Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ: “Rơi trên chính bóng mình”

Những lần gặp Hoàng Phượng Vỹ, thường thì tôi nói rất ít. Tôi ngồi đó, lắng nghe anh. Để thêm một lần nữa thấy sự nồng nàn của Vỹ chẳng qua chỉ là một hiện thân khác của sự lạc lõng vô chừng. Vỹ ngồi đó mà như đang ở đâu xa lắm. Vỹ hàn huyên chuyện trên trời dưới bể, nhưng dường như đang im lặng tới tột cùng.
  Và tôi, bị cuốn vào sự im lặng ấy, cho tới lúc nhận ra rằng, khi đối diện với chính mình, mỗi con người chúng ta đều trở nên bặt tiếng.
Là con trai của nhà thơ tài danh xứ Nghệ Hoàng Trung Thông, Vỹ được thừa hưởng tài ngôn ngữ từ cha. Hiếm có người nào đọc nhiều, nhớ nhiều như anh. Những nhà văn nọ, nhà thơ kia, danh họa, danh nhân, rồi những câu văn, bài thơ, những vấn đề văn nghệ…, có vẻ như Vỹ đọc và nhớ hết. Trò chuyện với Vỹ, sẽ không có những chuyện cơm áo đời thường, bởi dường như tâm trí Vỹ hoàn toàn dành quan tâm cho một “vùng” khác. Ngược lại, Vỹ có thể nói vanh vách về tiểu sử, tác phẩm của một nhà thơ hay nhạc sĩ nổi tiếng nào đó. Bởi như Vỹ nói, hàng ngày anh đều “trò chuyện” với họ. Anh đọc, nghe, thưởng thức và sống cùng trong thế giới nghệ thuật của họ. Họ là những người thầy, người bạn, và những cuộc “giao tiếp” với họ mang đến cho anh niềm thích thú đặc biệt, bởi ngoài nghệ thuật ra, Vỹ thực sự không mấy quan tâm đến những thứ khác.

Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ

Tôi tự hỏi, có phải vì vậy chăng, mà Vỹ trở nên ngơ ngác giữa đời thường.
Tranh của Vỹ cũng trong trẻo và ngây thơ như vậy. Màu sắc rực rỡ, thậm chí nhiều khi Vỹ phối màu đụng nhau chan chát, nhưng nhịp điệu mà chúng tạo ra lại mạnh mẽ, sắc nét, dặt dìu và giàu chất cảm. Như thể ở đó phát ra một âm thanh, và đó là thứ âm thanh dịu ngọt tinh tế mà vẫn hiện đại khiến người ta phải ngỡ ngàng.
Nhân vật trong tranh Hoàng Phượng Vỹ thường là phụ nữ và trẻ em. Đôi khi, không có ranh giới tuổi tác để xác định được họ. Bởi Vỹ vẽ phụ nữ cũng ngây ngô như trẻ thơ. Cách đây 20 năm, khi Vỹ bày triển lãm tại Seoul, nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng Hàn Quốc Sunny Sung đã viết về anh: “Hoàng Phượng Vỹ là họa sĩ hàng đầu của Việt Nam. Trong tác phẩm của mình, anh khắc họa hình ảnh ấm áp của phụ nữ, cá và mèo trong những gam màu nguyên bản nhưng vẫn hòa quyện. Hoàng Phượng Vỹ tài tình trong việc xử lý đề tài khiến những bức tranh của anh tựa như một câu chuyện cổ tích”.
Vỹ cũng hay vẽ cha mình, thường là bên ly rượu. Cách vẽ chân dung của Vỹ cũng rất riêng biệt: anh không vẽ những gì mình nhìn thấy, mà vẽ những gì mình cảm thấy. Những bức chân dung vẽ Hoàng Trung Thông không chỉ lột tả được nét thô, khỏe trên gương mặt ông, mà còn làm lộ ra những trầm tư, khắc khoải, sự mạnh mẽ lẫn lãng mạn, nét phóng khoáng trong con người ông.
Tôi thích những bức vẽ chân dung của Vỹ. Nếu trong các tác phẩm khác, dù màu có sặc sỡ, nét vẽ có ngô nghê, trên tất cả vẫn là sự cân nhắc vừa nghiêm khắc vừa tinh tế của ý thức, thì ở mảng vẽ chân dung và minh họa, Vỹ thả lỏng để vô thức chiếm lĩnh. Lúc này, Vỹ hoang sơ hơn bao giờ hết. Và hội họa của Vỹ trở thành một giấc mơ đủ lớn để chứa những quay cuồng, những khát khao ẩn ức, những nuối tiếc hoang hoải và cả những lạc lõng dạt trôi của Vỹ. Hội họa, có vẻ như bao trùm lên cuộc sống, và nó trở nên thênh thang hơn trong khi mỗi lúc cuộc sống lại có vẻ chật hẹp đi.

