26.7 C
Vinh
Thứ hai, 16 Tháng chín, 2024

“Cây lim” làng Quỳnh 

Làng Quỳnh Đôi từ xưa nổi tiếng là đất văn chương, nơi đây đã sinh ra bao người con kiệt xuất, lưu danh sử sách. Nối tiếp truyền thống của các bậc cha anh, ngày nay, người làng Quỳnh không ngừng cống hiến tài trí cho đất nước, càng củng cố thêm vị thế của một làng khoa bảng xưa kia. Mỗi một lĩnh vực, mỗi một ngành nghề, những người con làng Quỳnh đều để lại dấu ấn khá rõ nét, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng Quỳnh Đôi. Anh Hồ Anh Thắng là một người con làng Quỳnh nhận được những lời khen của bạn bè, đồng nghiệp cũng như nhân dân về một nhân cách, bản lĩnh vững vàng khi đứng đầu cơ quan thanh tra của huyện Quỳnh Lưu. Trước đó, với vị trí giữ “tay hòm, chìa khóa” cho ngành tài chính huyện nhà, anh cũng đã để lại dấu ấn khá rõ nét về một người cán bộ tận tụy, thông minh và nhạy bén.

Người xưa từng nói đại ý: “Muốn thử lòng liêm khiết của một ai đó thì giao giữ kho tiền, kho bạc”. Nếu giữ được nguyên tắc thu chi, không tơ hào ngân quốc, thì đấy cũng là hạng cây lim, cây sến trong bão tố của rừng non, rừng già.

Hồ Anh Thắng – một người con làng Quỳnh.

Năm nay, tôi may mắn được cùng hội cựu bí thư xã tham quan tại một số địa phương và đã nghe được những câu chuyện về anh Hồ Anh Thắng cho tôi thêm niềm tin yêu người đồng hương xã mình.

Chúng tôi được đến xã S., một xã vốn thuần hậu, mấy năm trước bỗng trở thành một điểm nóng, nội bộ lục đục, kiện tụng lẫn nhau, dẫn đến kinh tế kém phát triển. Tôi nhớ hồi đó, đơn thư gửi lên huyện và tỉnh tới tấp, bung cả trên mạng xã hội và một số báo có đưa tin bài về ông H. Chủ tịch xã với những thông tin gây mất uy tín của lãnh đạo và gây mất đoàn kết trong nội bộ xã, tạo tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. .  Đủ thứ tiêu cực: tham nhũng tiền công quỹ, bán đất không đúng thẩm quyền, lối sống gia trưởng, bè cánh, trù dập người tốt, vân vân,… Đúng sai chưa rõ, nhưng tạo dư luận xấu và buồn cho một vùng quê giàu truyền thống

Điều mừng là lãnh đạo huyện khi ấy đã sáng suốt, công tâm chỉ đạo, xử lý dứt điểm vụ việc. Hôm nay chúng tôi được chứng kiến một xã S. hoàn toàn đổi thay, nội bộ đoàn kết, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xã đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cái gì đã làm nên sự đổi thay kỳ diệu ấy?

“Xã S. đã đổi thay nhiều quá!” – Tôi ngạc nhiên thốt lên.

 Mấy bác cựu chiến binh cùng đi, đáp như giải thích: xã S được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn của đoàn thanh tra huyện.

Lời khẳng định ấy khiến tôi tò mò. Tôi lân la trò chuyện với một bác nông dân khoảng ngoài năm mươi tuổi, nước da đen, tóc đã chuyển màu muối tiêu, đang làm cỏ cho hơn sào rau cải trái vụ ở cánh đồng trước cổng làng:

