“Miền Trà Lân trúc chẻ gio bay”
      Khi đến đoạn đường nhìn xuống bên trái thấy dòng sông Lam hờ hững trôi, bạn tôi chỉ ngọn đồi mờ mờ trong sương bên hữu ngạn bảo, kia là phủ Trà Lân cũ. Những người cùng đi ồ lên tiếc hùi hụi, là khi đi qua bản Trầm Hương thuộc huyện Con Cuông không dừng lại ngắm bài thơ khắc trên vách núi của danh sĩ Nguyễn Trung Ngạn. Chúng tôi đang về đất Tương Dương, một huyện hiện đại với những công trình đầy sức cuốn hút như thác thủy điện Bản Vẽ, rừng quốc gia Pù Mát, một Tương Dương lịch sử xa xôi với dày đặc những di chỉ và địa danh lịch sử. Những Đền Ông (có lẽ thờ Lý Nhật Quang), Đền Vạn (thờ Đoàn Nhữ Hài), Miếu Kì, Bãi Voi, Bãi Tập, Bãi Dinh, làng Đong, Làng Rạch và “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ gio bay” của cuộc khởi nghĩa Lê Lợi như còn vang vọng những dư âm chiến trận…

   Tương Dương ngày xưa bao gồm cả huyện Kỳ Sơn và huyện Con Cuông. Năm 1945, huyện Con Cuông được tách ra khỏi Tương Dương và đến năm 1961, tiếp tục tách huyện Kỳ Sơn ra khỏi Tương Dương. Mặc dù vậy, diện tích địa lý của Tương Dương hiện nay vẫn rất rộng, phần nhiều là núi, dốc cao suối sâu, đất canh tác rất ít. Vì ít đất canh tác, có nơi chỉ vẻn vẹn vài héc ta cho dân cả xã cày, cấy , theo các anh ở huyện nói thì đây là một yếu tố khó khăn cho sự phát triển kinh tế huyện. Cả huyện có 154 thôn, bản, có 6 dân tộc Ơ đu, Khơ mú, Mông, Tày Pọng, Thái và Việt cùng sinh sống. Có bản xa trung tâm huyện đến hơn trăm cây số, muốn đến phải vượt qua rất nhiều khe suối đèo núi hiểm trở. Tương Dương có trên 60 cây số đường biên giáp nước Lào, thuộc diện huyện nghèo 30a, không những khó khăn về đất đai, về khoảng cách địa lý mà còn vì trình độ canh tác và những tập tục lâu đời và rất riêng của từng tộc người.

Cổng phủ Tương Dương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương

    Tuy vẫn còn đó những khó khăn của huyện miền núi nghèo, nhưng đất và người Tương Dương đã để lại cho du khách những ấn tượng thật tốt đẹp về những bản làng văn hóa được quy hoạch với dãy nhà sàn mà ánh điện chiếu qua khung cửa sổ làm sáng cả rừng xanh, những cây cầu và những con đường bê tông ngoằn ngoèo đi mãi vào thung lũng xa, lên lưng chừng núi tưởng như nó đã biến luôn thành màu xanh của rừng. Xa xôi cách trở là vậy nhưng Tương Dương đã phấn đấu trăm phần trăm số xã có đường ô tô từ xã lên huyện. Cũng trăm phần trăm số xã có đường bê tông đến tận bản, 18/18 xã, thị có điện lưới quốc gia, 109/154 bản đạt chuẩn Bản văn hóa. Trăm phần trăm số xã có sóng điện thoại, truy cập internet.

Điều đặc biệt là Tương Dương có đến 5/18 xã, thị đạt chuẩn nông thôn mới, ở một đia hình rộng lớn làm đường phải qua nhiều núi cao vực sâu vào tận các bản làng heo hút không phải là đơn giản.

Buổi đầu tiên làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy, anh Lữ Văn May, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy đã phấn khởi nói: “Trải qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp và những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Tương Dương thông thoáng về thông tin liên lạc, họp và giao ban hàng tuần bằng trực tuyến. Bây giờ Tương Dương khá thuận lợi về giao thông. Có quốc lộ 7, 16 và 48c đi qua cùng với hệ thống giao thông nội huyện như đường Cửa Rào – Vẽ – Yên Na – Yên Tĩnh- Hữu Khuông, tuyến Bãi Xa – Tùng Hương, Tam Thái – Tam Hợp, các tuyến vành đai biên giới. Những huyết mạch giao thông này là những cầu nối, là yếu tố quan trọng giúp Tương Dương liên kết kinh tế, giao thương với các địa phương trong tỉnh và cả nước…”

Đường về bản

   Chúng tôi đi về xã Tam Quang, một xã khá xa trung tâm, có nhiều dân tộc sinh sống, là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Con gái vùng này đẹp có tiếng, em gái Thái, Tày Poọng mắt long lanh như nước Nặm Pao.

Xe đi gần đến Huổi Ngôm thì đón thêm một người phụ nữ. Ấy là chị Kha Thị Hiền, Phó Chủ tịch xã Tam Quang. Chị bước lên xe, đứng cạnh hàng ghế đầu, giới thiệu mình sẽ là người dẫn đoàn về thăm xã Tam Quang. Tôi ngước nhìn chị, một phụ nữ trẻ trung, năng động với vẻ đẹp khỏe khoắn đậm chất núi rừng. Chị có nụ cười duyên, tính cách sôi nổi, hài hước và rất khảng khái thì biết ngay đây một cán bộ cơ sở từng trải: “Xã Tam Quang nhà em có diện tích bằng tỉnh Thái Bình, bằng hai huyện Vĩnh Linh gộp lại đấy các bác nhà văn ạ! Từ đầu xã đến cuối xã, dài đến hai chục cây số. Em người Thái, chồng em cũng là người Thái. Chồng em là cán bộ địa chính của xã khác, thuộc cán bộ “hai sáu” nghĩa là sáng thứ hai đi đến tối thứ sáu mới về nhà với vợ con. Các xã trên này cán bộ “hai sáu” không ít vì huyện điều xuống, tỉnh điều về như anh Hồ Xuân Tuyến đây – vừa nói chị vừa vỗ vai Thiếu tá Biên phòng cũng vừa mới lên ngồi cạnh chị – bộ đội Biên phòng tỉnh điều về làm Phó Bí thư Đảng uỷ xã, cắm bản”.

