Nhạc sĩ Lê Hàm quê ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Là một nhạc sĩ được đào tạo bài bản (Lê Hàm tốt nghiệp Khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam – nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ những năm năm mươi của thế kỷ XX) nên ngôn ngữ âm nhạc trong các sáng tác của ông giàu chất trữ tình, kết hợp với kỹ thuật sáng tác tốt đã tạo nên những giai điệu ngọt ngào, tươi mới, có tính thẩm mĩ cao.

Nhạc sỹ Lê Hàm và nhà văn Bùi Ngọc – Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An.

Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Lê Hàm còn dành nhiều tâm huyết đối với việc bảo tồn, trao truyền, phát huy những làn điệu dân ca, nhất là dân ca Ví – Giặm xứ Nghệ. Tâm huyết ấy được thể hiện qua nhiều bài báo, tham luận, nghiên cứu về dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh. Thế nhưng, trong các sáng tác của mình, nhạc sĩ Lê Hàm ít sử dụng chất liệu Ví, Giặm mà những tác phẩm của ông lại mang phong cách hiện đại, tươi mới hơn. Giải thích về điều này, Lê Hàm cho biết: “Ví, Giặm Nghệ – Tĩnh dẫu hay, đặc sắc, nhưng nếu nghe nhiều sẽ thấy đơn điệu. Nếu người sáng tác quá nệ vào âm điệu này mà không phát triển đi xa thì sẽ luẩn quẩn với cái cũ khiến cho tác phẩm bị hạn chế, không thỏa mãn được người nghe”.

Với một người nghệ sĩ, có được một tác phẩm định hình trong lòng công chúng là một thành công. Với nhạc sĩ Lê Hàm, ông không những có một mà rất nhiều tác phẩm sống trong lòng người yêu âm nhạc. Ngoài Vinh – thành phố bình minh (trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh Thành phố Vinh), ca khúc mà hầu hết những người Vinh đều có thể hát theo khi nhạc bài hát cất lên, nhạc sĩ Lê Hàm còn có các tác phẩm nổi tiếng khác, được công chúng đón nhận. Đó là: Người mẹ Làng Sen, Gái sông La, Yêu sao cô giáo vùng cao, Về Làng Sen, Yêu lắm một miền quê,… Với hơn 70 năm theo đuổi nghiệp sáng tác (những sáng tác đầu tiên vào những năm 1949, khi Lê Hàm đang là học sinh của Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4), nhạc sĩ Lê Hàm xứng đáng với tên gọi “cây đại thụ của nền âm nhạc xứ Nghệ”.

Nay, ông đã gần tuổi 90, tuy sức khỏe không còn được như trước, chứng bệnh tuổi già đã làm ông mệt mỏi hơn, nhưng tinh thần ông vẫn tràn trề sự hứng khởi khi nói về âm nhạc. Quả thực, với Lê Hàm, âm nhạc đã ăn sâu trong tâm trí, trở thành một tình yêu bền bỉ và thủy chung!

Năm 2022 vừa qua, nhạc sĩ Lê Hàm vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước với chùm 3 tác phẩm âm nhạc: Người mẹ Làng Sen, Gái sông La, Việt Nam trong trái tim ta.

Nhằm tri ân những đóng góp của nhạc sĩ Lê Hàm trong sự nghiệp âm nhạc của xứ Nghệ, năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã đặt hàng cuốn sách Nhạc sĩ Lê Hàm – ca khúc tuyển chọn do Nhà xuất bản Nghệ An xuất bản và phát hành.

Bìa cuốn sách Nhạc sỹ Lê Hàm – Ca khúc tuyển chọn (Nhà xuất bản Nghệ An phát hành)

Cuốn sách gồm 144 bản nhạc và 23 bài viết được chia làm 7 phần, trong đó 5 phần đầu là các sáng tác của nhạc sĩ Lê Hàm, được chia theo từng giai đoạn sáng tác. 2 phần còn lại là các bài viết, bài báo Lê Hàm viết và viết về Lê Hàm.

Phần I: Từ năm 1949 đến 1959
Phần II: Từ năm 1959 đến 1964
Phần III: Từ năm 1964 đến 1974
Phần IV: Từ năm 1974 đến 2022
Phần V: Nhạc không lời và hợp xướng
Phần VI: Lê Hàm viết
Phần VII: Viết về Lê Hàm

Mong rằng, cuốn sách không chỉ là một “cuốn tổng tập” về cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Lê Hàm mà hơn thế nữa, nó sẽ góp phần quảng bá, lan tỏa những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng về đất và người xứ Nghệ.

Phạm Ngọc Chi