Gần đây, trên trang Facebook cá nhân, một nhiếp ảnh gia – người từng được biết đến như một nghệ sĩ dành nhiều quan tâm, công sức và đạt được những thành công nhất định trong việc chụp ảnh nude – đã phát biểu rằng chỉ những phụ nữ trẻ trung ở độ tuổi xuân thì mới tạo cảm hứng sáng tạo cho anh, và chỉ họ mới có thể mang lại vẻ đẹp cho nhiếp ảnh, nhất là ở đề tài tôn vinh những đường cong và sự gợi cảm của phái đẹp như ảnh khỏa thân.

Trong phần bình luận, nhiều người hưởng ứng quan điểm của nghệ sỹ này, nhưng cũng nhiều người mà trong đó phần lớn là các nghệ sĩ đã phản đối quan điểm này. Từ đó xuất hiện những tranh luận khá gay gắt liên quan đến việc phản ánh hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật và đề tài phụ nữ, vẻ đẹp của phụ nữ trong nghệ thuật.

“Một đôi giày” – một trong những bức tranh nổi tiếng của họa sỹ lừng danh người Hà Lan Van Gogh.

Về hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật, rõ ràng nghệ thuật có biên độ phản ánh hiện thực rất rộng lớn, đó có thể là những bông hoa diên vĩ, đôi giày cũ nát trong tranh Van Gogh, có thể là ánh trăng êm đềm lộng lẫy trong bản sonata của Beethoven, có thể là những gương mặt lập thể nhiều suy tư trong tranh Picasso, có thể là thiếu nữ đoan trang e ấp bên hoa huệ trong tranh Tô Ngọc Vân, hay cuộc chiến tranh của nước Nga vào đầu thế kỉ XIX trong tiểu thuyết nổi tiếng của Lev Tolstoy, những cảm xúc mơ hồ trừu tượng trong tranh của Kandinsky, Jackson Pollock… Như vậy, hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật không hề bị giới hạn. Thứ duy nhất giới hạn nó, nếu có thể gọi như thế, chỉ là tính thẩm mỹ khi nó được bộc lộ trong tác phẩm. Nghĩa là, cái đẹp chính là cứu cánh của nghệ thuật mà nghệ sĩ phải khám phá ra dù với bất cứ đề tài nào. Cái đẹp của nghệ thuật khác với cái đẹp của cuộc sống. Mỗi tác phẩm nghệ thuật thị giác cần đến tiếng nói riêng của tạo hình, màu sắc, đường nét, ánh sáng… để có được ngôn ngữ của nó. Chẳng hạn, một bông hoa thì luôn luôn đẹp, nhưng một bức tranh vẽ bông hoa thì chưa chắc đã đẹp ngay cả khi mô tả nó giống thật đến mấy. Ngắm một bức tranh, người ta không thể lấy tiêu chí đối tượng trong tranh đó đẹp hay xấu để thẩm định giá trị tác phẩm, bởi vì tính thẩm mĩ của một bức tranh phụ thuộc vào các yếu tố khác: bố cục, cách phối màu, độ bí ẩn, sự sáng tạo, sự mới mẻ…

Bức ảnh “Hidden Smile: (Nụ cười ẩn giấu) của nhiếp ảnh gia Réhahn.

Nhiếp ảnh cũng vậy, cũng có ngôn ngữ riêng. Đó là ngôn ngữ của ánh sáng, của bố cục và tính tư tưởng. Bộ sưu tập chân dung đen trắng về những người vô gia cư của Lee Jeffries, những bức ảnh chụp các cụ già nhăn nheo đen đúa của Rehahn… đều là những tác phẩm nổi tiếng thế giới, ở đó nguyên mẫu đều không phải là những con người trẻ trung xinh đẹp. Như vậy, nghệ thuật cần có cái nhìn khác về cuộc sống, và người nghệ sĩ cần phát hiện ra cái nhìn khác ấy, vẻ đẹp khác ấy. Nếu một nghệ sĩ chỉ quan tâm đến những cô gái trẻ đẹp, những bông hoa xinh tươi, những hình ảnh lung linh diễm lệ thì anh ta đã tự giới hạn sáng tạo của mình trong một không gian vô cùng chật chội.

