Số 4, tháng Tư, Tạp chí Sông Lam hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều bài viết hấp dẫn, là món quà ý nghĩa mừng Ngày Thống nhất Đất nước.

Tranh bìa: Hoa loa kèn của Nguyễn Quang Thiều

  Những vấn đề thời sự nóng, những suy ngẫm về thế sự được viết một cách sắc sảo, thuyết phục trong chuyên mục Thời luận bởi cây bút quen thuộc Nguyễn Khắc An (Sức mạnh của sự đồng lòng). Chuyên mục với 2 bài viết rất đặc biệt của 2 tác giả: Nhà thơ Phạm Quốc Ca viết về chính quê hương Diễn Châu của mình và nhà văn xứ Đoài Hà Nguyên Huyến với điệp trùng ký ức về những tháng năm xưa xa qua thân phận những con người ở làng cổ Mông Phụ xã Đường Lâm, trong đó nổi bật là thân phận người phụ nữ trong chiến tranh.
Chắc chắn chuyên mục “Truyện ngắn” sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều dư vị. Các tác giả Phan Chi với “Nụ hôn đầu”, Hồ Ngọc Quang với “Đêm miền rừng chỉ nghe tiếng gió” và Hữu Phương với “Ở thị trấn cửa sông” đều lấp lánh những câu chuyện đời đầy nhân văn và đẹp đẽ.  Là nhân cách của những anh lính cụ Hồ, là tình bạn, tình thầy trò, tình yêu… hòa quyện trong những cách viết giản dị và tinh tế.
Các tác giả Thơ lần này khá phong phú: Nguyễn Trường Thọ, Vương Cường, Thái Tâm, Cao Xuân Thưởng, Đàm Chu Văn, Đặng Phi Khanh, Đặng Thiên Sơn, Hồ Mậu Thanh, Đoàn Xuân Hòa, Mai Nam Thắng, Đinh Tiến Hải, Nguyễn Chí Diễn, Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Đình Tâm, Nguyễn Hùng Vỹ, Nguyễn Hữu Quyền, Phạm Quang Trung, Phan Tình, Trần Xuân Trường, Phương Việt, Nguyễn Việt Anh, Văn Quyền, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Quỳnh Anh, Trần Hồng Giang, Trương Thiếu Huyền… Nhiều tác giả là các nhà thơ lớn, nhưng cũng có những tác giả lần đầu xuất hiện trên Sông Lam. Đáng chú ý là những bài thơ viết cho Ngày Thống nhất, đặc biệt Tạp chí giới thiệu 1 bài thơ của nhà thơ Hoàng Trần Cương (nhà thơ lớn của xứ Nghệ vừa qua đời), cùng với đó là bài thơ viết để tưởng nhớ ông của nhà thơ Lê Huy Mậu.
Bên cạnh đó, Tạp chí cũng xin giới thiệu 2 bài thơ viết về dịch bệnh Covid 19, một chủ đề rất thời sự mà được viết rất khéo léo của 2 tác giả: Lê Quốc Hán và Đinh Hạ.
“Tản Đà với khối tình con xứ Nghệ” là một bài nghiên cứu công phu, với nhiều tư liệu quý hiếm của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần trong chuyên mục “Đất và người xứ Nghệ”. Chuyên mục này cũng giới thiệu với bạn đọc chùm ảnh đẹp về làng nghề xứ Nghệ. Chuyên mục “Các em viết – Viết cho các em”, bạn đọc sẽ gặp lại cây bút thiếu nhi Hồ Huy Sơn của bút nhóm Hoa cát ngày nào. “Ký sự nhân vật” giới thiệu đến bạn đọc chân dung nhà văn Bùi Hiển qua những ký ức của tác giả Nguyên An và qua phác họa của họa sỹ Tạ Tâm.  Mục “Nghiên cứu phê bình” là bài viết của tác giả Tôn Phương Lan “Thử tìm hiểu xu hướng tư liệu trong văn xuôi sau chiến tranh”. “Ông già di gan” là bài thơ dài, được xem là 1 trong 30 bài thơ hay nhất của nền thơ ca Hung ga ri do dịch giả Phạm Trung Dũng dịch và giới thiệu trong chuyên mục Văn học nước ngoài. Mục “Nhân vật và đối thoại” mời bạn đọc gặp lại nhà báo Phùng Nguyên trong cuộc trò chuyện cùng nhà báo – nhà văn Trần Mai Hạnh, người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, là người có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
Tại các chuyên mục khác như Âm nhạc, Tạp chí giới thiệu bản nhạc mới của nhạc sỹ Hồ Thu Trang (chị viết trong chuyến thực tế Vũng Tàu) và 1 sáng tác của nhạc sỹ Cao Lục. Chuyên mục Mỹ thuật giới thiệu tranh và minh họa của các họa sỹ: Đình Truyền, Tạ Tâm, Hồ Thiết Trinh, Trần Minh Châu, Hoàng Hải Thọ, Trần Vinh, Lê Thị Thu Hà, Lê Thị Oanh, Lê Thị Hồng, Trọng Hiệp, Trần Nghiên, Hoàng Minh Phương, Bá Siếu… Đặc biệt có những bức tranh hướng về chủ đề Giải phóng Miền Nam – Thống nhất đất nước.
Tạp chí số tháng 4 có tên các tác giả ảnh: Sách Nguyễn, Văn Song, Hải Vương, Lê Thắng, Chu Trọng Tuấn, Thanh Hải, Trung Kiên, Hồ Chiến, Trần Cảnh Yên, Duy Sơn, Lê Quang Dũng, Trung Hà, Cao Đông, Cảnh Hùng, Quốc Đàn..

Mời các bạn đón đọc!

BBT