Nghệ thuật, bản chất là một cuộc chơi. Điểm khởi đầu và đích đến của nó suy cho cùng là bất vị lợi. Cuộc chơi nào cũng có luật, nhưng may mắn (hay có lẽ cũng là khó khăn) ở chỗ mỗi nghệ sĩ có thể/cần/buộc phải tạo ra luật chơi cho riêng mình. Đấy chính là đặc thù của sáng tạo nghệ thuật, khi người nghệ sĩ chống lại sự nhòe mờ giữa đám đông. Có lẽ chẳng gì in đậm bản sắc cá nhân một cách hiển nhiên, lãng mạn và rực rỡ như tác phẩm nghệ thuật.

Tranh Đào Hải Phong là một thứ mang đầy bản sắc cá nhân như thế. Thứ khiến anh không lẫn giữa đám đông. Và quan trọng hơn, thứ khiến anh thấy được là mình. Như Đào Hải Phong từng nói, con đường đó anh đã đi và chưa từng có ý định dừng lại. Chỉ có điều giờ đây câu hỏi về bản thân (với tư cách là một nghệ sĩ) giờ đây mang dáng dấp của câu trả lời, tức hành trình tìm kiếm và truy vấn bản thân của anh cũng chính là sự trở về với bản thể.

Tranh của Đào Hải Phong

Thành danh từ 30 năm về trước, điều khiến cho người họa sĩ vẫn tiếp tục lãng du trên con đường của mình, như thể đó chính là cuộc sống của anh, như thể không hề có lằn ranh giữa đời và nghệ thuật, đến mức anh nhận thấy hóa ra nó là cuộc hành trình vô thủy vô chung, không có điểm khởi đầu cũng như không có nơi kết thúc, ấy là vì anh đã tìm thấy chính mình. Giống như một cái cây tìm được đúng mảnh đất phù hợp để sống. Theo Đào Hải Phong, mỗi người đều là một cái cây, sẽ sống tốt trên mảnh đất của mình. Dẫu là loài thủy sinh hay cây giữa sa mạc, chỉ cần chọn đúng, những mầm xanh sẽ đâm chồi.

George Bernard Shaw từng bàn về sự sáng tạo: “Bạn nhìn thấy mọi thứ; và bạn nói “Tại sao?”. Còn tôi mơ những điều chưa từng có; và tôi nói “Tại sao không?””. Nghệ thuật cho phép những giấc mơ được tồn tại. Họa sĩ Đào Hải Phong cũng đã vẽ lại giấc mơ của anh bằng sắc màu. Anh nói: “Tôi vẽ cái cây chưa nhìn thấy. Tôi không muốn vẽ cái cây đã nhìn thấy”. Và tranh Đào Hải Phong với những ngôi nhà, lùm cây, góc phố, ngọn đồi, mặt hồ, con thuyền… đã tái hiện không phải những thứ bày ra trước mắt anh như một khung cảnh diễm lệ, mà chính là sự diễm lệ của thứ anh “chưa nhìn thấy”. Đó có thể là sức mạnh của một vị thần anh từng cảm nhận được từ bóng hình cây gạo năm xưa. Có thể là những hình ảnh chập chờn trong giấc mơ của anh và chúng đủ lung linh để biến bức tranh thành một thứ “hiện thực huyền ảo”. Những thứ “chưa nhìn thấy”, những thứ không có thật mới chính là sự bí ẩn diễm lệ mà nghệ thuật kiếm tìm.

Nói tranh Đào Hải Phong như một bài thơ cũng đúng. Đúng với điều mà Leonardo da Vinci từng nói: tranh là bài thơ được nhìn thấy (hơn là được cảm nhận). Những bức tranh của họa sĩ Đào Hải Phong lãng mạn ở đề tài, nên thơ ở những nét tròn mềm mại, ở khung nền phần nhiều là trơn phẳng êm dịu, ở hòa sắc vừa tương phản vừa có sự kết hợp hài hòa tinh tế.

Nói tranh Đào Hải Phong như một giai điệu cũng không sai. Âm nhạc dường như lúc nào cũng nhấn nhá du dương trong tranh anh. Tiết tấu của màu, nhịp điệu của từng hình vẽ cao thấp vuông tròn, thậm chí cả những âm sắc mỏng manh có thể cảm nhận được từ từng khúc luân chuyển sắc độ…, tất cả tạo ra một thứ giai điệu vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, vừa sâu lắng vừa đắm say. Như một bản pop rock chậm rãi. Cách dùng màu là một sự khẳng định bản thể của hội họa Đào Hải Phong. Trong một bức tranh, anh thường kết hợp các màu mà có lẽ với người khác là rất khó dùng: màu xanh thắm, màu đỏ rực, màu cam đậm, màu vàng chói lóa, màu tím ngăn ngắt… Nhiều khi chúng xuất hiện như những nốt nghịch trong một bản nhạc, song sự táo bạo, sự điên đảo, sự nổi loạn của chúng đã tạo ra một giai điệu mang tên Đào Hải Phong.

Tranh của Đào Hải Phong

Nhưng cái hồn phương Đông là thứ ám thị vào hội họa Đào Hải Phong một cách mãnh liệt nhất. Không chỉ là sự trở đi trở lại của đề tài phong cảnh Việt và sự thâm trầm tĩnh lặng của chúng, những biểu hiện khác như bút pháp gợi nhiều hơn tả, cách dụng bút phóng khoáng… cũng là những tín hiệu rõ ràng cho hồn cốt phương Đông lúc nào cũng vương vấn trong từng góc tranh. Thiên nhiên ở đó thâm u huyền bí, yên bình tĩnh tại nhưng cũng lộng lẫy xao động. Đâu đó cũng có bóng dáng con người hay những gợi nhắc về họ, tuy nhiên có vẻ như chỉ mình thiên nhiên, phong cảnh thôi là đủ cho tất cả. Nó chiếm trọn không gian nghệ thuật, nó bao trùm, làm tan loãng mọi thứ khác. Nó là một thế giới cô đặc, ở đó có cả cảnh và tình, đồng hiện cả quá khứ, hiện tại và tương lai bởi thời gian dường như không còn ý nghĩa.

Và nếu bỏ đi tất cả những câu chuyện về thơ, về nhạc, về hồn cốt phương Đông, để bất giác đối diện với tranh Đào Hải Phong như một phép thử của trực cảm và linh giác. Giống như một ngày nào đó, ta bất chợt không còn ngắm mây trời hay ngẫm nghĩ về cuộc sống, ta tìm đến một nơi vắng lặng, dán mắt vào một hốc cây mục ruỗng, không nghĩ ngợi đoán định mong chờ hay định kiến điều gì. Chỉ là đối diện trực tiếp với bức tranh, đốn ngộ thứ hiển hiện sừng sững vô thường mong manh nhưng cũng vĩnh cửu duy nhất của nó ngay thời khắc đó. Thì trong cảnh huống ấy, tranh Đào Hải Phong là gì?

Có lẽ là một cây xanh, cứ đâm chồi nảy lộc trên mảnh đất mà người họa sĩ đã chọn để gieo hạt. Giữa ầm ào giông gió lẫn thinh lặng nhân gian. Giữa tất thảy cuộc chơi phù phiếm và khắc nghiệt của đời sống nghệ thuật. Một ngọn cây cứ biếc xanh, cứ trọn vẹn và hoang sơ là nó. Cũng là ngọn cây anh “chưa nhìn thấy” nhưng bằng nghệ thuật, với nó, anh đang từng ngày định nghĩa chính mình.

Đăng Tiêu