Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng 1/8/1930-1/8/2020

Trước khi về công tác ở Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, tôi đã có trên 10 năm dạy học ở huyện miền núi rẻo cao Tương Dương, 14 năm ở Ban Tuyên giáo Thành ủy Vinh. 14 năm đảm trách công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền văn hóa văn nghệ, tôi có nhiều những kỷ niệm khó quên, cũng như thấu tỏ được tấm lòng của anh chị em văn nghệ sĩ đối với đất nước, quê hương…
  Cách đây cũng đã gần 30 năm, tôi nhớ như in đốm thuốc lá cháy khét tận đầu lọc trên tay nhà thơ Thạch Quỳ khi anh ngồi cùng tôi với cố nhà văn Đặng Văn Ký trong một quán bia bên đường Lê Mao, thành phố Vinh say sưa đọc bài thơ “Tự khúc mùa Xuân” viết nháp ở mặt sau bao thuốc cò mềm. Có 2 câu thơ cuối khiến tôi thuộc ngay nhưng cứ day dứt với từ “thả”.
Mùa Xuân thả sắc hồng trong xác pháo
Tôi còn thơ tôi thả với mùa Muân…
Tôi gợi ý thay từ “nở”, Thạch Quỳ gật gật rồi im lặng, còn anh Ký không nói gì. Đêm về suy nghĩ tôi thấy từ “thả” là đắc địa không từ nào có thể hay thế được. Nó không phải buông xuôi, trôi đi mà vấn vương nặng trĩu nỗi niềm ví như cái đinh găm trong ta một cách ấn tượng về sự cống hiến, về mùa Xuân.
Đó là cái bữa chúng tôi ngồi bàn việc làm chương trình thơ (có ghi hình) trên Đài truyền hình Nghệ An và chương trình phát thanh trên Đài tiếng nói Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập Thành phố Vinh và Thành phố Vinh được công nhận là đô thị loại II.

Một buổi Tập huấn nâng cao nghiệp vụ sáng tác văn nghệ của các văn nghệ sỹ tại Đảo chè Thanh Chương, năm 2007. Ảnh: Tư liệu

Công việc bộn bề, thời gian cho chúng tôi chỉ hơn 2 tuần, phải chọn trong hàng trăm bài thơ viết về Vinh để lấy 7; 8 bài ngâm trong thời lượng 30 phút; đi tìm nghệ sĩ thể hiện, mỗi người 1 bài, rồi ghi âm, rồi đi quay các cảnh để minh họa. Ngày đó Đài truyền hình chưa có xe chuyên dụng, anh Thạch Quỳ “ngoại giao” nhờ xe 12 chỗ ngồi của một cơ quan giao thông chở máy móc và các nghệ sĩ đi quay. Chọn nơi có cây cảnh đẹp, leo lên tầng 7 khách sạn Hữu Nghị quay toàn cảnh thành phố; đến bãi cỏ bên cầu Bến Thủy quay cảnh cầu, sông Lam, núi Quyết. Ca sĩ Lệ Thanh phải dừng ngâm mấy bận, chờ có chiếc thuyền chài chạy qua trong cái nắng tháng Tám như đổ lửa, mồ hôi ướt đẫm vai áo tứ thân…
Lo chương trình mướt mồ hôi, lo các thủ tục tiền nong vất vả không kém. Thời gian gấp rút phải khẩn trương mới kịp, song muốn lấy được tiền giải quyết các khâu phải vòng vo tam quốc hết chỗ này đến chỗ khác để có đủ các chữ ký. Kinh tế là vậy, thông cảm lắm nhưng không thể làm ngang, làm tắt được. Tôi chở anh Quỳ, anh Ký trên chiếc Honđa 78 tòng tọc đi đi lại lại mòn đường chết cỏ hết đến phòng Trưởng ban Tuyên giáo Bá Dũng, Phó Chủ tịch văn xã Quỳnh Trang, Trưởng phòng Văn hóa thông tin Bùi Phong lại đến phòng tài chính, kế toán, thủ quỹ…Có lúc phải ngồi chờ cả buổi mới xin được chữ ký. Vậy mà các anh không tỏ vẻ bực dọc, than phiền mà vẫn bình tĩnh, vui vẻ. Nghĩ đến bài thơ “Gạch vụn Thành Vinh” nổi tiếng của anh Thạch Quỳ, những truyện ngắn, bút ký của anh Ký viết về Vinh, tôi biết là các anh yêu thành phố này lắm, gắn bó với Vinh nhiều lắm mới nhiệt tình như vậy, chịu đựng mọi phiền hà như vậy. Cái “sắc hồng” từ trong gạch vụn vẫn ánh lên cùng mùa Xuân, cùng thành phố 30 năm xây dựng và phát triển.