    Xã Tam Quang nếu đi từ Vinh lên thì ở đầu huyện. Xã có mỏ than Khe Bố và là xã có tên trong Vườn quốc gia Pù Mát. Chị Hiền chia sẻ: “Nhà em ở ngay bản Bãi Xa, một bản vừa kỷ niệm 100 năm hình thành. Từ nhà em vào Tùng Hương hơn 16 cây số, bây giờ, xe ô tô khách loại lớn đi vào bản chạy bon bon trên đường nhựa, tắt qua dốc Kẽm chứ trước kia chưa có đường phải đi vòng mất ngót một ngày trời mới đến bản. Em không phải nói quá nhưng đúng là quê em còn đẹp hơn cả Sa Pa nữa”.

   Lên đỉnh dốc này xe phải cài số một bò từ từ. Xe đến dốc Kẽm gần Pù Đăm Sàng. Pù Đăm Sàng đây ư? Tích xưa, vua Lào sai quân lính đưa một con voi chở đầy vàng bạc châu báu  sang cống tiến vua Đại Việt. Chẳng may đến dốc Chuối, voi bị chết. Đồ tiến cống không đến được đích hẹn. Vua Đại Việt không tha lễ, bắt nộp vạ bằng cách bắt đan một con voi tre nứa bằng con voi thật, rồi giao bỏ bạc vàng, châu báu vào đó, cho đến khi  con voi giả ấy đầy ắp đồ quý giá như trước mới thôi. “Pù Đăm Sàng”, tiếng Thái có nghĩa là dốc núi bị vạ bởi con voi chết. Dốc núi đó bây giờ là dốc Chuối gần bản Tam Bông, giữa xã Tam Quang và xã Tam Đình.

   Chúng tôi vào bản Tùng Hương, xưa còn gọi là bản Nặm Xán, bởi bản nằm cạnh con suối lớn cùng tên phát xuất từ Lào, chảy qua bản xuống huyện Con Cuông thì gọi là khe Thơi. Chị Hiền nói, Nặm Xán có nhiều loại cá ngon, đến mùa cá đẻ, cá chen chúc như trấu. Người bản đem rổ ra xúc, ăn chán rồi phơi khô ăn dần. Giá cá rẻ hơn giá măng rừng! Bây giờ nhiều đoàn du lịch tham quan Pù Mát, bao giờ cũng tìm đến Tùng Hương mua đồ vải thổ cẩm và ăn cá mát, đàn ông ra suối tắm tiên và uống rượu cần.

 Ô tô khách 30 chỗ của chúng tôi đậu ngay chân cầu thang của một nhà sàn đầu bản, anh em dạo quanh bản Tùng Hương một lượt, ai cũng thấy cuộc sống nơi đây thật sự khởi sắc, no ấm yên lành. Bản giờ giàu đẹp mà vẫn giữ được bản sắc riêng. Tất cả đều nhà sàn, cột kê, mái ngói. Đường bản láng bê tông tận chân cầu thang của từng gia đình. Dưới gầm sàn thấy dựng đầy xe máy, xe đạp, khung dệt thổ cẩm. Trên nóc nhà, ăng ten chảo tivi sáng bạc. Đặc biệt, trong trong bản vẫn duy trì được 10 hộ chuyên dệt thổ cẩm bán. Chị Hiền kể: khăn, váy áo thổ cẩm dệt bằng tay, nhuộm bằng lá rừng không phai, không độc, khách du lịch đến tham quan Vườn quốc gia Pù Mát toàn ngược thuyền lên tận đây mua cho bằng được. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống này làm cho đời sống khấm khá hơn nhiều so với bà con thuần nông trong bản. Tôi hỏi, khách tham quan đến nhiều không? Chị bảo, đường sá thuận tiện nên khách cũng khá nhiều. Nhờ có sức dân, chỉ trong một năm, cả xã em đã bê tông hoá cơ bản đường nội bản, liên bản và kênh mương. Tôi và chị vào thăm nhà ông già Chiến họ Lô, ông là người có uy tín ở xã là người đi tiên phong trong việc vận động bà con nhân dân quyên góp tiền để xây đường giao thông, kênh mương nội đồng. Ông nói với bà con ai có ít cho ít, ai có nhiều cho nhiều, chúng ta hãy góp sức cùng Nhà nước để làm đường. Làm đường là để ta đi, chứ chẳng ai đi nhiều hơn ta. Nói là làm, riêng gia đình ông cũng đóng góp 2 triệu đồng, hiến hàng trăm mét vuông đất vườn, tham gia nhiều ngày công cùng bà con.