– Vụ rau năm nay được mùa không bác? Quang cảnh, không khí của xã nhà khang trang, đẹp đẽ như thế này, thật là mừng bác nhỉ. Thế mà, cách đây mấy năm, nghe tin báo đài và dư luận ồn ào tình hình xã ta phức tạp lắm.
– Đúng vậy đó anh! Nguyên nhân là từ mấy ông lãnh đạo xã mất đoàn kết, kéo bè kéo phái, nhất là kiểu “đi làng thì bênh cho họ, đi họ thì bênh cho anh em”. Trong chuyện này, không phải chỉ có dòng họ N.B thôi đâu, đứng đầu là ông K., Phó Chủ tịch xa đã lôi kéo bà con trong họ kiện cáo Chủ tịch xã, mà ông này vốn nóng tính, vụng về và cũng có chút quan cách. Ông phó muốn lật đổ ông trưởng để “ngồi” vào cái ghế ấy mà. Nói thật anh, may mà huyện cử Đoàn Thanh tra do ông Thắng về tìm rõ nguyên nhân. Ông này đã ăn ngủ bám trụ ở xã suốt mấy tuần lễ, từ đó mà thanh lọc, rút ra được những nhận định khách quan. Tôi biết sơ sơ rứa, muốn hiểu rõ ngọn ngành, anh gặp lãnh đạo xã. Có điều, dân chúng tôi mừng lắm, mấy năm nay, Nhân dân, cán bộ xã chúng tôi đoàn kết, phấn khởi bảo nhau làm ăn, dân tôn trọng cán bộ xã. Đúng là qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau, anh ạ. Hiểu cái đức tính thận trọng, tận tuỵ với công việc của một người cán bộ thanh tra như anh Thắng. – Bác nông dân nhanh nhẩu đáp lời.

Đoàn chúng tôi về trụ sở xã. Bí thư Đảng ủy và các anh trong cấp ủy đã chờ sẵn, mến khách và rất vui. Chủ tịch xã bắt tay từng người thật chặt, lắc lắc. Trong không khí cởi mở, thân tình ấy, họ – những bí thư đương chức và nghỉ hưu đã đồng cảm, sẻ chia bộc bạch về những kỷ niệm trong công việc mà mình đã trải qua. Ông Bí thư cứ phân trần mãi: “Cách đây vài ba năm, nếu các anh trên huyện không về, nhất là không có Trưởng đoàn Thanh tra nhiệt thành, giỏi chuyên môn như anh Thắng, thì tình hình xã tôi có thể đi theo chiều hướng xấu. Thời gian ấy, tôi như ngồi trên đống lửa.

Năm đó, nhận được đơn thư, anh Hồ Anh Thắng rất phân vân: “Lúc đầu, tôi cũng hoang mang không biết Chủ tịch H. có vấn đề gì không mà Phó Chủ tịch K. kéo cả họ kiện cáo. Tục ngữ có câu: “không có lửa làm sao có khói”, vả lại, trong những người tố cáo có cả một số cán bộ cũ, cả mấy bác cấp cao trong quân đội về hưu. Tuy nhiên, tôi và các anh lãnh đạo huyện thấy một điều lạ là: trong số đơn tố cáo có chữ ký của rất nhiều người thuộc họ N.B. Mặt khác, nội dung tố cáo Chủ tịch H. có cả một số vi phạm trong quản lý thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai trên địa bàn xã. Từ đó, tôi nhận định với anh em: đây là một vụ việc đông người, phức tạp, có dấu hiệu của mất đoàn kết nội bộ, cán bộ xã đấu đá lẫn nhau, có khả năng là Chủ tịch H. bị oan. Nếu không được giải quyết kịp thời, rốt ráo vụ việc, kết luận làm rõ trắng đen dễ tạo thành điểm nóng, gây mất ổn định tình hình và tạo tiền lệ không tốt tại địa phương”.

Trong thời gian ấy, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch huyện cũng liên tục xuống xã nắm tình hình thực tế. Từ đó, các anh đã chỉ đạo thanh tra huyện tham mưu, thụ lý giải quyết ngay theo hướng anh Thắng đề xuất. Sau đó, một đoàn thanh tra liên ngành thực thi nhiệm vụ xác minh các nội dung tố cáo Chủ tịch H. được thành lập do Chánh Thanh tra Hồ Anh Thắng làm Trưởng đoàn, thành viên đoàn gồm có các thanh tra viên và lãnh đạo các phòng: Tài chính – Kế hoạch, Tài nguyên và Môi trường phối hợp rất nhịp nhàng.

Đoàn Thanh tra đã triển khai làm việc ngay, chia ra làm nhiều tổ: kiểm tra sổ sách thu chi tài chính, các văn bản chỉ đạo điều hành, kiểm tra các công trình đầu tư xây dựng các trường hợp vi phạm về đất đai. Hồ Anh Thắng được giao trách nhiệm chỉ đạo, điều hành đoàn và tổng hợp, kết luận để báo cáo lãnh đạo huyện hằng ngày.

