Mấy mươi ngày sau khi trở về từ chuyến đi thực tế cùng các nhà văn của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An lên Quế Phong, cảm giác bâng khuâng, bận bịu, nửa say mê đắm đuối, nửa thấp thỏm dứt day như người mắc nợ vẫn khắc khoải trong tôi, giục tôi mở máy tính. Gần như ngay lập tức, tôi thấy mình đứng giữa lòng con suối Huổi Đán, nghe dòng mát lạnh vỗ về đôi chân và ngẩng mặt đón làn gió núi. Tôi chợt nhận ra, mình đã phải lòng con suối của đất trời nơi đây từ lúc nào.

Từ lâu, hai tiếng Quế Phong luôn gợi trong tôi cảm giác về một vùng đất xa xôi, hẻo lánh. Và giờ đây, ngồi trên chuyến xe mơ ước, tôi háo hức ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường, những ngôi nhà kiểu dáng quen thuộc thưa dần, rừng cây, ngọn đồi, dòng suối nối tiếp nhau hiện ra trước mắt. Con đường mỗi lúc một quanh co, men theo dòng suối hay ôm lấy sườn đồi mà uốn lượn. Màu xanh rừng núi hòa với sắc mây trời phần nào xoa dịu cái nắng chói chang của trưa tháng 6. Những cái tên mới mẻ cũng được các anh chị em trong đoàn nhắc nhỏm luôn: ngã ba Săng Lẻ, Phú Phương, Thông Thụ, Pú Bài, Hạnh Dịch, Kim Sơn, Tri Lễ, Pà Khốm,…

Cảnh sắc mảnh đất Quế Phong. Ảnh: Phan Tất Lành

Xe sang đến đất Quế Phong, lữ khách gặp những cọn nước chậm rãi quay, đưa nước lên cho cánh đồng dọc thung lũng. Yên bình quá đỗi! Tôi nghĩ đến những người con Quế Phong phiêu dạt nơi đất khách, một ngày trở về, ánh mắt dõi tìm cọn nước quê nhà, lòng dịu như một người miền xuôi lặng đứng trước bến đò thuở ấu thơ sau bao tháng năm lưu lạc xứ người. Nếu từng nghe kể về tính khí thất thường của sông suối vùng cao, hẳn con suối nơi cửa ngõ Quế Phong sẽ khiến không ít du khách ngạc nhiên. Nó hiền hòa, đằm thắm như một cô gái Thái đã tìm thấy tình yêu, ngày ngày cần mẫn chăm lo cho tổ ấm gia đình, lặng lẽ hiến dâng mình cho ruộng đồng, gò bãi. Tuy nhiên, càng ngược lên phía thượng nguồn, cái cảm giác như đang dự vào trò chơi trốn tìm thú vị của thiên nhiên lại càng rõ nét trong tôi. Có đoạn chỉ cần dừng xe, vén cành lá, men theo lối mòn, dăm bảy bước chân là du khách có thể ùa vào lòng suối. Ngồi trên xe, tôi có thể nhìn thấy cả những hòn cuội náu mình dưới làn nước lấp lóa ánh mặt trời. Tới một quãng dài cả cây số, cố tìm khắp xung quanh tôi cũng chỉ thấy lớp lớp cây rừng, và thỉnh thoảng găp vài nương sắn, nương ngô của đồng bào Thái. Thế rồi, đột ngột tới khúc ngoặt, tiếng róc rách của dòng suối nghịch ngợm lại ùa tới, ngoài ô cửa kính loang loáng mặt nước. Tiếng suối reo vui như bảo: mình ở đây cơ! Đám dứa dại, cây bụi bên bờ như vào hùa với nhau để giấu đi khuôn mặt phấn khích của đá tảng, đá hòn lổm nhổm, lăn lóc trong lòng suối. Cảm giác thật thú vị!

Trên hành trình khám phá vẻ đẹp kì vĩ của non nước miền Tây, thác Bảy Tầng là một điểm dừng chân không thể thiếu. Thác dài khoảng 7km, thuộc bản Hủa Mương, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Dưới góc nhìn lãng mạn của một lữ khách đa tình, Bảy Tầng chính là quãng thanh xuân rực rỡ của dòng Huổi Đán – cô sơn nữ xinh đẹp và cá tính của miền biên ải xa xôi. Tự ý thức được sức hấp dẫn của mình, cô gái đẹp giấu thân thật kĩ nơi rừng núi hoang vu hiểm trở, kiên nhẫn chờ người tri kỉ. Lời đồn đại về tiếng hát mê hồn và thân hình gợi cảm của nàng đã khiến bao người phải lặn lội tìm đến tận nơi để được thưởng lãm. Từ xa, tiếng nước thác dội vào vách đá như ngân lên nỗi nhớ thương tha thiết của một trái tim vừa cháy bỏng khát khao vừa kiêu kì, khinh bạc. Tiếng hát xuyên qua những tán cây rừng, vượt qua những ngọn đồi trầm mặc, vọng lên đỉnh núi ngàn năm mây phủ để càng thêm huyền hoặc, bí ẩn và quyến rũ lòng người. Tiếng hát cô sơn nữ giục giã bước chân du khách băng qua những thửa ruộng bậc thang ửng vàng, ngắm vội nếp nhà sàn bạc màu khiêm nhường trong khoảnh vườn xanh mướt cỏ tranh, cỏ gà, cỏ mật của đồng bào Thái rồi vội vã đổ xuống một con dốc dài. Khi sắc xanh mươn mướt dịu êm của tầng tầng lớp lớp cây rừng dâng đầy trong đôi mắt, mùi hương trinh nguyên chưng cất từ cỏ hoa hoang dại len trong gió núi quyện vào từng thớ vải, du khách khựng lại ngỡ ngàng trước một dòng nước xanh mát uốn lượn giữa hai vách đá cao sừng sững. Chẳng biết thiên nhiên vô tình hay hữu ý khi sắp xếp những tảng đá to nhỏ tạo thành những cái bồn tắm tự nhiên giữa đất trời. Ngâm mình dưới làn nước trong văn vắt, du khách thấy mình trở thành bậc đế vương được mĩ nhân Huổi Đán ấp iu chăm chút. Làn nước xanh trong nhẹ nhàng gột rửa, cuốn trôi bụi bặm chốn phồn hoa, đưa ta về với niềm hạnh phúc tinh khôi thuở ban đầu.