   Chúng tôi đến thăm trưởng bản Lô Văn Thăm. Ông hoan hỉ bắt tay từng người. Bỗng ông nói một câu làm tôi ngạc nhiên tò mò: “Ta và cả người bản này, thích nhất câu nói của ông Bí thư huyện, ông Nguyễn Văn Hải ấy mà, ông ấy nói: “Người miền núi huyện ta bây giờ không lo cái ăn như mấy năm trước nữa mà tập trung lo trồng cây chi, nuôi con chi mà  bán được, lấy được tiền nhiều để tiêu, để sắm các đồ dùng trong gia đình, để con cái được học hành”. Tôi  ngập ngừng hỏi lại ông: “Làm sao bác  biết được được lời ông Bí thư nói như rứa khi bản ta cách trung tâm huyện gần 50 km đường rừng” Ông cười khà khà: “Chả là, Bí thư Huyện ủy thường xuyên xuống thăm dân, xem dân ăn ở như thế nào? Và bày cách để cho dân làm kinh tế gia đình”. Buổi trưa, khi ăn cơm, tôi đem chuyện Trưởng bản Thăm hỏi lại Bí thư Nguyễn Văn Hải, anh cho biết đúng thế, “từ mấy năm nay, học và làm theo Bác Hồ, Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo các đồng chí cán bộ huyện phải thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân. Từ năm 2018 lại nay, để giảm bớt những cuộc họp mời cán bộ xã về huyện họp và tạo điều kiện tiếp xúc với dân bản, chúng tôi đã triển khai đề án giao ban trực tuyến với cơ sở thành công” .Tôi nghĩ, được thế còn gì bằng, các xã miền núi cao có xã cách huyện đến hơn trăm cây số. Nhiều người dân cả đời chưa thấy cán bộ chủ chốt huyện thì giao ban trực tuyến đáp ứng được nhu cầu công tác và lòng dân. Tiếc rằng các huyện miền núi cao và ngay cả các huyện miền xuôi, mới có được một Tương Dương đưa công nghệ thông tin vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Làm đường nông thôn mới ở bản Cành, xã Yên Thắng, Huyện Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương

   Từ Tùng Hương, ngược lên phía Tây chừng 3 km, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Tam Quang. Đây là đồn “sinh sau đẻ muộn” nên được đầu tư lớn so với những đồn biên phòng khác ở 3 huyện liền kề. Nhà nước và các doanh nghiệp đã góp vốn, dân bản trong xã góp sức, xẻ dọc một quả đồi để xây đồn hiện đại, bề thế như hiện nay. Đây là đồn duy nhất được mô phỏng cột mốc chủ quyền biên giới Việt – Lào tại doanh trại. Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng, cho chúng tôi hay: “Năm 2018, đồn về cơ sở mới này. Từ đây, chỉ còn một bản nữa là gặp rừng chập chùng, núi non hiểm trở. Bộ đội tuần tra biên giới, đến “cột mốc” phải mang theo lương thực, nước uống đúng 7 ngày. Đi dọc 20 cây số đường biên giữa ta và nước bạn Lào đó, không có dân, nên tệ di dịch cư trái phép coi như không ngại. Nhưng đường tiểu ngạch giữa rừng âm u đại ngàn thì nhiều. Đó là điều kiện thuận lợi cho bọn xấu vận chuyển ma túy và buôn bán hàng trái phép. Do vậy, chúng tôi phải tăng cường tuần tra bảo vệ, nâng cao cảnh giác, không được lơ là.  Ở đây hoàn thành nhiệm vụ được còn nhờ mối tình quân dân đậm đà như cá với nước, cùng lo toan”.

   Nông thôn mới, đồng nghĩa với dân hết nghèo

    Tương Dương đất rộng thế nhưng tìm một vùng đất bằng cấy được lúa nước thật không dễ dàng gì. Cả huyện mới có hơn một nghìn ha đất nông nghiệp. Tôi đã hỏi  đi hỏi lại con số này nhiều lần nên không thể nhầm lẫn.

Nhưng trời đất rất công bằng, thiếu đất trồng cây lương thực thì đã bù cho cho Tương Dương nhiều khoáng sản và tài nguyên rừng có tính độc đáo vào bậc nhất nước.

Trước hết về khoáng sản, tiềm năng công nghiệp, Tương Dương được thiên nhiên ưu đãi bậc nhất miền Tây Nghệ An về trữ lượng vàng. Dưới đáy sông, suối có trữ lượng đến bảy tấn vàng sa khoáng. Những con số này được phản ánh trong nhiều tài liệu. Vàng sa khoáng tập trung nhiều nhất ở khe suối vùng xã Yên Na.  Ngồi uống nước, tâm sự họ chẳng giấu. Trong bản có nhà đã thu được hàng cân vàng cám. Thật ra, Tương Dương còn 3 loại vàng khác nữa cũng giá trị không kém, đó là “vàng trắng”, “vàng đen” và “vàng xanh” mà nói ra chắc nhiều người sẽ ghen tỵ. Ấy là thuỷ điện, than đá và trữ lượng gỗ đều vào hàng nhất tỉnh nhà.

Theo anh Vi Hợi, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân nhân huyện thì tính đến nay, trên địa bàn đã có 5 cơ sở phát điện bằng thuỷ lực. Lớn nhất là Thuỷ điện Bản Vẽ, trên dòng Nậm Nơn. Công trình này sau 7 năm khẩn trương xây dựng, đến năm 2010 đã hoà vào mạng lưới điện quốc gia với 320MW, đứng thứ 3 trong hệ thống thuỷ điện toàn quốc. Lớn vì dung tích hồ chứa tới 1,8 tỷ mét khối nước, tổng mức đầu tư trên 6000 tỷ đồng.

Tôi đã có lần bồi hồi, sợ run người, khi đứng trên đỉnh đập ngăn sông của Thuỷ điện Bản Vẽ (chiều cao đập 206m, rộng 7m) rồi man mác nhớ lại dưới đáy hồ này trước đây đã từng là bản Vẽ với gần 50 nóc nhà, nơi tôi đã từng được uống rượu cần những năm trước khi chặn dòng Nậm Nơn.

Với bản Vẽ, tôi đã có dịp lên đây nhiều lần, ăn nghỉ và chui khắp xó xỉnh của bản. Vài lần được ngồi trên chiếc thuyền độc mộc dạo chơi trên dòng Nậm Nơn mát lạnh, giữa bát ngát trăng thanh. Cũng có lần may mắn được ngồi câu cá, uống rượu với già làng Lương Văn Phượng.