Để có thông tin nhiều chiều và nắm bắt cụ thể tình hình, anh Thắng đã đến từng nhà có người ký đơn để tìm hiểu ngọn ngành sự việc. Nhiều hôm, phải chờ đến chín, mười giờ đêm mới gặp được. Nhất là mấy ông cán bộ cũ, mấy ông trong quân đội về nghỉ hưu… rất khó gặp. Người ta kể, gần một tháng ròng như thế, từ sáng đến đêm, không biết anh Thắng đã nói chuyện và thuyết phục mấy ông ký đơn tố cáo thế nào mà họ đều viết đơn thừa nhận rằng, mình đã thiếu cân nhắc, không có chính kiến, đã sai!

Đầu tháng thứ hai, mấy ông “ký bừa” lên Ủy ban xin lỗi và xin rút đơn. Mười ngày sau đó, con trong họ N.B cũng lên xin rút đơn cả. Vụ việc vì thế có thể đình chỉ giải quyết, song xét thấy vẫn cần thiết phải giải quyết rốt ráo để chấn chỉnh địa phương trong việc quản lý tài chính, quản lý đất đai và đầu tư xây dựng, anh Thắng đã tham mưu cho Chủ tịch huyện chuyển từ thụ lý giải quyết đơn tố cáo sang thực hiện thanh tra đột xuất phục vụ công tác quản lý nhà nước theo quy định của Luật Thanh tra. Việc này nhằm kết luận một cách khách quan, sáng tỏ câu chuyện, minh oan cho Chủ tịch H.,  đặc biệt là ổn định tình hình ở địa phương. Đề xuất được Chủ tịch huyện hoàn toàn đồng ý.

Hôm công bố kết luận, bà con ra dự đông lắm. Vụ việc được làm rõ, bà con nhân dân rất thương và chia sẻ với Chủ tịch H., ông không vi phạm gì, bị Phó Chủ tịch xã xúi giục bà con kiện vì mục đích riêng. Từ đó, sự tín nhiệm của Nhân dân với Chủ tịch xã H. được phục hồi và ngày càng tăng lên. Người dân cũng tin tưởng, ngợi khen đoàn thanh tra của huyện. Phong trào của xã tiếp tục phát triển, cán bộ đoàn kết hơn, Nhân dân tin tưởng, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Nghe xong câu chuyện, vị cựu bí thư nhiều tuổi nhất, tiếp lời:

– Trưởng Đoàn Thanh tra có phải là chú Thắng, trước đây làm Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch của huyện không? Đúng à? Mừng cho chú ấy, ở vị trí thanh tra, cầm cân nảy mực khó lắm. “Có cứng mới đứng đầu gió” được!

Một người quê Quỳnh Đôi góp chuyện: Tôi ở gần nhà anh Hồ Anh Thắng, từ nhỏ anh ấy đã nổi tiếng thông minh, cứng rắn và hiếu thuận. Anh Thắng là con thứ hai trong gia đình nông dân nghèo ở làng tôi. Bố đi bộ đội biền biệt suốt mấy chục năm trời, hết giải phóng miền Nam, tình nguyện sang làm nhiệm vụ bên đất nước Campuchia,… mãi cuối đời mới về. Có thể nói, lúc gia đình khó khăn kinh tế rất cần sự có mặt của người đàn ông thì  ông ấy hầu như vắng mặt, kể cả khi đất nước đã hòa bình. Mẹ anh là nhân viên của Công ty Muối Quỳnh Lưu, cái nghề cũng “chát mặn” như muối vậy, một nách nuôi ba con ăn học.

Tôi chứng kiến tuổi thơ của anh Thắng vất vả lắm. Từ nhỏ, Thắng phải đi chăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc, phụ mẹ nuôi gà, nuôi lợn, lên rừng chặt củi,… để giúp cho mẹ kiếm từng lon gạo nuôi sống bốn người trong thời buổi củ khoai củ sắn thay cơm. Hoàn cảnh như vậy đã rèn đúc nên tính siêng năng, chăm chỉ, chịu khó và tự lập của anh sau này.

Sau giờ làm việc nhà nước, anh Hồ Anh Thắng lại chăm chỉ việc nhà.

