Dường như người Nghệ nào cũng biết đến bài hát “Vinh – thành phố bình minh”. Có thể không thuộc trọn bài nhưng khi đặt chân đến Vinh, hay đi xa trở về tới Vinh mọi người đều tự cất lên trong đáy lòng mình câu hát “Em đón anh về thành Vinh quê em…”

Nhạc sỹ Lê Hàm.

Tác giả ca khúc nổi tiếng nằm lòng người Nghệ “Vinh – thành phố bình minh” là nhạc sĩ Lê Hàm. Ông còn có bút danh La Kỳ An và Lam Hà, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1934, quê xã Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội Tâm lý Giáo dục, nguyên Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực Thanh Nghệ Tĩnh.

Năm 1948, ông là học sinh trường Thiếu sinh quân Liên khu IV. Năm 1951, ông vào Văn công Quân đội Liên khu IV. Năm 1954, chuyển về Phòng Văn hóa Liên khu IV. Năm 1956, ông đi học Khoa Sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam, sau về phụ trách Âm nhạc Đặc khu Giới tuyến Vĩnh Linh. Nhạc sĩ Lê Hàm từng giữ các chức vụ: Trưởng đoàn Chỉ đạo Nghệ thuật Đoàn Văn công Nghệ Tĩnh, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động, Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An.

Ông đã viết hơn 200 ca khúc, tiêu biểu là: “Tiếng hát bất khuất”, “Gái sông La”, “Người mẹ làng Sen”, “Vinh – thành phố bình minh”…

Ông được Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1999, Giải thưởng về công trình nghiên cứu dân ca Nghệ Tĩnh của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1965, Giải thưởng Hồ Xuân Hương năm 1997, Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Nguyễn Du…; là người có công trình khảo cứu Dân ca Hà Tĩnh 2 tập; được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật”, Huy chương Chiến sĩ văn hóa.

Về ca khúc “Vinh – thành phố bình minh”, ông cho biết, năm 1979, sau giải phóng mấy năm, thành phố Vinh vẫn là thành phố đổ nát, hoang tàn bởi chiến tranh và lúc đó Vinh bắt tay xây dựng lại. Vinh còn là quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh, của phong trào cách mạng quật khởi, kiên cường. Cảm hứng thành phố đang xây dựng với một tinh thần, quyết tâm mạnh mẽ như là bình minh của một giai đoạn mới – Thành phố buổi bình minh chợt đến với ông. “Vinh thành phố Bình minh” được ông viết dựa trên chất liệu dân ca xứ Nghệ có nâng cao. Sau khi sáng tác, ca khúc “Vinh – thành phố bình minh” được hát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam với sự thể hiện của danh ca nối tiếng lúc bấy giờ, ca sĩ Kiều Hưng; sau đó là các giọng hát của Phương Nhung, Hồ Quỳnh Hương, Anh Thơ, Trọng Tấn, Việt Hoàn và nhanh chóng được công chúng đón nhận, yêu thích.

Nhạc sỹ Lê Hàm và tác giả – nhà báo Lang Quốc Khánh

Trò chuyện cùng nhạc sĩ Lê Hàm, ông bộc bạch, bản thân ông rất tâm huyết và bỏ nhiều công sức vào việc bảo tồn dân ca ví, giặm xứ Nghệ – di sản văn hóa được Unesco công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Tôi là người say mê nghệ thuật, khi học với các giáo sư âm nhạc chuyên gia Liên Xô, họ luôn nhắc chúng tôi, các bạn học xong luôn nhớ trong người các bạn phải có kho tàng dân ca của vùng đất các bạn sinh ra và lớn lên thì tác phẩm mới có chất lượng. Chính vì thế, suốt quãng đời sáng tác 40 năm, tôi đã dày công sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian xứ Nghệ và công trình đã đạt giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Cuốn “Âm nhạc dân gian xứ Nghệ” tôi viết chung cùng hai nhạc sĩ Hoàng Thọ và Thanh Lưu, gồm có 3 phần: âm nhạc dân gian của người Việt xứ Nghệ, dân ca miền núi và sân khấu hóa; tôi viết phần dân ca cổ. Có một điều rất thú vị trong quá trình sưu tầm nghiên cứu, đến với các nghệ nhân, tôi cảm nhận rất rõ người Nghệ thật ân tình, thật tình nghĩa, và phẩm chất này toát lên đầy yêu thương và trìu mến trong mỗi làn điệu dân ca…” Nhạc sỹ Lê Hàm chia sẻ.