    Lần này trở lại huyện tình cờ tôi lại gặp ông. Ông Phượng vẫn khoẻ mạnh, vui tính như xưa nhưng trông khuôn mặt nhiều nếp nhăn hơn. Trong mấy trăm hộ về tái định cư ở huyện Thanh Chương, ông là người lưu luyến bản cũ nhất .Ông nói: “Mặc dù Nhà nước xây nhà cho, được hưởng chính sách ưu đãi nữa, nhưng tôi và mấy hộ thân quen vẫn nhớ bản, nhớ rừng nên “trộm phép cán bộ Nhà nước về lại”. Ông xởi lởi nhắn tôi, dịp này lên nhà “bé” để ta kể hết nỗi niềm chất chứa trong bụng bấy lâu nay, khi bản ta đã chìm dưới đáy hồ rồi mà”. Tôi nhận lời nhưng vì đi với đoàn đành chịu thất hứa. May mà hôm đó tôi kịp giải thích với ông: “Trong số 3 nghìn hộ dân với 14 nghìn khẩu đã hy sinh quyền lợi bản thân mình vì tương lai của đất nước, ai cũng thiệt thòi cả mà không về bột phát như ông!” Nghe vậy, tôi thấy ông đứng lặng vân vê tà áo trong giây lát, có lẽ lòng ông đang bối rối, khó xử…

Lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương

   Ngoài Thuỷ điện Bản Vẽ, trên đất Tương Dương còn 4 cơ sở khác cũng đã phát điện: Khe Bố, Xoóng Con, Nặm Nơn và trên dòng Nậm Mộ có thêm thuỷ điện Bản Ang cùng nhiều dự án thuỷ điện nhỏ khác, cũng sắp phát điện. Có thuỷ điện tạo ra nhiều lòng hồ, đây là điều kiện thuận lợi để bà con phát triển nghề nuôi trồng thuỷ, đánh bắt thuỷ sản. Rõ ràng Tương Dương đang có lợi thế rất lớn về diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Với diện tích mặt hồ trên 10 ngàn héc ta, cùng với kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi trồng, đánh bắt của các hộ dân đã quen với cuộc sống sông nước, sản lượng cá thương phẩm hàng năm cung cấp cho thị trường trên 100 tấn đã tăng thêm nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương.

   Chúng tôi đi trên hồ Thuỷ điện Bản Vẽ, ghé vào các nhà bè nuôi cá lồng của các gia đình ở Lượng Minh, Yên Na, Hữu Khuông. Họ vừa nuôi, đánh bắt cá trên hồ vừa chăn nuôi trâu, bò, dê, gà. Có thể kể đến hàng trăm nhà bè nuôi cá, với hàng nghìn con trâu bò đang mải mê gặm cỏ trên những triền đồi ngát xanh in bóng trên mặt hồ mênh mang. Ngồi trên thuyền mà ngắm nhìn những con lợn lai rừng, lợn đen địa phương chờ ngày xuất chuồng nằm ngổn nghện, con nào, con nấy béo núc ních, nặng sáu, bảy chục cân; Đàn trâu, bò bụng căng tròn nằm nghỉ dưới tán cây xanh, hay bầy trắm trắng, trắm đen… thi nhau đớp mồi. Cũng như tôi, nhiều anh em không muốn rời xa hồ nước mênh mang này.

Theo anh Thắng, trú tại Bản Vẽ, xã Yên Na, một lái thuyền chuyên nghiệp trên hồ thuỷ điện thì chỉ cần có khách yêu cầu là hàng trăm con gà, lợn, dê, bò… cùng vài tạ cá sẽ được phục vụ tận nơi. Nhìn những người nông dân dùng máy xay xát để chế biến thức ăn cho đàn bò, đàn cá, tôi ngạc nhiên lắm. Chị chế biến thức ăn chăn nuôi cho tôi biết: các khâu từ chế thức ăn, chăm sóc thú y, cho đến chất lượng sản phẩm bán ra thị trường đều phải đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm. Bước đi trên những con đường phẳng lì của gia trại, dưới bóng cây xanh, chúng tôi thấy cái dìu dịu của đất trời sang thu. Trước mắt tôi màu xanh lan mãi, nối với màu xanh thẫm của núi rừng đại ngàn hùng vĩ.

   Sau vàng sa khoáng, thuỷ điện là rừng. Xưa kia Tương Dương giàu gỗ, hàng năm khai thác hàng chục nghìn mét khối gỗ tròn. Bây giờ huyện được nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Khu bảo tồn này gồm 12 xã, (trải rộng từ Quế Phong, qua Quỳ Hợp đến Con Cuông và Tương Dương). Trong 12 xã đó thì Tương Dương có 4 xã (Nga My, Yên Hoà, Yên Tĩnh và Hữu Khuông). Tổng trữ lượng gỗ của rừng thuộc khu bảo tồn này lên tới trên 3 triệu mét khối gỗ quý, chưa kể tre nứa và nhiều lâm sản khác. Về động thực vật đã thống kê được 612 loài thực vật và 291 loài động vật có xương sống.

Thế là giàu nhưng Tương Dương còn có chung Vườn quốc gia Pù Mát với 2 huyện Anh Sơn và Con Cuông nữa. Vườn quốc gia này tổng diện tích tới 194 nghìn héc ta (hai xã của Tương Dương nằm trong vùng dự án là Tam Quang và Tam Hợp). Động thực vật ở khu bảo tồn này còn phong phú hơn cả Pù Huống. Vậy là, Tương Dương đã từng một huyện trước đây giàu nguồn gỗ thì bây giờ vẫn còn vốn rừng được Nhà nước chung tay bảo vệ. Nguồn vàng xanh vì thế còn cất giữ được đến hàng trăm năm sau.