Khi trò chuyện với bạn bè cùng trang lứa của Hồ Anh Thắng, họ còn cho biết thêm điều cảm động: Anh học giỏi nổi tiếng, khi học hết cấp 3, mẹ anh rất muốn anh thi vào Đại học Sư phạm Vinh, vừa gần nhà, vừa không mất học phí. Cũng vì lý do kinh tế anh đã nói với mẹ sẽ thi vào trường Quân đội. Lúc đó, nhiều người trong làng, trong đó có tôi, đã khuyên  anh đừng thi vào trường này vì điểm chuẩn rất cao. Để chắc chắn, anh đã đăng ký dự thi ba trường trong đó có trường quân đội (cho vừa lòng mẹ). Kết quả, anh đậu cả ba trường, trong đó có trường danh giá bậc nhất. Sau đó, anh phải thuyết phục mãi, mẹ mới cho anh theo học Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Nhà nghèo, mẹ anh giao kết: :”Mỗi tháng, mẹ cho con hai trăm nghìn đồng thôi, tức mỗi ngày ăn hai bữa cơm rau, sinh hoạt ở mức tối thiểu. Mọi thứ còn lại, con chịu khó cân đối, trang trải.” Anh biết, bà nói vậy vì tất cả đồng lương của bà thời đó chỉ có mức ấy, cả nhà nhường hết cho anh đi học xa. Những người ở nhà chỉ dựa vào sào lúa, mảnh vườn, con tép, con cua ngoài đồng bãi.

Tôi nghe nói, Thắng đã hứa với mẹ là sẽ hết sức cố gắng không phụ lòng mẹ và cả nhà. Từ đó, anh bỏ ăn sáng để dồn cái ăn vào bữa chính. Vậy nhưng, bữa trưa ăn xong vẫn thòm thèm. Anh nghĩ: “học cho quên bụng đói”. Thế là anh lao vào học, bụng đỡ đói thật và kết quả học tập của anh rất tốt.

Tấm gương hiếu hảo, vượt khó học giỏi thời sinh viên của anh Thắng được người làng biết đến bởi một câu chuyện rất tình cờ. Lần ấy, họ Hồ Quỳnh Đôi có cuộc Hội thảo về truyền thống hiếu học của hậu duệ họ Hồ tại Hải Phòng. Mấy anh em ở quê ra, gặp Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Đình Bảo, hiện nay ông là Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ông bảo:  “Quỳnh Đôi quê các anh, hồi học với tôi một lớp, ở cùng một phòng có Hồ Anh Thắng rất chịu khó, học giỏi, mặc dù gia cảnh bạn ấy rất khó khăn, thương lắm. Ở cùng phòng, giường trên giường dưới nên tôi khá rõ hoàn cảnh Thắng. Mẹ ở nhà chờ bán từng lứa lợn, gửi tiền cho con. Còn con ở ngoài này thì tiết kiệm đến mức không dám ăn bát phở khi ốm. Động lực của Thắng ngoài học giỏi để có kiến thức ra trường làm việc, còn vì quyết tâm giành bằng được suất học bổng đỡ đần mẹ và Thắng đã giành được học bổng từ kỳ 2 năm thứ nhất. Một suất học bổng hồi đó được bốn chín ngàn đồng, không lớn lắm nhưng đối với Thắng là cả một gia tài. Từ năm học thứ hai trở đi, nhiều phụ huynh ở khu tập thể Trường Kinh tế Quốc dân biết tiếng Thắng đã mời cậu làm gia sư cho con cái họ luyện thi đại học. Nhà nào có con may mắn được cậu nhận kèm thì chắc chắn đậu một vài trường đại học. Tiếng tăm đồn xa, người đến nhờ càng nhiều. Từ năm thứ ba trở đi, Thắng không phải xin tiền mẹ nữa “tự sản, tự tiêu”. Cậu còn tiết kiệm được tiền gửi về giúp mẹ. Suốt bốn năm học, hầu như Thắng không về hè, cậu ở lại Hà Nội làm gia sư kiếm thêm tiền. Cuộc sống khó khăn vậy nhưng Thắng tự lập, rất sòng phẳng và tự trọng. Có lần, trường tổ chức đi thực tế, tôi biết trong túi cậu không còn đồng nào, bèn đưa cho năm mươi nghìn đồng để chi tiêu theo bạn bè. Thắng không từ chối sự quan tâm của bạn, cầm số tiền đó nhưng khi về trường, có tiền làm gia sư là trả tôi ngay, tôi nói thế nào cậu ta cũng bắt tôi phải nhận bằng được.

Với tính cứng rắn, nhân cách đàng hoàng ấy, tôi biết cậu sẽ làm nên chuyện khi vào đời, kể cả về quê hay ở Thủ đô. Chúng tôi thường nói với nhau: “Thắng như con dao pha, lý luận cũng giỏi mà thực tiễn cũng cừ. Cậu ấy như cây lim, cây sến, đứng đầu gió, lo chi bão giật mưa giông”.”