Các văn nghệ sỹ trong đợt Giao lưu VHNT 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, tại Núi Dũng Quyết, TP Vinh. Ảnh: Tư liệu

Chuyện 2 nhà văn “gạo cội” vào cuộc giúp Thành phố kỷ niệm 30 năm thật đáng nhớ, đáng nhớ hơn là chuyện “rơi tranh” của họa sĩ Hoàng Trung – một họa sĩ có tên tuổi trong làng cọ Nghệ An và cả nước – người có tranh được chọn biểu trưng kỷ niệm. Anh Trung cũng nhận trang trí tiền sảnh Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, nơi tổ chức mít tinh kỷ niệm 30 năm Thành phố. Bố con anh cùng mấy người ở Trung tâm thông tin triển lãm trằn ra vẽ áp phích, kẻ khẩu hiệu, treo panô lên mặt tiền Nhà Văn hóa. Khoảng 11 giờ đêm trước ngày mít tinh, tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì nhà bên gọi sang gặp điện thoại (lúc đó tôi còn ở khu tập thể chưa mắc điện thoại) không biết có chuyện gì mà người ta gọi cả đêm thế này. Cầm ống nghe thì ra có người trong Ban tổ chức kỷ niệm bảo tôi đi gặp ông Trung ngay, nói với ông panô bị gió đánh rơi xuống rách hết rồi. Tôi phóng xe lên Nhà Văn hóa Lao động xem sự thể ra sao. Đang định đi gọi thì thấy bố con họa sĩ phóng xe tới. Tấm panô rộng 5 mét bằng vải bố treo cao bị một trận gió lớn bất ngờ quật xuống rách làm đôi. Vậy là 2 bố con họa sĩ rọi đèn pha “cày” cả đêm. Tôi ái ngại nói mấy lời động viên, sẽ đề nghị chị Trang bồi dưỡng thêm, nhưng anh Trung gạt đi: “Chuyện thường thôi mà, không lo, đâu sẽ vào đó, may mà nó rơi sớm chứ sáng mai mới rơi thì nguy…”Anh Trung cũng như anh Ký, anh Quỳ đã bao nhiêu ngày hõm mắt lo việc cho Thành phố mà nói như vậy thật là có tâm và có trách nhiệm.
Rút kinh nghiệm đợt ấy, 5 năm sau (1998), kỷ niệm 210 năm Phượng Hoàng Trung Đô, các ban kỷ niệm được thành lập sớm, kinh phí cũng quy về một mối. Chúng tôi trong Ban Tuyên truyền kỷ niệm có thời gian chuẩn bị bài vở cho các ấn phẩm, có thời gian tổ chức thi sáng tác văn học nghệ thuật để chọn biểu tượng, ca khúc, ra tập sách văn thơ chào mừng.
Cũng như đợt kỷ niệm 30 năm, lần này tấm lòng của văn nghệ sĩ, các nhà báo bè bạn gần xa hướng về Thành phố, quan tâm thấu đáo, động viên chúng tôi say sưa làm việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hội nhạc sĩ cử một đoàn gồm những nhạc sĩ tên tuổi quê ở Vinh, ở Nghệ An hoặc gắn bó với Vinh nhiều năm như Trọng Bằng, Nguyễn Văn Tý, Tân Huyền, Trọng Loan, An Thuyên vào Vinh thâm nhập thực tế sáng tác. Ca khúc “Vinh một ngày nắng” nổi tiếng của nhạc sĩ An Thuyên được đông đảo công chúng yêu thích đón nhận đã ra đời chính trong đợt sáng tác này. Hơn 3 trăm bài thơ và hàng chục bút ký, ghi chép, truyện ngắn của các tác giả trong thành phố, trong tỉnh, cả ngoài thủ đô gửi dự thi đợt vận động. Đặc biệt nhà văn Bùi Hiển, nhà thơ Hoàng Minh Châu gửi vào một tập đầy đặn các bài văn, thơ, trích đoạn tiểu thuyết viết về Vinh, các ông sưu tầm tuyển chọn giúp và chúng tôi đã có được ấn phẩm đầy đặn, có chất lượng.
Các nhà văn, nhà thơ công tác ở Hội Văn nghệ Nghệ An, Tạp chí Sông Lam, Ban vận động mời phối hợp tổ chức giải thưởng đã làm việc không mệt mỏi chuyền tay nhau đọc hàng trăm sáng tác dự thi chọn những bài có chất lượng trao giải. Lãnh đạo thành phố cùng Ban chỉ đạo kỷ niệm quyết định nhân dịp này tặng thưởng cho một số nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh có nhiều sáng tác có giá trị về Vinh.