Rừng săng lẻ ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương

   Tương Dương đúng là vùng đất giàu đẹp, địa thế rộng rãi, xứng là nơi đặt phủ lỵ cho cả 3 huyện miền núi cao Tây Nam xưa. Còn ngày nay, huyện này với thị trấn Hoà Bình rất trẻ, cũng là nơi trù phú và hào phóng như thế. Bây giờ Tương Dương đã khởi sắc mọi mặt thì cũng cần thông tin, báo tin cho bầu bạn xa gần xa chung vui. Tôi không thể nào quên những năm trước đây, tại thời điểm ấy tuy đã có những bước tiến dài nhưng có thể nói toàn bộ hệ thống giao thông của huyện đều trong tình trạng đường đất nhão nhoét về mùa mưa, khô bỏng trong mùa gió Lào. Do nạn thiếu lương thực, hầu hết diện tích rừng đều bị cạo trọc. Người ta đã đốt rừng làm rẫy, tập trung cho cây có chất bột, lo cái ăn nuôi sống con người đã. Tôi nhớ như in, phóng viên báo, đài về xã nào, bản nào thì ăn “ghé” vào suất ăn ít ỏi của cán bộ cơ sở. Rất quý khách nhưng nhà các anh gạo không nhiều. Gạo dành để ưu tiên cho người già, trẻ con và người ốm. Cán bộ và khách quý thì ăn sắn luộc trừ bữa hoặc độn gạo với ít nếp rẫy rồi đem bỏ cối giã nhuyễn ra, cầm tay vắt chấm muối vừng. Thế cũng là quý lắm rồi. Có lần đi về đây công tác, tôi mang theo xe đạp, phải vác nó mấy cây số liền vì dốc trơn đất nhão, lốp xe bị bùn dính chặt, lật ngửa lên cầm càng quay, hai bánh vẫn rin rít, nhúc nhích rồi nằm yên.

   May thay nhà nước có Chương trình 135, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cho các xã vùng sâu, vùng xa cả tỉnh. Cứ mỗi bản, mỗi năm được Nhà nước đầu tư 500 triệu đồng để kiến thiết trường học, công trình nước sạch, trạm xá và nâng cấp đường giao thông. Sức dân thì sẵn, vấn đề là có “cơm, thịt” và tổ chức họ lại để thành sức mạnh mở đường. Do vậy hàng năm, Tương Dương đã huy động hàng chục vạn ngày công, mở hàng nghìn cây số đường. Sau này có điều kiện thì thuê máy húc, nổ mìn nhưng vẫn kết hợp lao động chân tay, vẫn phải động viên sức dân xúc, cáng, lăn đá đổ đi. Vì vậy, bản nào dù xa đến mấy đường bê tông cũng đến chân cầu thang của từng gia đình.

Hoà nhịp với ở miền xuôi sản xuất đủ nhu cầu lương thực nhờ giống mới và thuỷ lợi, đã chở lên miền ngược cung cấp, trao đổi, hỗ trợ cái ăn cho miền Tây. Thế là nhu cầu căn bản nhất của bà con dần dần được giải quyết, nạn đói được đẩy lùi, ấm no, văn minh lấn tới. Đến hôm nay, vùng đất Tương Dương căn bản đã giải quyết được nhu cầu cái ăn, cái mặc, chữa bệnh, học hành. Riêng nhu cầu lương thực, nhờ bà con bán được những hàng hoá quý, có tính đặc sản từ vật nuôi cây trồng, nên nhà ai cũng cơm trắng, đủ các thứ gạo quê,  gạo Thái Lan, chẳng ai còn ăn độn.

   Nhờ các trục đường lớn và đường chính trong thôn theo phương châm “Nhà nước và dân cùng làm”, bà con các bản đã đóng góp 60.000m3 cát sỏi, huy động 200.000 ngày công và đóng góp 85 tỷ đồng để tự làm trên 100km đường bê tông trong bản, bây giờ xe ô tô chạy đến trung tâm các xã và bản không cần phải xuống xe đùn đẩy, kể cả mùa mưa như trước. Ban đêm, điện lưới thắp sáng mọi nhà. Vào bản thấy hàng hóa bày bán tận ngõ, thật tiện lợi, trông chẳng khác mấy miền xuôi. Giao thông chẳng những giúp cho sự đi lại thuận tiện mà còn là đòn bẩy phát triển sản xuất hàng hoá và nối kết các nơi xích lại gần nhau.

Đang nói về đề tài nông thôn mới, tôi hỏi vui Chủ tịch huyện Phan Đức Sơn: “Tiền đâu để trong một thời gian chưa dài, huyện xây dựng nông thôn mới nhanh và hiệu quả như vậy?” Anh Sơn nở nụ cười, khiêm tốn: “Về kinh phí, huyện đã chắt chiu, lồng ghép nhiều chương trình, dự án kết hợp với nhau, cộng thêm sự đóng góp của người dân. Bằng cách đó, có thể nói, tính đến bây giờ, huyện Tương Dương là một trong những huyện miền núi ít nợ tiền sau xây dựng nông thôn mới”.

Nhấp chén trà thơm, nóng, anh nói tiếp: “Mặc dù sự đóng góp của nhân dân địa phương là quan trọng nhưng chúng tôi đều nhận thấy sự đổi mới của Tương Dương hôm nay không tách rời khỏi sự đổi mới chung của cả nước và của tỉnh Nghệ An. Bởi suy cho cùng nguồn lực chủ yếu của dân cũng bắt nguồn từ nông nghiệp phát triển. Mà nông nghiệp thì không có sự chỉ đạo, đầu tư của tỉnh thì khó thành. Nhân tiện đây, tôi chia sẻ với các anh vài nét mới của lĩnh vực này. Như các anh biết, Tương Dương ít đất bằng nhưng kỹ thuật làm ruộng nước rất cừ. Năng suất lúa của huyện bây giờ bình quân đạt  xấp xỉ 60 tạ trên héc ta, ngô  cũng gần 27 tạ héc ta.