Đúng như vậy, từ buổi đầu làm cán bộ tham mưu, quản lý tài chính của huyện Quỳnh Lưu, nhiều đồng nghiệp đã thấy anh tính toán nhanh và chính xác như một cái máy. Anh lại chịu khó và biết cách giao tiếp với nhiều thành phần, ít khi bị người ta thắc mắc, phàn nàn. Nhưng phải đến năm 2008, khi Ủy ban huyện tổ chức thi tuyển chọn nhân sự cho chức danh “Phó phòng” anh đã thi đậu với số điểm cao và được đề bạt Phó phòng. Sau ít năm, anh được giao chức Trưởng phòng. Có lẽ, trong lịch sử quản lý nhà nước của Nghệ An, chủ trương thi tuyển làm lãnh đạo từ cấp phòng trở lên (thi kiến thức văn hóa và kiến thức chuyên môn) chỉ tổ chức duy nhất được một lần này. Hồ Anh Thắng đã may mắn có được cơ hội ấy để thể hiện một cách công minh, khách quan năng lực của mình. Và anh đã vững vàng trong vai trò tham mưu cho Ủy ban huyện Quỳnh Lưu thực hiện công tác quản lý nhà nước trong những lĩnh đầy nhạy cảm và cám dỗ: tài chính, ngân sách và kế hoạch đầu tư suốt gần 20 năm.

Ông cựu Bí thư xã Quỳnh Diễn kể cho tôi nghe một câu chuyện:  “Năm đó, anh Nguyễn Ngọc Lạn, nguyên là Chủ tịch xã Quỳnh Diễn, làm tờ trình xin chủ trương và đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp một tuyến mương tưới tiêu phục vụ sản xuất. Sau khi gặp Chủ tịch huyện trình bày, Chủ tịch xã đã chuyển cho Phòng Tài chính – Kế hoạch do anh Thắng làm Trưởng Phòng tham mưu xử lý. Chúng tôi không hy vọng lắm vì chỉ cần tham mưu nói, kênh chưa cần hoặc hết vốn là “công toi”. Vài ngày sau, đích thân Trưởng phòng và cán bộ cùng với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp đã xuống xã tôi trực tiếp kiểm tra thực tế. Sau một buổi sáng xắn quần lội từ đồng trên xuống đồng dưới chú Thắng trao đổi với lãnh đạo xã:

– Qua kiểm tra, chúng tôi thấy vùng đồng này đất màu mỡ, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, có diện tích trên dưới tám mươi héc ta, song thời gian qua công tác tưới, tiêu không đảm bảo, khi thì hạn hán đến nứt nẻ đất ruộng, khi thì bị ngập lụt nặng nề, do tiêu úng không kịp, đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của bà con nông dân. Nguyên nhân chính là do hệ thống kênh mương tưới tiêu không đảm bảo, vẫn đang là kênh đất đã sử dụng lâu năm nên sạt lở, bồi lắng, hư hỏng nặng. Đúng như tờ trình của xã, vấn đề đầu tư, sửa chữa, nâng cấp là rất cấp bách và cần thiết.

Sự sâu sát, tận tụy, am hiểu ruộng đồng và tấm lòng sâu nặng với người dân làm cây lúa, hạt lạc, chú Thắng đã tham mưu và lãnh đạo huyện không những duyệt đề án của xã mà còn đốc thúc đầu tư ngay. Sau đó ít ngày, Phòng Tài chính huyện đã hỗ trợ nửa tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách cho Quỳnh Diễn để bây giờ những cánh đồng ở đây đã thành ba vụ ăn chắc. Biết rằng ngân sách là của huyện nhưng đầu tư cũng phải “trông giỏ bỏ thóc” và anh Trưởng phòng Tài chính ấy đã bỏ thóc đúng chỗ.”

Nghe chuyện, ông Lê Đức Lục, cựu Bí thư Đảng ủy xã Tân Sơn cũng háo hức góp thêm: “Khi đang làm Chủ tịch xã, tôi có đưa tờ trình xuống huyện xin chủ trương đầu tư và hỗ trợ kinh phí để xây dựng trụ sở làm việc của xã Tân Sơn. Hồi ấy, trụ sở xã xập xệ quá. Chúng tôi trình bày rõ xã đầu tư là chủ yếu, nhưng cần có hỗ trợ của huyện mới xong công trình được. Khi làm tờ trình nhiều người hy vọng, nhưng cũng không ít người cho rằng khó “dắt con trâu qua lỗ kim” của chú Thắng Trưởng phòng. Quả đúng vậy, sau khi gặp Chủ tịch huyện trao đổi và được chuyển cho Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu. Tôi chắc mẩm, Chủ tịch phê chuẩn rồi và anh Thắng thấy hợp lý chắc thì anh sẽ xem xét giải quyết. Sau khi đọc xong tờ trình của xã, anh Thắng trao đổi với chúng tôi:

