Đình Trụ Pháp là một công trình kiến trúc cổ, có lịch sử xây dựng đã hơn 300 năm. Tên đình được gọi theo tên làng Trụ Pháp vào thời điểm xây dựng đình. Đình còn có tên gọi là đình Tràng Kè (được gọi theo tên gọi nguyên xưa của làng Trụ Pháp là làng Tràng Kè), đình Trung (tên gọi theo vị trí của đình ở trung tâm của làng Trụ Pháp). Vị trí của đình hiện nay thuộc xóm Đình, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành. Đây là điểm đặt chân đến đầu tiên của ba vị triệu tổ họ Nguyễn Công, họ Nguyễn Văn và họ Phạm.

Đình Trụ Pháp qua năm tháng lịch sử cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng ban đầu. Ảnh: Phan Tất Lành

Đình Trụ Pháp hiện nay nằm cạnh ngã ba của đường liên thôn, cổng đình mở về hướng nam. Xung quanh di tích đều là khu vực dân cư sinh sống. Bên cạnh còn có cánh đồng lúa xanh tươi tạo không gian thoáng đãng. Đặc biệt, ngay bên trái cổng đình, giữa ngã ba đường liên thôn có một cây đa cổ thụ (được công nhận là cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam năm 2016), vừa tạo thêm vẻ đẹp cổ kính cho cảnh quan của ngôi đình vừa gợi nhớ đến những hình ảnh quen thuộc gắn với đặc trưng làng quê Việt Nam. Dân làng kể lại, trước đây bên cạnh đình còn có một cây trôi là chứng tích lịch sử, nơi dân làng Trụ Pháp cắm cờ cách mạng trong phong trào đấu tranh 1930 -1931, nhưng sau này do thiên tai, cây bị đổ. Ngày nay, tại vị trí cây trôi lịch sử đã mọc lên một cây mới, ngày càng to lớn như là một sự tiếp nối truyền thống lịch sử của quê hương của làng.

Cây đa cổ thụ và quang cảnh xung quanh đình Trụ Pháp. Ảnh: Phan Tất Lành

Theo các tư liệu lịch sử và lời kể của các cụ cao niên trong làng thì đình Trụ Pháp được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Thời kỳ này đình mới được dựng bằng gỗ và mái lợp tranh săng khá đơn giản. Đình đứng chân ở vùng đất cao ráo, trung tâm của làng Trụ Pháp và có cảnh quan đẹp, gần khu dân cư, thuận lợi cho việc tụ họp dân cư. Năm Quý Mão 1903 (năm Thành Thái thứ 15), đình được kiến thiết lại to đẹp hơn, khung đình làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch. Năm Giáp Thìn 1904, việc xây dựng đình được hoàn thành. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến nay, đình làng Trụ Pháp cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng.

Đình Trụ Pháp có quy mô tương đối lớn, tuy không lớn như đình Sừng, đình Hậu nhưng kiến trúc, phân bố gian khá hợp lý cho việc tụ họp hàng trăm người khi có nhu cầu hội họp, tế thần. Đình là công trình kiến trúc cổ với 3 gian, 2 hồi theo kiểu dáng “tiền đao, hậu đốc”, gồm có hệ thống cột cùng các xà, hạ, kẻ làm trụ đỡ, được làm bằng chất liệu gỗ lim, kết cấu theo kiến trúc thời Nguyễn. Bộ khung của đình gồm có 4 bộ vì chính. Ở vì kèo thứ 3 (từ ngoài vào, giáp vì kèo phía bắc), trên câu đầu có khắc dòng chữ ghi rõ năm khởi công tôn tạo đình: “Quý Mão niên trọng đông nguyệt lương nhật tu tạo” (Tôn tạo vào ngày tốt giữa mùa đông năm Quý Mão). Ở vì kèo thứ 2 (từ ngoài vào, giáp vì kèo phía nam), trên câu đầu có khắc dòng chữ Hán để xác định, ghi nhớ mốc thời gian hoàn thành xây dựng đình: “Giáp Thìn niên mạnh xuân nguyệt cát nhật lạc thành” (Hoàn thành vào ngày tốt giữa mùa xuân năm Giáp Thìn).

