Sáng 22/10/2023, Chi hội VHNT Diễn Châu đã tổ chức đi thực tế sáng tác tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đây là chuyến thực tế sáng tác nằm trong kế hoạch hoạt động và chuẩn bị cho việc xuất bản tập san Văn nghệ Diễn Châu năm 2023 của Chi hội.

Đoàn dâng hương tại đền Trang.

Đón tiếp đoàn có ông Lê Thành Lộc – Phó Bí thư Thường Trực Đảng ủy xã; ông Lê Văn Thông – Chủ tịch UBND xã.

Đoàn đã được nghe ông Lê Thành Lộc thông báo tình hình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương trong 3 quý đầu năm. Phó Bí thư Đảng ủy xã bày tỏ niềm vui được đón đoàn văn nghệ sĩ huyện nhà về tham quan, đi thực tế để sáng tác VHNT.

Ông Lê Thành Lộc – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Diễn Kim, thông báo tình hình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội địa phương.

NSNA Trần Cảnh Yên cảm ơn sự tiếp đón chân thành, chu đáo của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Diễn Kim. NSNA Trần Cảnh Yên chúc mừng những thành tựu về kinh tế, văn hóa – xã hội mà chính quyền và Nhân dân xã Diễn Kim đã đạt được; Diễn Kim là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, hiếu học, có nhiều ngành nghề truyền thống… NSNA Trần Cảnh Yên tin tưởng rằng sau chuyến đi thực tế sáng tác lần này các văn nghệ sĩ sẽ có nhiều tác phẩm tốt về văn hóa – xã hội, con người và cảnh đẹp Diễn Kim.

NSNA Cảnh Yên – Chi hội trưởng Chi hội VHNT Diễn Châu phát biểu.

Đoàn đã đến thăm và dâng hương tại đền Trang, đền thờ 3 vị tướng quân thời Lê có công đánh đuổi giặc ngoại xâm và xây dựng xã tắc được phong thần gồm: Đức Thánh Phạm Tử Nghi, Bản Thổ Linh Quan và Đông Hải Thái Thú Đại Ngư Ông.. Hiện đền Trang vẫn còn lưu giữ được 18 sắc phong cổ, trong đó đạo sắc cổ nhất có từ đời Lê Cảnh Hưng năm 28 (tức 1767), đạo sắc gần đây nhất từ đời Vua Khải Định nhà Nguyễn năm thứ 9 (tức 1924). Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, từ sau 1945, ngôi đền cổ đã không còn nguyên vẹn nữa. Năm 2014, Đảng bộ và chính quyền xã Diễn Kim đã kêu gọi Nhân dân đóng góp xây dựng đền. Năm 2020, đền Trang xã Diễn Kim được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.

Nghe anh Nguyễn Văn Hòa giới thiệu về mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Đoàn đến thăm cơ sở nuôi tôm Hòa Phát của anh Nguyễn Văn Hòa ở xóm Xuân Châu. Đây là cơ sở nuôi tôm có quy mô lớn với diện tích 1,1 ha, gồm 16 hồ, trong đó có 13 hồ nuôi tôm, 3 hồ lắng, lọc. Cơ sở nuôi tôm công nghệ cao Hòa phát tạo công ăn việc làm cho 5 lao động chính với mức lương dạo động từ 7-10 triệu đồng/ tháng và 10 -15 lao động thời vụ, doanh thu mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Hòa là một trong những người đầu tiên mạnh dạn áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao 3 giai đoạn ở Diễn Kim.

Tin: PV
Ảnh: Cảnh Yên