    Ngoài ra, còn nhiều cây con làm hàng hoá trong nông nghiệp xuất hiện. Chẳng hạn, mô hình trồng chanh leo ở Nhôn Mai, Hữu Khuông đang phát huy hiệu quả, khẳng định được là cây xóa đói giảm nghèo. Tương Dương đã và đang có sự kết hợp nhuần nhuyễn của 3 nhà (nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp) thành thế chân kiềng vững chắc. Điển hình là việc đưa giống lúa mới vào thí điểm ở Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái năng suất vượt trội 7 – 8 tấn mỗi héc ta. Giống ngô cũng vậy. Hiện nay, Tương Dương đang chuyển hướng phát triển mạnh cây ngô, với những giống mới chịu hạn, chịu rét tốt, năng suất cao như CP888, CPA88. Từ đó đã mở ra con đường thâm canh, quy hoạch tập trung vùng chuyên canh ngô chất lượng cao trên 3.500ha để thay thế cây lúa nương. Hiện nay ngô hàng hoá dễ bán hơn lúa, nhà nước còn nhập hàng chục nghìn tấn ngô, còn ở đây thì dùng cho chăn nuôi hiệu quả lắm. Ngoài ra với tính năng động của bà con, đã xuất hiện nhiều cách làm, nhiều cây con tiến bộ lắm, chẳng hạn: Mô hình trồng rau an toàn bằng nhà lưới ở bản Lau, bản Mác. Các xã Thạch Giám, Tam Hợp đi đầu trồng chè. Chỉ riêng bản Xám Ngả tạo được vùng chuyên canh chè đặc sản, trên 10 ha cho thu nhập ổn định rồi.  Giống chè quý Shan Tuyết đã được đầu tư trồng nhiều ở làng Thanh niên lập nghiệp Tam Hợp, diện tích khá lớn trên 300ha. Ít năm nữa, đấy sẽ là nơi có sản lượng chè đặc sản lớn nhất miền Tây này đấy. Ngoài ra còn các loại đầu tư rẻ và rộng khắp nữa như bí xanh, gừng, nghệ, khoai sọ trồng khắp nơi, nhất là ở Lưu Kiền. Các loại rau sạch như cải ngọt, cà chua múi to, súp lơ xanh, đã nức tiếng vang xa, không chỉ trong tỉnh mà đã ra đến thủ đô, đã len chân vào trong các siêu thị lớn ở thành phố Vinh, Hà Nội. Ít năm nữa, các anh lên đây chắc sẽ thấy Tương Dương đổi thay nhiều hơn”.

Xuống bản làng chúng tôi được biết trước khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới các anh lãnh đạo huyện đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, đã chỉ đạo Ban tuyên giáo Huyện ủy chủ trì biên soạn nội dung “Hỏi đáp về chương trình, ý nghĩa, tác dụng đến với người dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới của huyện Tương Dương”, in ấn và xuất bản 1000 cuốn làm sổ tay tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền cung cấp đến các bản làng, thôn xóm đọc qua người dân rất phấn khởi ai cũng hăng hái làm theo. Thật là một cách làm sáng tạo để đạt mục đích như hiện nay.

         Bản làm du lịch sinh thái

 Nếu Tam Quang là xã đầu huyện thì Lưu Kiền là xã cuối huyện, giáp Kỳ Sơn. Sau khi cắt một nửa cho xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn), xã này còn các bản: Khe Kiền, Xoóng Con, Lưu Thông, Lưu Phong, Con Mương.

Chúng tôi đến bản Lưu Thông đầu tiên vì đây là bản người Mông duy nhất của huyện và được công nhận làng văn hoá sớm, nhân dân có đời sống ổn định. Bản này trước năm 1993 ở trên dãy núi Pù Quặc (Kỳ Sơn) quanh năm mây phủ, chuyên trồng cây thuốc phiện sinh sống.

Tôi nhớ dân bản Lưu Thông xuống núi khi có dự án “không sáu” của Chính phủ chuyển đổi cây thuốc phiện bằng cây trồng, vật nuôi mới.  Nhờ vậy, bà con có điều kiện di cư xuống núi, theo dự án. Đấy là một cuộc đổi đời, đổi tập quán hàng nghìn năm bởi người Mông vốn ở lưng chừng núi khác với dân Thái ở chỗ thấp gần sông suối. Tình cờ tôi đến đây khi 35 hộ, 295 nhân khẩu, những con người đầu tiên bổ nhát cuốc dựng bản, dựng mường.Vậy là sau một thời gian, những người Mông ở đây đã chứng minh: Nhà nước đúng, bản thân may mắn, khôn ngoan. Họ có cuộc sống đổi thay: Đường bản đã bê tông hoá, nhà cửa tường xây mái ngói, phương tiện đi lại bằng xe máy, xe đạp, nước sạch dẫn đến từng nhà, nhà dân làm nhà dọc theo hai bờ suối nước chảy quanh năm trông rất thơ mộng, hữu tình, dân bản sinh hoạt trong nhà văn hoá khang trang, có đủ tiện nghi.

