng. Hào phóng rộng lượng dưỡng sinh tính nhân ái.
Được giáo dục, khảng khái, nhân ái là những nhân tố rường cột quyết định mức độ văn hoá của một con người. Hiếu học, khảng khái và nhân ái là những tính cách nổi bật ở người Nghệ. “Xây dựng con người Nghệ An có văn hóa” là xây dựng con người Nghệ An trí tuệ, khảng khái và nhân ái. Còn có các nhân tố khác trong “xây dựng con người Nghệ An có văn hóa”, nhưng ba điều nêu trên nằm trong nhóm đầu các nhân tố quyết định.
- Xây dựng cơ chế sáng tạo, đầu tư, kinh doanh các loại hình văn hóa
Chiến lược và biện pháp phát triển văn hóa nêu ở phía trên sẽ không đưa đến kết quả mong muốn nếu không có cơ chế vận hành hiệu quả. Nghị quyết số 39-NQ/TW cho phép Nghệ An đệ trình một cơ chế đặc thù để triển khai trong thực tiễn.
Để thực hiện các giải pháp phát triển văn hoá đề xuất nêu trên, trong đó có các “cụm trung tâm văn hóa”, Nghệ An cần có các dự án đầu tư. Muốn có các nhà đầu tư thì phải mời chào với những điều kiện thuận lợi. Bởi thế, Nghệ An phải sớm có cơ chế đặc thù để giải phóng sức sản xuất trong tỉnh và kéo vốn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa từ trong và ngoài nước. Với lĩnh vực văn hoá rất cần có cơ chế đặc thù.
Ví như, cần có cơ chế ưu đãi cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thể thao, bao gồm cả công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh, mỹ thuật, triển lãm, du lịch văn hóa… Nói đến ưu đãi là nói đến nguồn vay tài chính, thuế, đất đai và các thành tố liên quan. Song song là các thủ tục khoa học, đơn giản, thông thoáng. Điều này rất qua trọng đối với các nhà đầu tư.
Để đầu tư xây dựng các “cụm trung tâm văn hóa” nói riêng và trong lĩnh vực văn hóa nói chung, cần các hình thức đầu tư sau đây theo nguồn tài chính: (1) – Dự án nhà nước đầu tư (nguồn tài chính từ nhà nước); (2) – Dự án nhà nước và tư nhân cùng đầu tư (nguồn tài chính từ nhà nước và từ tư nhân); (3) – Dự án tư nhân (nguồn tài chính từ tư nhân); (4) – Dự án nước ngoài và liên danh với nước ngoài (nguồn tài chính nước ngoài, nguồn tài chính nước ngoài và trong nước).
Từ đó để thấy các hình thức đầu tư trong lĩnh vực văn hóa cũng rộng rãi như trong kinh tế. Nhưng có sự khác biệt từ tính đặc thù mà dẫn đến sự điều chỉnh ở cơ chế ưu đãi.
- Phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An: không ngoại lệ, nhưng khác biệt và nổi trội
Phát biểu trước các sĩ quan mới tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point danh tiếng của Hoa Kỳ năm 2014, Tổng thống Obama nói: “Tôi tin tưởng vào chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ bằng từng thớ thịt của con người mình”[2]. Không phải Tổng thống Obama là người đầu tiên nói về sự ngoại lệ của Mỹ mà chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ đã có từ hơn cả thế kỷ trước đó[3].
Không biết tự hào về truyền thống quê hương, không biết nâng niu những đặc tính di truyền quý báu của tổ tiên truyền cho, thì sẽ không làm nên được những điều khác biệt nổi trội. Người Nghệ An không phải là ngoại lệ. Nhưng người Nghệ An khác biệt. Khác biệt về môi trường sống. Khác biệt về truyền thống. Khác biệt về các đặc tính di truyền của tổ tiên để lại. Văn hóa là con người. Người như thế nào thì văn hóa như thế đấy. Người Nghệ An không ngoại lệ nhưng khác biệt và nổi trội. Phát triển văn hóa Nghệ An không ngoại lệ, nhưng khác biệt và nổi trội.
Thực tiễn cho thấy, đầu vào tốt, cơ chế vận hành tốt, thì sản phẩm đầu ra sẽ tốt. Nghệ An tiềm tàng năng lực đầu vào. Đó là con người xứ Nghệ nổi danh với nhiều truyền thống. Chỉ cần có một cơ chế vận hành tốt, thì một tương lai rạng rỡ sẽ đến với Nghệ An.
NGUYỄN NGỌC CHU(*)
Tài liệu tham khảo
(*): TS Toán học, cựu cán bộ Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Trường Đại học Công nghệ Đông Á.
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-39-NQ-TW-2023-xay-dung-va-phat-trien-tinh-Nghe-An-den-2030-tam-nhin-den-2045-574589.aspx
[2] https://www.pbs.org/newshour/politics/west-point-commencement-obama-touts-u-s-foreign-policy-urges-restraint
[3] https://en.wikipedia.org/wiki/American_exceptionalism#:~:text=American%20exceptionalism%20is%20the%20belief,exemplary%20compared%20to%20other%20nations.