Phần thưng trang trí ở giữa của vì kèo cuối cùng, từ nóc xuống đến tận mặt nền được trang trí đẹp, công phu. Ảnh: Lê Nhung

Vì kèo cuối cùng, toàn bộ được thưng ván, chia thành các ô, đố, chạm khắc, sơn thếp, trang trí hoa văn để tạo thành mặt tiền của không gian thờ. Nách bên phải và bên trái, phía dưới được thưng khép, đóng mở bằng cửa ván để đi vào gian thờ. Phần thưng trang trí ở giữa, từ vì nóc xuống đến tận mặt nền được trang trí đẹp, công phu. Có thể nói bức ván thưng với kỹ thuật vẽ, chạm khắc công phu, tinh xảo ở vì kèo cuối cùng không chỉ có tác dụng ngăn cách 3 gian ngoài với hậu cung thâm nghiêm, kín đáo phía trong mà còn là một điểm nhấn, tạo nên nét đặc sắc cho nghệ thuật trang trí trên kiến trúc đình Trụ Pháp. Ở phần này còn có các dòng chữ Hán ghép lại thành câu “Cao minh bác hậu du cửu vô cương” với nội dung ca ngợi nhân cách đức độ, trí tuệ sáng suốt, uyên bác trường tồn không giới hạn của những bậc tiền nhân.

Hệ thống cột, kèo làm bằng gỗ lim vững chắc. Ảnh: Phan Tất Lành

Tuy kiểu dáng kiến trúc đình khá đơn giản, hầu hết bào trơn nhưng một số chi tiết ở xà, hạ, ván mê, cửa và hệ mái được trang trí hoa văn đã kế thừa, phát huy được môtip kiến trúc đình làng ở vùng Yên Thành. Có thể nói đình Trụ Pháp là một công trình kiến trúc cổ, nghệ thuật trang trí với những đề tài, hình thức điêu khắc trên gỗ không đặc sắc như đình Hoành Sơn, đình Trung Cần nhưng đình Trụ Pháp lại là một ngôi đình giữ gìn được tương đối nguyên trạng giá trị kiến trúc cổ thời Nguyễn, vừa có quy mô tương đối lớn vừa có sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật trang trí trên vôi vữa và trên gỗ. Vì vậy, di tích vừa có giá trị thưởng ngoạn vừa có giá trị nghiên cứu về kiến trúc, trở thành một hình ảnh tiêu biểu cho giá trị văn hóa vật thể của cả vùng đất Yên Thành.

Sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật trang trí trên vôi vữa và trên gỗ. Ảnh: Phan Tất Lành

Với bề dày lịch sử lịch sử hàng trăm năm, di tích đình Trụ Pháp đã gắn bó chặt chẽ với truyền thống văn hóa, đấu tranh cách mạng của địa phương và dân tộc, trở thành chứng tích của biết bao sự kiện, biến đổi lịch sử. Di tích là một công trình văn hóa tâm linh của Nhân dân làng Trụ Pháp. Theo các tư liệu lịch sử như “Địa chí lịch sử xã Mỹ Thành”, gia phả của các dòng họ Phạm, Nguyễn Công, Nguyễn Văn ở làng Trụ Pháp và căn cứ tín ngưỡng thờ phụng ở đình hiện nay, đình được xây dựng để thờ thần Cao Sơn, Cao Các, các vị thành hoàng làng – những người có công khai canh, lập nên làng Trụ Pháp. Đình là một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của Nhân dân làng Trụ Pháp trải qua nhiều thế kỷ.

Đình Trụ Pháp còn là một chứng tích, là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ phong trào Cần Vương chống Pháp, đình làng Trụ Pháp là một địa điểm để hội họp, gặp gỡ, tập trung lực lượng của những người tham gia khởi nghĩa. Vùng đất Mỹ Thành cũng là một vùng rừng núi, địa hình tương đối hiểm trở nên trong thời kỳ này, đây là một điểm trú quân của nhiều nghĩa quân Cần Vương, đặc biệt là lực lượng của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã. Cụ Phan Đình Phùng, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Hương Khê trên đường ra Nghệ An để liên kết lực lượng với nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn đã chọn đình Trụ Pháp là địa điểm trú chân trong chuyến đi này.

Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đình là nơi treo cờ Đảng và tập hợp quần chúng chuẩn bị tiến lên huyện lỵ biểu tình, đấu tranh giành chính quyền. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đình là nơi diễn ra các cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Thành, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành lần thứ III vào tháng 9/1948 và là nơi đóng quân, trú quân của đơn vị Pháo cáo xạ 37, Trung đoàn 57 để bảo vệ đường 7, một tuyến đường quan trọng góp phần chi viện cho kháng chiến… Ngoài ra, theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, cũng trong những năm 60 của thế kỷ XX, khi Trường Quân y của Quân khu IV về sơ tán tại xã Mỹ Thành, đình Trụ Pháp còn được chọn làm nơi tổ chức các lớp học y tế, đào tạo y tá của trường. Sau chiến tranh, đình được sử dụng làm nhà kho của hợp tác xã…

Trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám, những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, qua những biến thiên của lịch sử và thời cuộc nên gần như các hiện vật, đồ tế khí, sắc phong của đình bị hư hỏng, thất tán gần hết, tuy nhiên, kiến trúc đình có từ thời Nguyễn vẫn được bảo vệ tương đối nguyên trạng. Năm 2003, UBND xã Mỹ Thành đã đầu tư kinh phí và huy động nguồn công đức từ Nhân dân để tu sửa lại di tích, xây lại cổng, hàng rào, tắc môn; gia cố lại khung nhà, đảo lại ngói, sơn một số chi tiết trang trí kiến trúc, bổ sung thêm đố tế khí để di tích có được hiện trạng như hiện nay.