  Theo như Trưởng bản Vừ Dống Nênh, thì bản Lưu Thông bây giờ đã có 54 hộ, nghề chính của bà con vẫn làm rẫy, nuôi cá, mỗi hộ có một ao cá đủ ăn quanh năm, ngày Tết và các ngày lễ còn có bán lấy tiền nữa. Nhưng nhờ gần quốc lộ nên sản phẩm làm ra bán thuận lợi. Hàng hoá nhiều nhất có 2 mặt hàng: bí xanh và khoai sọ. Nhiều hộ thu hoạch được vài tấn củ quả, bán cho khách miền xuôi, nhất là dịp áp tết Nguyên đán. Ngoài ra còn trồng mét, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà… Nhà ông trưởng bản hiện nuôi tới trên hai chục con trâu, bò. Con trai cả mở cửa hiệu sửa chữa xe máy ngay trong bản, cuộc sống dư giả, có tiền mua sắm tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

  Đựợc biết hiện nay, người bản Lưu Thông đã tiến bộ vượt bậc, nhiều tập quán xưa khi ở trên Pù Quặc đã thay đổi. Ví như tục cưới hỏi, tục bắt vợ. Bắt được vợ rồi, gia đình nhà trai mới đến “trả lỗi” với họ gái, rồi nộp tiền cọc và làm lễ cưới, làm lễ nhập họ. Thì nay đã hoàn toàn khác, đám cưới tương tự như người Thái. Hay như trong đám ma người chết đã thay đổi căn bản. Trước đây, khi có người qua đời, người ta đặt người chết trên tấm ván, dùng vải trắng quấn quanh chỉ để hở mặt. Rồi trưởng họ bắn loạt súng, báo hiệu trong họ có người chết. Khi mổ lợn cúng xong, các con cháu, phải “giả bón cơm, thịt” bằng cách chấm môi cho người qua đời. Thi hài có khi quàn tại nhà đến 5, 6 ngày, chờ ngày lành mới chôn cất. Khi chôn người ta khênh luôn cả tấm ván (không có hòm). Lúc đặt xuống lỗ lấp đất, mới ghép thêm ba tấm ván nữa thành chiếc hòm đơn sơ. Nói chung tốn kém và mất vệ sinh. Nay về bản mới này, những hủ tục đó đã được bãi bỏ. Đặc biệt, một bản trước đây nghề chính là trồng cây thuốc phiện, có rất nhiều người nghiện, đến nay tất cả đều cai nghiện thành công.

   Buổi trưa, anh Vi Hợi đưa chúng tôi tới bản Xoóng Con, một bản dân tộc Thái đông đúc, có tới 216 khẩu, canh tác trên 3 ha ruộng nước, và làm thêm nương rẫy, trồng nhiều cây gừng làm hàng hoá. Ông La Văn Bốn, Trưởng bản, cho hay: “Mỗi năm, một hộ có thể bán từ 3, đến 4 tạ gừng tươi cho khách dưới xuôi lên. Đặc biệt, văn hoá của người bản đã được chú trọng, nâng cao. Bây giờ người bản đã có nhiều con em đi học cấp ba, đi đại học, đi ngành, nghề”.

Xoóng Cọn có bãi tắm Văng Phột. “Văng-Phột” nghĩa là vực nước sâu có sủi bọt như sôi. Bãi tắm kéo dài dọc theo khe Kiền. Nét đẹp của suối là hai bên bờ và giữa dòng có nhiều khối đá hình thù kỳ dị, láng đen như con voi, con trâu đằm, bên bờ có nhiều tán cây cổ thụ đầy tiếng chim.

Ông Lô Văn Quỳnh, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết:  “Xã chưa thu lệ phí bãi tắm này. Những lán nghỉ trưa dọc suối là của tư nhân làm. Mùa hè có hàng trăm người đến đây tắm mát chủ yếu khách từ Thị trấn Hòa Bình, thậm chí nhiều người dưới Vinh cũng lên đây nữa.”

Chính sự hoang sơ nơi đây đã hấp dẫn du khách. Chúng tôi đã được ngồi trong các lán nứa, lợp lá cọ, tắm suối, chụp ảnh trên tảng đá lớn bên cạnh gốc cây cổ thụ, ăn cơm lam với món thịt nướng, cá măng, cá lăng nướng, và xôi nếp rẫy, uống rượu cần. Được xem các cô gái Thái múa những điệu múa dân tộc Thái với những nụ cười để lại nhiều đắm say cho du khách.

Vẻ đẹp điểm đến Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương

Đêm giã bạn

  Từ Xoóng Con chúng tôi đi Xá Lượng, Cửa Rào. Cửa Rào là địa danh nổi tiếng cả nước. Đây là vùng hợp lưu của hai con sông Nậm Mộ (nước đỏ) và Nậm Nơn (nước xanh) tạo thành dòng Lam chảy về xuôi. Khi chưa dời thị trấn Tương Dương về vùng Hoà Bình hiện nay thì vùng Cửa Rào của Xá Lượng là nơi đô hội bởi đây là nơi trị sở của nhiều thời đại phong kiến.

Trong sân Đền Vạn, thoáng có vài người dân đến dâng hương buổi chiều. Đền đã nhiều lần trùng tu, vào năm 2009, tỉnh Nghệ An công nhận đền là Di tích lịch sử – văn hóa. Ngôi đền 3 gian tọạ lạc trên ngọn đồi thoai thoải, bên tả là sông Nậm Nơn, bên hữu là dòng Nậm Mộ, lưng tựa núi cao, mặt nhìn ra chỗ hợp lưu dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ. Trên vùng đất hội tụ phong thuỷ này, có nhiều cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. Phía sau đền trên khoảng đất rộng là nơi diễn ra những phần hội của Lễ hội Đền Vạn được tổ chức vào ngày 20 -21 tháng Giêng. Tại đây huyện đã cho dựng mô hình 6 kiểu nhà truyền thống đại diện cho 6 dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất Tương Dương.