– Xét thực tế, vấn đề xã đề xuất là chính đáng, thiết thực và hợp lý, vì hiện nay, so với các xã trong huyện trụ sở làm việc của Tân Sơn là kém nhất. Cơ sở chỉ có mấy dãy nhà cấp bốn lụp xụp, chật chội, chưa đáp ứng yêu cầu làm việc của cán bộ xã. Song về tính cấp bách và các quy định của pháp luật thì phải xem xét lại, vì nguồn lực đầu tư của ngân sách cấp huyện, cấp xã hiện nay rất hạn hẹp. Kế hoạch vốn đầu tư đã được hội đồng huyện phân bổ từ đầu năm. Mặt khác, nhu cầu về đầu tư xây dựng đường sá, kênh mương phục vụ sản xuất của nhiều nơi trong huyện cấp thiết hơn. Vì vậy, xã thông cảm đợi khi có điều kiện thích hợp chúng tôi sẽ tham mưu”.

Sau khi nghe Trưởng phòng phân tích hợp tình, hợp lý như vậy, chúng tôi vui vẻ ra về. Về địa phương báo cáo lại, một số cán bộ nghe ra, nhưng cũng có người cho rằng chúng tôi trình bày chưa thuyết phục. Dịp đó, nhân ngày lễ, mấy người quen biết anh Thắng bảo nhau đến nhà riêng của anh thử trình bày, nài nỉ tiếp xem sao. Chúng tôi sắm một ít đồ nhắm, đánh đường đến Quỳnh Đôi với bao hy vọng được anh “phá vỡ nguyên tắc”. Khách, chủ uống với nhau chén rượu rất thân tình, nhưng khi đề cập việc này, anh Thắng dứt khoát lảng ra. Không được việc thì buồn nhưng chúng tôi lại thấy phục tính nguyên tắc đúng đắn ấy của anh”. Nghe xong câu chuyện, tôi nghĩ: “Chả trách anh được trên tin tưởng giao cương vị Chánh Thanh tra”.

Công việc thanh tra, quyền to chức trọng nhưng cũng dễ mất lòng và cũng chịu thiệt thòi nhiều thứ. Trước đây làm Trưởng phòng Tài chính là công việc tham mưu, quản lý, giờ đây anh Thắng phải tự quyết định và mỗi quyết định ấy đều liên quan đến sinh mệnh chính trị một con người. Hồ Anh Thắng tâm sự: “Làm sao qua việc thanh tra, chẳng những kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác quản lý mà quan trọng nhất là giúp cho tình hình tốt hơn, có lợi cho sự đoàn kết và phát triển của địa phương, đơn vị”. Kiên định mục tiêu đó, Hồ Anh Thắng thể hiện tốt năng lực nghiệp vụ và bản lĩnh của mình. Bộ phận thanh tra Quỳnh Lưu do Hồ Anh Thắng đứng đầu, theo như đánh giá của Chủ tịch và Bí thư Huyện ủy đã hoàn thành được những nhiệm vụ then chốt trong tiếp dân và tham mưu các vấn đề thuộc quản lý kinh tế, nội chính. Nhiều năm qua, anh đã được cấp trên tặng bằng khen, giấy khen và các danh hiệu thi đua khác.

Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Hoàng Danh Lai nói về cán bộ của mình rằng: “Tôi nghĩ anh Hồ Anh Thắng phấn đấu đạt được những thành tích trong những năm qua, có thể bắt nguồn từ truyền thống quê hương và sự tôi rèn trong khó khăn thời trẻ. Khi đã thành cán bộ nhà nước, anh đã xác định đúng vai trò, trách nhiệm của người đảng viên. Tôi hy vọng với những năng lực như thế, anh còn tiến bước trong sự nghiệp phụng sự nhân dân của mình”.

Còn người dân làng Quỳnh chúng tôi thì ví von: cây lim càng già thì lõi càng chắc, rắn và bền hơn cả sắt thép để nói về một người con làng Quỳnh được Nhân dân yêu mến là Hồ Anh Thắng.

Hồ Ngọc Quang