Nhạc sĩ quê Nghệ có bề ngoài vô cùng giản dị, từ ăn mặc, nói năng, đi lại. Ông giữ nhiều chức vụ cao trong ngành văn hóa văn nghệ nhưng luôn sống cởi mở với các văn nghệ sĩ trẻ; với bản chất chân tình, gần gũi, hòa đồng nên ông có rất nhiều bạn vong niên. Khi biết tôi hết nhiệm kì Thường trú VOV từ Lào về, ông và bác sĩ – người thơ Thanh Cảnh đã phóng xe máy đến nhà chơi thăm.

Ông kể, về Hà Tĩnh, thời điểm đế quốc Mỹ gây hấn vịnh Bắc Bộ và bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam, trong những năm chiến tranh ác liệt, vô cùng gian khổ ấy, ông đã cho ra đời ca khúc “Gái sông La”, “Những người chiến sĩ bến Phà”, “Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang”. Những ca khúc của ông, đều được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, góp phần làm nức lòng hậu phương lớn. “Gái sông La” với những lời ca đầy hào khí “Xô viết can trường gái nỏ kém chi trai” là một trong chùm ba ca khúc của ông được vinh dự nhận “Giải thưởng Nhà nước”.

Năm 1970, ông xuất bản tuyển tập dân ca xứ Nghệ gồm 30 bài hò, ví, giặm và cũng là những tiết mục quen thuộc của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh dàn dựng biểu diễn thời đó.

Thành Vinh hôm nay. Ảnh: Sách Nguyễn

Ca khúc “Vinh, thành phố bình minh” ra đời đã nhanh chóng đi vào lòng người bởi âm hưởng rạo rực, bởi sức gợi về những trang sử bi thương và hào hùng của thành phố, bởi chất trữ tình đằm thắm trong từng lời ca, từng giai điệu quyện thấm vào nhau đã khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào về thành phố Đỏ anh hùng, về quê hương, nguồn cội. Mỗi khi ca khúc được cất lên là lòng người không thôi rạo rực, có một điều gì đó như thúc dục, như hối thúc người nghe phải hành động, phải làm một việc gì đó cho quê hương, cho mảnh đất này. Chính điều đó mà Đài Truyền thanh – Truyền hình thành phố Vinh đã lấy ca khúc này làm nhạc hiệu của Đài suốt mấy chục năm lại nay. Nhờ đó bản sắc Đài Vinh không lẫn vào đâu được, rất Vinh và cũng rất xứ Nghệ.

Tôi còn ấn tượng với nhạc sĩ Lê Hàm về ca khúc “Người mẹ Làng Sen”, với những ca từ mộc mạc, ý thơ dung dị nhưng toát lên giá trị cao cả của một người mẹ đã sinh ra một người con vĩ đại – Hồ Chí Minh: “Mẹ lặng lẽ giữa cuộc đời như thế/ Tấm vai gầy gánh nặng đường trơn /Người mẹ ấy sinh con trong trời đêm/ Giữa bùn đen mà hoa sen thắm nở… Mẹ làng Sen, Mẹ Việt Nam đã cho đời người con quang vinh…”. Ca khúc này cũng trở thành hồn cốt của các Lễ hội Làng Sen hàng năm của trên xứ Nghệ.

Đến nay nhạc sĩ Lê Hàm đã sáng tác hơn 200 ca khúc và tên tuổi của ông luôn gắn với thành Vinh quê hương. “Vinh, thành phố bình minh”, ca khúc lại được vang lên trong dịp kỉ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô trong tình yêu và niềmtự hào của những người con thành Vinh và những người yêu Vinh.

Lang Quốc Khánh