Qua cầu Treo vào bản Khe Ngậu. Đây là bản dọc sông Nậm Mộ, mái ngói nhà sàn bằng gỗ, kề nhau thấp thoáng dưới bóng dừa rất thơ mộng. Tại Trường Cấp II Xá Lượng, còn có di tích cổng phủ Tương Dương xưa. Rễ cây đa phủ lên cổng rêu phong, cổ kính. Ai cũng trầm trồ khi thấy bức ảnh quý của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh – chụp chiếc cầu tre dân quanh vùng bắc tạm để Vua Bảo Đại sang sông vào thăm phủ, năm 1936.  Phủ lý xưa ở bên  tả ngạn, từ đường cái quan muốn qua phủ phải đi bằng thuyền. Khi vua đến, nhân nhân các dân tộc ở đây đã chặt gỗ , tre, mét làm cầu bắc qua sông Lam để rước vua qua sông thăm phủ Tương Dương

Sau này không để 2 bờ cách trở, huyện Tương Dương quyết định vận động nhân dân đóng góp kinh phí bắc cầu treo Cửa Rào để thông với các xã vùng trong. Kết quả không ngờ, người dân đã góp được 18 cây vàng. Trải qua nhiều lần nâng cấp, cầu treo Cửa Rào hiện nay đã hiện đại, xe tải hạng nặng chạy qua được. Qua cầu có hai nhánh rẽ – về Thuỷ điện Bản Vẽ và sang các huyện lân cận mạn Tây Bắc hay êm thuận về xuôi.

Đứng trên cầu treo vào bản Ngậu, anh Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện uỷ trao đổi với tôi: “Đội ngũ cán bộ Tương Dương bây giờ đã được nâng cao và theo xu hướng  trẻ hoá. Theo khảo sát, gần 100% cán bộ cơ sở có trình độ đại học và trên đại học, trong đó đội ngũ cán bộ trẻ chiếm trên 70% tổng số cán bộ cả huyện, chủ yếu là tốt nghiệp đại học chính quy. Họ tuy còn trẻ, dưới 40,  nhưng được tôi luyện từ thực tiễn cơ sở. Bằng cách kết hợp kiến thức được đào tạo chuyên môn, với  kinh nghiệm cán bộ lớp trước đã tạo nên một thế hệ lãnh đạo và quản lý  mới, vừa sáng tạo, dám nghĩ, dám làm lại vừa tận tâm, tận lực với công việc, với nhân dân. Đấy chính là một đảm bảo để Tương Dương phát triển bền vững trong tương lai”.

   Tôi muốn hỏi các anh về tình hình xây dựng nông thôn mới, bởi ở miền núi khó nhất là hai tiêu chí: Mức thu nhập cao so với mức bình quân trong vùng và xây dựng đường giao thông nông thôn. Đa số xã miền núi mắc về “hai dốc đứng” này. Anh Hải phấn khởi cho biết: “Nhờ hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt bình quân từ 7 – 8%, thu nhập bình quân đầu người trên 29 triệu đồng mỗi năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt trên 19 – 20 ngàn tấn, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập từ 50 -200 triệu đồng mỗi năm nên “cái dốc” tiêu chí thu nhập cũng nhiều nơi bảo đảm rồi. Giao thông thì nhờ sự hỗ trợ về xi măng của tỉnh, người dân hăng hái hiến đất, đóng góp ngày công, cơ bản đã đạt chuẩn như anh biết, nên đã có 4 xã về đích nông thôn mới. Cụ thể là, ở các xã Thạch Giám, Tam Thái, Tam Quang, Tam Đình và cuối năm 2019 này, sẽ có thêm xã Xá Lượng nữa”.

Chúng tôi chia tay nhau trong đêm Xá Lượng. Đêm cuối đoàn ở Tương Dương, xã Xá Lượng đã tổ chức liên hoan giã bạn. Người nổi trống cho điệu nhảy giã bạn của người Thái là anh Thắng, Bí thư Đảng uỷ. Hôm qua đến bản Mác tôi cũng đã gặp chị Vi Thị Bích Thuỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Thạch Giám, hôm đến Tam Hợp gặp anh Lê Hồng Thái, Bí thư Đảng uỷ xã và một số cán bộ trẻ ở Xiềng My, Yên Thắng đều có trình độ thạc sỹ, tôi nghĩ thầm Tương Dương khởi sắc một phần nhờ đội ngũ cán bộ có trình độ cao ngày càng nhiều như thế này.

 Đậm sắc màu bản làng nhất là múa sạp rộn ràng, sôi nổi, dồn dập. Điệu lăm vông thu hút được tất cả mọi người, anh Nguyễn Văn Hải, Phan Đức Sơn- Chủ tịch Uỷ ban nhân huyện cùng tất cả các lãnh đạo huyện đều hoà cùng với bà con dân bản, với đoàn chúng tôi trong điệu múa nhịp nhàng hòa với tiếng cồng chiêng ngân cao như lên tận đỉnh núi. Một không khí chan hoà, ấm áp, xoá nhoà khoảng cách giữa khách và chủ, mọi người say sưa trong điệu múa, câu hát mà quên đi sương núi đang rơi nặng hạt, trời đã dần về khuya. Cuộc vui nào cũng đến lúc chia tay, những cái ôm nồng chặt, những cái bắt tay lưu luyến hẹn ngày gặp lại. Khách ai cũng bồi hồi, rưng rưng. Lên xe đoàn chúng tôi đều cùng một cảm nghĩ có lên đây vào tận bản làng mới thấu hiểu được cái tâm của người cán bộ nơi đây đối với nhân dân như thế nào, thấy được đội ngũ cán bộ trẻ của Tương Dương bây giờ được nhân dân tin tưởng làm thay đổi diện mạo quê hương mình. Ông Đỗ Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, về đây thăm và làm việc, đã phấn khởi khẳng định: “Những năm gần đây cán bộ và đồng bào các dân tộc anh em đã xây dựng Tương Dương được như bây giờ, thật là một sự là điểm sáng nỗi bật lên so với các địa phương miền núi cao, trên phạm vi cả nước”

       Tình đất, tình người Tương Dương ấm nồng, như men rượu cần, càng uống càng êm, vị ngọt cứ quấn quýt mãi nơi đầu lưỡi. Tạm biệt Tương Dương, tình dài như dòng Nậm Nơn xanh trong.

Hồ Ngọc Quang

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 1/ Bộ mới)