Tác phẩm Cha tôi – Nhà thơ Hoàng Trung Thông : Hoàng Phượng Vỹ

Đôi lần tôi được tận mắt chứng kiến Vỹ tự họa. Có khi chỉ là một bức ký họa nguệch ngoạc. Nhưng tôi thích nhìn ngắm Vỹ trong những bức tranh ấy. Giống như Vỹ đang làm thơ về chính mình. Một bài thơ ngắn nhưng gợi, những câu chữ ngổn ngang lộn xộn nhưng lột tả đúng tâm trạng Vỹ. Đôi khi, bức vẽ giống như một bài thơ dở dang. Và tôi chợt nhận ra, Vỹ cũng ngổn ngang, cũng hư hao, cũng dở dang như thế.
Một bài thơ chưa được gieo vần cuối cùng. Một bức tranh chưa đặt nét cuối. Một bản nhạc không có vạch nhịp kết thúc… Cứ như thể Vỹ đang mơ một giấc mơ quá dài, nhưng chính Vỹ đã chọn con đường riêng đó cho mình, bởi thực tại kia không đủ chỗ. Hay nói cách khác, thực tại quá dư thừa những thứ không thuộc về Vỹ, nhưng lại thiếu hao những điều mà Vỹ mải miết kiếm tìm.
Và Hoàng Phượng Vỹ đã lấy mộng mị làm thực tại của cuộc đời anh. Những bức tranh chính là những cơn mơ chập chờn, chúng không tuyên ngôn về điều gì to tát cả, nhưng sự gợi mở, chất thơ và những điều bị bỏ lửng như những dấu lặng đầy quyền uy của chúng, chính là cách hội họa của anh chạm đến trái tim người thưởng lãm. Trên bề mặt tranh của Vỹ, những em bé, người phụ nữ, người đàn ông, những con mèo, con cá, lọ hoa…, tất cả hiện lên như thể chúng chợt đến trong một giấc mơ, nhưng sự rời rạc của nó, sự huyễn ảo và phi lý của nó, chính là lát cắt sắc lẹm của hiện thực. Nó, hơn bất cứ một câu chuyện dài và đầy đủ chi tiết nào, bất giác lột tả được thực tại một cách sắc sảo và ám ảnh nhất. Với thứ ngôn ngữ kiệm lời, sang trọng, tranh Vỹ lại nói được quá nhiều điều.
  Một lần Vỹ đọc cho tôi nghe bài thơ anh sáng tác. Tôi thích câu kết của bài thơ: “Con người rơi trên chính bóng mình”. Tôi nghĩ, Hoàng Phượng Vỹ chọn mộng mị không phải để tự lừa phỉnh, mà, giữa xôn xao đời, chỉ những giấc mơ mới đủ tĩnh để anh được an yên, đủ xáo trộn để anh được quẫy đạp, đủ phi lý để anh được sáng tạo, đủ tự do để sự lạc lõng của anh được nuôi dưỡng và/hoặc nguôi quên.
Vỹ chọn mộng mị, để “rơi trên chính bóng mình”.

Đăng Tiêu
(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam, Số 6/ Bộ mới/2020)