Nhà thơ Minh Huệ và các văn nghệ sĩ trong buổi Gặp mặt Tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung. Ảnh: Tư liệu

Biết được thông tin về cuộc vận động sáng tác, nhà thơ Minh Huệ đã gửi bài thơ dài “Cỏ cháy thu long lanh” kèm theo 3 trang giấy Bãi Bằng giới thiệu gần 20 tác phẩm thơ văn của ông viết về Vinh. Và, ông là một trong số tác giả có nhiều sáng tác có giá trị đóng góp cho thành phố được tặng thưởng. Hôm trao giải, mưa tháng Tám ngập đường phố, nhà văn Bá Dũng bảo tôi cùng với anh lái xe đánh xe lên khu Quang Trung đón ông. Đến nơi gia đình cho hay ông đã dắt xe đạp đi lâu rồi. Ngồi trong hội trường gác hai cơ quan UBND thành phố, chân ông run lẩy bẩy (ông bị u xơ tiền liệt tuyến đang điều trị), nhà văn Bá Dũng bảo tôi đi mua cho ông đôi tất len dài ống, đi tất vào ông mới hết run. Ông phát biểu trong buổi lễ: “Tôi sinh ra ở Vinh, được giác ngộ cách mạng và trưởng thành trên mảnh đất này. Tôi đã viết hàng chục tác phẩm về thành phố thân yêu của tôi nhưng thấy mình còn mắc nợ Vinh nhiều. Hôm nay được thành phố quan tâm trao giải thưởng cho tôi vào dịp kỷ niệm trọng đại này, tôi xúc động lắm lắm, cảm ơn lắm lắm” – Giọng ông nghẹn lại làm cả phòng lặng đi…
  Nhắc lại một vài kỷ niệm  mà bản thân tôi có may mắn được góp sức vào công tác tuyên truyền văn hóa, văn nghệ để khẳng định rằng thành phố mình được nhiều bạn bè trong đó có những nhà văn hóa lớn, văn nghệ sĩ có tên tuổi đã và đang sống ở Vinh, ở nơi xa quan tâm và sâu nặng nghĩa tình lắm. Phải chăng đó cũng là một tiềm năng không nhỏ về công tác văn hóa tư tưởng giành cho thành phố Vinh, quê hương xứ Nghệ thân yêu hiện tại và tương lai.

Đinh Thanh Quang         
(Bài Đăng trên Tạp chí Sông Lam số 7/2020)