Đình Trụ Pháp là một trong các thiết chế ở làng xã theo truyền thống của người Việt Nam. Đây vừa là nơi để tổ chức hội họp, bàn bạc việc làng vừa là một nơi sinh hoạt văn hóa của làng như tổ chức lễ khao vọng, yết lão, lễ hội, đặc biệt là một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân làng Trụ Pháp khi xưa.

Bàn thờ phía trong thờ thần Cao Sơn, Cao Các và các thần khai canh lập làng. Ảnh: Phan Tất Lành
Bàn thờ ở gian thứ 3 (từ ngoài vào), sát với ván thưng ngăn cách. Ảnh: Lê Nhung

Thờ cúng thành hoàng là một sinh hoạt văn hóa tâm linh thường xuyên ở đình Trụ Pháp. Vào các ngày giỗ của các vị thành hoàng, làng đều tổ chức các nghi thức cúng tế đầy đủ, chu đáo. Trước đây, vào ngày mồng 7 tháng Giêng ở đình còn có tiến hành lễ Khai hạ, lễ mở đầu năm mới, được xem như một nghi lễ quan trọng đầu năm của nhà nông. Lễ thường kéo dài một ngày rưỡi tại đình làng với đầy đủ các nghi thức, gồm lễ mộc dục và lễ yết cáo vào chiều và tối mồng 6, chính lễ vào sáng mồng 7. Vật tế thần gồm có xôi, thịt lợn, thịt bò. Nhiều năm làng mổ bò để tế thần. Vào dịp rằm tháng Bảy, tại sân đình làng cũng có tổ chức lễ Trung nguyên để xá tội vong nhân.

Lễ hội xưa ở đình Trụ Pháp cũng rất náo nức, lịch lễ là ngày mồng 4 tháng Giêng. “Ngày lễ làng treo 4 cây cờ đại, nhiều cờ xéo trước đình. Để tiến hành lễ, làng tổ chức tắm tượng thần, mặc áo cho thần sau đó rước thần từ đền đệ Nhất, đệ Nhị, đệ Tam… về đình. Sau lễ cúng, ngày mồng 6 tháng Giêng, làng lại rước thần từ đình về các đền. Khi rước có 4 ông lính đi trước cầm gươm, cờ, có kiệu cống, ngựa gỗ kéo đi, có sáo nhị và đông đảo các tầng lớp nhân dân” (Đình làng Nghệ An với lễ hội dân gian, Phan Xuân Thành, NXB Nghệ An, 2011). Cũng trong lễ hội, làng tổ chức hát ca trù ở đình, người trình diễn vừa diễn cho quan viên, chức sắc, dân làng, vừa để cho các đấng thần linh, nhất là thần hoàng trong làng nghe.

Mặc dù nhiều hoạt động ngày nay không còn được duy trì tại đình nhưng vào các ngày sóc, vọng hàng tháng, bà con trong vùng vẫn về đây thắp hương, dâng lễ, cầu mong thần linh phù hộ cho họ được hưởng những điều tốt đẹp. Hay vào các ngày giỗ tổ của họ Nguyễn Công, họ Nguyễn Văn, họ Phạm, đại diện các dòng họ cũng tập trung về đình để dâng hương cho triệu tổ của dòng họ mình. Trải qua nhiều biến động xã hội, đình Trụ Pháp vẫn là một thiết chế có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng, lưu giữ giá trị văn hóa làng và gắn kết cộng đồng. Đình Trụ Pháp được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 13/2/2015.

Đình Trụ Pháp được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia  ngày 13/2/2015. Ảnh: Phan Tất Lành

Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, Mỹ Thành là vùng đất giàu truyền thống văn hóa – cách mạng, được ghi dấu bởi rất nhiều di tích lịch sử văn hóa như: nhà thờ họ Nguyễn Hữu, Văn Thánh, nhà thờ họ Nguyễn Công – di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh; nhà thờ Nguyễn Vĩnh Lộc và địa điểm xử bắn 72 chiến sĩ cộng sản trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931- hai di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Bởi vậy, trong thời gian tới, xã cũng đang có hướng tạo dựng một chuỗi liên kết các di tích với nhau để phát huy hơn nữa giá trị các thiết chế văn hóa địa phương.

Và chúng tôi cũng mong và tin một điều rằng, đình làng cũng như các di tích nơi đây sẽ luôn song hành cùng dòng chảy lịch sử quê hương không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà cho đến mãi mai sau.

Lê Nhung