Ở Việt Nam cũng có rất nhiều nghệ sĩ đã khai thác các đề tài giản dị, gần gũi với cuộc sống, thậm chí gai góc và kén chọn người thưởng lãm, nhưng đã đạt được thành công, như họa sĩ Lê Kinh Tài với những bức vẽ về “nhân vật tò he” thoạt nhìn có vẻ gớm ghiếc dị hợm, họa sĩ Đinh Ý Nhi với những tác phẩm vẽ các hình thể phụ nữ vặn vẹo, nhem nhuốc, xộc xệch…

Bức tranh mô tả người đàn bà khỏa thân và gương mặt một cô gái trong bộ tranh “Câu chuyên chấu Á” của họa sỹ Đinh Ý Nhi

Về đề tài phụ nữ, một đề tài quen thuộc, nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tạo nghệ thuật, quan điểm của nhiếp ảnh gia trên cũng tỏ ra rất phiến diện và thậm chí lệch lạc. Phụ nữ tuổi nào cũng có nét đẹp riêng. Tất nhiên từ góc độ cá nhân, thì nghệ sỹ này hay bất cứ nghệ sĩ nào đó có quyền chọn cho mình một phương diện để thể hiện, có thể là nét quyến rũ, trẻ trung, căng tràn của tuổi xuân thì. Nhưng khi quan niệm chỉ những thiếu nữ với cơ thể nõn nà tươi trẻ ấy mới mang lại vẻ đẹp cho những bức ảnh nude nghệ thuật thì vô hình trung người nghệ sỹ đã phủ nhận khả năng mỹ hóa của nghệ thuật trong việc tái hiện cuộc sống. Trên thế giới và ở cả Việt Nam, thực tế cho thấy nhiều tác phẩm văn chương, nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc, điện ảnh… mô tả những người phụ nữ có vẻ ngoài không hấp dẫn nhưng vẻ đẹp của tác phẩm được nhìn nhận ở một khía cạnh khác. Chẳng hạn những bức tranh vẽ những người đàn bà béo ục ịch khỏa thân của danh họa Lucian Freud được coi là những tuyệt phẩm trong dòng tranh nude của thế giới bởi nét cọ tài hoa, ấn tượng. Hay nữ họa sĩ Maria Lassnig với những bức chân dung mà ở đó, hình thể của người phụ nữ với tay chân chắc nịch và chiếc mũi hếch đã được biến thành một loạt các kiểu ngụy trang kì quái: em bé, người máy, quái vật, quả chanh, người già khỏa thân bắn súng… Maria Lassnig đã trở thành người phụ nữ đầu tiên được phong hàm giáo sư tại Trường Nghệ thuật Ứng dụng ở Vienna bởi những sáng tạo độc đáo và nhiều cống hiến nghệ thuật của bà. Những phụ nữ trong tranh của Đinh Ý Nhi không có tuổi. Nữ họa sĩ đã nhìn thấy vẻ đẹp của họ, từ những hình thể gầy guộc lấm lem, từ tâm hồn trĩu nặng suy tư và từ bản năng hoang sơ ám ảnh. Những nghệ sĩ như chị đã tìm thấy vẻ đẹp khác của người phụ nữ và nghệ thuật, vẻ đẹp mà chỉ những nghệ sĩ có sự sáng tạo, tài năng lẫn trí tưởng tượng tuyệt vời mới có thể khám phá và thể hiện được.

Vậy nên, hình ảnh người phụ nữ dù ở độ tuổi nào, dù hình thể có bị biến đổi để trở nên già nua khắc khổ ra sao, không phải là vấn đề của nghệ thuật. Nghệ thuật đích thực luôn tìm ra cách nhìn mới mẻ về phái đẹp, bởi cốt lõi của nó chính là sáng tạo và phẩm chất để phân biệt nó với những thứ phi nghệ thuật chính là tính thẩm mĩ.

Bên cạnh những tranh luận gay gắt về quan điểm nghệ thuật của nhiếp ảnh gia này, nhiều người còn tỏ ra khá giận dữ khi bàn về thái độ và ứng xử văn hóa của anh khi viết về phụ nữ với giọng điệu bỡn cợt, thiếu tôn trọng. Một vấn đề cũng được đặt ra sau vụ việc là ở Việt Nam hiện nay thiếu những công trình lý luận chuyên biệt về nghệ thuật, thiếu lực lượng phê bình, nghiên cứu trong lĩnh vực này. Bởi ở một khía cạnh nào đó, nghiên cứu có tác dụng hướng dẫn, đón đầu sáng tác, bồi dưỡng kiến thức và thẩm mỹ cho công chúng, để nghệ sĩ và người thưởng lãm có nền tảng vững chắc trong sáng tạo và nhận diện nghệ thuật.

Đăng Tiêu

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 28, tháng 10/2022)