Ở ngay dưới đoạn lòng thác rộng nhất, một cái cầu trượt thiên tạo như gọi mời, như thách thức. Nào chàng trai, ơi cô gái! Hãy đến đây và chứng tỏ lòng dũng cảm và khát khao chinh phục của tuổi đôi mươi! Không chút ngại ngần, bạn trẻ bước chân lên tảng đá khổng lồ được dòng nước mài mòn từ triệu năm trước, ngồi xuống, khẽ nghiêng mình. Vèo! Bùm! Bọt trắng tung lên hòa với tiếng cười rộn rã vọng vào vách đá. Yêu sao tuổi thanh xuân của đất của người ở nơi mây núi cũng biết yêu nhau.

Thác Bảy Tầng. Ảnh: Phan Tất Lành

Trước người gái đẹp Bảy Tầng, tôi thầm ước mình có đôi cánh bay lên để chiêm ngưỡng trọn vẹn dung nhan của nàng từ trên cao. Hẳn một người nghệ sĩ nào đó đã nhiều lần xuôi ngược thác để thuộc từng quãng, từng chặng của Bảy Tầng và hiểu hết những bí mật cất giấu ở từng hốc đá, từng mạch ngầm của dòng Huổi Đán. Bằng cả tâm hồn hào hoa đa tình, người ấy đã chọn cho con thác một cái tên thật đặc biệt, chân chất mộc mạc như tâm hồn thuần phác đôn hậu của người Thái nhưng cũng thật gợi hình, gợi cảm, mê đắm lòng người. Cái tên Bảy Tầng đã phác họa bức chân dung nàng suối với bộ xiêm y lộng lẫy, kiêu sa được đan dệt bằng muôn ngàn tia nước tinh khôi, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Mùa xuân, khi núi rừng sáng bừng lên muôn màu hoa dại, bảy tầng trắng xóa còn được cài những cánh hoa rừng xinh xắn. Mái tóc thanh xuân của nàng được ủ trong hương thơm của trăm thứ hoa rừng, bí ẩn và muôn phần quyến rũ… Chợt thấy ghen tị với niềm hạnh phúc của người dân nơi đây! Họ có Huổi Đán, họ ở cạnh Bảy Tầng. Ngày ngày họ được nghe tiếng nàng, chiều chiều họ được ùa vào lòng nàng mà ngơi nghỉ. Đêm đến, ánh trăng lấp lóa khiến Huổi Đán càng thêm lung linh, huyền ảo. Một khát khao trỗi dậy, nhoi nhói trong lòng du khách, ước gì mình có được một quãng suối như thế! Phải chăng Huổi Đán đã đánh thức trong ta niềm yêu da diết với núi sông hoa cỏ ngỡ đã lãng quên trong tấp nập người xe chốn thị thành?

Đặt đôi chân trần lên phiến đá ngàn năm trong lòng suối, ta như nghe thấy đâu đây bước chân mẹ Âu Cơ dẫn đàn con lên rừng mở làng lập bản thuở sơ khai. Buổi sáng nào đó tự ngàn xưa, một ông bố, bà mẹ người Thái đã địu những đứa trẻ của mình băng rừng lội qua bao con suối, tìm nơi dựng một nếp nhà sàn. Dòng Huổi Đán níu chân họ. Những mái nhà thẫm màu gỗ pơmu lần lượt được cất lên dọc bờ suối, hàng ngày bình thản lắng nghe khúc hát của núi rừng. Trên thửa ruộng bậc thang, bông lúa nghiêng mình soi vào lòng suối mà ruộm vàng no ấm cả sườn đồi,… Tiếng trẻ con cười nói, tiếng lợn tiếng gà, tiếng giã gạo, tiếng sáo đã hòa vào tiếng suối để tạo nên bản giao hưởng yên bình của cuộc sống nơi biên cương tổ quốc.

Một lần đến với Quế Phong, tôi và hẳn là cả bạn nữa, đều phải lòng Huổi Đán, say mê con thác mạnh mẽ mà rất đỗi dịu dàng của miền Tây xứ Nghệ. Mối duyên tình đặc biệt ấy giúp ta càng thêm trân quý khởi nguồn của những dòng sông, của sự sống, của làng bản quê hương.

Hà Nguyễn